Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP BẢY

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BẢY
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ sáu: Sơ minh tánh. Thứ nhất là giảng về tánh. Đây là tên gọi của tiểu đoạn này. Dưới đây là đoạn văn trong lời tựa, đoạn thứ nhất giảng về tánh.

Tựa: Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược, phi thanh, vô bối, vô hướng, đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả, kỳ duy tự tánh dư?

Diễn: Linh minh nhị cú thị thuần chân, phi trược nhị cú thị tuyệt vọng.

Tựa: Linh giác sáng suốt, thấu triệt rỗng rang, trong trẻo, tĩnh lặng, thường hằng, chẳng đục, chẳng trong, không trái nghịch, không hướng về. Chân thể lớn lao thay. Chẳng thể nghĩ bàn được.

Chỉ có mình tự tánh đấy chăng?

Diễn: Hai câu linh minh là thuần chân, hai câu phi trược là dứt vọng. Một tác phẩm văn chương hay phải hội đủ bốn điều kiện là giản, yếu, tường, minh, tức là phải đơn giản, nói lên được những điều trọng yếu, cặn kẽ, rõ ràng. Trong văn chương của Liên Trì Đại Sư, hai câu này hội đủ ý nghĩa ấy, thật sự phù hợp với tiêu chuẩn ấy.

Có rất nhiều đồng tu thường nghĩ: Chúng ta phải nên học thể loại văn chương văn ngôn ra sao?

Đọc Sớ Sao là được rồi, đây là tác phẩm văn chương bậc nhất. Trong đoạn lớn này, tiểu đoạn thứ nhất nói về thuần chân, tức chân như bổn tánh.

Tiểu đoạn thứ hai, trong thuần chân không có hư vọng. Tiểu đoạn thứ ba, đại tai chân thể chân thể lớn lao thay, đấy là lời tán thán, cũng nhằm tán thán chân thể đã được nói trong đoạn trên. Câu cuối cùng là quy kết. Trong phần này có bốn tiểu đoạn rõ rệt.

Diễn: Linh minh thị chiếu đỗng triệt, ngôn thử chiếu thể hoành biến thập phương. Trạm tịch thị tịch thường hằng, ngôn thử tịch thể thụ cùng tam tế, tức Lăng Nghiêm sở vị thường trụ diệu minh bất động châu viên dã.

Diễn: Linh minh là chiếu thấu suốt, rỗng rang, ý nói thể của chiếu theo chiều ngang trọn khắp mười phương.

Trạm tịch là tịch luôn thường hằng, ý nói thể của tịch theo chiều dọc tột cùng ba đời, tức là như Kinh Lăng Nghiêm dạy: Tánh sáng mầu nhiệm thường trụ, bất động mà viên mãn trọn khắp. Ý nghĩa này có mức độ khá sâu, vì nói đến chân như bổn tánh, có thể nói là giảng về lý thể rốt ráo.

Linh minh đỗng triệt: Câu này nói về đại dụng vốn sẵn có trong bản thể.

Ở đây, Đại Sư nói: Thử chiếu thể hoành biến thập phương. Thể của chiếu ấy theo chiều ngang trọn khắp mười phương.

Nói về điều gì vậy?

Nói về tác dụng của sáu căn. Mắt chúng ta có thể thấy trọn khắp pháp giới, tai chúng ta có thể nghe trọn khắp pháp giới, đấy là hoành biến thập phương theo chiều ngang trọn khắp mười phương. Sáu căn có công năng rộng lớn như thế. Hiện thời nghe nói có những người có tiểu thần thông, nhưng những thứ thần thông ấy chẳng đáng coi là lạ.

Thiên nhãn. Thiên nhĩ, và tha tâm thông của họ đều khá hữu hạn. Ở đây, sách Sớ Sao nói tới những điều không có hạn lượng, vô lượng, vô biên, đúng là thần thông rộng lớn.

Những năng lực rộng lớn ấy đều sẵn đủ trong bản thể của mỗi người chúng ta, chứ không phải từ bên ngoài mà có. Ai nấy đều có, nhưng rất bất hạnh, chúng ta tuy có, hiện thời đã biến thành chẳng có.

Hiện thời chẳng có không phải là nói thật, mà là nói phương tiện, vì sao?

Hiện thời vẫn có, tuy có, nhưng chính quý vị chẳng thể cảm thấy, chẳng biết là chính mình có, giống như là không có vậy. Chuyện là như vậy đó, chứ không phải là thật sự mất đi. Nếu thật sự mất đi, sẽ chẳng gọi là chân.

Như thế nào mới có thể gọi là thuần chân?

Đấy là nói rõ sự thấy, nghe, hay, biết của chúng ta theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời, đấy là bổn năng năng lực sẵn có của chúng ta, nhà Thiền gọi nó là bổn lai diện mục mặt mắt sẵn có, diện mạo chân thật. Tu học trong Phật Pháp không gì chẳng nhằm khôi phục bổn lai diện mục của chính chúng ta mà thôi.

Trong Phật Pháp quyết định chẳng có mê tín, chẳng có những thứ cưỡng ép kèm theo. Phật Pháp là muốn tìm được bổn lai diện mục của chính mình. Phật Pháp là tự ngộ, tự tu, tự chứng. Ngay như pháp môn Tịnh Độ được gọi là nhị lực pháp môn, điều chủ yếu nhất vẫn là dựa vào chính mình.

Nếu hoàn toàn dựa vào người khác, rốt cuộc nhất định xôi hỏng bỏng không. Ở đây, Đại Sư dẫn dụng Kinh Lăng Nghiêm vì Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng.

Tôn Giả A Nan có quan hệ mật thiết với Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng Tôn Giả A Nan có thể dựa dẫm Thích Ca Mâu Ni Phật hay chăng?

Ngài A Nan tự nghĩ: Phật là anh lớn của ta, là chỗ dựa tốt nhất. Kết quả chẳng được gì, không thể dựa dẫm được, nhất định phải cậy vào chính mình. Hiểu rõ đạo lý này, quý vị mới biết hết thảy ngoại đạo trong thế gian vẫn dựa dẫm, ỷ lại thần minh, dựa dẫm Thượng đế, rốt cuộc nhất định xôi hỏng bỏng không. Học Phật mà chẳng biết nghĩa chân thật trong Phật Pháp, dựa dẫm, ỷ vào Phật, Bồ Tát.

Ngay cả Ngài A Nan cũng không có cách nào dựa dẫm được. Chúng ta và Thích Ca Mâu Ni có quan hệ càng nhẹ mỏng hơn so với quan hệ giữa Phật và A Nan, càng chẳng thể dựa dẫm, nhất định phải biết cậy vào chính mình.

Trong phần trước có nói: Cầu Phật, Bồ Tát gia trì, cũng phải dựa vào năng lực của của chính bản thân mình. Bản thân không có sức thì thần lực của Phật, Bồ Tát chẳng thể gia trì được.

