Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP MỘT TRĂM TÁM MƯƠI

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MỘT TRĂM TÁM MƯƠI
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm bảy mươi bảy.

Sao: Đạo thụ giả, Đại bổn ngôn: Phật đạo tràng thụ, chúng bảo trang nghiêm, bảo võng phú thượng, vi phong từ động, xuất vô lượng diệu pháp âm thanh, biến Chư Phật sát, chúng sanh văn giả, đắc thâm pháp nhẫn, trụ bất thoái chuyển, dĩ chí thành tựu vô thượng bồ đề.

Sao: Cây Đạo tràng:

Kinh Đại Bổn nói: Cây Đạo tràng của Phật, trang nghiêm bằng các thứ báu, lưới báu phủ lên trên. Gió nhẹ khẽ lay động, phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp vang vọng khắp các cõi Phật. Chúng sanh nghe tiếng bèn đắc pháp nhẫn sâu, trụ bất thoái chuyển, cho đến thành tựu vô thượng bồ đề.

Đây là giải thích câu hựu Phật đạo thụ thuyết pháp cây Đạo tràng của Phật lại thuyết pháp trong lời Sớ, chuyện này được nói trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Không chỉ là các cây Đạo tràng gần giảng đường của A Di Đà Phật, mà toàn thể các hàng cây ở khắp nơi trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đều chẳng khác gì những cây ở Đạo tràng. Khi chúng ta đọc Đại Kinh đã thấy hiện tượng này.

Vì Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là một Thế giới bình đẳng, nếu chánh báo bình đẳng, tướng mạo và dung nhan của chúng ta hoàn toàn giống với A Di Đà Phật, hoàn cảnh cư trụ của chúng ta đương nhiên sẽ chẳng khác biệt A Di Đà Phật. Nếu có sai biệt, chẳng thể coi Thế giới ấy là một Thế giới bình đẳng. Dẫu là hạ phẩm hạ sanh, y báo và chánh báo trang nghiêm đều giống như Chư Phật, Bồ Tát.

Phật Đạo tràng thụ, chúng bảo trang nghiêm. Cây Đạo tràng của Phật được trang nghiêm bằng các món báu, vì Tây Phương đều là do các thứ báu hợp thành. Đôi khi Kinh nói là bảy báu.

Trong Sớ Sao, Liên Trì Đại Sư nói: Do người thế gian chúng ta coi những thứ ấy là quý báu, nghĩ chúng vô cùng trân quý, nên Kinh Văn nêu đại lược bảy thứ. Trên thực tế, trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vô lượng vô biên. Trên mỗi cây đều có phủ La Võng, đẹp đẽ dị thường.

Quán Kinh có nói: Những lưới mành ấy còn tỏa ra ánh sáng, trong quang minh lại hóa hiện Phật. Cảnh giới ấy quá đẹp đẽ. Các cõi nước của mười phương Chư Phật lại còn hiện bóng rõ rệt trong ánh sáng của lưới mành, giống như chúng ta xem Ti vi, có thể thấy các Thế giới của hết thảy Chư Phật trong những phương khác.

Đương nhiên, địa cầu trong Thế Giới Ta Bà cũng ở trong ấy. Đối với một hội của chúng ta ở đây trong hiện thời, chúng ta giảng Kinh và nghe Kinh ở đây, họ cũng thấy rõ ràng trong lưới báu, họ thấy rõ hình dáng của mỗi người chúng ta.

Vi phong từ động, xuất vô lượng diệu pháp âm thanh gió nhẹ khẽ thổi, phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp: Gió thổi qua cây, cành va vào nhau, lá chạm lẫn nhau, đều phát ra âm thanh. Âm thanh du dương là một chuyện khác, càng mầu nhiệm hơn là những âm thanh ấy có thể thuyết pháp.

Thuyết Pháp gì?

Chúng ta muốn nghe pháp gì, nó liền nói pháp ấy, đích xác là mầu nhiệm.

