Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP HAI TRĂM BỐN MƯƠI HAI

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP HAI TRĂM BỐN MƯƠI HAI
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi tám.

Sao: Kim niệm Phật nhân, sơ dĩ nhĩ thức văn bỉ Phật danh, thứ dĩ ý thức chuyên chú ức niệm. Dĩ chuyên niệm cố, tổng nhiếp lục căn, nhãn, tỷ, thiệt, thân, như thị lục thức, giai tất bất hành.

Sao: Nay người niệm Phật, thoạt đầu dùng nhĩ thức để nghe danh hiệu của Đức Phật ấy. Kế đó, dùng ý thức để chuyên chú ức niệm. Do chuyên niệm, bèn nhiếp trọn sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu thức như thế, thảy đều chẳng hiện hành.

Liên Trì Đại Sư bảo chúng ta hiệu quả của tín, nguyện, nhất tâm trì danh xác thực là có thể dung nhiếp hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm.

Trong phần trên đã nói về Thiền Tông, tức Tông Môn, sau khi đã đọc lời dạy của Liên Trì Đại Sư, ta biết nhất tâm xưng danh xác thực là tinh hoa của Thiền Tông. Hôm nay, đoạn khai thị này nhằm nói Giáo Hạ cũng chẳng lìa khỏi phương pháp trì danh này. Niệm Phật là dùng Nhĩ Thức để nghe danh hiệu.

Trong phương pháp niệm Phật, các vị Cổ Đại Đức thường nhắc nhở chúng ta: Trước hết, phải buông xuống vạn duyên, cũng tức là hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống. Phật hiệu phải sanh khởi từ trong tâm, từ miệng niệm ra, sau đấy mới nghe lọt vào tai, dùng phương pháp này. Phương pháp này có thể nhiếp tâm, ở đây đang nói đến phương pháp này.

Nhĩ Thức văn bỉ Phật danh. Nhĩ Thức nghe danh hiệu của Đức Phật ấy, chính chúng ta tự niệm rồi tự mình nghe. Sau đấy, dĩ ý thức chuyên chú ức niệm dùng ý thức chuyên chú nghĩ nhớ, ức niệm là trong tâm nghĩ đến Phật, nghe danh hiệu Phật, trong tâm chuyên tưởng, ý thức chuyên chú ức niệm.

Do quý vị chuyên chú, tổng nhiếp lục căn nhiếp trọn sáu căn, tức là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy trong Kinh Lăng Nghiêm nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối.

Nhiếp lục căn theo cách nào?

Ở đây, Tổ dạy chúng ta: Chỉ cần quý vị chuyên niệm, tức là chuyên chú ức niệm, lục căn tự nhiên được thâu nhiếp. Nhãn, tỷ, thiệt, thân, như thị lục thức, giai tất bất hành. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu thức như thế, thảy đều chẳng hiện hành, chúng chẳng thể khởi tác dụng riêng biệt. Chuyên môn nghĩ tưởng Phật, sáu thức sẽ chẳng đến nỗi suy nghĩ loạn xạ.

Sao: Niệm chi bất dĩ, niệm cực nhi vong.

Sao: Cứ niệm không ngừng, niệm đến tột bậc, các tình thức mất đi.

Niệm cực là nói tới công phu. Công phu sâu, thường gọi là niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, tức là nói năng lẫn sở cùng mất, quên sạch chính mình là chủ thể đang niệm lẫn Phật hiệu được niệm. Vong ở đây là tỷ dụ, có nghĩa là chẳng chấp trước, chẳng phải là thật sự quên bẵng.

Thật sự quên khuấy thì chính là vô ký tánh tánh chẳng thiện, chẳng ác, chẳng được rồi, vẫn thuộc loại phiền não. Vong ở đây nhằm tỷ dụ chẳng chấp tướng, Thiền Tông nói lìa hết thảy tướng chính là ý nghĩa này.

Kinh Kim Cang dạy: Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, có ý nghĩa chẳng chấp tướng. Vong ở đây mang ý nghĩa chẳng chấp tướng. Năng niệm lẫn sở niệm đều chẳng chấp trước. Hễ chẳng chấp trước, năng và sở dung hòa thành một khối.

Do có chấp trước, năng và sở mới đối lập, tới khi chẳng chấp trước, năng và sở hợp thành một. Khi hợp nhất bèn gọi là nhất tâm, hễ có năng và có sở bèn là nhị tâm. Từ chỗ này, đối với nhất tâm bất loạn, chúng ta lãnh hội chẳng khó. Nó cũng là bước đầu của công phu thành phiến. Khi công phu sâu, bèn đạt tới cảnh giới này.

Sao: sở vị hằng thẩm tư lượng giả, kỳ tư tịch yên. Vong chi bất dĩ, vong cực nhi hóa. Sở vị chân vọng hòa hợp giả, kỳ vọng tiêu yên, tắc thất thức, bát thức diệc tất bất hành.

Sao: Cái được gọi là suy tưởng luôn cân nhắc, suy lường sẽ vắng lặng. Chẳng ngừng quên mất sự suy lường ấy, quên rốt ráo, nó sẽ bị biến đổi. Nói là chân và vọng hòa hợp nghĩa là vọng đã tiêu thì thức thứ bảy và thức thứ tám cũng đều chẳng hiện hành.

Cảnh giới này thuộc về cảnh giới lý nhất tâm. Do vậy có thể biết, công phu niệm Phật xác thực là có tầng cấp, không ngừng tiến cao hơn. Đầu tiên là nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đấy là phương pháp. Từ sơ phát tâm mãi cho đến lý nhất tâm, cho đến viên thành Phật đạo, đều dùng phương pháp này, trọn chẳng thể thay đổi.

Cảnh giới tăng cao hơn, có cần phải thay đổi phương pháp hay không?

Chẳng cần. Vẫn là sử dụng phương pháp này đến cùng. Đạt đến chẳng phân biệt, không chấp trước, thuộc loại sự nhất tâm bất loạn. Khi đạt tới vong cực nhi hóa, chân vọng hòa hợp, sẽ thuộc về lý nhất tâm bất loạn, mà cũng là minh tâm kiến tánh như Thiền Tông đã nói, đã đạt đến cảnh giới kiến tánh.

Kỳ vọng tiêu yên vọng đã tiêu sạch, vọng ở đây chỉ vọng tưởng. Cho đến khi ấy, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều chẳng có. Thất thức, bát thức diệc tất bất hành.

Thức thứ bảy và thức thứ tám cũng đều chẳng hiện hành: Bất hành là chẳng khởi tác dụng. Tác dụng của thức thứ tám là vọng tưởng, tác dụng của thức thứ bảy là chấp trước. Nói cách khác, tâm vọng tưởng và tâm chấp trước đều chẳng có, đều chẳng khởi tác dụng, đạt đến cảnh giới ấy.

Sao: Chủ ký bất tồn, tùng giả yên phụ?

Kỳ ngũ thập nhất hựu hà luận dã?

Sao: Cái chủ yếu đã chẳng còn, những thứ phụ thuộc nương tựa vào đâu?

Há còn luận định năm mươi mốt thứ tâm sở chi nữa. Tám tâm vương chẳng khởi tác dụng. Do tâm sở phụ thuộc tâm vương, đương nhiên là năm mươi mốt món tâm sở càng chẳng khởi tác dụng.

Sao: Đương nhĩ chi thời.

Sao: Ngay trong lúc đó. Ngay trong khi ấy.

Sao: Cự lãng vi ba, hàm thành chỉ thủy.

Sao: Sóng to lẫn sóng nhẹ đều thành nước lặng. Cự lãng sóng lớn là bảy thức trước và các tâm sở tương ứng khởi tác dụng, giống như sóng lớn. Vi ba sóng nhẹ là A lại da thức và năm biến hành tâm sở tương ứng khởi tác dụng. Những thứ này rất vi tế, nên sánh ví với sóng nhẹ. Khi công phu đến mức này, sóng to lẫn sóng nhẹ đều ngưng lặng.