Bản thân đầy đủ Tam học, Tam tư lương, thần lực của Phật mới gia trì được. Nếu bản thân chẳng có mảy may điều kiện nào, hoàn toàn dựa dẫm, ỷ vào Phật, Bồ Tát, chắc chắn chẳng thể dựa dẫm được, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này.

Đại Sư đem ý nghĩa này bảo với chúng ta, nói cho chúng ta biết pháp môn này có căn cứ lý luận chân thật, chúng ta mới có thể tin tưởng. Ngài nói pháp môn này bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm Tông, chúng ta tin tưởng, biết cách nói ấy là sự thật, chẳng khoa trương.

Trạm tịch thường hằng: Trạm là tỷ dụ, giống như nước thanh tịnh, chẳng ô uế tí nào. Nhìn xuống mặt nước, nhìn thấy đáy ao, rõ ràng, trong vắt, dùng điều ấy để tỷ dụ chân tánh của chúng ta.

Lục Tổ Đại Sư nói: Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai. Vốn chẳng có một vật, nào sợ nhuốm bụi trần. Trạm tịch có nghĩa là thường hằng, thường là vĩnh viễn giống như vậy, quyết định chẳng thay đổi, từ vô thỉ kiếp trước đã là như vậy, vô lượng kiếp sau vẫn giống như vậy. Khi giác ngộ cũng là như vậy, lúc điên đảo, mê hoặc cũng giống như vậy.

Tuyệt đối chẳng thể nói: Bổn tánh của Phật và bổn tánh của chúng ta khác nhau, không thể nói như vậy được. Bổn tánh của Phật, bổn tánh của súc sanh, bổn tánh của địa ngục, và bổn tánh của ngạ quỷ hoàn toàn giống nhau. Nói theo thể của tánh thì chắc chắn chẳng khác nhau. Đó gọi là chân. Chân là thuần chân, thật sự vĩnh viễn là chân.

Nhìn từ phương diện chân thì như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác đã nói: Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật. Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật, câu này nói theo phương diện thuần chân.

Chẳng khác nhau mà biến thành khác nhau là do mê, mê rồi sẽ biến đổi hình dạng. Nhưng mê chỉ là biến đổi trên mặt tướng, chứ thể chẳng biến đổi, thể luôn luôn vĩnh viễn bất biến. Ngôn thử tịch thể thụ cùng tam tế.

Ý nói: thể của tịch theo chiều dọc cùng tột ba đời: Quý vị nhất định phải nhớ chiếu và tịch là một thể.

Do vậy, tịch và chiếu có thể dùng làm thể và dụng của lẫn nhau: Chiếu là thể, tịch là dụng, hoặc tịch là thể, chiếudụng. Do tịch và chiếu không hai, nên đều có thể coi là thể, cũng như đều có thể coi là dụng. Chiếu là trí huệ, tịch là thiền định, là nhất tâm. Do vậy, định và huệ có mối liên hệ hết sức mật thiết.

Câu thứ nhất tức câu linh minh đỗng triệt là nói tới huệ thể trong bổn tánh, câu thứ hai tức câu trạm tịch thường hằng nói về định thể. Kinh Lăng Nghiêm có nói tới Lăng Nghiêm Đại Định.

Lăng Nghiêm Đại Định được nhắc đến trong câu kế tiếp:

Tức Lăng Nghiêm sở vị: Thường trụ diệu minh bất động châu viên.

Tức là như Kinh Lăng Nghiêm dạy: Thường trụ diệu minh, bất động châu viên, đấy chính là Lăng Nghiêm Đại Định. Lăng Nghiêm Đại Định chẳng do tu mà có, mà là sẵn có. Thường trụ và bất động là ý nghĩa Trạm tịch thường hằng.

Diệu minh và Châu viên là ý nghĩa Linh minh đỗng triệt. Câu nói, Văn tự khác nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn là một. Tiếp theo đây là lời giải thích về câu phi trược, phi thanh, vô bối, vô hướng.

Diễn: Tu chứng tức bất vô, nhiễm ô tức bất đắc, cố phi trược.

Diễn: Tu chứng là chẳng không, nhiễm ô là chẳng được, cho nên không đục.

Từ Đàn Kinh, chúng ta thấy: Khi Vĩnh Gia Đại Sư gặp Lục Tổ đã nói hai câu này, hai câu này rất quan trọng, ngàn vạn phần chớ nên coi thường.

Đã là Linh minh trạm tịch, mỗi cá nhân chúng ta đều sẵn đủ, vậy thì còn phải tu gì nữa?

Không cần tu. Nếu quý vị nghĩ như vậy, chính là chấpphế sự. Chấp trước nơi lý, vứt bỏ sự tu tu hành nơi mặt sự, rơi vào cuồng huệ, Chư Phật, Bồ Tát đều cứu chẳng được. Những kẻ cuồng huệ không ai chẳng đọa địa ngục. Tu chứng tức bất vô, có tu đấy nhé.

Vẫn phải y giáo phụng hành, chiếu theo những lý luận và phương pháp đã dạy trong Kinh Phật để tu hành, tuy tu hành nhưng như thế nào?

Nhiễm ô tức bất đắc: Tâm thanh tịnh. Sự nhiễm ô ấy chính là nhiễm ô trong tu hành, ngay cả tu hành cũng chẳng nhiễm ô. Gọi là nhiễm ô là vì chấp vào tướng, đó là chấp trước.

Đọc hai câu này thấy rất mâu thuẫn, tu hành thì phải chấp trước, không chấp trước thì tu cái hạnh gì đây?

Tu nhưng đừng chấp trước, không chấp trước nhưng vẫn tu. Chấp trì danh hiệu là tu hành, đấy là chấp trước mà không chấp trước, không chấp trước mà chấp trước. Chấp trước và không chấp trước chẳng hai, đó là ý nghĩa của hai câu này.

Nói rõ hơn, chúng có nghĩa là: Chấp trước trên mặt sự, đừng chấp trước nơi . Về sự, hằng ngày chúng ta phải niệm một ngàn câu Phật hiệu, chẳng thiếu một tiếng nào, phải nhớ điều này chấp trước trên mặt sự.

Về lý, phải hiểu: Trong tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, năng niệm cái tâm niệm Phật, sở niệm Đức Phật được niệm, năng trì cái tâm chấp trì danh hiệu, sở trì câu hồng danh Phật hiệu đều chẳng thể được, đấy là nhiễm ô tức bất đắc. Vận dụng công phu như vậy, vận dụng trong ba năm, không một ai chẳng thành tựu.

Thành tựu khá cao minh, quyết chẳng phải là thành tựu tầm thường. Niệm Phật như vậy là lý niệm, lý sự bất nhị, lý sự hệt như một. Đấy là ý nghĩa phi trược. Trong hết thảy các pháp, chúng tôi chỉ nêu ra một điều, quý vị phải biết nghe.

