Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP HAI TRĂM TÁM MƯƠI BẢY

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP HAI TRĂM TÁM MƯƠI BẢY
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ tám.

Tống Nguyên Gia Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La dịch.

Đời Tống, trong niên hiệu Nguyên Gia, Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La người xứ Thiên Trúc dịch.

Trong Kinh Phật, điều này được gọi là nhân đề. Vì Kinh Phật do Đức Thế Tôn giảng tại Ấn Độ trong thuở ấy, về sau, các đệ tử của Ngài dùng văn tự ghi chép lại, trở thành Kinh Điển. Những bản ghi chép nguyên thủy đều dùng tiếng Phạn để viết. Tiếng Phạn là Cổ Văn Ấn Độ.

Sau khi được truyền đến Trung Hoa, nhất định là phải dịch sang tiếng Hán thì mới có thể lưu thông tại Trung Hoa. Do vậy, mỗi bộ Kinh đều có phiên dịch nhân đề, tức là do người nào phiên dịch.

Ở chỗ này, chúng ta ắt cần phải hiểu: Phiên dịch Kinh Phật là công sức trước tác tập thể, chẳng phải do một người nào đó phiên dịch. Phật Pháp truyền đến Trung Hoa là do chính quyền Trung Hoa vời thỉnh. Vào thời cổ, Đế Vương sai đặc sứ sang Tây Vực thỉnh vời Cao Tăng Đại Đức đến Trung Hoa.

Vì thế, sau khi các Ngài đã tới Trung Hoa, bèn được đãi ngộ cao nhất bằng phương cách lễ ngộ. Đế Vương Trung Hoa dùng lễ Quốc Sư đối với các vị ấy, tức là coi các Ngài là thầy của Đế Vương. Dùng lễ nghi ấy để tiếp đãi, hết sức long trọng.

Vì Đế Vương tôn trọng hàng xuất gia như vậy, tục ngữ thường nói là thượng hành, hạ hiệu trên hành, dưới làm theo, thần dân thấy Đế Vương tôn trọng người xuất gia dường ấy, dân chúng và quan viên văn võ bèn đặc biệt tôn trọng người xuất gia.

Do đó, tại Trung Hoa, Phật Giáo có địa vị rất cao tột. Phiên dịch Kinh Điển có tổ chức, giống như hội đồng phiên dịch do quốc gia thành lập trong hiện thời. Đã thế, tổ chức ấy khá to lớn, dùng tài lực của quốc gia và nhân lực toàn quốc để duy trì.

Gần như các vị chuyên gia ngữ văn, những học giả thế gian và xuất thế gian thuở ấy đều tham gia công tác phiên dịch. Nhưng tựa đề Kinh chỉ ghi tên một vị, vị ấy chính là chủ tịch của viện dịch Kinh, giống như hiệu trưởng trong một trường học, dùng vị ấy làm đại biểu.

Đừng nên nghĩ bộ Kinh này chỉ do một mình Ngài phiên dịch, mà là do dịch trường của Ngài phiên dịch, hiểu như vậy là đúng. Sử truyện ghi chép khá cặn kẽ dịch trường của La Thập Đại Sư, Kinh Di Đà do Cưu Ma La Thập Đại Sư phiên dịch.

Dịch trường của La Thập Đại Sư có hơn bốn trăm người, có thể thấy là biên chế của cơ cấu ấy khá to lớn. Dịch trường của Huyền Trang Đại Sư đời Đường quy mô còn to hơn nữa, có hơn sáu trăm người.

Nhìn lại chúng ta trong hiện thời. Hiện thời vì giao thông phát triển, thông tin phát triển, gần như toàn thể địa cầu biến thành một khu vực. Chỗ nào phát sanh một tí sự việc, chúng ta lập tức biết ngay. Địa cầu thu nhỏ, mối quan hệ giữa con người với nhau, mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên ngày càng mật thiết.

Mối quan hệ giữa nước này với nước kia đúng là giống như xóm giềng. Nếu muốn thật sự đạt tới Thế giới hòa bình, cùng tồn tại phát triển, chỉ có cách trao đổi văn hóa thì mới có thể kiến lập một nhận thức chung, mà cũng là hình thành một quan niệm cộng đồng. Dựa trên quan niệm ấy thì mới có thể đạt tới sự tồn tại phát triển chung, đối xử hòa thuận với nhau.

Nếu không Chú trọng phương diện này, Thế giới loạn lạc, chúng sanh khổ sở là chuyện chắc chắn chẳng thể tránh khỏi. Xét theo nền văn hóa của toàn thể Thế giới, Phật Giáo là một mắt xích rất trọng yếu.

Kinh Điển trên Thế giới hiện thời, có Kinh Điển bằng tiếng Hán hoàn chỉnh, Kinh Điển bằng tiếng Tây Tạng, đối với Kinh Điển tiểu thừa, trừ Hán văn ra, còn có Kinh Điển chép bằng tiếng Ba Lợi Pāḷi, tiếng Nam Phạn. Kinh Điển bằng tiếng Nhật là dịch từ tiếng Hán, chỉ dịch một phần.

Hiện thời, Phật Giáo thuận theo thời đại to lớn này mà truyền sang phương Tây, truyền bá đến mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên Thế giới. Công tác dịch Kinh là một vấn đề to lớn trọng yếu nhất trong hiện thời.

Làm thế nào để dịch từ tiếng Hán, từ tiếng Tây Tạng, hoặc tiếng Ba Lợi sang văn tự của các nước khác trên Thế giới?

Trong nhiều năm qua, cũng có người thực hiện công tác này, nhưng hiệu quả của công tác phiên dịch ấy đều có vấn đề. Thí dụ như lão cư sĩ Trầm Gia Trinh ở Nữu Ước, Hoa Kỳ, hết sức nhiệt tâm hoằng dương Phật Pháp, đã thỉnh không ít người làm công tác dịch Kinh Điển từ tiếng Hán sang tiếng Anh, phiên dịch rất nhiều.

Tôi ở Nữu Ước, Lão nhân gia bảo tôi: Những bản dịch ấy chẳng thể xuất bản, nguyên nhân ở chỗ nào?

Người phiên dịch tiếng Hán lẫn tiếng Anh đều thông thạo, nhưng thiếu sự tu dưỡng kha khá nơi Phật Pháp, chỉ dựa theo mặt chữ để dịch, nên ý nghĩa chẳng đúng. Đây là một nan đề rất lớn.

Do đó, tại dịch trường xưa kia, vì sao có khá nhiều người tham gia?

