Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP MỘT TRĂM LẺ TÁM

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MỘT TRĂM LẺ TÁM
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm mười bốn.

Sao: Chiến Thắng giả, Ba Tư Nặc Vương Thái Tử sanh thời, vương dữ ngoại quốc giao chiến đắc thắng, hỷ nhi lập danh.

Sao: Chiến Thắng: Khi Vua Ba Tư Nặc sanh Thái Tử, Vua cùng nước ngoài giao chiến thắng trận, nên vui mừng đặt tên như vậy. Nói rõ những ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu Kỳ Đà.

Sao: Tu Đạt Đa giả, Phạn ngữ, thử vân nhạo thí.

Sao: Tu Đạt Đa, là tiếng Phạn, cõi này dịch là nhạo thí. Tức là vui vẻ bố thí.

Sao: Thắng quân vương đại thần dã.

Sao: Là đại thần của Vua Thắng Quân. Thắng quân vương là Vua Ba Tư Nặc, Tu Đạt Đa là đại thần của Vua Ba Tư Nặc.

Sao: Hỷ nhạo hành thí, toại thành lệnh danh.

Sao: Ưa thích bố thí, nên thành mỹ danh. Danh hiệu do chuộng thiện, ưa thí mà thành tên.

Sao: Cấp Cô Độc giả.

Sao: Cấp Cô Độc... Cấp có nghĩa là bố thí.

Sao: Ấu nhi vô phụ viết Cô, lão nhi vô tử viết Độc.

Sao: Trẻ thơ không cha gọi là Cô, già cả không con là Độc.

Do đây có thể biết: Tu Đạt Đa là một vị trưởng giả từ thiện, không chỉ có địa vị rất cao trong quốc gia, mà còn có tài sản rất lớn. Điều khó có nhất là ông ta chuộng thiện, ưa thí, thường cứu giúp những người già yếu, nghèo túng. Vì thế, thuở ấy, mọi người gọi ông là trưởng giả Cấp Cô Độc, chẳng gọi tên tục. Đấy là tôn kính ông ta.

Sao: Khổng ân châu cấp, Kỳ chánh tiên quỳnh, phi bất phổ từ, hữu hoãn cấp cố.

Sao: Châu cấp có chọn lựa như Khổng Tử chẳng giúp đỡ kẻ giàu được giàu thêm, cai trị bằng lòng nhân như Văn Vương giúp người đơn côi trước, chẳng phải là lòng từ không trọn khắp, nhưng chuyện cứu tế có hoãn đãi hay gấp rút khác biệt.

Tuy bố thí, cúng dường bằng tâm bình đẳng, nhưng quan tâm kẻ cô độc cô nhi và người già sống trơ trọi một mình là những kẻ hết sức đáng thương và kẻ thiếu thốn, do vậy, trong lúc cứu tế, đã xếp họ vào mức ưu tiên bậc nhất. Đây là những người hết sức cần được cứu giúp. Vì thế, trưởng giả Cấp Cô Độc cũng đặc biệt chiếu cố những người đó.

Sao: Chúng cư viết viên giả.

Sao: Chỗ nhiều người ở gọi là viên. Giải thích chữ viên trong từ ngữ Cấp Cô Độc Viên.

Sao: Lâm ấm thanh u, học đạo chi nhân, ưng thê chỉ cố.

Sao: Nhiều cây cối xum xuê, thanh vắng, là nơi đáng để cho người học đạo ở. Hoàn cảnh cư trụ của học đạo chi nhân người học đạo rất nên Thanh u, hoàn cảnh ấy sẽ tốt đẹp hơn một chút. Từ xưa đến nay, Tự Viện, tùng lâm đều được kiến tạo trong vùng núi rừng, cách xa thành thị, cách biệt khá xa những nơi dân cư hòng tĩnh tâm dưỡng đạo, tu đạo.

Sao: Thí thụ mãi viên giả, Niết Bàn Kinh thuyết: Tu Đạt trưởng giả, bổn Xá Vệ nhân, sơ vị tri Phật, vị phinh phụ cố.

Sao: Thí cây, mua vườn:

Kinh Niết Bàn nói: Trưởng giả Tu Đạt vốn là người Xá Vệ, thoạt đầu chưa biết Phật, vì cưới dâu mà. Lúc ông ta nạp sính lễ cưới dâu cho con trai.

Sao: Nhập Vương Xá thành, nhân San Đàn Na kiến Phật sanh tín.

Sao: Vào thành Vương Xá, do ông San Đàn Na chỉ dẫn, được gặp Phật, sanh lòng tin. Trưởng giả San Đàn Na ở thành Vương Xá là thông gia sui gia của Tu Đạt Đa. Họ đang cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật, thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật đến giảng Kinh. Do cơ duyên ấy, nên Tu Đạt Đa được gặp Phật.

Sao: Thỉnh quy Xá Vệ, Phật lệnh Thân Tử tuyển chúng cư xứ.

Sao: Thỉnh Phật đến Xá Vệ, Đức Phật sai Ngài Xá Lợi Phất chọn lựa chỗ cư trụ cho chúng tăng.

Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật sai một vị thị giả, tức là Tôn Giả Xá Lợi Phất, Thân Tử là Xá Lợi Phất, sai Ngài Xá Lợi Phất cùng sang nước Xá Vệ với trưởng giả Tu Đạt Đa để tìm hoàn cảnh cư trụ thích hợp bên ấy, do số người trong Tăng đoàn của Đức Phật khá đông, chẳng có hoàn cảnh cư trụ thích hợp thì đối với họ cũng sẽ rất khó khăn.

Sao: Đắc Kỳ Đà Viên, trưởng giả vấn giá, Thái Tử hý đáp: Kim bố địa mãn, tức đương mại dữ. Trưởng giả bố kim, Thái Tử cảm thán, toại dữ dịch địa, địa sở hữu thụ, tịnh dĩ thí Phật, nhân lập Tinh Xá. Trưởng giả, Thái Tử giao tương phát tâm, thành thử mỹ sự, cố song tiêu dã.

Sao: Tìm được vườn cây của Kỳ Đà, trưởng giả hỏi giá, Thái Tử nói đùa: Đem vàng lót khắp đất, ta sẽ bán cho ông. trưởng giả trải vàng, Thái Tử cảm thán, bèn giao đất, những cây mọc trên đất đều cúng dường Phật. Do vậy, lập Tinh Xá. Trưởng giả và Thái Tử cùng nhau phát tâm thành tựu chuyện tốt đẹp này, nên gọi nơi ấy bằng tên của hai người.

Tôi nghĩ chuyện này chẳng cần phải giảng, mọi người đọc xong, nói chung đã hiểu rõ tình hình, bởi lẽ lai lịch của Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên đã có nhiều Kinh chú giải rồi. Đoạn kế tiếp là nói xứng lý. Đây là một điều đặc thù của Liên Trì Đại Sư trong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, đoạn Kinh Văn này tiêu quy tự tánh, cũng là hết sức khó có.

Sớ: Nhược dụ đương Kinh Giáo lý, các hữu sở biểu, như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm thích lệ.

Sớ: Nếu dựa theo giáo lý trong Kinh này để nói, mỗi điều đều có ý nghĩa biểu thị pháp, giống như cách giải thích Kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.

Đương Kinh là Kinh này, nói theo lý luận giáo học trong Kinh này, chỗ nào cũng đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, như Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, Trí Giả Đại Sư giải thích Kinh Pháp Hoa, soạn Pháp Hoa Kinh Văn Cú, Thanh Lương Đại Sư soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, đều diễn giải rất nhiều sự tướng trong ấy thành sự biểu thị pháp, tức là những điều ấy biểu thị ý nghĩa nào. Dùng thể lệ ấy để xem xét Kinh này, chúng ta có thể thấy rất nhiều nghĩa lý.

Sao: Dụ đương Kinh giả, như Xá Vệ quốc, quốc chi thắng, biểu thử Tịnh Độ pháp môn, quảng đại hoằng viễn, pháp chi tối thượng cố.

Sao: Dựa theo Kinh này để nói, như nước Xá Vệ là nước thù thắng nhất trong các nước, biểu thị pháp môn Tịnh Độ này rộng lớn, thênh thang, là pháp tối thượng.

Kinh này nói đến thành Xá Vệ. Thuở ấy, thành Xá Vệ là một nước lớn nhất tại Ấn Độ, đô thị ấy là đô thị lớn nhất trong năm xứ Ấn Độ, bất luận trình độ văn hóa, chính trị, giáo dục, hay kinh tế đều thuộc hạng nhất.

Vì thế, Đức Phật giảng Kinh ở nơi đó, cũng nhằm biểu thị pháp môn này là pháp môn tối thượng trong hết thảy các pháp, giống hệt như nước Xá Vệ là thành thị lớn nhất, thù thắng nhất trong năm xứ Ấn Độ thuở ấy, dùng ý nghĩa này.

Sao: Tức Từ Ân ngôn, Vương Xá thành, thành chi thắng.

Sao: Chính là như Ngài Từ Ân Khuy Cơ Đại Sư nói: Thành Vương Xá là thành thù thắng. Thắng là thù thắng.

Sao: Thành thắng dư thành, biểu pháp hoa pháp thắng dư pháp cố, hạ giai lệ thử.

Sao: Thành ấy thù thắng hơn các thành khác, biểu thị giáo pháp Pháp Hoa thù thắng hơn các pháp khác. Những điều sau đây đều tuân theo lệ này.