Giống như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói: Một tức hết thảy, hết thảy chính là một. Cổ đức bảo là nghe một, hiểu cả ngàn là nói về chuyện này. Một chuyện là như vậy, mà chuyện nào cũng đều như vậy. Sự có, lý không, lý và sự đều chẳng thể bỏ một bên nào. Có lý, có sự thì mới có thể nhập đạo.

Diễn: Nhất thiết phù trần tướng, vô phi diệu giác thể, cố phi thanh.

Diễn: Hết thảy tướng phù trần, không gì chẳng phải là thể của diệu giác, nên chẳng trong.

Phù trần: Phù là hư phù hư huyễn, hời hợt, tức là chẳng chân thật. Chữ trần chỉ sáu trần. Câu này phiếm chỉ vũ trụ nhân sinh, sâm la vạn tượng.

Những tướng này do đâu mà có?

Tướng là do diệu giác minh tâm biến hiện. Thể của nó là chân như bổn tánh, hình dạng của chân như bổn tánh là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, là sâm la vạn tượng.

Nếu chưa hiểu ý nghĩa này thì chúng tôi lại nêu ra một tỷ dụ: Vàng ròng.

Vàng ròng có hình dạng như thế nào?

Quý vị thấy những món đồ bằng vàng, chẳng hiểu ư?

Chúng là tướng phù trần, tức tướng phù trần của vàng ròng.

Nếu là từng khối vàng thì quý vị có thừa nhận chúng là vàng hay không?

Thừa nhận chứ. Vàng ròng từng khối một.

Nếu chẳng phải là từng khối một thì chẳng phải là vàng ư?

Vòng vàng, dây chuyền vàng đều chẳng phải là vàng ư?

Không có tướng, nhưng có thể tùy duyên hiện hết thảy tướng, hết thảy những tướng ấy đều là vàng ròng. Vàng tỷ dụ thể, các món vật tỷ dụ tướng. Hết thảy tướng phù trần đấy.

Nếu quý vị hỏi tướng của chân như bổn tánh là gì, hình dạng như thế nào ư?

Hiện thời, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, đấy chính là hình dạng của chân như bổn tánh.

Nếu quý vị hoảng nhiên đại ngộ, chẳng phải là quý vị kiến tánh ư?

Tôi không kiến tánh giống như thấy một đống đồ bằng vàng, nhưng tôi không thấy được vàng ròng. Tôi thấy đây là vòng đeo tay, kia là dây chuyền đeo cổ, không thấy được vàng ròng.

Ngày nay chúng ta không thấy tánh, giống như bày ra trước mặt hàng ngàn hàng vạn món đồ bằng vàng, mà chẳng thấy được vàng ròng, chẳng tìm được vàng ròng. Do vậy, Đức Phật bảo là kẻ đáng thương.

Đáng thương như thế nào?

Bày ra ngay trước mặt mà chẳng nhận biết. Hễ giác ngộ, mắt nhìn sẽ thấy sắc tánh, tánh thấy thấy được sắc tánh, tánh nghe sẽ nghe thanh tánh, đó gọi là minh tâm kiến tánh. Thiền Tông dùng đủ mọi phương pháp để ép quý vị tự ngộ, tự mình nói ra.

Giáo Hạ không bức bách, nói thẳng thừng ra cho quý vị biết. Thiền Tông ép quý vị ngộ, thật sự đích thân tự thấu hiểu. Giáo Hạ dùng phương pháp bảo ban, thường là do quý vị chẳng khéo dụng tâm phản tỉnh nên thường là che bít nơi lối ngộ.

Nói cách khác, quý vị vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ là vì sao?

Chết cứng nơi giáo tướng, chết cứng nơi ngôn ngữ, văn tự, chẳng thể khai ngộ. Nếu khéo dụng tâm sẽ chẳng khác gì Thiền Tông. Đấy là hai cách dạy học khác nhau, mỗi cách có ưu và khuyết điểm riêng.

Do vậy, chân tánh ở ngay trước mắt, chân tánh là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, là pháp thân Phật. Tỳ Lô Giá Na là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là biến nhất thiết xứ trọn khắp mọi nơi.

Quý vị hãy suy nghĩ xem: Có phải trọn khắp mọi nơi hay không?

Cái gì trọn khắp mọi nơi?

Pháp tánh trọn khắp mọi nơi, pháp tướng trọn khắp mọi nơi. Tánh và tướng là một, chẳng phải hai. Thấy tướng là thấy tánh, thấy tánh chính là thấy tướng. Bọn phàm phu chúng ta sở dĩ chẳng thấy tánh là vì đã tách lìa tánh và tướng, chia thành hai thứ.

Ví như đồ vật và vàng, đồ vật chẳng phải là vàng, vàng chẳng phải là đồ vật, vậy là quý vị sẽ vĩnh viễn tìm chẳng ra. Chẳng những mê mất vàng mà đồ vật cũng bị mê mất luôn. Mê một thứ sẽ mê hết thảy, ngộ một thứ sẽ ngộ hết thảy. Không thể nói mê là một bên, ngộ là một bên, không có đâu.

Điều này nói rõ cùng quý vị Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, sâm la vạn tượng là hết thảy tướng phù trần, toàn là do diệu giác minh tâm biến hiện. Do vậy, chẳng trong.

Diễn: Mê thời tự bối, nhi thử bổn bất thuộc mê, cố vô bối.

Diễn: Khi mê thì dường như trái nghịch, nhưng tâm này vốn chẳng thuộc vào mê, nên không trái nghịch. Đây là giải thích câu vô bối, vô hướng. Khi mê thì sẽ dường như trái nghịch, nên gọi là bối giác hiệp trần trái nghịch tánh giác, xuôi theo trần lao. Người tu hành phải cầu bối trần hiệp giác.

Nay quý vị đã hiểu rõ, những kiểu nói như vậy đều là pháp phương tiện. Trong pháp chân thật, không có mê mà cũng chẳng có giác, không có trái nghịch mà cũng chẳng có hướng về. Do vậy, Đàn Kinh đã ban cho chúng ta một khải thị rất lớn, cũng là nói đơn giản, nhưng ý nghĩa bao trùm.

Lục Tổ nói: Phật Pháp là pháp bất nhị, nhị chẳng phải là Phật Pháp. Mê và giác là hai pháp, trái nghịch và hướng về là hai pháp, hễ có hai pháp thì chẳng phải là Phật Pháp. Từ chỗ này, chúng ta thấu hiểu, hãy ngộ nhập từ chỗ này. Do vậy, lúc mê sẽ giống như trái nghịch pháp tánh.

Nhi thử: Chữ thử này chỉ Diệu Giác thể và tướng phù trần.

Trong Diệu Giác thể và tướng phù trần không có mê, ai mê?

Tự mình mê. Cảnh giới bên ngoài không mê, những tướng bên ngoài không mê. Thí như dùng vàng chế thành đồ vật, quý vị mê mất, nên chẳng những không thấy vàng mà ngay cả đồ vật cũng chẳng nhận ra.