Mọi người cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, mỗi chữ, mỗi câu đều phải cân nhắc. Nếu dùng phương pháp phiên dịch tập thể như thời cổ, vấn đề này có thể giải quyết. Hiện thời, dịch Kinh do cá nhân thực hiện, mỗi cá nhân có thành kiến của chính mình. 

Đó là điều then chốt khiến cho bản dịch chẳng thể lưu thông khắp nơi. Bản dịch đã được đại chúng nghiên cứu, thảo luận, sẽ là khách quan, sai lầm được giảm thiểu đến mức độ thấp nhất.

Đối với vấn đề này, tôi nêu ra một ý kiến nho nhỏ cùng Trầm lão cư sĩ: Nếu lại có cơ hội phiên dịch, thí dụ như quý vị dịch Kinh Kim Cang, quý vị nhất định phải thăm dò, hiện tại trên Thế giới, bất cứ nơi nào thuộc quốc gia nào, hễ có vị Pháp Sư đại đức nào thật sự nghiên cứu, tu học Kinh Kim Cang, hãy mời vị ấy đến giảng. Tất cả các nhân viên tham dự dịch Kinh đều đến nghe, nghe vị ấy giảng cặn kẽ.

Người phiên dịch dụng tâm để nghe, hễ có câu hỏi nào, bèn thưa hỏi, cốt sao đối với ý nghĩa trong Kinh thảy đều lý giải thông suốt, chẳng có mảy may chướng ngại nào. Sau đấy, chọn ra mấy người dịch nháp, viết lại bản dịch của họ.

Sau đấy, lại dùng bản dịch nháp để các nhân viên tham gia dịch Kinh nghiên cứu, thảo luận, cũng giống như xưa kia, từng chữ, từng câu đều được cân nhắc kỹ lưỡng, khiến cho văn lẫn nghĩa đều có thể đạt tới mức độ rất chính xác, chẳng đến nỗi hiểu lầm. Phiên dịch như vậy, tôi tin tưởng là lưu thông ở phương Tây sẽ chẳng thành vấn đề.

Dịch Kinh tuyệt đối chẳng phải là một người có thể làm được, tuyệt đối chẳng phải là một hai người, hoặc dăm ba người mà có thể làm được, chẳng được. Vẫn phải là như trước kia, dịch trường gồm mấy trăm người. Đó là cách thực hiện cao minh nhất.

Do vậy, người Hoa có phước báo lắm. Phương pháp dịch Kinh hết sức nghiêm cẩn. Những người tham dự cũng đều là bậc có đạo đức, có học vấn, đối với văn tự của hai nước và Phật Pháp đều có sự tu dưỡng kha khá. Kiến lập dịch trường như vậy, dịch Kinh Điển từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, sẽ phiên dịch thật sự tốt đẹp.

Trước kia, Tiên Sinh Phương Đông Mỹ có lần thảo luận với tôi về chuyện phiên dịch Kinh Luận, chúng tôi có đề cập một hiện tượng rất kỳ quái.

Kinh Điển từ Ấn Độ bằng tiếng Phạn truyền sang Trung Hoa với một số lượng lớn, sau khi được dịch thành tiếng Hán, nguyên văn đã đi đâu cả rồi?

Kinh Điển tiếng Phạn nhiều dường ấy, nghiễm nhiên chẳng bảo lưu, gần như bị thất truyền tại Trung Hoa. Phương tiên sinh có một phỏng đoán, lời phỏng đoán của cụ cũng rất có lý.

Cụ nói: Người Hoa hết sức tự hào, cho rằng Kinh Phật do chúng ta phiên dịch, không chỉ là bảo tồn viên mãn ý nghĩa, chẳng đánh mất ý nghĩa gốc. Xét theo văn tự, lại còn bóng bảy, đẹp đẽ hơn bản gốc bằng tiếng Phạn. Tiếng Hán có thể thay thế trực tiếp tiếng Phạn, chẳng cần đến Kinh Điển tiếng Phạn nữa.

Đó là kiến giải của Phương tiên sinh, chúng tôi nghe cụ nói cũng cảm thấy hết sức có lý. Xác thực là Kinh Điển tiếng Hán đã được phiên dịch tốt đẹp.

Nhân đề là tên của người chủ trì dịch trường. Dịch trường lần này là do Tôn Giả Cầu Na Bạt Đà La làm chủ tịch dịch trường. Tống là Triều Đại.

Triều Đại Tống này thuộc thời Nam Bắc Triều, tức các Triều Đại Tống, Tề, Lương, Trần. Lưu Dụ kiến lập chánh quyền, xưng là Tống, thủ đô là Nam Kinh hiện thời, niên đại của Vương Triều này từ năm bốn trăm hai mươi cho đến bốn trăm bảy chín Công Nguyên.

Nguyên Gia là niên hiệu. Thiên Trúc là Ấn Độ, là quê hương của Pháp Sư. Tam Tạng là học vị của Ngài, Ngài thông đạt Tam Tạng Kinh, Luật, Luận. Vào thời cổ, nếu chẳng phải là Tam Tạng Pháp Sư, chẳng có tư cách chủ trì dịch trường. Cầu Na Bạt Đà La là tên Ngài.

Sớ: Tống giả, Nam Bắc triều quốc danh. Nguyên Gia giả, niên hiệu. Thiên Trúc giả, Tây Vực quốc danh. Cầu Na Bạt Đà La, thử vân Công Đức Hiền.

Sớ: Tống là tên nước thời Nam Bắc Triều. Nguyên Gia là niên hiệu. Thiên Trúc là tên một nước ở Tây Vực. Cầu Na Bạt Đà La cõi này dịch là Công Đức Hiền. Cầu Na Bạt Đà La là dịch âm tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Công Đức Hiền, tên Ngài bao hàm ý nghĩa này.

Sao: Tống ngôn Nam Bắc giả, thời phương Nam Bắc phân vương.

Sao: Đối với nhà Tống mà nói là Nam Bắc, vì thời điểm và nơi chốn khi ấy nhằm đúng thời kỳ đất nước chia thành các Vương Triều Nam và Bắc khác nhau. Thời đó là chính là thời đại Nam Bắc Triều nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, nhằm thời đại Ngũ Hồ Loạn Hoa.

Sao: Tống vương Giang Nam, vị Lưu Tống dã.

Sao: Nhà Tống làm Vua ở Giang Nam, gọi là Lưu Tống.

Vương có nghĩa là thống trị, nghĩa là Triều Đại ấy thống trị vùng Giang Nam Triều Đại Tống do Lưu Dụ sáng lập, truyền được tất cả tám đời, tổng cộng là năm mươi chín năm.

Sao: Nguyên Gia giả, Văn Đế Nguyên Gia mạt niên dã.