Nói theo phương diện biểu thị pháp, Kinh Pháp Hoa được người đời sau tôn xưng là Kinh trung chi vương Vua của các Kinh, bảo là ngũ thời cực xướng, tối hậu cực đàm sự xướng suất tột bậc trong năm thời, là sự bàn luận tột bậc cuối cùng, là Kinh Điển Viên giáo thuần nhất.

Sự thù thắng của nước Xá Vệ đã được nói tới trong phần trên, giống như thành phố Nữu Ước là thành phố lớn bậc nhất trong thế giới hiện thời. 

Nữu Ước của Mỹ là thành phố lớn bậc nhất trên toàn thế giới, là trung tâm tài chánh của thế giới, cả thế giới chẳng ai không biết đến nó. Trong quan niệm của bọn họ, nước Xá Vệ thuở ấy tại Ấn Độ cũng giống như một đô thị lớn trên thế giới hiện thời, dùng chuyện này để làm tỷ dụ.

Sao: Kỳ Thụ, thụ chi thắng.

Sao: Cây của Thái Tử Kỳ Đà: Cây thù thắng. Cây do Thái Tử Kỳ Đà trồng, cây do người trồng mà khác biệt. Cây cối cũng là loài hữu tình, nó có mối cảm ứng với lòng người.

Chẳng hạn như thuở Huyền Trang Đại Sư sang Ấn Độ thỉnh Kinh, trước cửa Chùa có một cái cây, Ngài sờ vào thân cây bảo: Ta sang Tây Phương thỉnh Kinh, ngươi hãy mọc dài về phía Tây. Đến năm nào ta trở về, ngươi sẽ mọc dài về phương Đông. Cây ấy quả nhiên nghe lời. Sau khi Ngài ra đi, cây mỗi năm đều mọc dài về phía Tây, năm Ngài quay về, cây bèn chuyển phương hướng, mọc dài về phía Đông.

Người trong Chùa đều nói: Chắc là Huyền Trang Đại Sư trở về, cây đã mọc dài sang phía này rồi. Quả nhiên Ngài trở về trong năm ấy. Do vậy, cây cối quả thật có mối cảm ứng với lòng người. Thái Tử Kỳ Đà chẳng phải là kẻ tầm thường, cây do ông ta trồng sẽ đặc biệt tươi tốt, thù thắng hơn cây do người khác trồng.

Sao: Biểu Tịnh Độ ấm cái chúng sanh.

Sao: Biểu thị Tịnh Độ che rợp chúng sanh. Cây to rợp bóng, mát mẻ, mùa Hè, hết thảy mọi người thích ngồi dưới gốc cây. Con người hiện tại ít rảnh rỗi, người thời cổ có nhiều thời gian rảnh rỗi, vì thế, đều muốn cây to. Cửa nhà nào cũng đều có cây to, nhất là lúc mùa Hè, đấy là chỗ hóng mát rất tiện. Vì thế, sánh ví Tịnh Độ che rợp chúng sanh.

Sao: Vĩnh ly nhiệt não cố.

Sao: Do vĩnh viễn lìa khỏi nóng bức.

Mười phương thế giới đều là uế nhiều, tịnh ít. Nói cách khác, phiền não rất nhiều. Chỉ riêng Thế Giới Tây Phương thanh lương, tự tại. Chọn lấy Tịnh Độ trong các Cõi Phật mười phương, giống như đặc biệt chọn nơi rợp bóng, mát mẻ, có thể đoạn phiền não của hết thảy chúng sanh. Đấy là ý nghĩa được biểu thị bởi cây.

Sao: Cấp Cô Viên, viên chi thắng.

Sao: Vườn của ông Cấp Cô Độc là vườn thù thắng. Viên là thụ dụng tự tại. Ngôi viên lâm của ông ta rất lớn. Biệt thự của Thái Tử thuở ấy có kiến trúc cũng vô cùng xinh đẹp. Sống trong viên lâm ấy sướng lòng khoái mắt.

Sao: Biểu Tịnh Độ an ổn chúng sanh, hằng thọ chư lạc cố.

Sao: Biểu thị Tịnh Độ an ổn chúng sanh, luôn hưởng các niềm vui. Chữ Viên biểu thị ý nghĩa này.

Sao: Kỳ Đà Thái Tử, chủng chi thắng.

Sao: Thái Tử Kỳ Đà dòng dõi thù thắng. Trong bốn chủng tánh tại Ấn Độ, Thái Tử thuộc chủng tánh Sát Đế Lợi, là vương tộc.

Sao: Biểu Tịnh Độ sanh giả, tất cánh thành Phật, thiệu long Phật chủng cố.

Sao: Biểu thị sanh về Tịnh Độ sẽ rốt ráo thành Phật, tiếp nối hưng thịnh dòng giống nhà Phật. Đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, đều nói rất viên mãn.

Phàm những ai vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, có thể nói là đều có thể gọi là Pháp Vương Tử, vì sao?

Người ấy trong tương lai nhất định thành Phật, nối tiếp huệ mạng Phật, rộng độ chúng sanh, giống như Thái Tử trong tương lai sẽ kế thừa vương vị, thống trị quốc gia.

Sao: Tu Đạt trưởng giả, nhân chi thắng.

Sao: trưởng giả Tu Đạt là người thù thắng. Đây là bầy tôi, là người thù thắng.

Sao: Biểu Tịnh Độ sanh giả, nhập chánh định tụ, câu thượng thiện nhân cố.

Sao: Biểu thị người sanh về Tịnh Độ, nhập chánh định tụ đều là thượng thiện nhân. Phàm người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đều là thượng thiện nhân. Vì trưởng giả Tu Đạt Đa thuở ấy đích xác trọn đủ trí huệ và đức năng, lại là người vô cùng từ bi. 

Nghe Phật Pháp, thật sự phát tâm, có thể bỏ mình vì người, thỉnh Phật đến nước Xá Vệ hoằng pháp lợi sanh. Ông ta thỉnh Phật đúng là chẳng tiếc giá nào, muốn cầu Phật sang nơi ấy giảng Kinh, thuyết pháp. Vì thế, thật sự đáng gọi là thượng thiện nhân.

Sao: Như Hoa Nghiêm chủng chủng biểu pháp, dĩ hiển nhất tâm, giai thử ý dã.

Sao: Như Kinh Hoa Nghiêm có các thứ biểu thị pháp nhằm chỉ rõ nhất tâm, đều nhằm ý này vậy. Những bộ Kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa hoàn toàn giảng những nghĩa thú biểu thị pháp, chúng ta đọc Kinh Phật phải chú ý điều này.

Sớ: Xứng lý, tắc tự tánh đỗng triệt thập phương, thị A Nan Văn Phật nghĩa. Tự tánh bất ly đương xứ, thị Phật tại Kỳ Viên nghĩa.

Sớ: Xứng lý thì tự tánh thấu suốt rỗng rang mười phương là ý nghĩa A Nan nghe Đức Phật thuyết pháp. Tự tánh chẳng rời khỏi ngay chỗ ấy là ý nghĩa Phật ngự tại Kỳ Viên. Đây là hoàn toàn nói xứng tánh.

Tự tánh đỗng triệt thập phương có nghĩa là: Nếu hiểu A Nan Văn Phật theo ý nghĩa sự tướng, vậy thì chúng sanh đều không nghe được, có ý nghĩa như vậy. Nếu nói Phật ngự tại Tinh Xá Kỳ Viên, bản thân chúng ta là phàm phu, đương nhiên chẳng ở Tinh Xá Kỳ Viên, cho nên có phân biệt, có cách ngăn, chướng ngại. Nếu thật sự hiểu duy tâm, hãy nên quán hết thảy các pháp, chẳng có một pháp nào chẳng phải là tâm hiện, thức biến.

Tâm thức biến hết thảy pháp giới, thử hỏi Phật có ở ngoài tâm chúng ta ư?

Tinh Xá Kỳ Viên lại ở ngoài tâm chúng ta ư?

Nhìn vào tâm tánh, chẳng có một pháp nào ở ngoài tâm tánh, cho nên mới nói đỗng triệt thập phương thấu suốt rỗng rang mười phương, đó mới là ý nghĩa chân thật của A Nan Văn Phật. Tự tánh bất ly đương xứ, pháp tánh trạm nhiên, chẳng dời, chẳng biến, đó là ý nghĩa thật sự của Phật trụ tại.

Sao: Tâm Văn đỗng thập phương, tắc khánh hỷ hiện kim phương kết tập, chân Phật ốc lý tọa, tắc Thích Ca nguyên bất trụ Tây Càn.

Sao: Tâm nghe thấu suốt mười phương, nên nay Ngài A Nan thị hiện kết tập Kinh Điển, vị Phật thật sự ngồi trong nhà, nên Phật Thích Ca vốn chẳng trụ ở Tây Càn. Tây Càn là Ấn Độ.

Có ý nghĩa là A Nan và Thích Ca Mâu Ni Phật trọn chẳng rời khỏi chúng ta, đấy là như trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông của Kinh Lăng Nghiêm có nói: Tâm Văn đỗng thập phương, sanh ư đại. Nhân lực tâm nghe thông suốt mười phương, là do sức của cái nhân to lớn sanh ra, đó là Kinh Văn trong Kinh Lăng Nghiêm.

Cổ Nhân có nói: Kim Phật bất độ lô, mộc Phật bất độ hỏa, nê Phật bất độ thủy, chân Phật ốc lý tọa. Phật bằng vàng chẳng bén mảng đến lò lửa, Phật bằng gỗ chẳng dính đến lửa, Phật đắp bằng đất chẳng dính đến nước, vị Phật thật sự ngồi trong nhà. Chân Phật là nói tới chân như bổn tánh.