Thế nhưng vàng vẫn là vàng, đồ vật vẫn là đồ vật, chúng nó không mê, chúng ta thì mê. Chính chúng ta không nhận biết, mê rồi, chẳng nhận biết tánh, mà cũng chẳng nhận biết tướng.

Tánh lẫn tướng đều mê. Do vậy, mê là chính mình mê, chẳng liên can gì đến tánh và tướng. Nói theo tánh và tướng thì chẳng có trái nghịch, tìm không ra hiện tượng trái nghịch ấy.

Diễn: Ngộ thời tự hướng, nhi thử bổn bất thuộc ngộ, cố vô hướng.

Diễn: Khi ngộ sẽ giống như có hướng về, nhưng tâm này vốn chẳng thuộc vào ngộ nên không có hướng về. Khi giác ngộ, giống như quay đầu lại hướng về pháp tánh, nhi thử bổn bất thuộc ngộ, cố vô hướng:

Trong chân như bổn tánh, không có mê, mà cũng chẳng có ngộ. Có mê nên mới nói ngộ. Mê là do đối ứng với ngộ mà nói. Ngộ là do đối ứng với mê mà nói.

Vốn đã chẳng có mê, ngộ do đâu mà có?

Tìm mê lẫn ngộ đều chẳng được. Chúng ta nói tới bổn tánh, chân tâm, chân như, đều cảm thấy chẳng dễ hiểu cho lắm, thường bị những danh từ ấy làm khó.

Dùng thuật ngữ trong Kinh này để nói thì nhất tâm bất loạn là nhất tâm, chân như bổn tánh là gì?

Chính là nhất tâm. Nếu có mê và ngộ, tức là nhị tâm. Nếu có hướng về hay trái nghịch thì cũng là nhị tâm. Chúng ta thường nói là tam tâm, nhị ý. Đấy cũng là một câu nói nơi cửa miệng trong xã hội. Câu nói này phát xuất từ Kinh Phật, đủ thấy Phật Pháp có ảnh hưởng rất sâu tới văn hóa và cuộc sống Trung Quốc.

Tam tâm là tâm, ý, thức, nhị ý: Mạt na thức là ý căn, thức thứ sáu là ý thức. Chúng là hư vọng, chẳng chân thật. Trong chân thật, không có những thứ này. Chúng ta có tam tâm, nhị ý, sẽ chẳng đạt được nhất tâm.

Nay chúng ta tu pháp môn này nhằm cầu điều gì?

Nhất tâm bất loạn. Nhất tâm sẽ chẳng loạn, quả thật nói tới hai chữ nhất tâm. Nhị tâm bèn loạn, nhất tâm bất loạn. Nhất tâm là Phật tánh. Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, quý vị vốn là nhất tâm, cho đến hiện thời, nhất tâm vẫn chẳng mất.

Khi mê thì dường như có mất đi. Thật ra, trong nhất tâm không có mê, cho thấy nhất tâm chẳng bị mất. Lúc ngộ, dường như đạt được, nhưng trong nhất tâm không có ngộ, chẳng có được hay mất.

Nay chúng ta dùng một câu Phật hiệu để cầu gì?

Cầu chân như bổn tánh, cầu nhất tâm. Khi nào nhất tâm hiện tiền, khi ấy sẽ gọi là thành Phật, chứng đắc nhất tâm là thành Phật. Chỗ khác nhau giữa tâm Phật và tâm chúng sanh là Phật thì nhất tâm hiện tiền, nhất tâm khởi tác dụng. Phàm phu tuy có nhất tâm, nhất tâm cũng hiện tiền, nhưng do mê chẳng giác, vọng tưởng khởi tác dụng, nên gọi là phàm phu.

Diễn: Tức Viên Giác sở vị nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử, Niết Bàn do như tạc mộng dã.

Diễn: Đây chính là như Kinh Viên Giác đã nói hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật. Sanh tử, Niết Bàn giống như giấc mộng đêm qua. Dẫn một đoạn Kinh Viên Giác để chứng minh, Kinh Hoa Nghiêm cũng nói giống như vậy.

Đức Phật nói nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật là nhìn từ góc độ nào?

Chúng ta hiểu rõ, Ngài nhìn từ chân tánh, nhìn từ bản thể của chân tâm. Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật là thật, chẳng giả tí nào. Sanh tử và Niết Bàn là tương đối, là hai pháp, hai pháp thì hư huyễn chẳng thật. Giống như nằm mộng, chẳng phải là chân thật.

Mộng có hay không?

Có mộng.

Mộng có đáng sợ hay chăng?

Chẳng đáng sợ. Nếu quý vị chẳng biết là mộng thì mộng sẽ đáng sợ. Quý vị biết nó là mộng thì đâu còn gì để nói nữa.

Cổ Đại đức thường nói: Đại tác mộng trung Phật sự làm Phật sự lớn lao trong mộng. Đấy là nói làm nhưng chẳng làm, khải kiến thủy nguyệt Đạo tràng tạo lập Đạo tràng bóng trăng trong nước. Vầng trăng in trong nước cũng chẳng phải là thật. Đạo tràng là Đạo tràng bóng trăng trong nước, Phật sự là Phật sự trong giấc mộng, đừng coi là thật.

Sự là có hay là không?

Trong phần trên, sách Diễn Nghĩa đã nói rồi đó: Tu chứng tức bất vô.

Quý vị phải hiểu: Làm Phật sự chẳng phải là tụng Kinh siêu độ người chết. Những Phật sự được nói trong Kinh Điển trước kia không nhằm chỉ điều này. Phật sự là dạy học, giảng Kinh, thuyết pháp, hướng dẫn đại chúng tu hành, đó là làm Phật sự. Chúng ta niệm Phật, Tham Thiền, đều là làm Phật sự.

Phật sự là chuyện giác ngộ. Trong thế gian, Phật Pháp nhằm độ người, chứ không phải độ quỷ. Trong ngạ quỷ đạo có Phật Pháp dành riêng cho ngạ quỷ đạo. Những Phật sự trong nhà Phật đến đời Đường biến thành độ quỷ, độ vong hồn.

Trong quá khứ, Pháp Sư Đạo An đã bảo chúng tôi: Những chuyện siêu độ là từ sau loạn An Sử An Lộc Sơn đời Đường, tức là thời Đường Minh Hoàng. Khi ấy, quốc gia loạn lạc rất dữ dội, An Lộc Sơn làm phản, đại công thần Nhà Đường là Quách Tử Nghi bình định loạn ấy xong, trong cả nước quân dân tử thương rất nhiều.

Do vậy, Triều Đình lập một ngôi Chùa tại mỗi chỗ chiến trường, đặt tên là Khai Nguyên Tự, thỉnh những vị Cao Tăng cử hành nghi thức truy điệu, tụng Kinh, siêu độ. Chánh phủ làm như thế, dân chúng ai nấy bắt chước, khi người già trong nhà qua đời đều thỉnh Pháp Sư siêu độ.