Sao: Nguyên Gia: Nói tới những năm cuối trong niên hiệu Nguyên Gia thời Văn Đế. Văn Đế là Vua đời thứ hai của nhà Lưu Tống. trong Vương Triều ấy, Văn Đế là nhà cai trị sáng suốt nhất, xã hội cũng hết sức an định. Cả Triều Đại chỉ tồn tại năm mươi chín năm, Văn Đế làm hoàng đế tới ba mươi năm.

Sao: Thiên Trúc, nhất vân thân độc.

Sao: Thiên Trúc còn gọi là thân độc.

Thân Độc nay nói là Ấn Độ, âm đọc cũng rất tương cận, đều là phiên âm.

Sao: Hữu Ngũ Thiên Trúc, giai Tây Vực dã.

Sao: Có năm xứ Thiên Trúc đều thuộc về Tây Vực.

Thời đó, Cổ Nhân nói Ấn Độ ở phía Tây Trung Hoa, nay chúng ta biết Ấn Độ nằm ở phía Tây Nam Trung Hoa.

Vì sao nói là phương Tây?

Vì giao thông thuở đó đều là theo phương Tây mà đi, sau khi đã đến Thông Lãnh bèn đi theo phương Nam, sẽ đến được Ấn Độ. Tây Vực thuở ấy chính làm một giải Tân Cương và A Phú Hãn Afghanistan hiện thời.

Sao: Bạt Đà bác thông Tam Tạng, vưu chuyên đại thừa, hiệu Ma Ha Diễn.

Sao: Ngài Cầu Na Bạt Đà La thông hiểu rộng rãi Tam Tạng, nhất là chuyên tinh đại thừa, có hiệu là Ma Ha Diễn. Đây là nói Đức học đức hạnh và học vấn của vị Pháp Sư này. 

Đức là sự tu trì của Ngài, Học là Ngài có một nền học thức hết sức uyên bác. Tam Tạng Kinh Điển đều thông đạt. Đối với đại thừa, Ngài có bản lãnh đặc biệt sâu xa. Ma Ha Diễn là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là đại thừa.

Sao: Thần dị phi nhất, bị tải truyện ký, khủng phồn bất tự.

Sao: Sự thần dị của Ngài chẳng phải chỉ có một, có chép đầy đủ trong truyện ký, do sợ rườm rà nên chẳng thuật. Trong Cao Tăng Truyện có truyện ký của Ngài. Ở đây, chẳng rườm lời.

Thần dị phi nhất: Ngài có thần thông, người hiện thời gọi là công năng đặc dị. Trong Thần Tăng Truyện, cũng có truyện ký của Ngài. Tại Trung Hoa, từ bộ Cao Tăng Truyện, đối với những vị có biểu hiện thần thông rõ rệt, người đời sau bèn gom truyện ký của những vị ấy vào một chỗ, soạn thành sách gọi là Thần Tăng Truyện.

Sao: Nhất bổn Đà hạ vô La tự.

Sao: Có bản chép tên người dịch Chú Vãng Sanh sau chữ Đà chẳng có chữ La. Tức là Cầu Na Bạt Đà. Chú Vãng Sanh có hai phiên bản, có bản ghi là do Ngài Cầu Na Bạt Đà La phiên dịch, bản kia ghi là Ngài Cầu Na Bạt Đà phiên dịch.

Rốt cuộc là vị nào?

Chẳng biết rõ.

Vì sao?

Hai vị ấy sống cùng một thời đại. Rốt cuộc là vị nào chủ trì dịch trường này, rất khó khảo cứu để đoán định.

Sao: Hoặc nghi thị Cầu Na Bạt Ma, dĩ nhị sư đồng thời cố, vị thẩm hà sở dịch dã.

Sao: Có người nghi là Ngài Cầu Na Bạt Ma, do hai vị sống đồng thời, chưa thể thẩm định là do vị nào dịch. Thẩm là thẩm định, vị thẩm là chẳng có cách nào xác định là vị nào. Hai vị đều là Cao Tăng từ Ấn Độ đến Trung Hoa hoằng pháp trong thuở ấy. Đây là giới thiệu người phiên dịch.

Dưới đây là chánh văn của Chú Vãng Sanh. Chú Vãng Sanh có tất cả mười bốn câu. Mỗi vị đồng tu đều niệm Chú rất thuộc, nhưng niệm như thế nào để tương ứng, đó là một vấn đề.

Chú chẳng thể dịch nghĩa, vì đó là mật ngữ của Đức Phật, cũng có những bài Chú có thể dịch nghĩa, chẳng phải là hoàn toàn không có ý nghĩa. Chẳng dịch, cứ dùng tâm cung kính để thọ trì, dễ dàng đạt được lợi ích.

Vì những phương pháp được sử dụng để tu học trong Phật Pháp, không gì chẳng nhằm xóa sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hễ phân biệt, vọng tưởng, chấp trước xóa sạch thì mục đích đã đạt được. Chẳng có ý nghĩa, vậy thì quý vị chẳng dấy vọng tưởng, cứ thật thà niệm.

Dễ nhiếp tâm, dễ nhập định. Nếu có ý nghĩa, người ấy người niệm Chú vừa niệm vừa dấy vọng tưởng, đâm ra, chẳng dễ gì nhập định.

Đối với sự tu hành, cổ nhân bảo: Niệm Kinh chẳng bằng niệm chú, vì sao?

Kinh có ý nghĩa, vừa niệm, vừa dấy vọng tưởng, chẳng bằng niệm chú. Chú chẳng có ý nghĩa. Chú chẳng có ý nghĩa thì niệm càng dài càng tốt. Như Chú Vãng Sanh chẳng sánh bằng Chú Đại Bi, Chú Đại Bi chẳng sánh bằng Chú Lăng Nghiêm. Chú dài, quý vị chẳng thể niệm sai.

Từng câu, từng chữ đều chẳng thể niệm sai. Khi niệm, chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm. Đấy là công đức. Lâu ngày chầy tháng, tâm quý vị sẽ dần dần định, dần dần đạt tới thanh tịnh. Dùng phương pháp này để đạt tới mục tiêu tâm địa thanh tịnh, có ý nghĩa như thế đó.

Lại nói: Niệm Chú chẳng bằng niệm Phật, đúng như vậy đấy. Công đức của Phật Hiệu chẳng thể nghĩ bàn.

Rốt cuộc niệm loại nào mới là tốt?

Những điều Cổ Nhân đã nói chính là nguyên tắc, chẳng thể bao gồm căn tánh của hết thảy chúng sanh. Có những người đọc Kinh bèn dễ nhiếp tâm hơn. Có người niệm Chú dễ nhiếp tâm hơn. Có những người niệm Phật Hiệu bèn dễ nhiếp tâm.