Tượng Phật đúc bằng kim loại chẳng bén mảng đến bên lò, vì hễ bị lửa trong lò luyện thép nung đốt bèn chảy tan, chẳng còn nữa. Tượng Phật khắc bằng gỗ chẳng thể thiêu, hễ thiêu sẽ không còn gì. Tượng Phật bằng đất nặn chẳng thể bỏ vào nước, bỏ vào nước sẽ rã nát. Vị Phật thật ngồi trong nhà, vị Phật thật là nói tới tự tánh. Đấy là nói đến ý nghĩa tâm văn đỗng thập phương.

Tiếp theo đó là hai câu trong Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương:

Sao: Phản văn tự văn, phản Phật, tự Phật.

Sao: Xoay trở lại cái nghe để nghe chính mình, xoay trở lại quán sát Phật để nhận biết vị Phật của chính mình.

Từ Phản văn, văn tự tự tánh xoay trở lại cái nghe để nghe tự tánh, chúng ta thấu hiểu phản Phật tự Phật. Phản Văn tự tánh là bí quyết tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát, do chính Ngài tu hành.

Phản văn, văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo, chính Ngài đã tự trình bày Ngài từ phàm phu đã tu thành Quán Thế Âm Bồ Tát, tu thành Đẳng giác Bồ Tát theo cách như vậy. Trong Kinh đã nói rất rõ ràng, thầy của Ngài là Quán Thế Âm Phật, đó là Cổ Phật, Ngài học với vị Phật ấy.

Sau đấy, học thành, cũng có danh hiệu là Quán Thế Âm, chúng ta gọi Ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nói đơn giản, phương pháp của Ngài là do tâm của những kẻ bình phàm chúng ta thường rong ruổi bên ngoài, còn Ngài tu Nhĩ Căn Viên Thông.

Phàm phu nghe âm thanh bên ngoài, tâm liền rong ruổi bên ngoài, duyên theo âm thanh, hễ dễ nghe bèn nghe nhiều hơn một chặp, tâm đã rong ruổi theo bên ngoài mất rồi. Phương pháp của Bồ Tát là chẳng rong ruổi bên ngoài, mà dõi vào trong, theo đuổi bên trong.

Rong ruổi bên trong chẳng phải là nghe ngược lại hay sao?

Hay là quay đầu lại ư?

Chẳng phải. Nói trong và ngoài là nói đến tánh và tướng. Âm thanh phát ra là tướng, nhưng tướng nhất định có tánh. Ngài nghe âm thanh bên ngoài chẳng giống như chúng ta, chúng ta nghe âm thanh, chẳng nghe được tánh của âm thanh.

Chúng ta chỉ chấp vào tướng âm thanh, chẳng biết đến tánh của âm thanh. Quán Thế Âm Bồ Tát nghe âm thanh bên ngoài, chẳng chấp tướng của âm thanh, mà nghe thấy tánh của âm thanh, Ngài kiến tánh.

Vì thế, nói phản văn, văn tự tánh. Ngài nghe âm thanh trái ngược chúng ta. Phàm phu chúng ta nghe âm thanh bèn chấp tướng, người ta chẳng chấp tướng, mà nghe được tánh. Do vậy, Ngài có thể kiến tánh, tánh thành vô thượng đạo.

Nay ở đây, Đại Sư muốn chúng ta hãy dùng theo cách ấy. Chúng ta phản Phật tức là thấy vị Phật của chính mình, dùng cách thức ấy. Phật là sắc tướng, chúng ta dùng con mắt để thấy thì cái thấy được là sắc tướng. Nếu chúng ta có thể xoay lại thấy sắc tánh thì đó là đúng, quý vị sẽ thấy Phật. Lục căn của Chư Phật, Bồ Tát tiếp xúc lục trần, các Ngài chẳng gọi chúng là lục trần.

Chúng ta mắt đối trước sắc trần, do chấp tướng, chúng liền biến thành sắc trần, tai đối trước thanh trần, lục căn tiếp xúc lục trần, liền biến thành phàm phu, biến thành ô nhiễm. Mắt của Chư Phật, Bồ Tát đối trước sắc sẽ là sắc tánh, mắt các Ngài không gọi là nhãn căn, mà thay đổi danh tự, gọi là kiến tánh tánh thấy. Tánh thấy sẽ thấy sắc tánh.

Nơi nhĩ căn, tánh nghe nghe thanh tánh, đó gọi là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Quán Thế Âm Bồ Tát dùng tánh nghe để nghe thanh tánh. Ở đây, Đại Sư dạy chúng ta, chúng ta noi theo lệ ấy, vận dụng công thức ấy, dùng tánh thấy để thấy sắc tánh là phản Phật tự Phật.

Quý vị có thể quay đầu như vậy, trong Phật Môn thường nói quay đầu là bờ. Quay đầu là quay theo kiểu như vậy.

Sao: Đương tri Kỳ Viên nhất hội, nghiễm nhiên vị tán, khởi độc Linh Sơn.

Sao: Hãy nên biết: Hội Kỳ Viên vẫn nghiễm nhiên chưa tan, há riêng mình hội Linh Sơn. Nghiễm nhiên vị tán là nói Trí Giả Đại Sư niệm Kinh Pháp Hoa tới phẩm Dược Vương Bổn Sự. Nói thật ra, trong Kinh Pháp Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy chúng ta hãy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đoạn Kinh Văn ấy chính là phẩm Dược Vương Bổn sự.

Đại Sư niệm tới phẩm này, nhập định, tự thấy mình đến núi Linh Thứu, Đức Phật vẫn còn giảng Kinh Pháp Hoa nơi ấy, Ngài ngồi nghe một buổi, sau khi xuất định, bảo người khác: Một hội Linh Sơn, nay vẫn còn chưa giải tán. Vì thế, nghiễm nhiên chưa tan. Nói thật ra, về sau, tuy Trí Giả Đại Sư chuyên hoằng dương Pháp Hoa, bản thân Ngài tu hành là chuyên Tu Tịnh Độ.

Ngài tu theo bộ Kinh nào?

Trong ba Kinh, Ngài nương theo Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh để tu hành. Lúc sắp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Ngài tự nói Ngài là Trung Bối vãng sanh. Đến phần sau, chúng ta xem tới phép quán thứ mười sáu, quý vị sẽ thấy trong mười sáu phép Quán đã giảng ba phẩm thượng, ba phẩm trung, ba phẩm hạ, Ngài là Trung Bối vãng sanh.

Ở đây, Liên Trì Đại Sư bảo chúng ta: Hội Kỳ Viên này, tức Pháp Hội Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh A Di Đà này cũng chưa tan, cũng chẳng phải là chỉ có Hội Linh Sơn chưa tan, hội nào cũng đều chưa tan. Chỉ cần quý vị có công phu ấy, có năng lực ấy, đều có thể đến tham dự giống như Trí Giả Đại Sư. Trong sáu thứ thành tựu, năm thứ thành tựu trong phần trước đã nói xong.

Tiếp theo đây là Chúng Thành Tựu: Kinh Dữ đại Tỳ Kheo Tăng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.

Kinh: Cùng với các đại Tỳ Kheo Tăng, một ngàn hai trăm năm mươi người. Đấy là Kinh Văn.

Sớ: Tự thử nhi hạ, chí Chư Thiên đại chúng câu.

Sớ: Tự đây trở xuống, cho đến đoạn Chư Thiên đại chúng cùng tham dự. Đoạn văn này thuộc về chúng thành tựu.

Sớ: Dữ giả cộng nghĩa.

Sớ: Dữ có nghĩa là cùng. Là Thích Ca Mâu Ni Phật và một ngàn hai trăm năm mươi người, trên thực tế, còn có năm người, tức một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, bỏ bớt số lẻ, chỉ nói số tròn. Đức Phật và những người ấy ở cùng một chỗ. Những người ấy là thường tùy chúng của Đức Phật.

Nói cách khác, Đức Phật đi đến đâu, họ theo đến đấy, chưa hề rời khỏi Phật. Vì thế, muốn thỉnh Đức Phật giảng Kinh, thuyết pháp cũng chẳng dễ dàng, chẳng phải thỉnh một mình Đức Phật, mà là thỉnh nhiều người như thế, tiếp đãi cũng chẳng phải là chuyện dễ. Tiếp theo đây là giải thích chữ đại Tỳ Kheo.

Sớ: Đại giả, giản tiểu.

Sớ: Đại, nhằm phân biệt chẳng phải là tiểu. Đại là đại thừa, nói đại nhằm phân biệt chẳng phải là tiểu thừa. Vì bình thường chúng ta nói Tỳ Kheo đều là tiểu thừa, tiểu thừa là Thanh Văn Thừa.

Đây là nói rõ các Ngài tuy mang hình dáng Tỳ Kheo, nhưng trên thực tế, chẳng phải là Tỳ Kheo tiểu thừa, có thể nói họ là các Tỳ Kheo hồi tiểu hướng đại. Nói kiểu đó là nói rất miễn cưỡng, thật ra, các Ngài đều là đại Bồ Tát, đại Bồ Tát thị hiện thân phận Thanh Văn.

Sớ: Cụ hữu tam nghĩa.

Sớ: Trọn đủ ba ý nghĩa. Đại gồm ba ý nghĩa.

Sớ: vị đại, đa, thắng.

Sớ: Là lớn, nhiều, thù thắng. Trọn đủ ba ý nghĩa này, cho nên mới nói là đại. Đại là nói các Ngài đức đại, trí huệ đại. Đa là nói các Ngài lắm tài nghệ, đa tài, đa nghệ, những vị ấy đều là như vậy.