Trong thế gian này, chúng ta chỉ đọc trong Kinh Đại Thừa thấy nói: Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo từng loài đều hiểu. Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, vô tình thuyết pháp. Cây cối là vô tình, thực vật cũng có thể thuyết pháp. Cây báu trọn khắp Tây Phương Quốc Độ, nên thuyết pháp cũng là trọn khắp mỗi góc của Tây Phương.

Càng mầu nhiệm hơn là dưới mỗi cội cây báu đều có hóa thân của Tây Phương Tam Thánh. Đến nơi ấy, đúng là không lúc nào, không chỗ nào chẳng thấy A Di Đà Phật. Chẳng như trong thế gian này, địa phương quá lớn, Tổng Thống chỉ ở Thủ Đô, các nơi biên địa chẳng trông thấy, tối đa là nhìn thấy phút chốc trên Ti vi.

Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Phật hóa thân, hóa thân trọn khắp Quốc Độ, hóa hiện thân giống hệt như bản thân Ngài. Cũng có thể nói là quý vị lúc nào, chỗ nào, cũng đều thấy A Di Đà Phật.

A Di Đà Phật chẳng rời quanh ta. Đúng là mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được. Sau khi chúng sanh nghe Phật Pháp, đắc thâm pháp nhẫn đắc pháp nhẫn sâu xa. Đấy là lợi ích thù thắng do nghe pháp mà đạt được, đắc pháp nhẫn rất sâu.

Câu này, nói theo thực tế là phẩm vị của chúng ta được nâng cao. Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nếu xét theo cách nói thông thường, xét theo trình độ, quả thật có năm mươi hai đẳng cấp, từ địa vị Sơ tín cho đến địa vị Diệu Giác.

Thường xuyên nghe pháp, sẽ dần dần nâng cao phẩm vị của chính mình, từ địa vị Thập tín đạt đến Thập trụ, từ Thập trụ đạt đến Thập hạnh, từ Thập hạnh đạt đến Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Ở đây, chúng ta phải chú ý là nghe pháp.

Vì sao tu hành trong mười phương Thế giới bị thoái chuyển?

Do chẳng nghe pháp.

Không nghe pháp sẽ dễ dàng thoái chuyển, vì sao?

Đừng nói là từ quá khứ vô lượng kiếp tới nay, nói ngay trong một đời này, từ lúc chúng ta hiểu chuyện cho đến hiện tại, lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài đều là ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, nên bất tri bất giác bị phiền não huân tập.

xã hội hiện đại đã mất trật tự. Trong truyền thống từ xưa tại Trung Hoa, trật tự là đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ. Cao nhất là đạo, đạo chẳng có thì còn có đức. Đức chẳng có thì lại nói đến nhân. Nhân cũng chẳng có, bèn nói tới nghĩa.

Nghĩa chẳng có, bèn nói lễ. Lễ cũng chẳng có thì ôi thôi. Thiên hạ đại loạn. Theo sử sách Trung Hoa ghi chép, thời đại viễn cổ là thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Tam Hoàng hành đạo, vô vi nhi trị Tam Hoàng hành đạo, vô vi mà bình trị, thiên hạ thái bình.

Đến Ngũ Đế, đạo đã mất, nhưng do định chế, điển chương, chế độ ước thúc, chẳng phải là vô vi nhi trị, bắt đầu hữu vi, bèn dùng đức, sử dụng đức để thâu phục kẻ khác. Sau thời đại Ngũ Đế chính là Tam Vương, tức là Hạ, Thượng, Châu, đức cũng đã mất, dùng nhân để cai trị, suy từ mình mà nghĩ đến người khác.

Thời đại Tam Vương qua đi, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc Ngũ Bá, bèn nói tới nghĩa khí, nói tới nghĩa. Sau khi thời đại Ngũ Bá qua đi, từ nhà Tần thống nhất mãi cho đến Nhà Thanh đều là dùng Lễ để trị thiên hạ, lễ còn hiện diện. Hiện thời, lễ cũng không được nhắc tới, nên gọi là mất trật tự, vì thế, chúng sanh khổ sở.

Nếu tu đạo mà chẳng thể thường xuyên nghe pháp, tất nhiên là bị tập khí phiền não thế gian huân tập, há lẽ nào chẳng thoái chuyển?