Căn tánh của mỗi người khác nhau. Bản thân chúng ta chọn lựa pháp môn nào, tự mình nhất định phải biết căn tánh của chính mình. Nếu không biết, có thể thí nghiệm đọc Kinh, đọc chú, hay niệm Phật một giai đoạn, dùng thời gian đôi ba tháng để thí nghiệm sẽ biết ngay.

Phương pháp nào dễ nhiếp tâm, cũng như dễ thâu hồi cái tâm, thì phương pháp ấy đối với chính mình có hiệu quả, có lợi ích, có thể kiên trì dùng phương pháp ấy. Một mực sử dụng cho đến khi chính mình thật sự đạt tới mức tâm địa thanh tịnh.

Tâm thanh tịnh hiện tiền chính là tam muội hiện tiền. Tam muội là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là chánh thọ, nghĩa là sự hưởng thụ chánh đáng. Sự hưởng thụ chánh đáng chính là sự hưởng thụ khỏe khoắn, thanh tịnh, tự tại. Đó là niềm vui thật sự.

Đạt đến mức tâm địa thanh tịnh, tự tại, tự nhiên sanh khởi trí huệ. Đó gọi là do giới sanh định, do định khai huệ. Tâm thanh tịnh là định. Tôi dựa theo lời giải thích của Cổ Đức để giới thiệu đại lược ý nghĩa của bài Chú này cùng quý vị.

Kinh: Nam Mô.

Kinh: Nam Mô.

Nam Mô có nghĩa là cung kính, lễ kính, quy y, quy mạng. Âm đọc cổ của chữ Nam Mô là Nã ma.

Kinh: A di đa bà dạ.

Kinh: A di đa bà dạ là A Di Đà Phật.

Kinh: Đá tha già đa dạ.

Kinh: Câu này dịch là Như Lai. Nói gộp lại sẽ là quy y A Di Đà Như Lai. A di đa bà dạ dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang. Trên thực tế,Vô lượng bao gồm hết thảy các thứ vô lượng.

Kinh: Đá địa dạ tha.

Kinh: Trong rất nhiều bài Chú có câu Đát điệt tha, hoàn toàn giống như câu này. Âm tiếng Phạn như nhau, phiên âm khác nhau. Đá địa dạ tha dịch sang tiếng Hán sẽ là tức thuyết Chú viết liền nói Chú rằng. Vì thế, những câu trước đó là Phật hiệu, từ câu thứ tư cho đến câu mười bốn mới là Chú Ngữ.

Kinh: A di rị đô bà tỳ.

Kinh: A di rị đô là vô lượng, Bà tỳ là quang minh. Câu này là danh hiệu Vô Lượng Quang. Danh hiệu của A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang.

Kinh: A di rị đá.

Kinh: Có nghĩa là vô lượng.

Kinh: Tất đam bà tỳ.

Kinh: Tất đam dịch sang tiếng Hán là Nhất Thiết Nghĩa Thành. Nghĩa là nghĩa lý, thành là thành tựu, tức là hết thảy nghĩa lý thành tựu viên mãn. Bà tỳ có nghĩa là quang minh. Có thể thấy những Chú Ngữ này đều nhằm tán thán Vô Lượng Quang thọ của A Di Đà Phật, hết thảy đều vô lượng, đều có ý nghĩa này.

Kinh: A di rị đá.

Kinh: Có cùng ý nghĩa như trong câu trước, đều là ca ngợi Vô Lượng Thọ Phật.

Kinh: Tỳ ca lan đế.

Kinh: Câu này bao hàm nhiều nghĩa, nghĩa thứ nhất là vô ngại hành. Phật và các vị Đại Bồ Tát độ hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, giống như Kinh Hoa Nghiêm đã nói lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, chứa đựng ý nghĩa này. Nó có ý nghĩa phương tiện, phương tiện thiện xảo, phổ độ chúng sanh.

Kinh: A di rị đá.

Kinh: Amṛta. Vô lượng.

Kinh: Tỳ ca lan đa.

Kinh: Có ý nghĩa chân như bất thoái. Hết thảy chúng sanh hễ sanh về Thế Giới Tây Phương bèn viên chứng ba món bất thoái, có ý nghĩa này.

Kinh: Già di nị.

Kinh: Già di nị là Thế Giới Cực Lạc, là Di Đà Tịnh Độ, là cõi An Dưỡng.

Kinh: Già già na.

Kinh: Già già na là tỷ dụ, là tán thán, có ý nghĩa là hư không, hoặc như chúng ta nói là thiên giới, hoặc Thiên Đạo trong lục đạo, cao cao tại thượng, rộng lớn vô biên. Có ý nghĩa ấy.

Kinh: Chỉ đa ca lệ.

Kinh: Câu này cũng bao hàm nhiều nghĩa, có ý nghĩa đế vãng. Đế là chân thật, chỉ rõ hết thảy chúng sanh cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đó là chân thật nhất.

Đế là đế thật, tức là chân thật, đế vãng là đi theo con đường ấy sẽ chân thật. Trong Hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Còn có một ý nghĩa là Nguyện khứ nguyện đi về cõi Cực Lạc, hết sức hoan hỷ mong cầu vãng sanh.

Kinh: Sa Bà ha.

Kinh: Cuối tất cả hết thảy các bài Chú đều có câu này, dịch sang tiếng Hán là viên mãn nhanh chóng, mang ý nghĩa chúc nguyện, hy vọng nguyện của chúng ta sớm có ngày thành tựu, sớm có ngày viên mãn. Đối với mười bốn câu, Cổ Đại Đức đã nói đại ý của Chú Ngữ.

Ý nghĩa ấy, quý vị liễu giải thì rất tốt, chẳng liễu giải cũng không sao. Chẳng liễu giải thì cứ thật thà niệm. Nếu liễu giải, chúng ta niệm Chú này có thể tùy văn nhập quán, niệm đến câu nào, cảnh giới ấy bèn có thể hiện tiền. Hai hàng kế đó thuộc về Kinh, đây là Kinh Văn thuộc thể loại trường hàng, nói rõ năm loại lợi ích do Trì Chú.

Kinh: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân.

Kinh: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân.

Trong Kinh Điển đại thừa, hễ khai thị cho chúng ta, Đức Phật đều nói thiện nam tử, thiện nữ nhân.

Vì sao?

Rốt cuộc, Trì Chú có thể đạt được năm thứ lợi ích hay không, then chốt ở ngay chữ thiện này. Trì Chú, có người thật sự chiếu theo điều được nói trong Kinh Điển này, niệm Chú Vãng Sanh ba mươi vạn lần, chẳng có hiệu quả.