Do vậy có thể biết: Tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh, tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh là chân tâm, là chân như bản tánh của chính mình. Tâm thanh tịnh hiện tiền là bản lai diện mục diện mạo vốn có như nhà Thiền đã nói. Khi ấy, quý vị trông thấy bộ mặt vốn có. Bộ mặt vốn có chính là tự tánh.

Bộ mặt vốn sẵn có còn gọi là pháp giới hay Phật Tánh, đã trông thấy. Thường gọi là Thành Phật. Hễ thấy, bèn thành Phật, kiến tánh thành Phật. vị Phật này hoàn toàn chẳng phải là Phật viên mãn rốt ráo, còn cách biệt Phật Quả viên mãn rốt ráo khá xa.

Vì sao nói người ấy đã thành Phật?

Vì khi ấy, quý vị sử dụng cái tâm hoàn toàn giống Phật.

Lũ phàm phu chúng ta, Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền giáo Bồ Tát, sử dụng cái tâm khác Phật, sai khác ở chỗ nào?

Cái tâm do những người ấy sử dụng được gọi là tâm ý thức, là tám thức, sử dụng tám thức, năm mươi mốt tâm sở, dùng cái tâm ấy. Đức Phật sử dụng chân tâm, bản tánh, hoàn toàn khác hẳn.

Dùng thức tâm là mê, dùng chân tâm là giác. Người niệm Phật niệm đến khi ấy, là đã kiến tánh, thấy chân tâm. Đó là cảnh giới của bậc Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo trở lên. Sơ trụ Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tánh, chính là cảnh giới này. Đó là cự lãng, vi ba, hàm thành chỉ thủy sóng lớn lẫn sóng nhẹ, đều thành nước lặng.

Sao: Nùng vân, bạc vụ, tận tác trừng không.

Sao: Mây dầy, sương mỏng, đều thành bầu trời quang đãng.

Câu này và câu trước tỷ dụ cùng một ý nghĩa. Nùng vân mây dầy có cùng ý nghĩa với sóng lớn. Bạc vụ sương mù mỏng nhẹ có cùng ý nghĩa với sóng nhẹ, đều là nói đến chuyện tám thức và năm mươi mốt tâm sở chẳng khởi tác dụng.

Sao: Duy thị nhất tâm, cánh vô dư pháp, cố vân vô bất nhất dã.

Sao: Chỉ là nhất tâm, chẳng còn các pháp nào khác.

Vì thế nói không gì chẳng là một. Thật sự đạt đến nhất tâm. Đây là nói đến Giáo Hạ, trừ Thiền Tông ra, đều gọi là Giáo Hạ. Tại Trung Hoa, Tông Hiền Thủ còn gọi là Hoa Nghiêm Tông, Tông Thiên Thai còn gọi là Pháp Hoa Tông, hai tông ấy và các Tông Pháp Tướng Duy Thức, Tam Luận đều thuộc về Giáo Hạ, mục tiêu tu học của khá nhiều tông phái đến cuối cùng đều là cảnh giới này.

Trong Thiền, mục đích ấy được gọi là minh tâm kiến tánh, Giáo Hạ gọi là đại khai viên giải. Danh xưng khác nhau, cảnh giới hoàn toàn giống nhau.

Nói cách khác, sẽ là như các nhà Duy Thức đã nói: Chuyển tám thức thành tứ trí. Đến cuối cùng, Giáo Hạ đạt tới cảnh giới này. Chúng ta cũng đạt tới cảnh giới này, cũng là chuyển tám thức thành tứ trí. Chúng ta dùng phương pháp rất xảo diệu, tức là dùng một câu Phật hiệu, tín nguyện trì danh, từ công phu thành phiến đạt đến sự nhất tâm bất loạn, đạt đến lý nhất tâm bất loạn, tức là đạt tới cảnh giới này.

Đây là nêu rõ phương pháp và cách thức xác thực là có xảo diệu khác nhau, nhưng đạt tới mục tiêu hoàn toàn như nhau. Duy thị nhất tâm, cánh vô dư pháp, cố vân vô bất nhất dã. Chỉ là nhất tâm, chẳng còn các pháp nào khác.

Vì thế nói: Không gì chẳng là một, ý nói nhất tâm niệm Phật, niệm đến khi thành thục, tâm vương và tâm sở đều quy nhất, trở về tự tánh.

Từ chỗ này, chúng ta cũng hiểu tâm vương và tâm sở vốn là do cái tâm chẳng nhất nên mới biến ra. Nếu quy nhất, những thứ ấy đều chẳng có.

Tâm chẳng chuyên nhất, Kinh Luận Duy Thức nói: Vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới duy duyên trưởng lục thô. Vô minh bất giác sanh ra ba tế tướng, cảnh giới làm duyên tăng trưởng sáu thô tướng. Tám thức và năm mươi mốt tâm sở biến hiện như vậy đó.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Chân như chẳng giữ lấy tự tánh, nên mới có thể biến thành tám thức. Tám thức biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, biến hiện những thứ ấy. Đến cuối cùng đều quy nhất.

Do vậy có thể biết, trong tất cả pháp môn, phương pháp Tịnh Tông đích xác là thù thắng khôn sánh, nó đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, thẳng chóng.

Vì thế, nó vượt trỗi bất cứ pháp môn nào. Nhưng pháp môn này cũng xác thực là như Đức Phật đã nói, là pháp khó tin. Tu hành chẳng khó, hành chẳng khó, tin tưởng khó, người ta chẳng dễ dàng tiếp nhận cho lắm. Chúng ta nhất định phải biết nguyên nhân khiến cho chúng sanh chẳng thể tiếp nhận.

Trong Kinh Văn của Kinh này đã nói rất khéo: Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy.

Cũng có nghĩa là: Nếu quý vị chẳng đủ thiện căn, chẳng đủ phước đức, sẽ nẩy sanh nghi hoặc rất lớn đối với pháp môn này. Nghi vấn tầng tầng, quý vị chẳng đạt được lợi ích.

Thiện căn phải đạt đến mức độ nào thì mới được coi là nhiều?

Kinh Vô Lượng Thọ có nêu ra một tiêu chuẩn đáng cho chúng ta tham khảo.

Trong Kinh, Đức Phật đã bảo chúng ta: Vương Tử A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả, những người ấy thiện căn khá sâu dầy. Trong đời quá khứ, họ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về con số ấy. Một vị Phật xuất thế phải mất ba đại A tăng kỳ kiếp, họ có thể cúng dường bốn trăm ức Phật, thời gian dài ngần ấy.

Thiện căn như vậy mà vẫn chẳng thể tiếp nhận pháp môn này. Họ nghe Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh Vô Lượng Thọ bèn sanh tâm hoan hỷ, hy vọng chính mình trong tương lai thành Phật cũng sẽ giống như A Di Đà Phật.

Đã sanh tâm như vậy, mà vẫn chẳng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, chẳng dấy lên ý niệm ấy. Điều này cho thấy, đời đời kiếp kiếp tu hành trong quá khứ, từng cúng dường bốn trăm ức Chư Phật Như Lai, thiện căn ấy vẫn là ít, chẳng kể là nhiều, vẫn chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này. Quả thật là chúng ta chẳng thể ngờ được chuyện này.

Vì thế, nhiều thiện căn, nhiều phước đức như Kinh đã dạy, xác thực là giống như trong Kinh đại thừa thường nói: Trong quá khứ, đã từng cúng dường vô lượng vô biên Chư Phật Như Lai. Vô lượng vô biên so với bốn trăm ức, đương nhiên là vượt trội quá nhiều. Có thiện căn và phước đức như vậy, trong một đời này gặp gỡ pháp môn này. Gặp pháp môn này là nhân duyên, trong một đời này, nhất định được sanh về Tịnh Độ, vượt thoát luân hồi.