Tu hành trong Đạo tràng thời cổ, mỗi ngày là hai thời giảng Kinh. Một thời của Ấn Độ bằng bốn giờ hiện thời. Hai thời giảng Kinh, mỗi ngày nghe Kinh tám tiếng đồng hồ, rồi tu hành tám tiếng đồng hồ.

Vì thế, mỗi ngày có mười sáu giờ công khóa, người ấy sẽ chẳng suy tưởng lung tung, vì sao?

Có một chút thời gian bèn vội vã nghỉ ngơi một chút, tám giờ còn lại vừa ăn cơm, làm lụng, ngủ nghỉ. Thuở Đức Phật tại thế, thời gian ngủ nghỉ là bốn giờ. Trung dạ thùy miên ngủ vào lúc giữa đêm, nên họ chẳng bị hôn trầm.

Trung dạ là gì?

Từ mười giờ tối đến hai giờ sáng. Sơ dạ là từ sáu giờ tối đến mười giờ đêm. Trung dạ là mười giờ đến hai giờ. Hậu dạ là từ hai giờ đến sáu giờ sáng hôm sau. Thời gian ngủ nghỉ chỉ có trung dạ, đúng là tinh thần Đầu Đà, nghiêm túc nỗ lực.

Họ phải nghe Kinh tám tiếng đồng hồ, đó là giải môn. Tu hành tám tiếng đồng hồ, tu hành thuở ấy là tĩnh tọa, niệm Phật, Trì Chú, ba loại lớn ấy. Nghe Kinh trong giảng đường mỗi ngày tám tiếng đồng hồ. Đó là công khóa tu tập chủ yếu trong các Tự viện, Am đường thuở trước.

Đại khái, hành môn là đại đồng tiểu dị, giải môn thì mỗi tông phái chọn lựa Kinh Điển khác nhau. Ví như tông Hoa Nghiêm, Thanh Lương Đại Sư cả một đời giảng Kinh Hoa Nghiêm năm mươi lần.

Giảng năm mươi lần như thế nào?

Giảng một bộ Kinh từ đầu đến cuối tối thiểu phải là ba ngàn giờ, mỗi ngày giảng tám tiếng đồng hồ. Một năm sẽ giảng viên mãn một bộ Kinh. Năm sau lại giảng từ đầu.

Lão nhân gia giảng lặp đi lặp lại năm mươi lượt, suốt năm mươi năm, đúng là phi thường. Lão nhân gia sống hơn trăm tuổi, một đời Ngài trải qua chín vị Hoàng đế, là thầy của bảy vị Hoàng đế, Ngài là Quốc Sư. Người đời sau tôn xưng Ngài là Hoa Nghiêm Bồ Tát. Ngài giảng năm mươi lượt, học trò học với Ngài bèn được huân tu từng lần một.

Chư vị ngẫm xem: Lẽ đâu họ chẳng thành tựu?

Thật sự phải có lòng kiên nhẫn, chẳng kiên nhẫn sẽ không được. Vì vậy, nghe pháp là điều tất yếu trong tín, giải, hạnh của chúng ta. Tín được kiến lập trên cơ sở lý giải. Nếu giải thấu triệt, tín tâm tự nhiên kiên cố, tự nhiên chẳng bị dao động.

Khó trách thuở ấy Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong nhân gian, thuyết pháp mỗi ngày, chẳng nghỉ ngơi ngày nào. Thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng Kinh hơn ba trăm hội, thật giống như mở Phật Học giảng tòa. Trong bốn mươi chín năm, Ngài tổ chức hơn ba trăm lần. Vì thế, giảng và học hết sức trọng yếu. Giải và hành cùng thực hiện thì mới thật sự đạt được thành tựu, thành tựu là quả vị tăng cao hơn.

Ở đây nói là đắc thâm pháp nhẫn, vì sao lại hiểu câu này là tăng cao quả vị?

Chúng ta đọc Kinh Nhân Vương liền biết, đối với năm mươi hai địa vị Bồ Tát, Kinh Nhân Vương đều dùng chữ nhẫn để nói, chia thành năm đẳng cấp. Năm đẳng cấp là phân chia sơ lược, tức Ngũ Nhẫn Bồ Tát. Đầu tiên là tín nhẫn, địa vị cuối cùng là tịch diệt nhẫn. Trước tịch diệt nhẫn là vô sanh pháp nhẫn.