Thắng là siêu thắng, trong thuở ấy, những vị tiểu thừa hoặc là chín mươi sáu loại ngoại đạo đều chẳng bằng các Ngài. Vì thế, các Ngài trỗi vượt hết thảy mọi người. Do đủ ba ý nghĩa này nên gọi là đại.

Sớ: Dị dư Tỳ Kheo cố.

Sớ: Do chẳng giống với các Tỳ Kheo khác. Dư Tỳ Kheo là tiểu thừa, họ thua các Ngài rất xa.

Sớ: Phật Địa diệc cụ tam nghĩa.

Sớ: Phật Địa Luận cũng nói đại có ba nghĩa. Phật Địa là Phật Địa Luận. Chữ đại cũng có ba ý nghĩa này.

Sớ: Tỳ Kheo, Phạn ngữ.

Sớ: Tỳ Kheo là tiếng Phạn. Đây là dịch âm tiếng Ấn Độ.

Sớ: Thử vân hữu tam.

Sớ: Dịch sang tiếng cõi này thì có ba. Trong từ ngữ này chứa đựng ba ý nghĩa, cho nên, nếu chúng ta dịch ra, sẽ không thể dịch trọn vẹn. Nó có rất nhiều ý nghĩa, trong văn tự Trung Quốc không được tìm được chữ thích đáng để phiên dịch, chỉ đành dịch âm rồi giải thích.

Sớ: Nhất, Khất Sĩ.

Sớ: Một là Khất Sĩ.

Khất: Phương thức sống thuở ấy là khất thực, sĩ là tiếng để gọi chung người có học vấn lẫn đạo đức. Mỗi ngày ra ngoài thác bát khất thực, người khất thực ấy chẳng phải là kẻ ăn mày thông thường, mà là một người đi xin ăn, nhưng có học vấn, có đạo đức, cho nên dùng hai chữ này Khất Sĩ để dịch ý nghĩa thứ nhất.

Khất bao gồm hai thứ ý nghĩa, thứ nhất là khất thực dĩ tư sắc thân, nghĩa là xin ăn để nuôi dưỡng nhục thân, thứ hai là cầu pháp nơi Đức Phật, khất pháp dĩ tư huệ mạng, tức là mỗi ngày hướng về Phật cầu xin Đức Phật giảng pháp nhằm nuôi nấng huệ mạng của chúng ta.

Sớ: Nhị, bố ma.

Sớ: Hai là làm cho ma sợ hãi. Ma là Ma Vương. Ma Vương thống trị tam giới. Trong tam giới lục đạo cũng có một vị đại vương thống trị khắp tam giới lục đạo.

Nếu lục đạo chúng sanh tu hành vượt thoát tam giới, trong tâm ma cũng rất khổ, vì sao?

Người thuộc quyền thống trị của hắn bỏ đi, số người sẽ dần dần giảm ít, hắn lo lắng vì chuyện này. Nhưng quý vị thật sự đạt được năng lực vượt thoát tam giới, hắn mới ưu lự, mới cảm thấy kinh hoảng.

Nếu quý vị chẳng có năng lực, tuy xuất gia tu hành, hắn vẫn cười cợt, vì sao?

Quý vị chẳng thoát được, không thoát khỏi ma chưởng của hắn. Ma chưởng của hắn là tam giới, lục đạo, quý vị không có cách nào vượt thoát. Thật sự phát tâm tu hành, chứng A La Hán quả sẽ vượt thoát.

Vì thế, Bố ma là đạt tới A La Hán, Ma Vương mới lo lắng, vì sao?

Quý vị đã có năng lực vượt thoát.

Sớ: Tam, phá ác.

Sớ: Ba là phá ác. Chữ ác chỉ kiến tư phiền não, A La Hán đoạn sạch kiến tư phiền não, nên gọi là phá ác.

Sớ: Tăng giả, Phạn ngữ, cụ vân Tăng Già. Bất ngôn già giả, tỉnh văn dã.

Sớ: Tăng là tiếng Phạn, nói đầy đủ là Tăng Già. Không nói chữ già là vì tỉnh lược. Người Hoa thích tỉnh lược.

Sớ: Thử vân chúng hòa hợp.

Sớ: Cõi này dịch là chúng hòa hợp. Tăng Già dịch sang nghĩa tiếng Hán là hòa hợp chúng. Trong hòa hợp có lý và sự gồm bảy điều, lý là cùng mang ý nghĩa cùng chứng vô vi, đồng chứng Niết Bàn. Đó là nói theo lý.

Trong pháp đại thừa, sẽ là cùng chứng vô thượng bồ đề, hoặc như chúng ta nói là đồng chứng vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, có cùng một mục tiêu. Nói theo sự thì gồm sáu điều, chúng ta gọi là Lục hòa kính.

Lục Hòa Kính là nói theo mặt sự, kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân, phải tuân thủ sáu điều này thì mới là được coi là một Tăng đoàn.

Một Tăng đoàn phải từ bốn người trở lên. Từ bốn người trở lên ở cùng một chỗ, cùng nhau tu hành, tuân thủ bảy điều kiện ấy, tức là bảy giới điều thì đoàn thể đó gọi là Tăng đoàn.

Do vậy, Tăng đoàn tối thiểu là bốn người, còn nhiều hơn thì không hạn chế, tối thiểu phải là bốn người. Nếu Tu Tịnh Độ, trong pháp môn này, xét theo lý là có cùng một kỳ vọng cùng sanh về Thế Giới Tây Phương, có chung một nguyện vọng ấy, còn trên mặt sự thì vẫn là sáu điều ấy.

Trong kiến hòa đồng giải, mấy hôm nay chúng tôi đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, có cảm xúc thật sâu. Ngày nay, chúng ta kiến giải chẳng hòa hợp, chẳng thể có cùng kiến giải, nguyên nhân chủ yếu là vì chẳng đọc tụng đại thừa.

Tịnh Nghiệp Tam Phước trong Quán Kinh là cơ bản, không chỉ là cơ bản để tu Tây Phương Tịnh Độ, mà có thể nói căn bản của sự tu học hết thảy Phật Pháp, quyết định chẳng thể vi phạm. Tịnh Nghiệp Tam Phước gồm ba điều, tổng cộng mười một câu, điều cuối cùng là phát bồ đề tâm.

Nếu nói chuyện phát bồ đề tâm với người tu Tịnh Độ, Ngẫu Ích Đại Sư đã giải thích vô cùng hay, trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngài đã nói: Chân tâm muốn phát tâm vãng sanh tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì tâm ấy là vô thượng bồ đề tâm, cách giải thích này rất đơn giản, rất dễ hiểu.

Tin sâu nhân quả. Kiến hòa đồng giải chẳng thể thành lập là vì chúng ta coi nhẹ chuyện đọc tụng đại thừa, tức là mỗi ngày phải niệm Kinh, chẳng thể không niệm Kinh.

Tu Tịnh Độ, niệm Kinh gì?

Niệm Kinh Di Đà tốt lắm, nhưng Kinh Di Đà mỗi ngày niệm một lần không đủ, vì sao?

Quá ngắn, chẳng thể nhiếp tâm. Nói thật ra, Kinh Di Đà cũng quá đơn giản, tuy niệm, cũng chẳng hiểu ý nghĩa trong ấy. Nếu chúng ta niệm Kinh Di Đà, tôi cảm thấy hay nhất là niệm Di Đà Kinh Yếu Giải, đọc Kinh cùng với lời giải thích.

Yếu Giải do Ngẫu Ích Đại Sư trước tác, Ấn Quang Đại Sư tán thán tác phẩm ấy: Dẫu Cổ Phật tái lai chú giải Kinh Di Đà cũng không thể hay hơn được.

Quý vị nghĩ xem: Tán thán đến tột bậc, vì thế, tôi cảm thấy đọc Yếu Giải tốt lắm. Nếu thời gian nhiều hơn, tốt nhất là đọc Yếu Giải Giảng Nghĩa, hoặc đọc Di Đà Kinh Sớ Sao, đọc cả lời Sớ lẫn lời Sao. Nay mọi người chúng ta thấy một cuốn sách to này có thể niệm được.

Mỗi chữ, mỗi câu thảy đều chẳng bỏ sót, thảy đều niệm hết, niệm một quyển như vậy, đại khái, quý vị niệm một tuần sẽ có thể niệm hết. Sau khi niệm xong, lại niệm từ đầu, mỗi ngày đều phải niệm. Tối thiểu mỗi ngày niệm một giờ, quý vị niệm Kinh này từ đầu đến cuối, sau khi niệm xong lại niệm từ đầu.

Phương pháp niệm này là mọi người cùng niệm, chẳng phải là cá nhân niệm cho mỗi cá nhân, mọi người cùng nhau niệm sẽ có thể đạt được hiệu quả kiến hòa đồng giải. Nếu có thể nghiên cứu, thảo luận thì càng tốt.

Phương pháp niệm giống như giảng Kinh, có một người niệm trên giảng đài, mọi người ở dưới nghe, niệm một giờ được bao nhiêu trang. Sau khi niệm xong, có chút thời gian, hoặc là nửa giờ hay một giờ, mọi người nghiên cứu, thảo luận.

Nói theo cách bây giờ là thành lập nhận thức chung, kiến hòa đồng giải trong sáu thứ hòa hợp chính là kiến lập nhận thức chung. Mọi người chúng ta có nhận thức chung, ở cùng một chỗ sẽ không nẩy sanh ý kiến tranh cãi. Điều này vô cùng trọng yếu, ngàn vạn phần chớ nên coi nhẹ đọc tụng đại thừa. 

Đối với bản in này, phía trước là Sớ Sao, phần giữa là Yếu Giải, cuối cùng là Thông Tán Sớ, có tất cả ba thứ chú giải được in chung lại.