Từ Kinh Điển, chúng ta biết đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, lẽ nào chẳng quý trọng duyên phận trong một đời chính mình?

Đời này chúng ta được gặp gỡ, chẳng hoài nghi, có thể tin tưởng, có thể lý giải. Có thể tin và có thể hiểu thì chính là thiện căn. Đấy là Nhiều thiện căn.

Chúng ta rất mong vãng sanh, ý nguyện cầu sanh Tịnh Độ rất mạnh mẽ, chịu niệm Phật, trong mười hai thời tịnh niệm tiếp nối. Nói cách khác, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới và A Di Đà Phật thường ngự trong tâm chúng ta, chúng ta thường nghĩ tưởng, thường ức niệm, thời thời khắc khắc đều chẳng hề quên mất. Đó là nhiều phước đức, chẳng có gì lớn hơn phước đức này.

Trong một đời này, ba điều kiện là thiện căn, phước đức, và nhân duyên của chúng ta thảy đều trọn đủ, há có lẽ nào chẳng vãng sanh?

Quyết định được vãng sanh. Sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, gặp A Di Đà Phật, đừng nói là Tông Môn hay Giáo Hạ, ngay cả vô lượng pháp môn do mười phương Như Lai đã nói, hễ đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chẳng cần tốn thời gian lâu lắc bèn thông đạt hoàn toàn. Đây là chỗ thù thắng khôn sánh của pháp môn này.

Trong lời kết luận, Liên Trì Đại Sư đã nói rất hay: Duy thị nhất tâm, cánh vô dư pháp.

Chỉ là nhất tâm, chẳng có pháp nào khác, ý nói vô lượng vô biên pháp môn của hết thảy chư Phật đều lưu xuất từ nhất tâm. Chỉ cần quý vị đắc nhất tâm, đối với hết thảy các pháp môn, chẳng có pháp nào quý vị không thông đạt. Quý vị đã nắm được tổng cương lãnh của pháp môn.

Sớ: Cố tri chí tâm niệm A Di Đà Phật nhất thanh, diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội, lương diêu chánh chỉ lý nhất tâm cố, như Pháp Hoa Tam Muội trung thuyết.

Sớ: Vì thế biết chí tâm niệm A Di Đà Phật một tiếng, diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử chính là nói về lý nhất tâm, như trong Pháp Hoa Tam Muội đã nói. Chúng ta phải hiểu rõ những điều đã nói trong Kinh Luận, sau đấy mới có thể đoạn trừ nghi lự.

Niệm một tiếng Phật hiệu diệt trọng tội trong tám mươi kiếp sanh tử: Nếu quý vị chẳng liễu giải những điều Đức Phật đã nói trước và sau đó, chỉ thấy một câu ấy, sẽ thường hiểu lầm: Ta mỗi ngày từ sáng đến tối niệm Phật, mỗi ngày niệm mấy vạn câu, tội của ta chẳng phải là thảy đều tiêu diệt ư?

Như thế là quý vị đã thấy sai bét mất rồi. Đức Phật nói niệm Phật một tiếng chính là niệm Phật khi đã đắc lý nhất tâm thì mới có hiệu quả như thế.

Nay tâm chúng ta tán loạn niệm Phật, có thể diệt tội hay không?

Có thể, nhưng sức diệt tội rất mỏng manh, yếu ớt. Chẳng niệm Phật liền suy nghĩ loạn xạ, cho nên niệm Phật sẽ tốt đẹp hơn nhiều, sẽ chẳng suy nghĩ loạn xạ. Có kẻ vừa niệm Phật, lại còn vừa suy nghĩ lung tung, như vậy thì chẳng có một tí biện pháp nào hết.

Có thể thấy là chúng ta diệt tội hết sức ít ỏi, mỏng manh, công sức chẳng đủ sâu. Chẳng phải là lời Phật dạy chẳng linh, mà là công phu của chúng ta chẳng đến nơi đến chốn.

Chữ then chốt ở đây là hai chữ chí tâm. Chúng ta là tán loạn tâm, chí tâm là nhất tâm. Trong tâm chẳng có một tạp niệm nào, vọng tưởng cũng chẳng có, đó là chí tâm, là nhất tâm, quý vị niệm Phật hiệu bèn có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, niệm Phật quý ở chỗ tịnh niệm. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy tịnh niệm tiếp nối, Tịnh là nhất tâm, nhất là thanh tịnh, nhị chẳng phải là thanh tịnh.

Tịnh niệm là chí tâm, chí tâm là tịnh niệm. Có thể thấy đây là chữ chánh yếu mấu chốt, chúng ta nhất định phải biết, nhất định phải học tập.

Có ai chẳng mong học?

Mong học, nhưng học chẳng được. Vọng niệm đặc biệt nhiều, đó là hiện tượng tự nhiên. Vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, ngay cả đêm ngủ vẫn dấy vọng tưởng. Ngủ mà nằm mộng tức là có vọng tưởng. Chẳng có vọng tưởng, sẽ không nằm mộng. Do vậy, khi ngủ, hễ dấy vọng tưởng liền nằm mộng, biến thành cảnh giới trong mộng.

Có thể thấy vọng niệm xác thực là dấy lên, chìm xuống bất định suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chẳng có năng lực khống chế nó. Phật Pháp dạy người ta tu định, định là để khống chế vọng tưởng. Chúng ta niệm trong một thời gian ngắn thì tương đối dễ đạt được tịnh niệm hơn, thời gian dài sẽ khó khăn.

Cổ Nhân nói niệm Kinh chẳng bằng niệm chú, niệm chú chẳng bằng niệm Phật. Kinh dài, phải niệm trong một thời gian rất dài. Trong thời gian lâu dài ấy, nhất định sẽ dấy vọng tưởng.

Chú ngắn hơn Kinh, thời gian niệm chú một lượt ngắn ngủi, trong mấy phút sẽ chẳng dấy vọng tưởng, có lẽ cũng có thể khống chế vọng tưởng.

Phật hiệu càng ngắn hơn, trong sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, từng chữ một nối tiếp nhau, trong ấy chẳng có một vọng tưởng nào, xác thực là hiệu quả càng phải thù thắng hơn niệm chú và niệm Kinh. Nhưng phải giữ sao cho Phật hiệu liên tục, chẳng gián đoạn, khó lắm. Trong khi niệm Phật hiệu, vẫn có thể xen tạp vọng tưởng.

Có những kẻ tìm tôi, nói: Thưa Pháp Sư! Khi con không niệm Phật, dường như chẳng có vọng tưởng, tâm rất thanh tịnh. Khi càng niệm Phật, vọng tưởng càng nhiều. Thật ra, kẻ ấy chẳng phải là người đầu tiên gặp vấn đề ấy. Từ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao và các ngữ lục của Tổ Sư, chúng ta luôn nhìn thấy những câu hỏi tương tự.

Các vị Tổ Sư cũng đều giải thích rất rõ ràng: Chẳng phải là lúc bình thường không có vọng tưởng. Lúc bình thường luôn có vọng tưởng, nhưng quý vị chẳng cảm thấy, chẳng lưu ý.

Đến khi quý vị niệm Phật, bỗng dưng phát hiện có lắm vọng tưởng tồn tại dường ấy, tuyệt đối chẳng phải là do niệm Phật mà ra.

Chẳng có lẽ ấy. Vọng tưởng vốn nhiều ngần ấy, vốn sẵn tồn tại, nhưng chẳng phát hiện. Khi niệm Phật hoặc tĩnh tọa bèn phát hiện. Ngay trong lúc quý vị thật sự muốn dụng công, phát hiện là vốn có nhiều vọng tưởng dường ấy, nhiều tạp niệm ngần ấy.