Đắc thâm pháp nhẫn là địa vị Bồ Tát không ngừng tăng cao hơn. Nói theo Tịnh Độ Tông sẽ là phẩm vị tăng cao, mang ý nghĩa ấy.

Trụ bất thoái Chuyển: Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng viên chứng ba món bất thoái.

Dĩ chí thành tựu vô thượng bồ đề cho đến thành tựu vô thượng bồ đề: Đấy là chứng Viên giáo Phật Quả, vô thượng bồ đề là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Sao: Kim bất ngôn giả, như tiền Sớ dẫn nhiếp hàng thụ trung, vị hàng thụ thượng năng thuyết pháp, Phật thụ ninh độc bất nhiên, cố viết văn tỉnh.

Sao: Nay chẳng nói: Như lời Sớ trong phần trước đã nói điều này được gộp trong phần nói về hàng cây, nghĩa là: Hàng cây còn có thể thuyết pháp, lẽ đâu riêng cây của Phật lại chẳng như vậy, nên nói là Kinh Văn tỉnh lược.

Kinh Di Đà chẳng nói cây nơi Đạo tràng thuyết pháp. Trong phần trước đã nói hàng cây thông thường có thể thuyết pháp, vậy thì cây nơi Đạo tràng của A Di Đà Phật đương nhiên lại càng chẳng cần phải nói nữa. Đây là chuyện tỉnh lược nơi mặt văn tự. Tuy văn tự tỉnh lược, nhưng ý nghĩa xác thực là viên mãn.

Sao Hựu lệ suy chi, như tiền chỉ thuyết bảo trì, Sớ dẫn nhị bộ Kinh Văn, tắc bảo thủy lưu diễn, giai thuyết diệu pháp cố.

Sao: Lại nữa, theo như đó mà suy: Như trong phần trước chỉ nói đến ao báu, lời Sớ bèn trích dẫn Kinh Văn từ hai bộ Kinh khác, chứng tỏ nước báu tuôn chảy đều có thể nói diệu pháp.

Kinh Di Đà nói đến ao bảu báu, lời Sớ bèn trích dẫn Kinh Văn từ hai bộ Kinh là Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để chứng tỏ Kinh nghĩa ở nơi đây đã bao hàm ý nghĩa như thế này: Nước cũng có thể thuyết pháp.

Sao Hựu lệ suy chi, như Đại Bổn ngôn: Kỳ Đạo tràng thụ, chúng sanh kiến giả, vô kỳ nhãn bệnh. Văn kỳ hương giả, diệc vô tỵ bệnh, thực kỳ quả giả, thiệt diệc vô bệnh, thụ quang chiếu giả, thân diệc vô bệnh, quán tưởng thụ giả, tâm đắc thanh tịnh, vô phục tham sân phiền não chi bệnh.

Sao: Lại theo lệ ấy mà suy thì như Kinh Đại Bổn nói: Cây Đạo tràng ấy, chúng sanh hễ trông thấy, chẳng bị bệnh mắt, ngửi mùi hương ấy, chẳng bị bệnh mũi. Ăn quả cây ấy, lưỡi cũng chẳng bệnh. Được ánh sáng từ cây ấy chiếu đến, thân cũng chẳng bệnh. Quán tưởng cây ấy, tâm được thanh tịnh, chẳng còn các bệnh tham, sân, phiền não.

Cây này đúng là cây báu. Nay chúng ta bệnh tật rất nhiều, đã tới Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, bệnh gì cũng đều chẳng có. Thưa cùng chư vị, quý vị hãy buông hết thảy vạn duyên xuống, tưởng cây trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, hễ quý vị nghĩ tưởng thì bệnh gì cũng chẳng có.

Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Do đó, đọc Kinh Văn này, nghĩ tới Kinh Văn này thì Kinh Văn này thật sự có thể trị bệnh. Nói cách khác, tâm nhất định phải thanh tịnh.