Phật Môn lấy dạy học làm chủ, siêu độ là chuyện kèm theo. Hiện thời, chuyện kèm theo biến thành chánh yếu, dạy học trở thành không còn nữa, khách ồn ào đoạt ngôi vị của chủ.

Phật Giáo hiện thời gọi siêu độ vong hồn là Phật sự, có hỏng bét hay không?

Ý nghĩa gốc của hai chữ Phật sự đã bị biến chất. Trước thời Đường không có. Trong Tự Viện lo phiên dịch Kinh Điển, giảng Kinh, thuyết pháp, không có chuyện siêu độ, cũng không có chuyện thờ bài vị người chết. Cuối thời Đường, Tống trở đi, dần dần mới có những chuyện này.

Chúng ta học Phật, nhất định phải nhận thức bổn lai diện mục của Phật Giáo. Bổn lai diện mục của Phật Giáo quyết định không mê tín, mà là giảng cho quý vị chân đế về nhân sinh và vũ trụ. Tiếp theo đây là lời giải thích phần Kinh Văn đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả, kỳ duy tự tánh dư.

Diễn: Đại tai thị thán từ, dĩ phi huyễn bất diệt, cố vân chân thể.

Diễn: Lớn lao thay là câu tán thán. Do chẳng phải là huyễn, bất diệt, nên nói là chân thể. Phi huyễn là chân tánh, nói theo Kinh này thì là nhất tâm. Nhất tâm là chân, nhị tâm sẽ diệt. Nhị tâm là vọng niệm, vọng niệm có sanh, có diệt. Nhất tâm là chân tâm, đương nhiên không có sanh diệt.

Cố vân chân thể nên nói là chân thể: Câu này tán thán nhất tâm là chân thể, tức chân thể của chính chúng ta, là chân thể của toàn bộ vũ trụ, là chân thể của tận hư không, trọn pháp giới.

Diễn: Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập.

Hữu hà khả tư?

Diễn: Cái thấy chân thật lìa khỏi cái thấy hư vọng, chẳng thấy cái thấy hư vọng nữa, còn có gì để có thể suy nghĩ được ư?

Đây là nói tới sự chẳng thể nghĩ bàn. Mấy câu này trích từ đoạn cuối phần mười phen chỉ rõ cái thấy trong Kinh Lăng Nghiêm, chỉ rõ cái thấy đến tột bực. Trong câu này có ba chữ kiến, ba chữ kiến đó có chân, có vọng. Chữ kiến thứ nhất là chân kiến cái thấy chân thật, tức là kiến tánh.

Chân kiến giống như lìa khỏi vọng kiến cái thấy hư vọng. Vọng kiến là thức tâm cái tâm phân biệt bởi ý thức và ý căn, là kiến phần của thất chuyển thức, đương nhiên bao gồm năm mươi mốt tâm sở. Kiến phần của tâm và tâm sở đều gọi là vọng kiến.

Kiến tánh chẳng phải là tương đối, mà là dứt bặt đối đãi. Tám thức, năm mươi mốt tâm sở đều là pháp sanh diệt, là pháp hữu vi. Chân kiến hoàn toàn chẳng phải là những vọng kiến ấy. Tiếp theo đó, Kinh Lăng Nghiêm nói kiến thì chữ kiến thứ ba ấy cũng là vọng kiến, nên nói kiến bất năng cập.

Vì sao vọng kiến có thể duyên được chân kiến?

Đây là nói tới chuyện chẳng thể nghĩ bàn.

Nghĩ thì dùng gì để nghĩ?

Vẫn chẳng phải là dùng tâm ý thức, mà là siêu việt tâm ý thức, không có cách nào nghĩ được. Nghĩ là vọng niệm, là vọng tâm, là sanh diệt tâm, còn ở đây là chẳng sanh chẳng diệt. Nghĩ là nhị tâm, là tam tâm, nhị ý. Trong nhất tâm không có nghĩ, không có tưởng.

Diễn: Tam thế Chư Phật, đáo thử khẩu quải bích thượng, hữu hà khả nghị.

Diễn: Tam thế Chư Phật đến chỗ này bèn miệng treo trên vách, có gì để có thể bàn định được?

Tam thế chỉ quá khứ, hiện tại, vị lai. Mười phương ba đời hết thảy Chư Phật nếu thuyết pháp cho quý vị, đến cảnh giới này cũng không có cách nào nói được, chỉ đành khẩu quải bích thượng, có nghĩa là không nói được, đành treo miệng lên vách thôi. Chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn.

Mấy câu này tuyệt đối chẳng phải là nói tránh né, mà là lời thật, vì sao?

Siêu tình ly kiến vượt khỏi sự suy tưởng bằng tâm thức, thấy biết. Bởi lẽ, nói tới pháp chân thật thì nó là chẳng thể nghĩ bàn. Phàm những gì có thể nghĩ bàn, có thể nói ra được, đều là pháp phương tiện.

Chúng ta phải hiểu, đối với hết thảy Kinh Luận, đấy là điều chúng ta phải nhận biết tức là hết thảy Kinh Luận của Phật Giáo đều là pháp được nói một cách phương tiện, nhằm hướng dẫn chúng ta ngộ nhập chân lý thật sự không thể diễn tả hay nghĩ bàn được.

Đức Phật giảng Kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm trong cõi đời, những Kinh Luận đã giảng trong bốn mươi chín năm hết sức nhiều, đại khái dịch sang tiếng Hán mới được một nửa mà thôi, vẫn còn một nửa chưa được dịch sang tiếng Hán.

Kinh Luận nhiều như thế, chúng ta tu học nên chọn lựa ra sao?

Dùng pháp môn nào để tu học?

Điều này hết sức quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta chọn sai sẽ chẳng thể thành tựu. Chọn đúng thì thành Phật trong một đời, quá may mắn.

Khi Đức Phật tại thế, chúng ta chẳng biết chọn lựa, có thể thỉnh giáo lão nhân gia, Ngài sẽ thay chúng ta lựa chọn, chuyện này rất dễ thực hiện.

Sau khi Đức Phật diệt độ, những người làm pháp nhãn cho chúng ta chính là những vị Bồ Tát, Tổ Sư, Đại Đức các đời, các Ngài có thể giúp chúng ta đôi chút.

Nhưng bản thân chúng ta có tin tưởng hay không?

Nếu chính mình không thể tin tưởng, sẽ không có cách nào hết, chỉ đành đọc kỹ Đại Tạng Kinh từ đầu đến cuối, đọc trọn khắp, tìm được một hai điều để chính mình tu hành, chỉ có cách ấy mà thôi. Quý vị đọc hết Đại Tạng Kinh, chưa chắc đã mở mang huệ nhãn.