Người ấy hãy suy nghĩ: Đức Phật nói thiện nam tử, thiện nữ nhân niệm ba mươi vạn lần mới hữu hiệu.

Chúng ta có phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân hay không?

Then chốt ở chỗ này.

Tiêu chuẩn thiện là ở chỗ nào?

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói Tịnh Nghiệp Tam Phước.

Cổ Đại Đức nói Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là đại thừa của đại thừa, là nhất thừa của nhất thừa, là pháp môn chí cao vô thượng, tâm chẳng tốt lành thì làm sao có thể vãng sanh cho được?

Đối với Tịnh nghiệp tam phước, tối thiểu là phải trọn đủ phước thứ nhất, sẽ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh đồng cư.

Nếu đối với Tam Phước, một phước cũng chẳng có, chúng ta suốt một đời này niệm Phật siêng tu, chỉ có thể nói là kết một thiện duyên với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, rất khó vãng sanh ngay trong một đời này.

Vì sao?

Chẳng phù hợp tiêu chuẩn do Đức Phật đã dạy. Tiêu chuẩn ấy chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Điều thiện tối thiểu là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập thiện nghiệp. Nếu như cả bốn câu ấy đều chẳng làm được, quý vị niệm Kinh, niệm Chú, niệm Phật, sẽ đều là kết duyên với Phật, chứ mong vãng sanh trong một đời này rất khó.

Làm được cả bốn câu trong điều thiện thứ nhất, sẽ có phần trong Cõi Phàm Thánh đồng cư. Nếu lại có thể làm được điều thiện thứ hai, thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, đại khái là cũng có thể có phần trong Cõi Phương tiện hữu dư, phẩm vị bèn cao.

Nếu có thể ba điều thiện đều đầy đủ, phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả, thưa cùng chư vị, sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh.

Có thể thấy chữ này chữ thiện là then chốt, thường là chúng ta sơ sót, khinh thường xem lướt qua. Tới khi niệm mấy trăm lần, mấy chục vạn lần, chẳng có hiệu quả, vẫn trách móc Kinh này chẳng linh, cứ trách móc Đức Phật nói dối, chẳng đáng tin cậy.

Đó là báng Phật, báng Pháp, làm thế nào được nữa. Kẻ đó chẳng tự trách mình, mà chê trách Kinh Điển, chê trách Phật, Bồ Tát. Nói thật ra, Phật, Bồ Tát đã bảo rõ ràng cùng chúng ta.

Chính mình hãy tự ngẫm xem bản thân chúng ta có hội đủ tiêu chuẩn thiện ấy hay không?

Các Ngài nói thiện nam tử, thiện nữ nhân, ta có phần hay không?

Điều này quan trọng lắm. Do vậy, chẳng thể không nhấn mạnh tỉ mỉ Tịnh nghiệp tam phước, quý vị mới thật sự hiểu rõ.

Đối với hiếu dưỡng phụ mẫu, hiếu là gì?

Dưỡng như thế nào?

Trong ấy là một môn học vấn to tát. Đó là đại căn, đại bản của Phật Pháp. Trọn đủ điều kiện như vậy, đó chính là tiêu chuẩn trong Phật Môn, người ấy hoàn toàn phù hợp là thiện nam tử, thiện nữ nhân, chọn lựa pháp môn này, dùng phương pháp này để tu.

Kinh: Năng tụng thử Chú giả, A Di Đà Phật thường trụ kỳ đảnh.

Kinh: Người có thể tụng Chú này, A Di Đà Phật thường ở trên đỉnh đầu người ấy.

Đây là lợi ích thứ nhất, A Di Đà Phật thường ở trên đỉnh đầu của quý vị. Đó là được bổn nguyện và oai thần của Phật ngấm ngầm gia trì. Vì Phật ở trên đỉnh đầu, quý vị chẳng thấy, nhưng Ngài thật sự ở trên đỉnh đầu quý vị, thật sự gia hộ, gia trì quý vị.

Chư vị phải hiểu chúng ta tu tịnh nghiệp cầu vãng sanh, cơ hội này đúng là khó có, nhất định phải khiến cho chính mình trở thành pháp khí. Pháp khí, nói theo cách hiện thời, sẽ là nhất định phải đầy đủ những điều kiện mà Đức Phật đã yêu cầu. Chúng ta thảy đều đầy đủ những điều kiện ấy thì mới có tư cách tiếp nhận pháp môn này.

Điều kiện gì vậy?

Chính là Tịnh nghiệp tam phước. Trong Quán Kinh, Đoạn Kinh Văn này trọng yếu lắm.

Phu nhân Vi Đề Hy đích thân trông thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, bèn phát khởi tâm ngưỡng mộ, mong mỏi vô hạn, mong cầu sanh về Thế Giới Cực Lạc, hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thỉnh giáo: Tu phương pháp gì để có thể vãng sanh?

Trước khi Đức Phật dạy bà ta phương pháp tu hành, bèn trước hết dạy bà Tịnh Nghiệp Tam Phước.

Nói xong, lại căn dặn bà ta: Ba điều kiện ấy chính là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế Chư Phật. Câu nói này quan trọng lắm. Quá khứ, hiện tại, vị lai, tất cả hết thảy Chư Phật tu hành thành Phật, đều lấy những điều này làm cơ sở. Chẳng có cơ sở này, chắc chắn là chẳng thể thành tựu.

Thật sự mong tu tập, thật sự mong thành tựu trong một đời này, chẳng thể không Chú ý, chẳng thể không nghiêm túc tu tập. Lợi ích thứ hai...

Kinh: Nhật dạ ủng hộ.

Kinh: Ngày đêm ủng hộ.

Ban ngày, buổi tối, A Di Đà Phật, Chư Phật, Bồ Tát, và hộ pháp thiện thần đều ủng hộ, đều che chở quý vị.

Vì sao?

Vì quý vị là học trò thật sự của A Di Đà Phật. Câu đầu tiên, Nam Mô A Di Da Bà Dạ, chính là ta quy y A Di Đà Phật, là học trò thật sự của A Di Đà Phật. Nay chúng ta niệm câu này, A Di Đà Phật chẳng thừa nhận. Chẳng phải là học trò thật sự.

Vì sao?

Vì chúng ta không đủ tư cách, người ta có tư cách ấy vì họ là thiện nam tử, thiện nữ nhân, còn chúng ta đối với Tam Phước chẳng làm được điều nào. Hễ làm được, quý vị là quy y thật sự, mới là học trò thật sự của A Di Đà Phật.

Là học trò của A Di Đà Phật, hết thảy Chư Phật đều tôn trọng quý vị, há có lẽ nào Bồ Tát, thiện thần chẳng ủng hộ?