Sớ: Thiên nhị bách ngũ thập Nhân Giả.

Sớ: Một ngàn hai trăm năm mươi người. Nói rõ những vị ấy do đâu mà có.

Sớ: Tam Ca Diếp, Mục Liên, Xá Lợi, ngũ nhân đệ tử, cộng hợp thành cố.

Sớ: Đệ tử của năm vị là ba anh em Ca Diếp, Mục Liên, Xá Lợi cùng hợp thành con số một hai trăm năm mươi người. Đây là năm vị lãnh tụ, các vị ấy và học trò của các Ngài cùng hợp thành con số trên đây.

Sớ: Thượng minh loại thuộc Thanh Văn, hạ minh số hữu nhược can dã. Câu giả, hợp thượng cộng nghĩa.

Sớ: Trước là nói tới thính chúng thuộc hàng Thanh Văn, sau là nói họ gồm có bao nhiêu người. Chữ câu tương hợp với ý nghĩa cùng nhau của chữ dữ ở đầu câu. Đây là lời giải thích đơn giản trong phần Sớ.

Sao: Cộng nghĩa giả, Thiên Thai dĩ thất nhất thích cộng.

Sao: Ngài Thiên Thai dùng bảy chữ nhất để giải thích ý nghĩa chữ cộng. Chữ cộng này cũng chẳng thể tùy tiện dùng. Thiên Thai Đại Sư đã nói bảy điều kiện, bảy điều kiện ấy thảy đều trọn đủ thì gọi là cộng.

Bảy điều kiện nào vậy?

Tiếp theo đây bèn nói rất rõ ràng.

Sao: vị xứ nhất.

Sao: Chính là ở cùng một chỗ. Các Ngài ở cùng một chỗ, cùng trụ một nơi.

Sao: Thời nhất.

Sao: Cùng một thời. Cùng một thời gian. Cùng một nơi chốn, nhưng thời gian không đồng nhất, chẳng thể gọi là cộng.

Sao: Tâm nhất.

Sao: Cùng một tâm. Trong lý sự hòa hợp như đã nói trong phần trước, lý hòa và kiến hòa đều là tâm, tâm nhất cùng một tâm.

Sao: Giới nhất, đạo nhất, kiến nhất.

Sao: Cùng một giới, một đạo, một kiến giải. Kiến là kiến giải.

Sao: Giải thoát nhất.

Sao: Cùng một giải thoát. Giải thoát là tự tại. Mỗi cá nhân đều trụ rất vui sướng, rất tự tại. Phải có đủ bảy điều kiện này, lúc đó mới có thể gọi cộng trụ, lúc đó mới là một Tăng đoàn hòa hợp. Bảy ý nghĩa này và tinh thần Lục hòa kính hoàn toàn tương đồng.

Do vậy, cũng biết: Thuở ấy, Tăng đoàn hơn một ngàn hai trăm người của Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự là một đại Tăng đoàn hòa hợp.

Sao: Phật dữ đại chúng cộng cư Kỳ Viên, thị Kinh chánh ý.

Sao: Phật và đại chúng cùng ở Kỳ Viên là ý nghĩa chánh yếu trong Kinh này. Ý nghĩa thật sự của Kinh này là nói đến điều ấy. Khi đó, Đức Phật và đại chúng đều ở tại Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.

Sao: Quảng chi như thượng.

Sao: Nói rộng ra thì như trên. Phía trước đã nói.

Sao: Giản tiểu giả.

Sao: Phân biệt chẳng phải là tiểu. Giản là phân biệt, tiểu là tiểu thừa, ý nói những vị ấy chẳng phải là Tỳ Kheo tiểu thừa.

Sao: Minh phi sơ tâm Tỳ Kheo.

Sao: Nói rõ những vị ấy chẳng phải là Tỳ Kheo sơ tâm. Chẳng phải là Tỳ Kheo tiểu thừa sơ phát tâm.

Sao: Tức hạ sở xưng Trưởng Lão đẳng thị dã.

Sao: Tức là những vị được gọi là các trưởng lão trong phần dưới đây. Trong phần Kinh Văn dưới đây sẽ liệt kê danh xưng của các vị thượng thủ đại đức, nêu tên mười sáu vị. Mười sáu vị ấy đều được gọi là Trưởng Lão hay Tôn Giả.

Sao: Đại đa thắng giả, Thiên Vương đại Nhân, sở cộng kính ngưỡng, phi tiểu đức dã, danh đại.

Sao: Đại, đa, thắng: Trời, Quốc Vương, đại nhân đều cùng kính ngưỡng, chẳng phải là đức nhỏ nhoi, nên gọi là đại. Đây là nói đạo đức lẫn trí huệ của các Ngài đều to lớn. Do vậy, khi ấy, quốc vương, đại thần đều tôn kính. Các Ngài chẳng phải là tiểu thừa, mà là bậc đại đức, đức to lớn.

Sao: Nội Điển, ngoại tịch, vô bất bác thông, phi quả giải dã, danh đa.

Sao: Kinh Điển nhà Phật, sách vở thế gian, không gì chẳng thông suốt rộng rãi, chẳng phải là hiểu biết hạn hẹp, nên gọi là đa. Học rộng, nghe nhiều, lắm tài nghệ, đó là ý nghĩa của chữ đa.

Sao: Siêu xuất cửu thập lục chủng chi thượng, phi liệt khí dã, danh thắng.

Sao: Vượt trỗi chín mươi sáu thứ ngoại đạo, chẳng phải là căn cơ kém hèn, nên gọi là thắng. Thắng là thù thắng. Thuở ấy, Ấn Độ có chín mươi sáu thứ ngoại đạo, những ngoại đạo ấy cũng đều rất có học vấn, cũng có những người tu trì rất khá, họ được gọi là Tôn giáo gia, triết học gia, các vị đại Tỳ Kheo đều vượt trội họ.

Sao: Giai tiểu thừa trung cực dã.

Sao: Đều là tột đỉnh trong hàng tiểu thừa. Hình tướng bề ngoài của các Ngài là tiểu thừa, nhưng thật ra đã đạt tới tột đỉnh của tiểu thừa. Bậc đại thừa cố ý khoác lấy dáng vẻ tiểu thừa. Đó gọi là ngoại hiện Thanh Văn thân, nội bí Bồ Tát hạnh ngoài hiện thân Thanh Văn, bên trong ẩn kín hạnh Bồ Tát, trong là Bồ Tát, bề ngoài là Thanh Văn. Vì thế, gọi là đại Tỳ Kheo.

Sao: Phật Địa tam nghĩa giả.

Sao: Ba ý nghĩa trong Phật Địa Luận là. Phật Địa Luận đã nêu ra ba ý nghĩa để giải thích đại, đa, thắng.

Sao: Nhất, tối cực lợi căn, Ba la mật đa chủng tánh, cố danh vi đại.

Sao: Một là lợi căn cùng tột, là chủng tánh Ba la mật đa, nên gọi là đại. Căn tánh vô cùng nhạy bén, là Ba la mật đa. Ba la mật đa là tiếng Ấn độ, dịch nghĩa sang tiếng Hán là rốt ráo viên mãn. Nếu dịch theo nghĩa gốc của từng chữ sẽ là đáo bỉ ngạn đạt đến bờ kia.

Người Trung Quốc nói đáo gia đạt đến mức tột cùng cũng nhằm vào ý nghĩa này. Bất luận chuyện gì người ấy làm cũng là tốt nhất, chúng ta bèn hình dung người ấy đã đáo gia.

Chẳng hạn như quý vị viết chữ rất đẹp, công phu đã đạt đến mức tuyệt diệu, người Ấn Độ bèn nói là Ba la mật, Ba la mật là đã đạt đến mức tuyệt diệu.

Nếu quý vị nấu ăn rất ngon, công phu của quý vị cũng đạt tuyệt mức. Ba la mật là một thuật ngữ rất phổ biến tại Ấn Độ. Chẳng hạn như bố thí, trì giới, công phu đã đạt đến tột bậc, làm đến mức độ rốt ráo viên mãn, bèn gọi là Ba la mật. Những vị này bất luận trí huệ hay đức hạnh, điều gì cũng đều viên mãn, đều đã đạt đến mức tuyệt diệu, nên gọi là đại.

Sao: Nhị, giai đắc vô học quả vị, cố danh vi đại.

Sao: Hai là đều đã đắc quả vị Vô Học, nên gọi là đại. Đều chứng A La Hán, đấy là đại. Chẳng phải là đang học, mà đã đều tốt nghiệp, nên chúng ta gọi các Ngài là đại.

đại A La Hán khác hẳn, đại A La Hán là đại thừa A La Hán, đã tốt nghiệp đại thừa Phật Pháp, đó là ai?

Là Đệ Thập Địa Bồ Tát, tức Pháp Vân Địa Bồ Tát, được gọi là đại A La Hán, tiểu thừa A La Hán thua các vị này rất xa. Giống như chúng ta nói đến tốt nghiệp thì một đằng là tốt nghiệp tiểu học, một đằng là tốt nghiệp đại học, đều là tốt nghiệp, nhưng trình độ sai khác rất lớn.

Sao: Tam, giai đắc tiểu quả dĩ, xu đại bồ đề, cố danh vi đại.

Sao: Ba, đều đã đắc tiểu quả, hướng đến đại bồ đề, nên gọi là đại. Đây là hồi tiểu hướng đại. Các Ngài đã chứng quả tiểu thừa A La Hán, quay trở về học Pháp đại thừa Bồ Tát, nên gọi là đại.