Khi đó, mới phát hiện. Sau khi phát hiện, quý vị chớ nên sợ hãi. Nay chúng ta dụng công niệm Phật hoặc tham thiền, chủ yếu là muốn đối trị những vọng niệm ấy.

Vọng niệm dấy lên, Cổ Đại Đức dạy chúng ta, chẳng cần quan tâm đến nó là được rồi. Nó khởi mặc nó, ta cứ niệm Phật của ta, chúng ta dồn hết ý chí tinh thần nơi câu Phật hiệu. Vọng niệm dấy lên, chẳng quan tâm, không màng tới nó, như vậy thì thời gian lâu sau, Phật hiệu đắc lực. Phật hiệu đắc lực, vọng niệm ít đi.

Người thật sự dụng công, niệm năm năm hay mười năm, đại khái là trong một nén hương có thể còn có đôi ba vọng niệm, công phu cũng khá lắm.

Nén hương dài này cháy hết trong một tiếng rưỡi, tức là niệm Phật trong một tiếng rưỡi, hãy còn có đôi ba vọng niệm. Nếu chẳng có vọng niệm nào, công phu niệm Phật nói chung là mười năm trở lên, thật sự có công phu.

Nếu chúng ta niệm Phật đã mười mấy, hai mươi năm, trong một nén hương hãy còn có mấy chục vọng tưởng, mấy trăm vọng tưởng, bèn biết là chúng ta niệm Phật trước nay chưa hề nghiêm túc dụng công. Hễ nghiêm túc, chẳng thể nào có lắm vọng tưởng tồn tại ngần ấy. Nếu niệm Phật mà chẳng thể chế phục vọng tưởng, vãng sanh sẽ có vấn đề, khá khó khăn.

Nếu niệm Phật xác thực là có thể chế phục vọng tưởng, sẽ nắm chắc vãng sanh, công phu của quý vị thành tựu, điều này hết sức quan trọng.

Cũng có kẻ hỏi: Hải tiêu diệt vọng tưởng như thế nào?

Nếu quý vị mong tiêu diệt vọng tưởng, tức là lại có thêm một vọng tưởng. Không chỉ là chẳng tiêu diệt vọng tưởng, mà còn tăng thêm một vọng tưởng.

Tôi vừa mới nói: Chẳng cần quan tâm tới nó là được rồi. Nhưng trong ấy vẫn có phương pháp, kỹ xảo, phương pháp là phải coi nhạt duyên thế gian.

Tất cả hết thảy vọng tưởng do đâu mà có?

Do từ phân biệt, chấp trước mà có. Chấp trước là không buông xuống được, những thứ ấy hại ta mất mạng.

Có một vị đồng tu nói: Những thứ khác tôi đều có thể buông, nhưng tôi không buông con cháu được. Vậy là thôi rồi. Chỉ cần có một chuyện không buông xuống được, quý vị chẳng có cách nào thoát ly luân hồi. Chuyện không buông xuống được chính là một sợi lòi tói, xiềng chặt quý vị ở nơi này.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã nói rất hay: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, quý vị phải thấy thấu suốt. Sau khi đã thấy thấu suốt, tự nhiên quý vị có thể buông xuống, niệm Phật mới có thể đạt tới tịnh niệm. Hễ có một chuyện không thể buông xuống, niệm của quý vị sẽ chẳng là tịnh niệm. Chẳng phải là tịnh niệm.

Nói cách khác, quý vị lại một lần nữa gieo thiện căn nơi pháp môn này trong một đời này, chưa chín muồi, giống như vô lượng kiếp trong quá khứ, đời đời kiếp kiếp gieo thiện căn. Thật sự buông xuống, triệt để buông xuống, thiện căn của quý vị chín muồi, quyết định được vãng sanh trong một đời này.

Những kẻ bình phàm chẳng hiểu rõ, Kinh Phật thường nói là mê hoặc, điên đảo. Không buông xuống được, đó là tham ái. Các đối tượng của tham ái chẳng ngoài ngũ dục, lục trần, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, người nhà, quyến thuộc, tham luyến những thứ ấy.

Khó bỏ nhất là tình thân quyến, như tôi vừa mới nói, người ấy chẳng thể buông con cháu xuống được, tình thân quyến mà. Nếu thật sự muốn yêu thương, che chở người nhà, quyến thuộc, quý vị hãy quyết định cầu sanh Tịnh Độ.

Đến Thế Giới Tây Phương thành Phật, thành Bồ Tát, bất luận người nhà, quyến thuộc của quý vị ở nơi đâu, ở trong đường nào, quý vị đều có năng lực chiếu cố họ. Đó chính là yêu thương, che chở thật sự.

Quý vị chẳng thể làm Phật, hoặc làm Bồ Tát, chỉ là một phàm phu, quý vị có thể chăm nom, yêu thương che chở họ bất quá mấy chục năm ngắn ngủi mà thôi, chết đi, chẳng có cách nào khác, đó là yêu thương ư?

Chẳng gọi là yêu thương, che chở thật sự.

Kinh Luận giảng rất nhiều: Sau khi chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, sẽ có năng lực trở lại Thế giới này rất nhanh. Không chỉ là có thể chăm nom cha mẹ trong một đời này nơi Thế giới này, chúng ta còn có đời quá khứ, còn có đời quá khứ của quá khứ, cha mẹ, anh em trai, chị em gái, quyến thuộc đời đời kiếp kiếp, vào bất cứ lúc nào, quý vị đều có thể nhận biết, thảy đều hiểu rõ.

Quý vị có năng lực giúp đỡ bất cứ người nào, đó gọi là thật sự yêu thương, che chở, vĩnh viễn chẳng buông bỏ. Chẳng phải là một đời. Người thế gian, nói thật ra, tầm nhìn quá nông cạn, chỉ thấy trước mắt, chẳng thấy tương lai.

Trong Kinh, Đức Phật thường than thở những kẻ ấy là kẻ đáng thương xót, thật sự là đáng thương, đáng xót. Thật sự có thể thấy thấu suốt, tự nhiên có thể buông xuống. Thấy thấu suốt và buông xuống, tâm bèn thanh tịnh. Thấy thấu suốt là trí huệ, là học vấn, buông xuống là công phu, dùng cơ sở ấy để tín nguyện trì danh, vạn người tu, vạn người đến, ai nấy đều thành tựu.

Đối với chuyện niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử được nói ở đây, trong lời Sao, Liên Trì Đại Sư lại giảng rõ cặn kẽ ý nghĩa này.

Sao: Nhân hữu nghi ngôn.

Sao: Có kẻ nghi rằng. Ngờ vực.

Sao: Tội ký đa kiếp.

Sao: Tội đã nhiều kiếp. Đời quá khứ của chúng ta là vô lượng kiếp, tội nghiệp đã tạo trong vô lượng kiếp quá nhiều.

Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện của Kinh Hoa Nghiêm có nói: Nếu tội ấy có hình tướng, dẫu hình tướng ấy rất nhỏ, nhỏ như vi trần, từ vô lượng kiếp tới nay, những tội nghiệp do chúng ta đã tạo, cùng tận hư không đều chẳng thể chứa đựng nổi.

Thật vậy. Chúng ta tạo nghiệp trước nay chưa hề ngưng nghỉ. Thân tạo, miệng tạo thì còn có lúc gián đoạn, chứ ý, tức ý niệm, ý niệm tạo nghiệp chẳng hề ngưng, ngày đêm không gián đoạn, đời đời kiếp kiếp chưa hề gián đoạn. Quý vị biết nghiệp xác thực là vô lượng vô biên.