Những ý niệm trong tâm toàn là y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, há còn có bệnh gì nữa?

Chẳng có bệnh.

Nếu chúng ta niệm niệm tưởng quá khứ, tưởng vị lai, tưởng ngũ dục, lục trần trong thế gian, đương nhiên sanh bệnh, vì sao?

Đó là bệnh căn, hằng ngày nghĩ tới bệnh căn, làm sao người không đổ bệnh cho được?

Chúng tôi thấy nhiều người tu hành, không chỉ lúc bình thường chẳng ngã bệnh, mà lúc sắp mất cũng chẳng ngã bệnh, cao minh thay. Đó gọi là biết trước lúc mất, muốn đi lúc nào bèn đi lúc đó, đi tự tại như vậy, chẳng bị bệnh đau khổ.

Đối với sanh, lão, bệnh, tử, người ấy thật sự chẳng có lão khổ, chẳng có bệnh khổ, chẳng có tử khổ, sanh thì đã qua rồi, quên mất rồi. Hết thảy chúng sanh chẳng thể tránh bốn nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử ấy, người tu hành chẳng có.

Bốn nỗi khổ ấy đều chẳng có, thật đấy, chẳng giả tí nào. Nếu quý vị muốn bất sanh, bất tử, chẳng lão, chẳng bệnh, hãy nương theo Kinh Điển này để tu hành. Người khác có thể làm được, có thể tu được, tôi tin tưởng chúng ta cũng có thể tu được, chỉ sợ quý vị chẳng chịu tu.

Nếu quý vị chịu tu, chắc chắn là có thể đạt được. Đối với các cây báu trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nếu đã đến Thế Giới Cực Lạc, chẳng cần phải nói gì nữa.

Nay chúng ta tưởng, tưởng công đức của cây sẽ sanh ra hiệu quả. Một câu nói quan trọng nhất ở đây là tâm đắc thanh tịnh, vô phục tham sân phiền não tâm được thanh tịnh, chẳng còn có tham, sân, phiền não.

Nay chúng ta niệm Kinh, tưởng cảnh giới trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, tưởng công đức trang nghiêm của các cây báu, vì sao đạt được hiệu ứng?

Do hiện thời quý vị tâm đắc thanh tịnh, vô phục tham sân phiền não, đạo lý ở chỗ này. Bản thân chúng ta có thể tu như vậy, được oai thần của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí và các vị thượng thiện nhân gia trì, chúng ta hiện thời có thể thoát lìa nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử, hiện thời chẳng có những nỗi khổ ấy.

Sao Hựu vân: Kiến thử thụ giả, đắc tam pháp nhẫn.

Sao: Lại nói: Người thấy cây ấy, sẽ đắc ba pháp nhẫn.

Tam pháp nhẫn sẽ được chú giải dưới đây bằng Kinh Văn của Kinh Vô Lượng Thọ:

1. Nhất, Âm Hưởng Nhẫn, nhân văn Thánh Giáo đắc ngộ nhập cố một là âm hưởng nhẫn, do nghe Thánh Giáo mà được ngộ nhập. Chúng sanh trong Thế Giới Ta Bà, Nhĩ Căn nhạy bén nhất trong lục căn.

Trong Hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát chọn lựa Pháp Viên Thông, đã nói thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn chân giáo thể phương này, thanh tịnh nơi nghe tiếng. Âm hưởng là pháp âm. Sau khi nghe âm thanh thuyết pháp của Đức Phật, tập khí phiền não của chính mình dần dần tiêu mất. Đó là loại nhẫn thứ nhất.

2. Công phu tăng lên tới giai đoạn thứ hai: Nhị, nhu thuận nhẫn, chiết phục phiền não toàn bất khởi cố. Hai là nhu thuận nhẫn, chiết phục phiền não, khiến chúng hoàn toàn chẳng dấy lên. Nhìn theo giai đoạn tu hành trong Tịnh Tông thì âm hưởng nhẫn là công phu thành phiến, nhu thuận nhẫn là sự nhất tâm bất loạn, phiền não hoàn toàn chẳng dấy lên.