Sao: Tắc thông đại thừa ngôn dã.

Sao: Nên là ý nói thông với đại thừa. Chữ đại thông với đại thừa, ba ý nghĩa đại, đa, thắng thảy đều có thể dùng giáo nghĩa đại thừa để nhìn, đấy mới là chính xác. Dưới đây là giải thích chữ Tỳ Kheo.

Sao: Tỳ Kheo tam giả, nhất, Khất Sĩ, vị khất thực, khất pháp.

Sao: Tỳ Kheo gồm ba nghĩa: Một là Khất Sĩ, ý nói khất thực và xin pháp.

Khất thực nhằm nuôi nấng sắc thân, khất pháp nhằm nuôi nấng huệ mạng.

Sao: Khất thực, tắc ly tứ tà mạng, hợp tứ chánh mạng, vô sự kinh doanh, bất cần súc tích, vạn duyên đốn tức, nhất chí thanh tu, tăng nghi dĩ thử hoạt mạng, cố viết khất thực tư thân dã.

Sao: Khất thực là lìa bốn thứ tà mạng, phù hợp bốn thứ chánh mạng, chẳng chú trọng kinh doanh, chẳng siêng năng tích cóp, nhanh chóng dứt muôn duyên, một dạ thanh tu. Tăng nên sống theo cách này, nên nói khất thực để nuôi thân.

Ở đây, giảng tỉ mỉ. Lìa bốn thứ tà mạng cũng là chuyện đáng chú ý. Nhưng hiện thời trong Phật Môn chúng ta, quả thật đã vi phạm di giáo, làm bốn thứ tà mạng ấy. Tà mạng là phương thức sống không đúng pháp. Bốn thứ tà mạng ấy trái nghịch chế định của Đức Phật.

1. Thứ nhất là Hạ khẩu thực, tức là pha chế thuốc, trồng trọt ruộng vườn. Hiện thời còn có không ít người xuất gia học y, học châm cứu, đi học những thứ ấy.

Cố nhiên là dường như có thể giúp người khác, người khác đến cúng dường một chút, nếu dùng những thứ cúng dường ấy để duy trì cuộc sống thì là sai lầm, thuộc về tà mạng. Còn có người tự mình canh tác, trồng trọt, dùng hình thức ấy để sống cũng là sai lầm, nhưng hai loại này ở Trung Quốc rất phổ biến.

Nếu nói đến lịch sử thì đã có một ngàn hai trăm năm rồi. Bách Trượng Đại Sư, Mã Tổ kiến tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy. Mã Tổ lập tùng lâm, Bách Trượng lập Thanh Quy, đã đề xướng cày ruộng, chính mình trồng lúa, trồng rau, đấy là một trong bốn loại tà mạng, nhưng Tổ Sư nói rất có lý.

Ngài nói giống như Ngẫu Ích Đại Sư đã nói, sau Triều đại Nam Tống, Trung Quốc không có Tỳ Kheo thật sự, Tỳ Kheo đã tuyệt tích tại Trung Quốc.

Ngài đề xướng: Một ngày không làm, một ngày chẳng ăn, Ngài cấy cày, ra đồng gieo lúa, trồng rau, mỗi ngày đều đi làm, dùng cách này để duy trì cuộc sống của chính mình, tham thiền, tu đạo. Vì thế, chuyện này có lịch sử khá dài, gắng hết sức ít nhận cúng dường từ dân gian, mà tự lực cánh sinh.

Đây là do tình hình Trung Quốc khác biệt. Thuở ấy, tại Ấn Độ thác bát ôm bát đi xin, Trung Quốc chẳng có tập quán ấy, quý vị ra ngoài thác bát, người ta chẳng cho, không giống như Ấn Độ. Như trong hiện tại, ở Thái Lan, thác bát là truyền thống. Quý vị đi ra ngoài thác bát, mọi người rất cung kính cúng dường.

Tại Trung Quốc, người xuất gia cầm bát đi xin bên ngoài, chắc là đi suốt cả ngày chẳng xin được một nắm cơm. Do vậy, Ngài Tổ Bách Trượng chẳng đề xướng thác bát, người ta chẳng tán thành chuyện này.

Đây là do tập tục mỗi quốc gia và địa phương khác nhau, cho nên tại Trung Quốc không thể chẳng đề xướng trồng trọt. Trước đây, Tự Viện ở Đại Lục đều có ruộng đồng, có rừng núi, họ dựa vào đó để duy trì lương thực cho đại chúng thường trụ, cho nên cuộc sống an định, chẳng bợ đỡ tín đồ.

Tuy rất kham khổ, nhưng có thể sống qua ngày, mới có thể an tâm tu đạo. Nếu y theo quy chế ở Ấn Độ thuở ấy, chúng ta sẽ sai lầm, nhưng làm như chúng ta ở Trung Quốc lại chẳng phạm lỗi. Vì thế, hết thảy giới luật đều là sống động, đều có biến đổi cho thông suốt.

Vì sao chúng ta không đặt nặng sống rập khuôn theo giới luật?

Vì giới luật là quy định sống của Ấn Độ thuở đó, có rất nhiều điều đến hiện thời chẳng thích hợp, về căn bản là không dùng được. Cho nên, khi truyền sang Trung Quốc, giới luật được tu chỉnh lại. Sau khi tu chỉnh, sẽ không gọi là giới luật, mà gọi là Thanh Quy. Những điều giới luật ấy đã bảo lưu toàn bộ tinh thần giới luật, nhưng nhằm thích hợp với hoàn cảnh sống của người Trung Quốc, phải sửa đổi, như vậy bèn biến thành Thanh Quy.

Do vậy, Thanh Quy là giới luật. Hiện thời chúng ta tụng giới mang ý nghĩa kỷ niệm, nhưng phải giữ Thanh Quy. Thanh Quy là Văn bản giới luật đã được tu chỉnh tại Trung Quốc, mang ý nghĩa như thế đó.

Tôi suy nghĩ giới luật đã được tu chỉnh vào đời Đường, thích hợp thời đại đó, phù hợp xã hội nông nghiệp, nay là thời đại công thương nghiệp, vì thế, đến hiện thời, Thanh Quy cũng không thích hợp, nhưng trong thời đại này, chúng ta chẳng có một vị Luật Sư chân chánh xuất hiện.

Nói thật ra, thời gian Hoằng Nhất Đại Sư trụ thế quá ngắn, nếu Ngài có thể sống lâu hơn hai mươi năm nữa, có lẽ sẽ sửa chữa bộ Thanh Quy lần nữa nhằm thích hợp sử dụng cho thời đại công thương hiện thời.

Do vậy, quý vị phải hiểu: Nhiều thứ trong Phật Pháp đều có thể tùy theo ý thức, hình thái và hoàn cảnh sinh hoạt khác biệt tại mỗi nơi mà tu chỉnh. Vì thế, nó chẳng phải là chết cứng, khô khan.

2. Thứ hai là Ngưỡng khẩu thực, ngửa xem tinh tú, mỗi ngày nói chuyện họa, phước, cát, hung cho người khác, làm theo kiểu ấy. Chuyện này Phật chẳng chấp nhận, dùng cách này để được cúng dường nhằm duy trì cuộc sống, sẽ là sai lầm, thuộc loại tà mạng.

3. Thứ ba là Phương khẩu thực, mỗi ngày hoa ngôn xảo ngữ đi ra ngoài du thuyết, giao tế, ứng phó, thù tạc, kết giao kẻ quyền quý, chèo kéo tín đồ, đấy là sai lầm. Mỗi ngày làm chuyện đó, qua lại với người khác, đạo tâm mất tiêu.

4. Thứ tư là duy khẩu thực, vẽ bùa, niệm chú, coi bói, xem tướng, xem phong thủy, dùng cách ấy để được cúng dường thì gọi là duy khẩu thực. Những điều này đều thuộc loại tà mạng, Phật Pháp quyết định cấm. Do vậy, thuở ấy, Bách Trượng Đại Sư chỉ đề xướng tự mình canh tác.

Đệ tử Phật gọi là Thanh tịnh Khất Sĩ, bởi lẽ, họ chẳng làm những chuyện này, hoàn hoàn toàn dùng phương thức khất thực để duy trì cuộc sống của chính mình. Khất thực chỉ được phép xin bảy nhà, trọn chẳng thể nhà nào cũng đều đến xin.

Xin bảy nhà mà không được gì, bèn trở về sám hối, ngày hôm nay nghiệp chướng quá nặng, không ai cho. Nếu vượt hơn bảy nhà, người ta sẽ ghét bỏ, người xuất gia đi khắp nơi làm phiền kẻ khác. Vì thế, khất thực chỉ được phép xin bảy nhà. Lìa khỏi bốn thứ tà mạng thì gọi là chánh mạng.

Tứ chánh mạngcũng có bốn điều: Thứ nhất là vô sự kinh doanh chẳng chú trọng kinh doanh. Vì thế, thân tâm thanh tịnh, nên mới có thể tu đạo, mới có thể dưỡng đạo.

Nhìn vào chế định của Đức Phật thời cổ, ta thấy trước khi có chế độ tùng lâm và sau khi có chế độ tùng lâm khác nhau. Thành lập chế độ tùng lâm là một cuộc đại cách mạng trong Phật Giáo Trung Quốc. Vì trước đó, mỗi cá nhân tu hành đều là chuyện cá nhân người đó, chẳng có cộng tu, đều là cá nhân tự mình tu hành. Tối đa là Pháp Hội giảng Kinh.