Sao: Nghiệp trọng chướng thâm, cửu cần sám ma, tiệm tích công đức, thứ khả tiêu vong.

Sao: Nghiệp nặng, chướng sâu, siêng năng sám hối lâu ngày, tích lũy công đức dần dần, ngõ hầu có thể tiêu vong.

Kinh đại thừa thường nói chuyện này. Cửu là phải mất thời gian dài nhiều kiếp. Ví như Đức Phật nói một người từ sơ phát tâm tu hành cho đến khi thành Phật phải mất ba đại A tăng kỳ kiếp, ba đại A tăng kỳ kiếp chính là cửu. Cần là siêng năng, tinh cần. Sám ma là sám hối.

Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện đã quy nạp các cương lãnh tu hành trong hết thảy các Kinh Luận đại thừa, quy nạp đến cuối cùng là hai pháp môn: Thứ nhất là sám hối, thứ hai là hồi hướng. Quy nạp vô lượng vô biên pháp môn đến cuối cùng thành hai môn ấy, quý vị biết hai môn ấy chính là trọng điểm tu hành, là mấu chốt trong tu hành.

Cũng có thể nói cửu cần sám ma siêng năng sám hối lâu ngày là trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp chẳng ngừng tu pháp sám hối, mới dần dần tích lũy công đức tiêu trừ tội nghiệp trong vô lượng kiếp. Phải mất thời gian dài lâu như thế, trong các Kinh thông thường, Đức Phật thường nói như vậy.

Nói theo Kinh Hoa Nghiêm, chẳng phải là ba đại A tăng kỳ kiếp, còn phải dài hơn nữa. Đức Phật dạy phải mất vô lượng kiếp. Đức Phật nói ba đại A tăng kỳ kiếp là nói đối với Quyền giáo Bồ Tát, nói với hàng tiểu Bồ Tát.

Nói lâu quá, sợ họ ngã lòng, lâu như vậy, thôi đi, ta chẳng học nữa, bèn nói ngắn hơn, nói là ba đại A tăng kỳ kiếp. Trong Kinh Hoa Nghiêm, đối với bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ, có thể nói thật, phải là vô lượng kiếp.

Đức Phật nói ba đại A tăng kỳ kiếp thành Phật, có phải là gạt người hay chăng?

Đức Phật chẳng nói dối, ba đại A tăng kỳ kiếp xác thực thành Phật, thành Phật gì vậy?

Tông Thiên Thai phán giáo đã phán định thành bốn giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên, bốn giáo đều có Phật. Ba đại A tăng kỳ kiếp thành Phật là thành Tạng Giáo Phật. Đức Phật nói thành Phật chẳng sai, chẳng gạt người.

Thành Phật là thành Tạng Giáo Phật. Tạng Giáo Phật sai kém đẳng cấp Viên giáo Phật quá nhiều. Tạng Giáo Phật vẫn chưa kiến tánh, còn thua Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo. Thông Giáo Phật cao hơn Tạng Giáo Phật một chút, nhưng vẫn chưa bằng Sơ trụ.

Do vậy, Thành Phật là đạt đến địa vị giác ngộ cao nhất trong một giai đoạn như vậy. Biệt Giáo Phật tương đương với Bồ Tát thuộc địa vị Đệ Nhị Hạnh trong Viên giáo, còn kém Viên giáo Phật ba mươi mốt địa vị. Vì thế, Đức Phật hoàn toàn chẳng nói lời hư giả.

Đức Phật nói thành Phật, quý vị phải hiểu Ngài nói thành vị Phật nào. Sám hối siêng năng lâu ngày thì mới có thể tiêu trừ nghiệp chướng.

Sao: Nhi niệm Phật nhất thanh, diệt đa kiếp tội.

Sao: Nhưng niệm Phật một tiếng bèn diệt tội nhiều kiếp. Người ta hoài nghi ở chỗ này, khó tin ở chỗ này.

Sao: Nhân vi quả cự, cố sở bất tín.

Sao: Nhân bé quả to, cho nên chẳng tin. 

Niệm Phật một tiếng, cái nhân này dường như quá dễ dàng, quá nhỏ bé, quá ít ỏi, làm sao nó có thể diệt tội nhiều dường ấy, diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử?

Dường như cái quả ấy quá thù thắng. Nhân và quả chẳng tương xứng. Điều này rất khó khiến cho người ta tin tưởng, rất khó khiến cho người khác tiếp nhận.

Sao: Kim vị chí tâm giả, tức nhất tâm dã.

Sao: Nay nói chí tâm tức là nhất tâm. Đây chẳng phải là xưng niệm bình thường, mà là nhất tâm xưng niệm. Trong nhất tâm có sự nhất tâm và lý nhất tâm, sự nhất tâm vẫn chẳng có hiệu quả to tát ngần ấy.

Sao: Nhược sự nhất tâm, tuy năng diệt tội, vi lực sảo sơ, tội tướng phục hiện, đa đa chi niệm, chỉ khả diệt thiểu thiểu chi khiên.

Sao: Nếu là sự nhất tâm, tuy có thể diệt tội, nhưng do sức hơi yếu, nên tội tướng lại hiện, niệm cho nhiều thì chỉ có thể diệt chút ít tội khiên. Huống hồ chúng ta hiện thời ngay cả sự nhất tâm còn chẳng có.

Nếu nay chúng ta chẳng nghiêm túc, nỗ lực hướng về nhất tâm, tâm tán loạn niệm Phật như vậy, sẽ như cổ nhân đã nói: Hét toạc cổ họng vẫn uổng công. Câu này phê bình kẻ suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, người niệm Phật hiệu miệng có, tâm không, miệng niệm Phật hiệu, tâm tán loạn, niệm Phật kiểu đó chẳng khởi tác dụng.

Niệm Phật phải quy nhất ý niệm, thâu thập cái tâm tán loạn, như thế sẽ có hiệu quả. Do vậy, có kẻ biết niệm, có kẻ chẳng biết niệm. Chẳng biết niệm sẽ không có hiệu quả. Chẳng có hiệu quả thì cũng là gieo thiện căn mà thôi, chẳng thể thành tựu trong một đời này, mà cũng chẳng thể diệt tội.

Niệm đến sự nhất tâm, hạn độ thấp nhất của sự nhất tâm là công phu thành phiến. Công phu thành phiến là suốt ngày từ sáng đến tối trong tâm xác thực có A Di Đà Phật, có Tây Phương Tịnh Độ, trong tâm thật sự có những điều ấy. Nói cách khác, tất cả hết thảy chuyện thế gian ta đều chẳng bận lòng, ta đều buông xuống. Trong tâm ta, chuyên vương vấn A Di Đà Phật, đó gọi là sự nhất tâm.

Vì trong tâm quý vị vương vấn A Di Đà Phật, đó là sự. Sự đã chuyên nhất, chỉ vương vấn A Di Đà Phật. Trừ A Di Đà Phật ra, chuyện gì khác cũng đều chẳng vướng mắc, thứ gì cũng đều buông xuống, đó là sự nhất tâm. sự nhất tâm tuy công phu rất nông cạn, đã có thể vãng sanh. Tuy diệt tội chẳng nhiều, có thể diệt một ít tội nghiệp.

Công phu sự nhất tâm nông cạn, tiêu nghiệp chướng ít ỏi, khi vãng sanh còn bị bệnh khổ. Nếu là người có công phu sự nhất tâm sâu xa, tiêu trừ nhiều nghiệp chướng, lúc lâm chung sẽ chẳng ngã bệnh. Ngã bệnh là nghiệp chướng hiện tiền, người ấy chẳng ngã bệnh. Đến lúc đó, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, đó là sự nhất tâm.