Không có huệ nhãn, không có pháp nhãn, vẫn chưa thể chọn lựa, vẫn là ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ như cũ. Do vậy, vấn đề này hết sức nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, có những Kinh Điển từ cổ đến nay đã được lịch đại Tổ sư đại đức công nhận là thích hợp nhất cho chúng ta tu học, có những bộ Kinh được các Tông coi là Kinh Điển tiêu chuẩn, mẫu mực.

Kinh Điển tiêu chuẩn, mẫu mực của Tông Hiền Thủ là Kinh Hoa Nghiêm, đối với Tông Thiên Thai là Kinh Pháp Hoa, đối với Tông Tịnh Độ là Tam Kinh, đối với Tam Luận Tông là Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận, về sau còn thêm Đại Trí Độ Luận.

Đối với Tông Duy Thức là sáu Kinh, mười một luận. Phạm vi rút nhỏ rất nhiều. Từ bảo tạng, Cổ Đức Tiên Hiền lấy ra những Kinh Luận ấy, đáng để chúng ta tham khảo. Nhưng trong thời đại hiện nay, so ra phức tạp hơn quá khứ rất nhiều.

Nếu dùng thuật ngữ như trong Kinh này thì là ngũ trược ác thế, thời đại hiện nay ác trược chẳng kham, thua thuở trước quá xa. Trong thời đại này, làm thế nào để chọn lựa một pháp môn vô thượng, giúp cho chúng ta thành Phật trong một đời, đó là chuyện lớn.

Đặc biệt là Phật Pháp trong thời đại này giả nhiều, thật ít, đúng như Kinh Lăng Nghiêm đã nói: Mạt pháp thời kỳ, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa. Trong thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát Sông Hằng. Chính họ không nhận biết, ngỡ giả là chân, coi những thứ chẳng rốt ráo là rốt ráo. Chính họ tu chẳng thành tựu mà vẫn muốn rao bán những thứ ấy cho người khác, khiến cho pháp thân huệ mạng của hàng ngàn, hàng vạn người bị lỡ làng, tội lỗi ấy rất lớn.

Trong hết thảy các Kinh, cổ nhân phán giáo, thuộc về Kinh nhất thừa, tức là nhất thừa trong đại thừa, chỉ có ba bộ Kinh: Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Viên giáo nhất thừa, Kinh Phạm Võng là Biệt giáo nhất thừa.

Nhất thừa chỉ có ba bộ Kinh, còn các Kinh của Tịnh Độ Tông chúng ta thì được coi là gì?

Kết luận của Kinh nhất thừa, là quy túc của Kinh nhất thừa. Quý vị phải biết điều này. Hội Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, quay về Kinh này, quý vị liền biết bộ Kinh này là chí cao vô thượng trong hết thảy Kinh Điển đã được Đức Phật nói trong bốn mươi chín năm, là một bộ Kinh trọng yếu nhất đã được giảng trong bốn mươi chín năm, chúng ta phải nhận biết. Tu hành lấy niệm Phật làm Tông chỉ, lấy nhất tâm bất loạn làm mục tiêu, đấy là chỗ chỉ quy của Tông này.

Học Hoa Nghiêm tại Trung Quốc thì Tông Hoa Nghiêm trong các đời phải tu pháp giới quán, phải nhập pháp giới đại định thì mới có thể thành công. Nhưng pháp giới quán, pháp giới đại định nếu đạt đến rốt ráo viên mãn thì vẫn còn phải tu Phổ Hiền Hạnh, phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Kinh Pháp Hoa cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Phật Giáo Nhật Bản thua xa Trung Quốc, sai khác rất lớn, quý vị phải hiểu điều này. Trước kia có người nói, Phật Giáo Nhật Bản tiến bộ hơn chúng ta sáu mươi năm, nói chúng ta chẳng bằng Nhật Bản. Có những vị Pháp Sư Nhật Bản đến Đài Loan cũng rất ngạo nghễ, tự mãn, coi thường hết thảy, khinh thường chúng ta.

Quả thật Đài Loan cũng không có người đủ năng lực để hàng phục những kẻ cuồng vọng ấy. Trong giới Phật Giáo không có người, nhưng trong giới giáo dục lại có người. Tiên sinh Phương Đông Mỹ giáo huấn những kẻ hung hăng ấy một trận, khiến cho những gã Nhật Bản ấy phải cúi gầm mặt.

Phương tiên sinh chỉ ra: Nhật Bản xét từ thời cổ cho đến tận hiện tại, những người thành tựu trong giới Phật Giáo Nhật Bản, Phương tiên sinh so sánh, những người thành tựu cao nhất của Nhật Bản đều thua Ngẫu Ích Đại Sư và Liên Trì Đại Sư.

Trong lịch sử Nhật Bản tìm chẳng ra một người nào giống với những bậc thành tựu bậc nhất như Huyền Trang Đại Sư, Trí Giả, Thanh Lương của Trung Quốc, những vị như Lục Tổ của Thiền Tông, Nhật Bản đâu thể nào có.

Những người hạng nhất của Nhật Bản còn thua những vị hạng ba của Trung Quốc, thành tựu ở chỗ nào?

Nếu bây giờ nói đến sự thành tựu của Phật Giáo Nhật Bản thì đó Phật Giáo Nhật Bản thành tựu kiểu xí nghiệp. Chùa Miếu của họ có tổ chức, xí nghiệp hóa, một ngôi Chùa có tới mấy trăm vạn tín đồ, đó là thành tựu của họ.

Mệnh lệnh của vị Trụ Trì một Tự Viện truyền xuống, mọi người đều tuân thủ. Do vậy, ngay cả chánh phủ Nhật Bản cũng phải kiêng sợ họ, ngay cả Thủ Tướng cũng quy y.

Không quy y thì khi bầu cử sẽ không kiếm được phiếu bầu. Một ngôi Chùa có mấy trăm vạn người, nếu họ bảo bỏ phiếu cho người nào đó, người đó sẽ lập tức đắc cử. Do vậy, nghị viên, thị trưởng, huyện trưởng, thủ tướng của Nhật Bản đều phải gia nhập hội Phật Giáo làm tín đồ của họ thì mới kiếm được phiếu.

Còn có những kẻ buôn bán thì nhất định phải gia nhập, vì sao?

Buôn bán cần phải có thị trường, nhà Chùa truyền lệnh mua đồ của tiệm buôn nào, lợi nhuận của nhà buôn ấy sẽ tăng lên. Họ truyền lệnh không mua đồ của nhà buôn nào, nhà buôn ấy chẳng thể không sập tiệm. Vì vậy, thành tựu của Phật Giáo Nhật Bản là khống chế chánh trị, khống chế kinh tế.

Trừ những điều ấy ra, họ có thành tựu gì chăng?

Chánh phủ hiện thời sợ nhất là Phật Giáo chúng ta sẽ phát triển theo hình thức Nhật Bản, đáng sợ lắm.

Lắc mình một cái liền biến thành đảng phái chánh trị. Ở Nhật Bản, tôi đã thấy mấy giáo hội giống như thế, quả thật có thế lực. Những khách sạn du lịch lớn ở Đông Kinh Tokyo đều do họ mở, tiền vốn quá hùng hậu.