Pháp Sư giảng Kinh, người từ nhiều nơi đến nghe Kinh. Sau khi nghe xong, người nào tu cho người nấy, chẳng có cộng tu. Thuở đó, xuất hiện tệ trạng là mọi người đều chuộng nghe Kinh, còn tu hành thì qua quít, tùy tiện, chẳng chú trọng.

Như vậy là biến thành Hữu giải, vô hạnh, biến thành hình thức. Do vậy, hai vị Đại Sư là Mã Tổ và Hòa Thượng Bách Trượng phát tâm từ bi. Mã Tổ được nói trong Phật Môn là Tổ Sư đời thứ tám của Thiền Tông, họ ngoài đời là Mã, nên người ta gọi Ngài là Mã Tổ, pháp danh của Ngài là Đạo Nhất.

Hai vị Thiền Sư Mã Tổ và Bách Trượng thuộc đời thứ tám của Thiền Tông, là đồ tôn của Lục Tổ Đại Sư. Hai vị thấy thói xấu của những người tu hành là có giải, thiếu hạnh, bèn vận động làm một cuộc cách mạng, tạo lập tùng lâm, đề xướng cộng tu.

Nói theo ý nghĩa hiện thời, tùng lâm là thành lập trường Đại Học. Trước đó, truyền thừa trong Phật Giáo giống như dạy học trong trường tư thục, là thầy dạy riêng biệt, không có chế độ.

Tổ chức tùng lâm là chánh thức kiến lập chế độ, biến sự truyền thừa tản mạn của Phật Giáo trước đây thành chế độ hóa. Mọi người ở cùng một chỗ tu học, đó gọi là y chúng, kháo chúng nương theo đại chúng, trông cậy vào đại chúng. Trước đó, đúng là một nhúm người tấn tu, số người trong Tăng đoàn hòa hợp rất ít, đều là mỗi Chùa mấy người.

Mười mấy người, hai mươi người, hai trăm người được coi là rất nhiều. Sau khi tùng lâm thành lập, đông người hơn, thường là trong một tùng lâm có đến mấy ngàn người trụ. Vì thế, có Tổ chức vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ. Cái gọi là Tam đại cương lãnh chấp sự, khá giống với cách chúng ta tổ chức nhà trường trong hiện tại, chỉ là danh xưng khác nhau.

Hòa Thượng tương đương hiệu trưởng, Ngài là Thân giáo sư. Dưới đó có Thủ Tọa, tương đương Chủ nhiệm giáo vụ. Giám Viện là Đương gia sư, tương đương Chủ nhiệm tổng vụ. Duy Na tương đương Chủ nhiệm huấn đạo.

Do vậy, quả thật là quy mô của một trường học, thật sự kiến lập và chế độ hóa Đại Học Phật Giáo. Đây là điểm đặc sắc trong Phật Giáo Trung Quốc, ngoại quốc không có. Trong tùng lâm, đề xướng trồng trọt, vì số người đông, nếu cầu cạnh bên ngoài cúng dường sẽ chẳng dễ dàng cho lắm.

Quý vị nghĩ xem: Trong một tùng lâm, trụ mấy ngàn người, mỗi ngày ăn bao nhiêu?

Nếu bản thân quý vị chẳng làm, ai tới cúng dường quý vị?

Quý vị ra ngoài thác bát chẳng dễ dàng cho lắm. Tùng lâm cư trụ mấy ngàn người, mỗi ngày ăn cơm đều do khất thực, nơi ấy sẽ gặp khó khăn, ai cũng ngán quý vị, sợ quá. Vì thế, đề xướng canh tác là nỗi khổ tâm bất đắc dĩ. Tứ chánh mạng, thứ nhất là không theo đuổi kinh doanh.

Thứ hai là bất cần súc tích chẳng siêng tích cóp tức là không tích trữ, thứ ba là vạn duyên đốn tức muôn duyên nhanh chóng dứt, đó gọi là thân, tâm, thế giới thảy đều buông xuống. Thứ tư là nhất chí thanh tu. Bốn câu ấy là tứ chánh mạng của người xuất gia.

Tăng là người xuất gia, nghi dĩ thử hoạt mạng, cố viết khất thực tư thân dã hãy nên sống theo cách ấy, nên nói là khất thực để nuôi dưỡng cái thân, đấy là phương thức sống của người xuất gia.

Sao: Khất Pháp, tắc tham Sư phỏng hữu, khẩn khổ kiều thành, tuân cầu diệu pháp, kỳ thành Thánh Quả, cố ước khất pháp tư tâm dã.

Sao: Khất pháp là tham học với thầy, học hỏi nơi bạn, sốt sắng, siêng khổ, thành kính, cầu tìm diệu pháp, để mong thành Thánh Quả, nên thuộc về khất pháp để nuôi nấng cái tâm vậy. Người xuất gia, trừ khất thực để duy trì cuộc sống ra, còn mong cầu pháp.

Chúng ta thấy trong sách Thiền Lâm Bảo Huấn có nói người xuất gia chọn lựa Đạo tràng, chọn lựa như thế nào?

Phải chọn lựa Đạo tràng nào mà cuộc sống chẳng có vấn đề, có thể ăn no, mặc ấm là được rồi, lại còn có thể nghe pháp, có tu, có học, đấy là Đạo tràng bậc nhất. Có Đạo tràng như vậy, quý vị chớ nên rời khỏi, hãy khéo tu học ở đó.

Thứ nhì là Đạo tràng phước báo nhỏ hơn, cuộc sống rất gian khổ, nhưng họ có đạo, có tu, có học, cũng đáng nên chọn lựa. Chính mình phải chịu đựng khổ sở, nhẫn nại.

Phải chịu đựng khổ, hứng chịu khổ, vì sao?

Có đạo. Chúng ta đã xuất gia, muốn thành đạo nghiệp, lấy đạo nghiệp làm chủ yếu, dẫu cuộc sống khổ sở vẫn không sợ. Chỗ chẳng nên chọn lựa là Đạo tràng hết sức giàu có, ăn cũng sướng, mặc cũng sướng, ở cũng sướng, trong ấy chẳng có đạo, chẳng có giảng Kinh, cũng chẳng tu hành, Đạo tràng như vậy chớ nên đến.

Vì sao?

Đạo tràng như vậy cũng là đạo, nhưng đạo gì vậy?

Địa ngục đạo, ngạ quỷ đạo, toàn là tu những đạo ấy. Trong tương lai, nếu quý vị chứng quả, sẽ chứng quả ngạ quỷ, quả địa ngục, chứng các quả ấy, chuyện này phiền lắm.

Trong Thiền Lâm Bảo Huấn, Tổ Sư đã dạy chúng ta chọn lựa Đạo tràng như thế nào, Đạo tràng nào có thể trụ, Đạo tràng nào chẳng thể trụ, chính chúng ta phải hiểu rõ ràng, vì điều này sẽ có quan hệ rất lớn đối với tương lai.

Tham Sư phỏng hữu, tham học với thầy thì quý vị phải rất thận trọng chọn lựa một vị thầy, vì sao?

Vị thầy ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành tựu của quý vị trong tương lai.

Nếu quý vị chọn được một vị thiện tri thức tốt đẹp để theo, vị thầy ấy dạy quý vị có kỳ hạn, một vị thầy thật sự tốt chắc chắn sẽ không bảo quý vị: Ngươi suốt đời ở nơi đây, đừng nên đi ra ngoài, nếu nói như vậy thì tuyệt đối chẳng phải là một vị thầy tốt.

Vì sao?

Quý vị sẽ có ngày tốt nghiệp. Quý vị đã tốt nghiệp, phải rời đi, tìm người cao minh hơn thì mới có thể thành tựu. Do vậy, một vị thầy thật sự tốt đẹp sẽ chẳng khiến cho tiền đồ của quý vị bị lỡ làng.

Ngài đem những gì chính mình đã biết dạy cho quý vị xong, sẽ không có cách nào để dạy tiếp nữa, bèn mời quý vị đi tìm người khác, tìm người cao hơn Ngài, đấy là một vị thầy tốt.

Quý vị thấy Thiện Tài Đồng Tử tham học năm mươi ba lần, Ngài đến tham phỏng một vị thiện tri thức, vị thiện tri thức ấy dạy hết cho Ngài, không còn gì để dạy nữa, bèn giới thiệu một vị thiện tri thức khác: Người ấy cao hơn ta, ngươi hãy đi tìm vị ấy, đấy mới là một vị thiện tri thức thật sự.

Vì thế, chúng ta theo một vị thầy tốt có kỳ hạn. Đương nhiên cũng có những học trò cảm ơn thầy, cảm tạ ân đức ấy, chẳng muốn rời khỏi, gần như thường là đến khi thầy viên tịch mới rời khỏi. Họ sang nơi khác cầu pháp, hoặc là chủ trì giáo hóa, hoằng hóa một phương.

Có người như vậy, nhưng là thiểu số, đa số sau khi học thành, sẽ ra ngoài tham học, giống như Thiện Tài Đồng Tử rời khỏi thầy ra ngoài tham học năm mươi ba lần. Nhưng khi quý vị chưa có năng lực tham học, thầy quyết định chẳng cho quý vị rời khỏi. Nếu để cho quý vị rời khỏi, tức là thầy có lỗi với quý vị.

Thầy phải bảo vệ quý vị, phải giúp cho quý vị thành tựu, khiến cho quý vị có năng lực tham học, năng lực gì vậy?

Năng lực phân biệt chân vọng. Quý vị nghe người ta giảng điều gì, vừa nghe liền biết đó là chánh pháp hay tà pháp, có năng lực ấy. Có thể phân biệt đúng, sai, thiện, ác, có năng lực như vậy, thầy sẽ cho quý vị ra ngoài tham học.