Người niệm Phật niệm đến mức sanh tử tự tại, đó là công phu tốt nhất. Sanh tử tự tại, muốn ra đi khi nào bèn đi khi đó, muốn ở lại Thế Giới này thêm mấy năm, cũng chẳng trở ngại. Đó là sanh tử tự tại.

Phải đạt tới công phu gì?

Vẫn là công phu sự nhất tâm khá tốt. Thông thường, chúng ta nói công phu chia thành ba cấp. Công phu sơ cấp gọi là công phu thành phiến, bậc trung gọi là sự nhất tâm bất loạn, bậc thượng gọi là lý nhất tâm bất loạn.

Ở đây, chỉ nói đến sự nhất tâm và lý nhất tâm, tức là đã gộp công phu thành phiến vào sự nhất tâm. Công phu thành phiến là sự nhất tâm nông cạn. Sự nhất tâm sâu xa, đã đoạn kiến tư phiền não.

Chưa đoạn kiến tư phiền não thì phải chế ngự nó, đó gọi là công phu thành phiến, tức là đã chế phục phiền não. Nếu chia nó thành chín phẩm, công phu thành phiến thượng thượng phẩm có thể vãng sanh tự tại, muốn đi lúc nào bèn có thể đi khi đó, muốn ở lại Thế giới này bao nhiêu năm bèn ở lại bấy nhiêu năm, quyết định chẳng bị trở ngại.

Nếu chúng ta hỏi: Lũ chúng ta có thể làm được hay không?

Ai nấy đều có thể làm được, chỉ sợ quý vị chẳng chịu làm. quý vị chịu làm, chẳng có ai không làm được. Nếu nói đến sự nhất tâm bậc thượng, đích xác là không phải mỗi người chúng ta đều có năng lực làm được.

Vì sao?

Phải đoạn hết Kiến Tư phiền não, rất khó khăn, lý nhất tâm càng khó hơn.

Do vậy, có thể biết: Niệm một tiếng A Di Đà Phật tiêu diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử, chúng ta chỉ có thể lắng nghe, chứ chẳng có phần. Đó là lý nhất tâm, chúng ta chẳng làm được.

Tới khi nào sẽ làm được?

Sau khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới sẽ làm được. Sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh hoa nở, gặp Phật, ngộ vô sanh. Khi ấy, sẽ là lý nhất tâm bất loạn. Trong Thế Giới Tây Phương, hoa chưa nở thì là sự nhất tâm bất loạn, hoa đã nở thì là lý nhất tâm bất loạn. Hoa nở thấy Phật là thấy báo thân Phật.

Trong bài kệ Tán Phật có câu: Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải bạch hào cuộn tròn như năm quả núi Tu Di, mắt biếc như bốn biển lớn trong ngần, đó là báo thân của A Di Đà Phật. Hoa nở thấy Phật là thấy báo thân.

Hoa chẳng nở vẫn thấy Phật, tức là thấy hóa thân của A Di Đà Phật, bởi lẽ, ở trong hoa sen, Phật, Bồ Tát cũng thuyết pháp cho quý vị, cũng có Hải Hội đại chúng vây quanh, hoàn toàn là hóa thân, chẳng phải là báo thân.

Nói đến chỗ này, chư vị phải chú tâm thấu hiểu chỗ thù thắng của Tịnh Tông.

Có người hỏi: Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng giác Bồ Tát trong Thế Giới Hoa Tạng, các Ngài tu hành thành Phật trong Thế Giới Hoa Tạng, chẳng phải là chuyện giống hệt hay sao?

Vì sao phải đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới?

Vì sao Đẳng giác Bồ Tát trong Viên giáo phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ?

Hỏi những vấn đề này rất hay, chư vị nghe những điều tôi vừa mới nói, phải nên trả lời được. Diệt tội trong các Thế Giới phương khác thì phải siêng năng sám hối lâu ngày. Đẳng giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh, rất khó đoạn, tốn thời gian rất dài.

Phiền não thô dễ đoạn, phiền não tế khó đoạn. Đức Phật nói ba đại A tăng kỳ kiếp, trong A tăng kỳ kiếp thứ nhất, Bồ Tát có thể chứng đắc ba mươi địa vị, tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng.

Trong A tăng kỳ kiếp thứ hai, chỉ có thể chứng bảy địa vị, từ Sơ địa cho đến Thất địa, càng lên cao càng khó. Trong A tăng kỳ kiếp thứ ba, chứng ba địa vị là Bát địa, Cửu địa, và Thập địa.

Ba đại A tăng kỳ kiếp, trên thực tế là thời gian cần thiết để viên mãn Thập địa, thành Đẳng giác Bồ Tát. Đẳng giác Bồ Tát cuối cùng vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh, hãy còn một phẩm, tôi thấy hạn độ thấp nhất, tuy Đức Phật chẳng nói, sợ rằng cũng phải mất một A tăng kỳ kiếp thì mới có thể thành tựu.

Do vậy, càng lên cao càng khó, phải mất thời gian rất dài. Vì lẽ này, Bồ Tát thông minh, sang Thế Giới Tây Phương, trong một thời gian rất ngắn ngủi bèn thành tựu. Đấy là nhân duyên thật sự.

Vì sao Ngài phải vãng sanh Thế Giới Tây Phương?

Ngài vãng sanh Thế Giới Tây Phương, tới Thế Giới Tây Phương bèn chứng đắc. Đẳng giác Bồ Tát vãng sanh, sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh trong Cõi Thật báo trang nghiêm, vừa đến đó, hoa nở, thấy Phật, chẳng cần phải chờ đợi.

Nói cách khác, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thấy A Di Đà Phật, nghiệp chướng tiêu trừ sạch, quý vị nói xem có mau lẹ hay chăng?

Trong Thế Giới Hoa Tạng, Ngài vẫn phải tốn một khoảng thời gian dài, chẳng nhanh chóng như trong Thế Giới Tây Phương. Đấy là nguyên do vì sao Ngài phải sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Vì sao chúng ta biết là mau chóng?

Kinh Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã giảng rất rõ ràng.

Trong hết thảy các Kinh đại thừa, Đức Phật đã nói: Để thành Phật, từ sơ phát tâm cho đến khi chứng Phật Quả, bất luận là Phật thuộc loại nào, phải mất ba đại A tăng kỳ kiếp, đấy là con số thiên văn.

Đến thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chẳng phải là vị Phật nào khác, mà là Viên giáo Phật, cần phải mất bao nhiêu thời gian?

Tối đa là mười hai đại kiếp. Mười hai đại kiếp thua xa một A tăng kỳ kiếp. Một A tăng kỳ kiếp giống như một năm, mười hai đại kiếp giống như mười hai phút.

Đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thành Viên giáo Phật mất mười hai phút, trong thế gian này, để tu thành Tạng Giáo Phật cần tới một năm, làm sao có thể so sánh cho được?

Chẳng thể sánh bằng.

Do đâu mà có mười hai kiếp?

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói: Hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, trải qua mười hai kiếp hoa nở, thấy Phật, mười hai kiếp do đây mà có. Do vậy có thể biết, A Di Đà Phật kiến lập Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cho đến nay là mười kiếp, người hạ hạ phẩm vãng sanh trong kiếp thứ nhất, lại qua hai kiếp, người ấy bèn thành Phật. Người hạ phẩm trung sanh đã thành Phật từ lâu rồi.

Vì hạ phẩm trung sanh sáu kiếp thành Phật, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới nay đã là kiếp thứ mười, người ấy đã thành Phật năm kiếp, người ấy đã thành Phật trong kiếp thứ sáu, mới hiểu: So sánh giữa thành tựu trong Thế Giới Tây Phương và các Thế giới phương khác, sẽ thấy quá thù thắng, quý vị hãy nhìn từ chỗ này. Trung phẩm hạ sanh, để thành Phật trong Thế Giới Tây phương phải mất bảy ngày.