Ba. Tam, vô sanh pháp nhẫn, vô sanh chi lý nhẫn khả ư tâm cố. Ba là vô sanh pháp nhẫn, tâm có thể nhẫn lý vô sanh. Đây là lý nhất tâm bất loạn. Ở đây gọi ba loại công phu niệm Phật là ba thứ nhẫn.

Nếu chúng ta muốn công phu thành phiến thì đọc tụng, thọ trì, vì người khác diễn nói rất quan trọng. Nói thật ra, hiện nay, thời gian huân tập của chúng ta vẫn chẳng đủ, thời gian huân tập quá ít.

Tuy Đạo tràng này mỗi tuần giảng Kinh bốn lần, mỗi ngày giảng một tiếng rưỡi, nhưng trong hai mươi bốn giờ, chỉ có một tiếng rưỡi huân tập Phật Pháp, còn hai mươi hai giờ rưỡi là tham, sân, si, mạn phiền não huân tập, tính toán kiểu nào đây?

Rất khó thành tựu. Vì thế, tôi khuyên các đồng tu, chỉ cần có lúc rảnh rỗi, hãy niệm Phật, học thuộc Kinh, niệm Kinh, nhằm bổ túc sự thiếu sót trong nghe pháp, khiến cho thời gian huân tập Phật Pháp được dài hơn.

Nói nghiêm ngặt, mỗi ngày chúng ta nếu niệm Phật, tụng Kinh, nghe pháp mười hai giờ, hãy còn mười hai giờ là hôn trầm, phiền não, công phu là năm mươi phần trăm, có thể thành tựu hay không, vẫn chẳng đáng trông cậy cho lắm.

Phương pháp như của cổ nhân thì đáng tin cậy, vì sao?

Hai phần ba là huân tập Phật Pháp, thời gian chẳng thể huân tập Phật Pháp chỉ có một phần ba. Mỗi ngày họ công phu mười sáu giờ, đích xác là nắm rất vững. Nay nếu chúng ta có một Đạo tràng như vậy, chỉ sợ chẳng có một đồng tu nào đến đó, chẳng ai tới cả.

Đạo tràng hiện thời sắp đặt càng lắm tiết mục xen tạp thì người càng đông: Ca hát, khiêu vũ, cắm hoa, thật nhiều bộ môn, náo nhiệt phi phàm, giống như cái chợ, môn đình như cái chợ. Còn như chúng ta ở đây, giảng Kinh khô khan, vô vị, người đến chẳng nhiều lắm, chẳng náo nhiệt phô trương như chỗ của họ. Đạo tràng giống như cổ nhân, người hiện tại càng chẳng có.

Khó trách lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ vài ba lượt bảo chúng tôi: Đồng tu quý tinh chuyên, chẳng cần đông. Dăm ba người chẳng kể là ít, thật sự có đạo tâm, thật sự có thể vãng sanh, đó là đúng. Chúng ta xem sách Tây Phương Xác Chỉ, học trò của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát là mười hai người, tuy Đạo tràng nhỏ, nhưng thật sự đắc thọ dụng.

Sao: Tắc tri thụ sắc hương vị, giai diệc diễn sướng căn, lực, giác, đạo, như thị đẳng pháp, chúng sanh văn giả, hàm niệm Tam Bảo.

Sao: Nên biết sắc, hương, vị của cây cũng đều diễn nói lưu loát căn, lực, giác, đạo, các pháp như vậy. Chúng sanh nghe thấy, đều niệm Tam Bảo. Nói rõ vô tình thuyết pháp trong Thế giới ấy, chẳng có pháp nào không được tuyên dương.

Sao: Hựu lệ suy chi.

Sao: Lại theo lệ ấy mà suy. Lại theo lệ trên đây mà suy luận.

Sao: Bỉ quốc kim sa.

Sao: Cát vàng trong cõi ấy. Cát vàng trải dưới đáy ao bảy báu.

Sao: Bỉ Quốc Giai đạo.

Sao: Bậc thềm, lối đi trong cõi ấy. Giai là bậc thềm, đạo là đường. Sao Bỉ quốc lâu các, bỉ quốc Liên Hoa, thiên nhạc, thiên hoa, y kích, thực khí, nhất thiết chư vật, giai diệc diễn sướng căn, lực, giác, đạo, như thị đẳng pháp, chúng sanh văn giả, hàm niệm Tam Bảo.