Nếu quý vị chưa có năng lực ấy, thầy chắc chắn chẳng cho quý vị rời khỏi Ngài một bước, nhất định không chấp thuận cho quý vị ra khỏi cửa Chùa.

Vì sao?

Nếu quý vị nghe người bên ngoài giảng, mỗi người giảng một cách, nghe ba người giảng ba cách khác nhau, trong tâm liền đánh dấu hỏi, rốt cuộc ai đúng?

Càng học càng mê hoặc, càng học càng điên đảo, học tới cuối cùng ngay cả Phật Pháp cũng không tin.

Vị này giảng Đông, vị kia giảng Tây, rốt cuộc ta đi đến đâu?

Đơn giản là coi như xong, chẳng cần học nữa. Đấy là do chính mình thiếu năng lực phân biệt, giống như chưa xuất Sư, chưa có tư cách đi ra ngoài tham học. Có năng lực mà thầy chẳng cho quý vị ra ngoài, thầy sẽ có lỗi với quý vị. Chưa có năng lực mà thầy đã cho quý vị đi, thầy cũng có lỗi với quý vị.

Do vậy, Sư Đạo quả thật rất khó khăn. Thầy phải tuyệt đối chịu trách nhiệm đối với học trò, trò thành công hay thất bại, thầy phải gánh trách nhiệm.

Tham Sư phỏng hữu nhằm thành tựu đạo nghiệp của chính mình, phải phát tâm chí thành đến thỉnh giáo các vị thiện tri thức, nhằm mục đích thành tựu Thánh Quả của chính mình. Đấy là khất pháp tư tâm tức là thỉnh cầu giáo pháp để nuôi dưỡng Pháp Thân huệ mạng của chính mình.

Sao: Nhị, bố ma giả, nhược nhân phát tâm xuất gia, Ma Vương văn chi, sanh đại bố úy, dĩ ma nhạo sanh tử, xuất gia ly dục, xu hướng vô sanh, ma thất đảng dữ, sanh bố úy cố.

Sao: Hai là khiến ma sợ hãi. Nếu có người phát tâm xuất gia, Ma Vương nghe thấy sẽ sanh lòng sợ hãi to lớn vì ma ưa sanh tử, kẻ xuất gia lìa dục, tiến hướng vô sanh sẽ khiến cho bè đảng của ma bị giảm thiểu, nên hắn sanh lòng sợ hãi. Điều này tôi vừa mới nói qua.

Sao: Tam, phá ác giả, năng phá phiền não cửu thập bát sử, tất giai đoạn tuyệt cố.

Sao: Ba là phá ác, do có thể phá phiền não chín mươi tám sử, thảy đều đoạn tuyệt.

Chín mươi tám sử là kiến tư phiền não, kiến hoặc có tám mươi tám sử, và tư hoặc gồm mười sử.

Sao: Hoặc gia tịnh giới, tịnh mạng, tắc thành ngũ nghĩa. Kim tam nghĩa giả, dĩ khất thực nhiếp tịnh mạng, dĩ phá ác nhiếp tịnh giới cố.

Sao: Hoặc có người thêm vào hai nghĩa tịnh giới và tịnh mạng thành năm nghĩa của chữ Tỳ Kheo, nay nói ba nghĩa, vì khất thực bao gồm tịnh mạng, phá ác bao gồm tịnh giới.

Thêm tịnh giới và tịnh mạng vào khất thực, bố ma, phá ác, nên Tỳ Kheo có năm ý nghĩa ấy, nhưng đại đa số đều giảng theo cách nêu ra ba ý nghĩa. Trong khất thực đã bao gồm tịnh mạng, trong phá ác bao gồm tịnh giới. Nói thật ra, ba ý nghĩa đã bao gồm năm ý nghĩa ở trong ấy.

Sao: Chúng hòa hợp giả, tứ nhân dĩ thượng, đa chí vô lượng, tất giai đồng nhất Yết Ma, bất tương vi tránh, như thủy nhũ hợp, danh hòa hợp chúng.

Sao: Chúng hòa hợp là từ bốn người trở lên, có thể nhiều đến vô lượng, thảy đều cùng Yết Ma, chẳng tranh chấp với nhau, như sữa hòa lẫn vào nước, gọi là hòa hợp chúng.

Trong phần trước đã nói tới lý sự thất hòa bảy điều hòa hợp về lý và sự, đấy là điều kiện cơ bản, ngoài ra còn có một thứ nữa là Yết Ma. Yết Ma là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là tác pháp. Nay chúng ta vẫn không hiểu, tôi nói bằng danh từ hiện đại quý vị sẽ hiểu, đó là hội nghị để ban hành nghị quyết.

Bởi lẽ, Phật Giáo là dân chủ, trong Tăng đoàn hễ có chuyện lớn hay nhỏ đều phải họp lại, thiểu số phục tùng đa số. Cùng Yết Ma với nhau, nhất định phải tuân thủ nghị quyết của hội nghị, chẳng tranh cãi với nhau, đó là hòa hợp chúng.

Sao: Tam Ca Diếp giả.

Sao: Ba vị Ca Diếp.

Tôn Giả Ca Diếp có ba vị, Ca Diếp là họ, có ba vị cùng mang họ Ca Diếp, vị thứ nhất là:

Sao: Nhất, Ưu Lâu Tần Loa, ư hỏa long quật, hữu ngũ bách đệ tử.

Sao: Thứ nhất là Ưu Lâu Tần Loa, ở hang rồng lửa, có năm trăm đệ tử.

Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp vốn là ngoại đạo, học ngoại đạo tại hang rồng lửa, rồng ấy là độc long, Ngài tu đạo nơi ấy, có năm trăm đồ đệ, rất nổi danh trong các ngoại đạo.

Vị thứ hai là:

Sao: Nhị, Già Da, ư Tượng Đầu sơn, hữu tam bách đệ tử.

Sao: Thứ hai là Già Da, ở núi Đầu Voi, có ba trăm đệ tử. Già Da Ca Diếp hướng dẫn một nhóm người tu hành tại núi Tượng Đầu, có ba trăm đệ tử.

Vị thứ ba là:

Sao: Tam, Na Đề, ư Hy Liên hà, hữu nhị bách đệ tử. Hậu giai quy Phật, cố hữu Thiên Chúng.

Sao: Ba là Na Đề, ở sông Hy Liên, có hai trăm đệ tử. Về sau, đều quy y Phật, nên có một ngàn vị. Na Đề Ca Diếp ở sông Hy Liên, có hai trăm đệ tử. Sau này, ba vị này đều bị Thích Ca Mâu Ni Phật hàng phục. Thích Ca Mâu Ni Phật tìm đến họ biện luận, họ đều biện luận thua Ngài. Sau khi biện luận thua cuộc bèn xuất gia theo Thích Ca Mâu Ni Phật.

Họ đã theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, các đồ đệ cũng theo một đường lối, thầy đã làm học trò Thích Ca Mâu Ni Phật, mọi người chúng ta cũng đều chẳng muốn giải tán, tâm tu đạo rất thiết tha, cho nên đều theo Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trước hết, ba người họ là thầy, về sau đều biến thành bạn học, đều là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thầy trò ba vị ấy tổng cộng là một ngàn người.

Sao: Mục Liên, Xá Lợi giả, nhị nhân cộng hữu nhị bách ngũ thập đệ tử, diệc lai quy Phật. Thành thiên nhị bách ngũ thập nhân dã.

Sao: Hai vị Mục Liên và Xá Lợi có tất cả hai trăm năm mươi đệ tử, cũng quy y Phật, tổng cộng thành một ngàn hai trăm năm mươi người.

Mục Liên và Xá Lợi Phất là đầu lãnh ngoại đạo, vốn cũng tu ngoại đạo. Mỗi người đều có một trăm đồ đệ, thầy trò sau này cũng đều quy y Thích Ca Mâu Ni Phật, nên lại ghép thành một ngàn hai trăm năm mươi người.

Sao: Nhất thuyết độ Da Xá đẳng ngũ thập nhân, cập Trần Như đẳng ngũ nhân, cộng thành thử số.

Sao: Một thuyết nói Phật độ nhóm ông Da Xá năm mươi người và nhóm Kiều Trần Như năm người, cộng thành con số ấy.

Da Xá Đồng Tử có năm mươi người. Trước hết, Phật độ nhóm Kiều Trần Như năm người tại Lộc Dã Uyển, tổng cộng là một ngàn hai trăm năm mươi năm người. Tăng đoàn của Đức Phật có nhiều người như thế. Đây là nói rõ nguồn gốc số người trong Tăng đoàn.

Sớ: Độc cử thiên nhị bách ngũ thập nhân giả, dĩ thường tùy cố.

Sớ: Riêng nêu ra một ngàn hai trăm năm mươi người vì họ là thường tùy. Thật ra, Đức Phật bất Luận giảng Kinh ở nơi nào, thính chúng không chỉ có ngần ấy người, số người nghe giảng luôn vô cùng nhiều, tại gia lẫn xuất gia đều rất nhiều. 

Nhưng không cần nói tới những người khác, vì một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị này, bất luận là hội nào do Đức Phật giảng Kinh, họ đều luôn hiện diện, thường tùy đệ tử mà.

Đức Phật đến nơi đâu, họ cũng theo đến đó, suốt đời chẳng tách rời, mãi cho đến khi Đức Phật viên tịch, những vị ấy chẳng giải tán. Về sau, kết tập Kinh Điển, hễ nói đến chúng thành tựu, thảy đều lấy các Ngài làm đại biểu.

Ngày hôm nay, chúng tôi giảng tới đây.

A Di Đà Phật!

***