Lợi ích thứ ba:

Kinh: Vô linh oán gia nhi đắc kỳ tiện.

Kinh: Chẳng để cho oán gia có dịp quấy nhiễu.

Oán gia là nói tới oán gia trái chủ trong đời quá khứ. Vì quý vị có Phật, Bồ Tát gia hộ, có Hộ pháp thiện thần ủng hộ, oán gia trái chủ trong nhiều đời chẳng có cách nào tiếp cận quý vị.

Chuyện này tốt đẹp ở chỗ nào?

Trong quá trình tu hành, quý vị thuận buồm xuôi gió, chẳng có ma chướng. Oán gia nhi đắc kỳ tiện. Oán gia có dịp quấy nhiễu chính là ma chướng.

Thông thường, trong khi tu hành, ma chướng nhiều lắm, chắc chắn là quý vị chẳng thể tránh khỏi ma chướng, nguyên nhân ở chỗ nào?

Từ đời đời kiếp kiếp trong vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã kết oán với chẳng biết bao nhiêu chúng sanh. Nhất là ăn thịt của chúng sanh. Ăn thịt chúng sanh là kết thâm cừu đại hận với chúng nó.

Trong Kinh Phật đã dạy rất rõ ràng: Ăn nửa cân thịt của chúng, trong tương lai, phải đền tám lạng. Thiếu nợ phải trả tiền, thiếu mạng phải đền mạng. Đời này chẳng trả, đời sau nhất định phải đền. Nếu quý vị nghĩ đến những chuyện nhân quả báo ứng ấy, sẽ cảm thấy quá đáng sợ.

Trước kia chẳng hiểu, làm những chuyện ác, nay đã hiểu rõ, quyết định chẳng tạo nữa. Chẳng kết oán cùng bất luận kẻ nào, chẳng có tơ hào tranh chấp nợ nần cùng bất cứ ai. Trả nợ sạch sành sanh, trên đường bồ đề chúng ta mới ít gặp chướng ngại. Đã biết điều này, còn những món nợ trong đời quá khứ, chẳng biết.

Làm như thế nào đây?

Chúng ta hãy đem hết thảy công đức tu học của chính mình hồi hướng cho họ hòng bù nợ. Nguyện dĩ thử công đức, thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ. Nguyện đem công đức này, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường, đó là bù nợ, trả nợ.

Quý vị đừng nên quấy nhiễu tôi, để tôi tu hành thành tựu, lợi ích thảy đều của quý vị. Ý nghĩa trọng yếu nhất của hồi hướng là ở chỗ này.

Bản thân quý vị có công đức ấy, Phật, Bồ Tát gia trì, che chở quý vị càng thuận tiện, càng dễ dàng. Đối với chuyện này, chư vị đọc kỹ càng Kinh Địa Tạng sẽ hiểu.

Loại lợi ích thứ tư:

Kinh: Hiện thế thường đắc an ổn.

Kinh: Trong đời hiện tại, thường được an ổn.

Trong thế gian hiện thời, quý vị thường được an ổn, chúng ta nói thông thường sẽ là bình an. Dẫu gặp đại tai, đại nạn, quý vị vẫn có thể yên ổn vượt qua, chẳng hứng chịu những nỗi khổ sở vì tai nạn. Điều này có nghĩa là cộng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau.

Người chẳng học Phật không hiểu điều này, chứ người có đôi chút tu trì, hơi biết đôi chút Kinh Luận Phật Pháp, đại khái là ít nhiều gì cũng có thể lãnh hội đôi chút.

Do đó, tôi thường nhắc nhở các đồng tu: Tu trì, đọc Kinh, niệm Phật, đoạn ác, tu thiện, hết sức trọng yếu.

Vì sao?

Nay chúng ta đang sống trong đời loạn, trong tương lai, rốt cuộc loạn đến nỗi nào, ai cũng đều chẳng dám tiên đoán. Lại còn chẳng phải là loạn ở một nơi nào, mà là toàn thể Thế giới đều loạn.

Điều gì là an toàn nhất?

Có phước, có đức là an toàn nhất, thật đấy. Quý vị có của cải, tài vi ngũ gia cộng hữu của cải do năm nhà cùng sở hữu. Dẫu giàu có đến mấy, có thể là một ngày nào đó, sẽ mất sạch sành sanh. Xưa nay, những trường hợp giống như vậy quá nhiều, tài sản chẳng phải là của quý vị.

Quyền thế và địa vị đều là giả trất. Chẳng có gì thật sự bảo đảm, chẳng có gì là chỗ dựa thật sự vững chắc. Kho báu vững chắc để nương cậy là mọi người hãy tích đức, có phước, có đức.

Tuy trên thân quý vị chẳng có của cải gì, nhưng quý vị đến nơi nào, người ta vừa trông thấy quý vị bèn sanh tâm hoan hỷ, cung kính, chăm sóc quý vị. Đó là có phước. Người ấy có thể vượt qua tai nạn, hiện thế thường đắc an ổn thường được an ổn trong đời này.

Trong câu này, có ý nói quý vị tụng Chú bèn được Phật lực gia trì, nhưng quý vị có sự tu trì làm cơ sở, có đức hạnh ấy, tức là một chữ thiện. Quý vị chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân, là một người thật sự tu Tịnh nghiệp tam phước, thuộc hạng thiện nhân. Vì thế, sẽ được hết thảy Chư Thiên, thiện thần gia hộ. Đó là thật.

Trong các buổi giảng, tôi thường nhắc nhở các đồng tu: Hiện thời, trong xã hội, quý vị có địa vị, có quyền thế, có của cải, những thứ ấy tạm thời hiện hữu trước mắt quý vị trong chốc lát, chứ quý vị chẳng thật sự đạt được. Nói cách khác, quý vị tạm thời có quyền phân xử, chẳng phải là vĩnh hằng, nghĩa là tạm thời có quyền để chi phối nó, ta dùng nó tốt đẹp, dùng làm việc thiện, tích lũy công đức.

Nếu ta sử dụng chẳng ổn thỏa, thích đáng, thì sẽ tạo tác tội nghiệp, phải hiểu đạo lý này. Đời người hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, huống chi trên đường tới suối vàng, không phân biệt già trẻ, một hơi thở ra chẳng hít vào được, sẽ là đời sau.

Vì thế, điều gì cũng phải xem nhẹ, đều phải buông xuống, tận tâm, tận lực vì xã hội, vì đại chúng tạo phước, đừng nghĩ tới chính mình, đừng nghĩ tới gia đình mình.