Điều này cho thấy vì sao hết thảy Bồ Tát đều hướng về, ngưỡng mộ Tây Phương Cực Lạc Thế Giới?

Nguyên nhân ở chỗ này. Đến tu hành trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, chẳng biết đã rút ngắn bao nhiêu thời gian, thù thắng ở chỗ này.

Do vậy, hết thảy Chư Phật đều tán thán chẳng thể nghĩ bàn, bổn nguyện của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, công đức chẳng thể nghĩ bàn, pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, thành tựu chẳng thể nghĩ bàn.

Nếu chư vị đọc kỹ ba Kinh, những chuyện này đều bày rõ rành rành trước mặt chúng ta, có thể nào chẳng giác ngộ?

Sao: Thử chi chí tâm, chánh thuộc lý nhất.

Sao: Chí tâm ở đây thuộc về lý nhất tâm.

Chữ: Chí tâm trong câu chí tâm niệm A Di Đà Phật một tiếng của phần Sớ là nói đến lý nhất tâm, chẳng phải là sự nhất tâm.

Sao: Nhất tâm ký lãng, tích vọng đốn không.

Sao: Nhất tâm đã rạng ngời, các vọng đã tích lũy nhanh chóng tiêu tan. Lý nhất tâm là minh tâm kiến tánh, tối thiểu là phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, đấy mới là lý nhất tâm bất loạn.

Đối với cảnh giới của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trong Kinh Hoa Nghiêm, nói theo Tịnh Độ Tông, đều thuộc về lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn cũng có thứ tự cạn hay sâu khác nhau, cạn là Sơ trụ trong Viên giáo, sâu là Đẳng giác Bồ Tát.

Chúng ta tính theo địa vị Bồ Tát thì lý nhất tâm lại có bốn mươi mốt tầng cấp, tức là xét theo thứ tự cạn hay sâu bèn có bốn mươi mốt tầng cấp, đều gọi là lý nhất tâm. Nhất tâm ký lãng. Nhất tâm đã rạng ngời, lãng là sáng rỡ. Đã đoạn kiến tư phiền não và trần sa phiền não, cũng phá một phẩm vô minh, tâm tánh thấu lộ, dụng tâm chẳng khác Phật.

Trong Kinh, Đức Phật thường dùng vầng trăng để tỷ dụ, tỷ dụ ấy hay lắm: Tâm Phật như vầng trăng tròn ngày Rằm, tâm Sơ trụ Bồ Tát như trăng non mồng ba, mồng bốn, quang minh thấu lộ. Ánh sáng của trăng tròn và trăng non giống nhau, đều là quang minh thật sự, chẳng giả. Bất quá một đằng sáng ngời, một đằng sáng yếu ớt mà thôi, nhưng đều là ánh sáng thật sự.

Ý nói: Dụng tâm của Sơ trụ Bồ Tát là chân tâm. Tuy dùng chân tâm mà chẳng viên mãn, tức là chẳng viên mãn và tự tại như Phật, nhưng Ngài đã dùng chân tâm, giống như Phật, chẳng giống Quyền giáo Bồ Tát. Từ Quyền giáo Bồ Tát trở xuống đều dùng vọng tâm.

Tám thức, năm mươi mốt tâm sở là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Sơ trụ Bồ Tát dùng chân tâm, giống như Phật. Tích vọng đốn không. Các vọng đã tích lũy đều nhanh chóng tiêu tan, Tích là tích lũy. Tới khi ấy, vọng tưởng, phiền não đã tích lũy từ vô lượng kiếp thảy đều tiêu mất, thảy đều chẳng còn.

Sao: Dụ như thiên niên ám thất, khởi dĩ nhất đăng, ám bất tốc diệt?

Sao: Ví như nhà tối ngàn năm, há chẳng phải là do một ngọn đèn mà tối tăm chẳng mau chóng diệt mất ư?

Đây là tỷ dụ, nhằm giải thích vì sao những tội nghiệp đã tích lũy trong vô lượng kiếp có thể ngay lập tức tiêu mất?

Thiên niên ám thất. Nhà tối ngàn năm, ngàn năm là tỷ dụ vô lượng kiếp, tỷ dụ thời gian lâu dài. Nhà tối om om ví như phiền não, vọng tưởng, tập khí ác.

Khởi dĩ nhất đăng, ám bất tốc diệt?

Há chẳng phải là do một ngọn đèn mà tối tăm chẳng mau chóng diệt mất ư?

Nhà tối ngàn năm, quý vị thắp một ngọn đèn trong ấy, tối tăm bèn chẳng còn nữa, đã tiêu trừ.

Ý nghĩa này nhằm nói rõ: quý vị thật sự giác ngộ, tất cả hết thảy tập khí và tội chướng thảy đều tiêu trừ.

Vì sao?

Vì chúng nó là hư vọng, chẳng phải là chân thật. Chân thật sẽ chẳng thể tiêu diệt, chúng nó là hư vọng. Giác ngộ bèn chẳng có, bất giác thì chúng thảy đều tồn tại. Kiến tánh mới được coi là giác ngộ. Chẳng kiến tánh, không tính là giác ngộ. Chẳng ngộ, sẽ phải luân hồi trong lục đạo, bèn có lục đạo, mười pháp giới. Sau khi đã ngộ, không chỉ là chẳng có lục đạo, mà mười pháp giới cũng chẳng có.

Do vậy, người giác ngộ, người đắc lý nhất tâm bất loạn, sẽ trụ ở nơi đâu?

Kinh Hoa Nghiêm nói người ấy trụ trong nhất chân pháp giới, chẳng ở trong mười pháp giới. Phật trong mười pháp giới là Tạng Giáo Phật, hoặc Thông Giáo Phật. Biệt Giáo Phật chẳng trụ trong mười pháp giới, Ngài nhập nhất chân pháp giới.

Sao: Cố nhất xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo, bất độc Diệu Pháp Liên Hoa hữu chi.

Sao: Vì thế, vừa xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo, không phải là chỉ riêng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mới có.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói: Nhất xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo. Vừa xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo.

Quý vị phải hiểu: Nhất xưng Nam Mô Phật chính là chí tâm xưng niệm, thuộc lý nhất tâm, thì mới có thể thành Phật. Chẳng phải là lý nhất tâm mà niệm thì đừng nói là xưng niệm một tiếng, dẫu xưng niệm một vạn lần, mười vạn lần, hoặc trăm vạn lần cũng chẳng có tác dụng chi hết, cũng chẳng đạt được cảnh giới này.

Nhất xưng Nam Mô Phật như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã nói có cùng một cảnh giới với chí tâm niệm A Di Đà Phật mà Đại Sư đang nói ở đây.

Sao :Pháp Hoa Tam Muội Quán Kinh vân.

Sao: Kinh Pháp Hoa Tam Muội Quán nói. Đây là tên gọi của một bộ Kinh.

Sao: Thập Phương chúng sanh, nhất xưng Nam Mô Phật giả, giai đương tác Phật, duy nhất đại thừa, vô hữu nhị tam.

Sao: Mười phương chúng sanh, nhất tâm niệm Nam Mô Phật, sẽ đều làm Phật, chỉ có một đại thừa duy nhất, chẳng có hai, ba thừa.

Đoạn này nói rõ công đức niệm Phật là duy nhất đại thừa, ý nghĩa trong Kinh chẳng được nêu ra rất rõ rệt, Kinh nói Mười Phương chúng sanh. Mười phương chúng sanh đương nhiên bao gồm bản thân chúng ta trong ấy. 

Nhất xưng, mấu chốt là nhất, quyết định chớ nên sơ sót. Nhất chẳng phải là con số, chẳng có nghĩa là niệm một tiếng Nam Mô Phật, chẳng phải vậy, mà là nhất tâm xưng niệm.