Chẳng những tại các nơi ở Nhật Bản đều có phân hội của họ mà Đạo tràng cũng phổ biến khắp Thế giới. Trong Phật Giáo nước Mỹ, thế lực của họ chiếm đến chín mươi phần trăm. Một trăm ngôi Chùa có đến chín mươi ngôi là của người Nhật.

Nếu nói theo phương diện này thì quả thật chúng ta lạc hậu hơn Nhật Bản sáu mươi năm, thật sự lạc hậu. Nếu nói theo sự tu chứng giáo lý nhà Phật thì Nhật Bản vẫn thua xa chúng ta. Kinh Pháp Hoa thì phải tu Chỉ Quán mới có thể thành tựu.

Ba bộ Kinh lớn của Tông Thiên Thai à Nhật Liên Tông của Nhật Bản đều bỏ sạch, chỉ niệm một câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, làm sao thành tựu được?

Sai lầm quá lớn.

Nếu chỉ niệm tựa đề Kinh mà có thể thành tựu thì chẳng phải là mang cùng một ý nghĩa như giáo đồ Cơ Đốc tin vào Thượng đế, hễ tin tưởng bèn được cứu ư?

Có khác gì nhau đâu?

Vì sao Thiên Thai Đại Sư phải phí công rất lớn, phải tốn nhiều tinh thần dường đó để soạn nhiều tác phẩm như vậy hòng dạy học?

Dạy mọi người niệm tựa đề Kinh là xong rồi, đỡ mất công hơn nhiều. Bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng dễ dàng, đều có lý luận cao sâu để làm căn cứ, có những phương pháp trọn vẹn, mật thiết để tu chứng. Điều này quyết định chẳng thể coi thường được. Đối với Tịnh Độ, quý vị thấy Liên Trì Đại Sư viết bộ Sớ Sao này chẳng dễ dàng.

Nếu chẳng giảng nói tường tận như vậy, làm sao chúng ta tin tưởng được?

Làm sao chúng ta đoạn trừ ngờ vực, lo lắng cho được?

Kiến lập tín tâm, thành tựu trong một đời. Trong phần trước đã nói rồi đó, những nghĩa được giảng giải trong bộ Sớ Sao chính là Hoa Nghiêm của Tông Hiền Thủ, Pháp Hoa của Tông Thiên Thai cho đến những tinh hoa của hai Tông Tánh và Tướng đều được bao gồm trong Kinh này.

 Hoàn toàn chẳng phải là Liên Trì Đại Sư có năng lực đem những tinh hoa giáo nghĩa của các Tông dung hội vào đây hòng nêu tỏ ý nghĩa Kinh, chẳng có ý nghĩa ấy.

Nếu quý vị nhìn theo kiểu như vậy tức là đã nhìn sai. Từng chữ, từng câu trong Kinh này vốn đã bao hàm những ý nghĩa ấy. Liên Trì Đại Sư chỉ nêu tỏ những ý nghĩa ấy, dung hội chúng với tinh hoa của các Tông. Kinh Di Đà vốn có sẵn những ý nghĩa ấy, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Đây là đoạn đầu tiên trong phần Thông Tự Đại Ý của bộ Sớ Sao được giới thiệu đơn giản đến đây.

Sớ: Thông tự Kinh ý, đại văn phân ngũ, tự sơ minh tánh nãi chí ngũ thỉnh gia.

Sớ: Trong phần trình bày tổng quát ý nghĩa của bài Kinh, lời văn được chia thành năm đoạn, từ đoạn đầu là nêu rõ tánh cho đến đoạn thứ năm là thỉnh Tam Bảo gia bị. Những điều này đã được nói tới trong những buổi giảng trước.

Sớ: Kim sơ minh tánh.

Sớ: Nay, đầu tiên là chỉ rõ tánh. Trong phần chú giải tiếp theo đây, Đại Sư viết hai hàng văn tự, từ linh minh đỗng triệt đến kỳ duy tự tánh dư là một đoạn. Lời văn chú giải khá dài, chú giải hết sức cặn kẽ.

Đây cũng là chỗ nêu tỏ lý luận của Kinh Di Đà, nói tới giáo lý, nghiên cứu Kinh phải đặc biệt chú ý tới thứ tự này. Bởi lẽ, nếu đã quán thông giáo lý thì có thể nói là hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian sẽ đều quán thông.

Cổ Nhân nói: Một Kinh thông, hết thảy Kinh thông.

Một Kinh thông là thông suốt điều gì?

Thông suốt giáo lý, tức là thông suốt căn cứ lý luận, do hết thảy Kinh đều có cùng căn cứ lý luận ấy cho nên một Kinh thông, hết thảy Kinh thông. Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng đều là vàng.

Kinh ví như đồ vật, ví như vàng. Quý vị thấy được vàng sẽ thấy được bản chất của hết thảy các món đồ vật. Biết học là phải ngộ từ nơi lý, đoạn này thuần túy giảng về lý, giảng về giáo lý.

Sớ: Thử Kinh cái toàn chương tự tánh, hựu Chư Kinh giai bất ly tự tánh, cố thủ tiêu dã.

Diễn: Thử Kinh dĩ tự tánh vi tông giả, tự tánh vị chúng sanh tánh đức chi Phật, phi tự, phi tha, phi nhân, phi quả, tức thị viên thường Đại giác chi thể.

Sớ: Kinh này nêu bày toàn bộ tự tánh. Hơn nữa, các Kinh đều chẳng rời tự tánh, nên nêu tánh trước hết.

Diễn: Kinh này lấy tự tánh làm Tông, tự tánh được gọi là vị Phật trong tánh đức của chúng sanh, chẳng phải tự, chẳng phải tha, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chính là cái thể viên mãn, thường hằng của Đại giác.

Chữ thử Kinh chỉ Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Chương là phô bày rõ rệt, nêu bày rất rõ ràng. Bộ Kinh này phô bày toàn vẹn tự tánh. Trong các bản chú giải, Cổ Đức nói Kinh Di Đà lấy tự tánh làm tông.

Hựu Chư Kinh giai bất ly tự tánh. Hơn nữa, các Kinh đều chẳng rời tự tánh, hết thảy các Kinh do Đức Phật nói đều từ chân như bổn tánh lưu lộ. Tôi vừa mới nói một Kinh thông, hết thảy Kinh thông, nhất định phải minh tâm kiến tánh, hễ thấy được tánh thì hết thảy Kinh đều thông.

Nếu chúng ta hỏi, sau khi kiến tánh mà không xem Kinh này thì có thông hay không?

Cũng thông. Lục Tổ Đại Sư là một thí dụ, Lục Tổ không biết chữ.