Quý vị thật sự tích đức, tu phước, gia đình của quý vị tự nhiên được Phật, Bồ Tát chiếu cố, có hộ pháp thiện thần chiếu cố, chu đáo hơn chính mình chiếu cố nhiều lắm, chính mình chẳng chiếu cố được. Thật sự là chỉ có cầu Phật, Bồ Tát, cầu Thần hộ pháp tới chiếu cố, mới là đáng tin cậy.

Phải nghĩ thông suốt đạo lý này. Sự thật bày ra trước mắt chúng ta, hãy trụ tâm quan sát, khiến cho quý vị liễu giải chân tướng sự thật, sau đấy, mới hiểu bản thân chúng ta phải nên thực hiện như thế nào, cũng là phải nên biết tu như thế nào. Như vậy thì sẽ không phạm sai lầm. Đó là nói quý vị đạt được quả báo thù thắng trong hiện tiền.

Thù thắng nhất là khi lâm chung:

Kinh: Lâm mạng chung thời, nhậm vận vãng sanh.

Kinh: Khi lâm chung, tùy ý vãng sanh.

Trong ấy, có sự thù thắng khôn sánh là nhậm vận, nhậm vận là tự tại. Hễ ngã bệnh sẽ chẳng tự tại, chẳng biết sẽ ra đi lúc nào cũng là chẳng tự tại.

Chính mình biết sẽ ra đi khi nào, chẳng ngã bệnh, đứng mất, hoặc ngồi mất, chúng ta đã thấy, đã nghe, xác thực là có những trường hợp như vậy. Điểm này chẳng giả tí nào, đó mới là chẳng luống uổng một đời này. Một đời này của chúng ta thật sự có ý nghĩa, thật sự có giá trị.

Người ta có thể vãng sanh tự tại, vì sao ta chẳng thể?

Năm xưa, lão cư sĩ Lý Tế Hoa thuộc Đài Bắc Niệm Phật Đoàn, là học trò của Ấn Quang Đại Sư. Lão Nhân Gia đã tám mươi mấy tuổi mới vãng sanh. Cụ biết trước lúc vãng sanh hai tháng. Vì thế, vào ngày nghỉ cuối tuần, cụ đến thăm các bạn cũ để từ biệt, gặp mặt lần cuối.

Hôm cụ vãng sanh, vì các con đều ở Mỹ, chỉ có hai vợ chồng già sống tại Đài Loan, hai cụ ngồi xe ba bánh đến Niệm Phật Đoàn tham gia cộng tu.

Ngồi trên xe ba bánh, cụ bảo vợ: Tôi sắp vãng sanh, bà trơ trọi một mình có cảm thấy tịch mịch hay không?

Thật ra, bà cụ cũng không biết chồng sẽ vãng sanh hôm đó.

Bà cụ là một Phật Tử kiền thành, bèn đáp: Ông có thể vãng sanh, quá tốt đẹp. Chẳng cần phải bận tâm vì tôi, tức là cũng như bà vợ đã đồng ý. Họ cộng tu giống như đả Phật Thất thông thường, bất quá là thời gian niệm Phật chừng một nén hương. Trong thời gian một nén hương ấy, có khai thị nửa tiếng đồng hồ. Giảng khai thị là do các vị lão cư sĩ luân phiên giảng.

Hôm đó, đến phiên Ngụy lão cư sĩ, cụ đổi phiên với vị lão cư sĩ ấy. Lão Nhân Gia lên bục giảng, bèn giảng đến một tiếng rưỡi, giảng hết sức cao hứng, hết sức hoan hỷ, rát lòng buốt miệng khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Giảng xong, cụ hướng về mọi người cáo từ: Tôi phải về nhà. Người khác tưởng cụ đã ngoài tám mươi, giảng một tiếng rưỡi bèn mệt mỏi, muốn về nhà. Không ngờ, cụ bước xuống bục giảng, cạnh giảng đường có một phòng khách nhỏ, cụ ngồi xuống sofa bèn vãng sanh.

Tiêu sái lắm, tự tại lắm. Trước lúc vãng sanh, giảng đến một tiếng rưỡi, tùy ý vãng sanh, sanh tử tự tại. Học Phật kiểu đó mới là học Phật chẳng uổng công.

Là quyến thuộc của Bồ Tát, sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới bèn là Bồ Tát, thật sự là Bồ Tát. Lại còn chẳng phải là Bồ Tát bình phàm, Kinh Di Đà nói đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. A Bệ Bạt Trí tuyệt diệu thay. A Bệ Bạt Trí là Bồ Tát đã viên chứng ba món bất thoái, địa vị ấy cao lắm.

Đó là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Kẻ bình phàm nếu muốn tự mình tu đến địa vị ấy, thấp nhất trong các địa vị thuộc A Bệ Bạt Trí là Thất Địa Bồ Tát. Nói theo Biệt Giáo, cũng phải tu trọn hai A tăng kỳ đại kiếp thì mới có thể đạt tới địa vị này.

Quý vị thấy đó: Trong Tịnh Tông, tu hành một đời bèn thành tựu. Vì thế, pháp môn này đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Đó là điều lợi ích thứ năm.

Chư vị hãy đặc biệt ghi nhớ, then chốt là chữ Thiện, tiêu chuẩn ở chỗ này. Thiện nam tử, thiện nữ nhân thì mới có thể đạt được năm thứ lợi ích ấy. Cùng một đạo lý như vậy, quý vị thật sự là thiện nam tử, thiện nữ nhân, thọ trì Kinh A Di Đà, hoặc trì Thánh hiệu Di Đà, đều có thể đạt được lợi ích y hệt.

Hoàn toàn chẳng phải là chỉ có niệm Chú Vãng Sanh thì mới có năm thứ lợi ích ấy. Chẳng phải vậy. Đọc Kinh hay niệm Phật thảy đều đạt được. Điều kiện then chốt là chữ thiện. Đối với Tịnh nghiệp tam phước, quý vị có thể thực hiện Tam phước thảy đều viên mãn, sẽ là thượng thượng phẩm.

Sớ: Chư bổn cú độc sảo dị, kim y cổ bổn, Thần Chú bất phiên, bất tất cưỡng thích.

Sớ: Cách chấm câu trong các phiên bản hơi khác nhau. Nay tôi chiếu theo văn bản cổ để chấm câu. Thần Chú chẳng phiên dịch, chẳng cần phải gượng ép giải thích. Kinh Phật từ thời Nam Bắc Triều được phiên dịch và lưu truyền cho tới hiện thời đã là một ngàn sáu trăm năm.