Nhất có nghĩa là nhất tâm, lại còn là nhất tâm đạt đến tột bậc, tức là lý nhất tâm, chính là lý nhất tâm được nói trong bộ Kinh này. Nói cách khác, sử dụng cái tâm chân thành. Chân thành đến cùng cực, ở đây chúng ta nói là lý nhất tâm, dùng cái tâm như vậy để niệm Nam Mô Phật, sẽ thành Phật, giai đương tác Phật đều sẽ thành Phật.

Điều này cũng chứng minh những điều được nói trong Tam Phước của Quán Kinh, điều cuối cùng có nói: Phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả.

Phát tâm bồ đề, tin sâu nhân quả: Nhân quả ấy chẳng giống nhân quả bình phàm, mà là niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Nhất xưng Nam Mô Phật là nhân, giai đương tác Phật đều sẽ thành Phật là quả. Vì thế, pháp môn này là duy nhất đại thừa. Cổ Đại đức phán định Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều là nhất thừa giáo, còn cao hơn đại thừa. Phật Pháp được chia thành các đẳng cấp, có tiểu thừa, có đại thừa, có nhất thừa.

Nhất thừa là pháp môn dạy thành Phật, đại thừa dạy thành Bồ Tát, tiểu thừa dạy thành tựu Thanh Văn, Duyên Giác. Chúng ta thường nói Thanh Văn, Duyên Giác là A La Hán, Bích Chi Phật. Thành tựu những quả vị ấy thì là Pháp tiểu thừa. Thành tựu quả vị Bồ Tát là Pháp đại thừa. Dạy quý vị trực tiếp thành Phật thì gọi là pháp nhất thừa.

Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều thuộc loại Viên giáo nhất thừa, ở đây nói là duy nhất đại thừa. Vô hữu nhị tam. Chẳng có hai, ba thừa, nhị là hai thừa, tức đại thừa và tiểu thừa, ba thừa là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Bồ Tát Thừa. Pháp môn này chẳng phải là pháp tam thừa, chẳng phải là pháp nhị thừa, mà chỉ duy nhất là pháp nhất thừa. Duy nhất đại thừa là nói đến pháp nhất thừa.

Sao: Nhất thiết chư pháp, nhất tướng, nhất môn.

Sao: Hết thảy các pháp, một tướng, một môn. Tiếp đó, bèn có năm câu đều là Kinh Văn trích từ Pháp Hoa Tam Muội Quán Kinh, câu này là câu thứ hai.

Hai câu này nêu rõ: Vì sao nhân quả niệm Phật thù thắng như vậy, đạo lý ở chỗ nào?

Nêu ra đạo lý.

Diễn: Nhất thiết chư pháp nhị cú, xuất kỳ sở dĩ.

Diễn: Hai câu hết thảy các pháp… nêu ra nguyên do. Nói rõ nguyên cớ.

Diễn: Vị:  Hà cố nhất xưng Phật thời,  giai đương tác Phật, duy nhất đại thừa da?

Diễn: Ý nói vì sao khi nhất xưng niệm Phật, sẽ đều thành Phật là duy nhất đại thừa?

Nêu ra câu hỏi như thế, dưới đây là lời giải đáp:

Diễn: Viết: Dĩ nhất thiết chư pháp, duy nhất tướng, bất nhị tướng, nhất hạnh, bất nhị hạnh, cố duy nhất thừa.

Diễn: Đáp: Do hết thảy các pháp, chỉ là một tướng, chẳng phải là hai tướng. Là một hạnh, chẳng phải là hai hạnh. Vì thế chỉ là nhất thừa. Giải thích hết sức hay, đúng là giống như Kinh Hoa Nghiêm đã nói.

Kinh Hoa Nghiêm bảo chúng ta: Một tức là hết thảy, hết thảy chính là một, một là gì?

Là nhất tâm. Nhất thiết là hết thảy các pháp, hết thảy vạn pháp. Hết thảy vạn pháp biến hiện từ nhất tâm, hết thảy các pháp môn cũng lưu xuất từ nhất tâm. Tông Môn thường nói vạn pháp quy nhất, là nhất tâm. Tu hành trong Thiền Tông là tu từ căn bản, căn bản là nhất tâm.

Tịnh Tông chúng ta cũng là tu trực tiếp từ nhất tâm, niệm câu A Di Đà Phật, mục đích là nhất tâm bất loạn, trực tiếp tu nhất tâm. Nhất tâm thống nhiếp hết thảy các pháp môn, nhất tâm bao dung hết thảy các pháp môn, nhất tâm bao trùm hết thảy pháp môn. Vì thế, chỉ cần quý vị đắc nhất tâm, sẽ đạt được hết thảy, đó là nguyên lý.

Nếu nói theo sự, Kinh Hoa Nghiêm nói: Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Nhất chẳng phải là chuyên nhất, mà là bất cứ một điều gì, bất cứ một pháp nào cũng đều thống nhiếp hết thảy các pháp môn.

Vì sao?

Vì bất cứ pháp nào cũng đều lưu xuất từ nhất tâm.

Vì thế, trong Kinh đại thừa mới nói: Trong một đầu lông, đầu lông là sự. Đầu lông là chót đầu của một sợi lông, rất nhỏ, có Phật đang chuyển đại pháp luân trong ấy. Trong một đầu lông có Phật giảng Kinh, thuyết pháp tại nơi đó, Hải Hội vân tập. Đó là lớn, nhỏ chẳng hai.

Trong một đầu lông có thể dung nạp cõi bảo vương. đại thiên Thế giới có thể bỏ vào trong một đầu lông, đầu lông chẳng phình lớn, đại thiên Thế giới chẳng rút nhỏ.

Vì sao có thể dung nạp?

Đầu lông do nhất tâm biến hiện, đại thiên Thế giới cũng do nhất tâm biến hiện, nhất tâm và nhất tâm chẳng có trở ngại, chẳng có ngăn ngại. Vì thế, nhỏ có thể dung nạp lớn, lớn có thể dung nạp nhỏ.

Chúng ta lớn nhỏ chẳng thể dung nạp nhau, là vì quý vị có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên vốn là có thể dung nạp lẫn nhau bị biến thành chẳng thể dung nạp. Nếu quý vị tiêu trừ hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cảnh giới ấy sẽ hiện tiền. Trong Phật Pháp gọi đó là cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn.

Các nhà khoa học hiện thời cũng hiểu chuyện này, nhưng họ chẳng thể chứng thực, chẳng thể chứng minh, từ lý luận bèn suy đoán có sự thật này.

Họ nói các danh tướng chẳng giống chúng ta. Chúng ta nói là pháp giới lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, họ nói là không gian nhiều chiều. Đó chính là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Nếu trong tương lai, khoa học tiến bộ đến mức không gian có vô hạn chiều đồng thời hiển hiện, đấy sẽ là cảnh giới được nói trong Kinh Hoa Nghiêm.

Lúc ấy, quý vị sẽ thật sự thấy trong một lỗ chân lông có Như Lai giảng Kinh, thuyết pháp, chuyển đại pháp luân. quý vị sẽ thật sự trông thấy, quyết định chẳng có chướng ngại. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều ở trước mặt, chẳng có quá khứ, mà cũng chẳng có vị lai.

Vì thế, thời gian và không gian đều là khái niệm trừu tượng, chẳng phải là sự thật chân chánh. Khoa học có lý luận này, nhưng chẳng biết thực hiện bằng cách nào. Trong Phật Pháp có phương pháp để có thể thực hiện, dạy quý vị tu nhất tâm bất loạn, đạt đến lý nhất tâm, cảnh giới ấy hoàn toàn hiện tiền, đó là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.

Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

A Di Đà Phật!

***