Sau khi Lão Nhân gia khai ngộ, kiến tánh rồi, có nhiều người đến chỗ Ngài thỉnh giáo, Lục Tổ đều nói: Ta không biết chữ, Kinh Văn có chỗ nào ngươi không hiểu hãy đọc cho ta nghe. Người ta đọc lên, đọc xong, Ngài liền có thể giảng giải cho họ, giảng chẳng sai một chút nào.

Vì sao?

Ngài có thể nghe người ta đọc xong liền khai ngộ, đúng là một Kinh thông, hết thảy Kinh thông, đấy là một thí dụ hết sức rõ rệt. Chỉ cần quý vị thật sự thấy tánh. Kinh Di Đà có thể giúp quý vị thấy tánh, vì nó phô bày toàn bộ tự tánh.

Tự tánh là gì?

Tự tánh vị chúng sanh tánh đức chi Phật. Tự tánh được gọi là vị Phật trong tánh đức của chúng sanh.

Phật ở chỗ nào?

Phật là nhất tâm, nhất tâm là tánh đức. Ở đây, Đại Sư dạy chúng ta phi tự, phi tha. Tự và tha là hai pháp. Phi nhân, phi quả, nhân và quả cũng là hai pháp. Trong tự tánh không có, trong nhất tâm cũng không có hai pháp.

Nay chúng ta muốn đắc nhất tâm mà hằng ngày nhân ngã, thị phi, chia ra hết sức rõ rệt, chấp trước cứng ngắc, làm sao có thể đắc nhất tâm?

Cũng có các vị nghe xong lời này, càng nghe càng nghi hoặc, không có nhân, không có ngã, không có tự, không có tha, như vậy lại trở thành thế giới gì đây?

Thị phi, nhân ngã, tự, tha, nhân quả là sự, tu chứng tức bất vô, có đấy. Trên mặt sự thì có, nhưng trong tâm không có, đấy là tu hành. Tự thụ dụng là nhất tâm, tha thụ dụng là tam tâm nhị ý. Từ nhất tâm biến hiện ra tam tâm nhị ý, là tha thụ dụng, chẳng thể là tự thụ dụng. Tha thụ dụng nhằm giáo hóa chúng sanh. Đấy là pháp phương tiện.

Đức Phật vì chúng ta thuyết pháp, cũng thị hiện thân tướng, cũng thị hiện có sanh, có tử, trụ thế tám mươi năm, nói pháp bốn mươi chín năm, đấy chẳng phải là có sự hay sao?

Đức Phật cũng thường nói ta, ngươi, kẻ khác, cũng chẳng phải là nói như vậy đó ư?

Phật có phải là tam tâm nhị ý hay chăng?

Không phải. Để tự thụ dụng thì Phật là nhất tâm, tam tâm nhị ý để cho người khác thụ dụng, là để nói với người khác. Phương tiện quyền xảo nhằm thuyết pháp cho người khác. Nhất tâm là chân thật, phương tiện sanh từ chân thật. Do vậy, phương tiện là chân thật, chân thật là phương tiện.

Chân, vọng bất nhị, tánh và tướng hệt như một, đấy mới gọi là Đại giác. Đấy mới là viên thường Đại giác như trong câu kế tiếp trong lời Diễn Nghĩa đã nói. Viên là viên mãn, thường là vĩnh hằng. Thể của Đại giác viên thường.

Nay chúng ta chẳng hiểu rõ đạo lý này, chúng ta đang mê ở chỗ nào?

Chính là mê nơi Đại giác viên thường, mê nơi tánh tướng vốn là như một, chúng ta tách rời tánh và tướng thành hai thứ: Tánh chẳng phải là tướng, tướng chẳng phải là tánh, chân chẳng phải là vọng, vọng chẳng phải là chân. Đó gọi là mê, mê là mê ở chỗ này.

Nếu biết tướng chân thật của hết thảy các pháp thì gọi là giác ngộ. Hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều chẳng có, đều tiêu trừ, đó gọi là chánh giác. Đại giác là chánh đẳng, chánh giác, Đại giác viên thường là vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.

Diễn: Thử Kinh sở đàm hành pháp, chánh vị hiển thử chi giác thể.

Diễn: Hành pháp được bàn luận trong Kinh này, chính là nhằm nêu rõ giác thể này. Hành pháp là phương pháp tu hành, chính là tín, nguyện, hạnh. Ba món tư lương tín, nguyện, hạnh. Trì danh niệm Phật nhằm phô bày bản thể của Đại giác viên thường. 

Do đây, có thể biết tánh chất trọng yếu của bộ Kinh này, bộ Kinh này chẳng thể nghĩ bàn. Các Kinh Điển khác, các phương pháp tu hành khác chẳng thể sánh bằng.

Đem so sánh với Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa thì Kinh Di Đà là tinh tủy của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, thật sự mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được.

Đáng tiếc là những người học Phật ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, không để Kinh Di Đà vào mắt, trong một đời dẫu có gặp mà cũng giống như không gặp. Nếu thật sự nhận biết, trong một đời này, chúng ta quyết định thành Phật.

Sớ: Xưng bỉ danh hiệu, danh hiệu khả chương, thác bỉ danh hiệu, quán vu tâm tánh, tâm tánh dị phát dã.

Sớ: Xưng danh hiệu ấy, danh hiệu có thể phô bày, nhờ vào danh hiệu ấy để quán tâm tánh thì tâm tánh dễ phát.

Mấy câu này hết sức quan trọng, vì trong ba món tư lương của Kinh này, chấp trì danh hiệu là pháp môn tu chánh yếu, nhưng chấp trì danh hiệu nhất định phải nhờ vào tín và nguyện, một mà ba, ba nhưng một, bất cứ điều kiện nào cũng đều chẳng thể thiếu.

Xưng danh là chấp trì danh hiệu, danh hiệu Khả Chương, danh hiệu là Nam Mô A Di Đà Phật. Ý nghĩa của danh hiệu này là quy y Vô Lượng Giác, giác ấy chính là Đại giác viên thường. Càng trọng yếu hơn nữa là y theo danh hiệu ấy để khởi quán tưởng, thác bỉ danh hiệu, quán vu tâm tánh.

Quán tưởng là gì?

Trong cảnh giới này, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, vừa mới có một niệm mê, ngay lập tức khởi lên một câu Phật hiệu, sẽ chẳng mê, lại trở về với giác. Đó gọi là quán vu tâm tánh.

Vận dụng công phu lâu ngày, tự nhiên sẽ minh tâm kiến tánh, so với cách quán tâm hay tham thoại đầu của Thiền Tông sẽ dễ dàng hơn, cao minh hơn nhiều lắm.

Quán tâm, tham thoại đầu rất dễ gặp ma chướng, cách này tuyệt đối chẳng gặp ma sự. Nói thật ra, pháp môn này là pháp môn đệ nhất trong vô lượng pháp môn, đáng tiếc là mọi người chẳng biết, quả thật chẳng dễ gì nhận biết được. Nếu quý vị nhận biết thì quý vị sẽ đạt được.

Hôm nay đã hết giờ rồi.

A Di Đà Phật!

***