Trải qua các đời sao chép, lưu thông, chuyện chép sai, chép sót chẳng thể tránh khỏi. Trong các văn bản cổ, thường phát hiện có vấn đề này. Do vậy, có rất nhiều phiên bản khác nhau, mặt chữ trong ấy sai khác, câu văn hoặc nhiều, hoặc ít.

Đối với chuyện cú độc chấm câu càng nhiều vấn đề, cú độc chính là thêm dấu chấm câu, vì cổ thư không chấm câu, toàn là do người đọc tự mình ngắt câu. Có người chấm câu sai, đem câu trên đọc liền một mạch với câu dưới. Tình hình điên đảo ấy cũng rất nhiều.

Sao: Chư bổn bất đồng giả, như Nam Mô A Di Đa Bà Dạ, nhất bổn tác Nam Mô A Di Đa Bà Dạ Đa, dĩ thứ cú đa tự liên thuộc thượng cú, cố vân sảo dị.

Sao: Các phiên bản bất đồng: Như đối với câu Nam Mô A Di Đa Bà Dạ, một bản khác ghi là Nam Mô A Di Đa Bà Dạ Đa, tức là đã ghép chữ Đa thuộc câu sau vào câu trước. Vì thế nói là hơi khác.

Như câu đầu tiên của Chú Vãng Sanh, có bản khác chấm câu chẳng giống như bản này. Sau chữ Đa bà dạ, họ ghép chữ Đa vốn thuộc câu dưới vào câu trên để chấm câu.

Phiên bản khác nhau, làm như thế nào?

Do đây là chú, chẳng có cách nào lý giải, phương pháp duy nhất là tìm nhiều văn bản, đối chiếu những văn bản bất đồng với nhau, văn bản nào được sử dụng nhiều hơn, chúng ta bèn chọn lấy bản ấy. Nếu là Kinh Văn, chúng ta có thể suy nghĩ ý nghĩa, để xét xem chấm câu kiểu nào thì ý nghĩa sẽ viên mãn hơn, dễ nói hơn, minh bạch hơn, chúng ta bèn chọn lấy bản ấy.

Sao: Kim bất tất khổ cứu thị phi, đản y nhất bổn.

Sao: Nay chẳng cần vất vả tìm tòi đúng sai, chỉ y theo một phiên bản.

Đại Sư đề nghị: Chẳng cần phải nhọc sức truy cứu, chỉ cần chọn lựa một bản tốt đẹp. Chúng ta thường gọi bản như vậy là Thiện bổn, có nghĩa là phiên bản tốt lành.

Như đối với bản này, nhất định là Liên Trì Đại Sư Lão Nhân Gia đã xem khá nhiều văn bản. Ở đây, Ngài ghép Chú Ngữ vào phía sau Kinh, cách chấm câu này đã được chính Liên Trì Đại Sư thẩm tra. Chúng ta nương theo bản này của Đại Sư, đó cũng là một phương pháp tốt đẹp.

Sao: Chí tâm tụng trì, tự thành lợi ích.

Sao: Chí tâm tụng trì, tự thành tựu lợi ích.

Chí tâm là thành tâm, thành tâm thành ý niệm, tự nhiên có thể đạt được lợi ích. Nhưng ở đây, quý vị ngàn muôn phần phải ghi nhớ, thiện nam tử, thiện nữ nhân. Đó là một tiêu chuẩn cơ bản, bất luận như thế nào, chúng ta phải nâng cao phẩm đức của chính mình lên tới tiêu chuẩn này.

Chúng ta chẳng có cách nào thực hiện Tam Phước, mức độ thấp nhất chúng ta phải tăng phẩm đức của chính mình lên tới phước thứ nhất. Bất luận như thế nào, phải làm được phước thứ nhất. Nhưng ở đây, nhất định phải nghiêm túc nhấn mạnh Tam phước rất cặn kẽ. Nếu không, quý vị sẽ nẩy sanh hiểu lầm.

Chẳng hạn như hiếu dưỡng phụ mẫu, hằng ngày cung kính cha mẹ, chăm sóc chuyện ăn uống và các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của họ, đó có phải là hiếu dưỡng hay không?

Chẳng phải. Không đủ. Nếu chấm điểm về sự hiếu dưỡng, làm kiểu đó tối đa được hai mươi điểm, chẳng đạt.

Vậy thì phải dưỡng như thế nào?

Dưỡng cái tâm, dưỡng cái chí của cha mẹ. Cha mẹ hằng ngày canh cánh lo cho con cái, thời thời khắc khắc nghĩ đến con. Kẻ chẳng làm cha mẹ, sẽ không hiểu được. Anh em bất hòa, cha mẹ bận lòng, đó là bất hiếu. Học hành chẳng dụng công, đi thi chẳng đỗ đạt, cha mẹ lại lo phiền, bất hiếu.

Làm việc bên ngoài chẳng tận hết trách nhiệm, chẳng nghiêm túc, bị cấp trên xử phạt, cha mẹ lo lắng, bất hiếu. Quý vị mới biết hiếu dưỡng có phạm vi hết sức rộng lớn, chẳng phải chỉ là chăm lo cái ăn, cái uống, và nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày là đủ.

Làm thế nào để cha mẹ đỡ nặng lòng, làm sao khiến cho cha mẹ tâm tình vui sướng, đấy mới là trọn hết một chút lòng hiếu. Những chuyện này nhất định phải được nhấn mạnh cặn kẽ.

Trong thế gian, thật sự làm một người có phẩm đức tốt đẹp, học hành, tu dưỡng tốt đẹp, đối đãi với người khác hòa thuận, đối với công việc bèn nghiêm túc, trọn hết trách nhiệm, được đại chúng trong xã hội khen ngợi, cha mẹ mới hoan hỷ. Đấy mới là trọn hết một chút lòng hiếu.

Làm càn, làm quấy khiến cho người ta phê bình, khiến cho người ta khinh rẻ, trong tâm cha mẹ lắm nỗi khổ sở, đấy chẳng phải là hiếu thuận. Mức độ thấp nhất là quý vị phải làm được bốn câu trong phước thứ nhất, phải đạt đến mức độ phù hợp tiêu chuẩn này, sau đấy mới là thiện nam tử, thiện nữ nhân thật sự.

Vì đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nơi ấy là chỗ các vị thượng thiện nhân nhóm họp, chúng ta một tí phước cũng chẳng có, sẽ cách biệt, chẳng hòa nhập với họ được.

Họ là thượng thiện, chúng ta cũng chẳng khác bậc thượng thiện cho mấy thì mới được. Chẳng thể không có một tí thiện nào. Thiện nam tử, thiện nữ nhân ở chỗ này hết sức trọng yếu. Chí tâm tụng trì, tự thành tựu lợi ích.

Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này.

A Di Đà Phật!

***