Sao: Lầu, gác, hoa sen, nhạc Trời, hoa trời, đồ đựng hoa, vật dụng để ăn uống, hết thảy các vật trong cõi ấy cũng đều diễn nói lưu loát căn, lực, giác, đạo, các pháp như thế. Chúng sanh nghe thấy đều niệm Tam Bảo. Người bình phàm chẳng thể nghĩ đến ý nghĩa này.

Do vậy, ta cũng biết Liên Trì Đại Sư nhận thức Thế giới Tây Phương sâu hơn chúng ta, xác thực là như vậy. Y báo, chánh báo, chẳng có gì không nói pháp, tuyệt diệu.

Hiện thời, quý vị ở nơi đây chẳng thể thuyết pháp, đã tới Tây Phương Cực Lạc Thế Giới bèn có thể thuyết pháp, vì sao?

Tự tánh khai phát.

Mục tiêu giáo học của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật đã được Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng: Khai hóa, hiển thị chân thật chi tế. Chân thật chi tế là chân như bản tánh. Hễ đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới bèn minh tâm kiến tánh.

Sao: Như Hoa Nghiêm hương vân đài võng, giai xuất tụng ngôn.

Sao: Như mây hương, đài, lưới trong Hoa Nghiêm đều phát ra tiếng nói kệ.

Liên Trì Đại Sư nói những lời này là có căn cứ từ Kinh Văn, Ngài chỉ ra Kinh Hoa Nghiêm có cảnh giới này. Thế Giới Hoa Tạng đã có chuyện này thì Tây Phương Cực Lạc Thế Giới nhất định phải có, vì Hoa Tạng chẳng khác Cực Lạc, Cực Lạc là Hoa Tạng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, mây hương, lọng báu, lưới mành, thảy đều thuyết pháp. Chúng ta có thể đọc thấy điều này trong mười hai cuốn đầu của Kinh Hoa Nghiêm.

Sao: Hựu Đao Lợi thiên cổ, diễn mạc trắc chi chân thuyên.

Sao: Lại nữa, cái trống trên Cõi Trời Đao Lợi diễn nói lời chân thật không thể suy lường. Phần trước là nói về Thế Giới Hoa Tạng, nay lại quay về nhìn trong Thế Giới Ta Bà, cái trống trời trong Dục Giới Thiên cũng có tình hình như vậy.

Diễn Hoa Nghiêm vân: Đao Lợi Chư Thiên trước ngũ dục lạc, hành phóng dật thời, thiên cổ chi trung, tự nhiên xuất âm, nhi cáo chi ngôn thử lạc vô thường, mạc hành phóng dật đẳng.

Diễn: Kinh Hoa Nghiêm nói: Khi Chư Thiên cõi Đao Lợi tham đắm năm món dục lạc, làm chuyện buông lung, trong cái trống trời tự nhiên phát ra tiếng bảo. Lạc này là vô thường, đừng làm những chuyện buông lung v.v...

Đao Lợi Thiên thuộc về Dục Giới Thiên. Tầng trời này cũng chẳng cao, ở trên Tứ Vương Thiên, dưới Dạ Ma Thiên, đối với sự vui thú ngũ dục tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê vẫn hết sức nồng đậm. Khi hưởng lạc hơi mê say, do buông lung bèn mê đắm, cái trống trời sẽ nhắc nhở họ.

Khi trống Trời Đao Lợi vang ra tiếng, nó có thể phát ra âm thanh cảnh giác mọi người: Quý vị đừng hưởng lạc quá lố, lạc ấy là vô thường. Nó đưa ra lời cảnh cáo. Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, có lúc cũng lợi dụng máy móc để cảnh cáo. Ví dụ như những thứ thiết bị cảnh báo phòng cháy, phòng ngừa trộm cắp.

Thậm chí, các máy móc chạy bằng điện trong gia đình, nếu vượt qua mức độ an toàn, liền tự động phát ra âm thanh nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm. Trong tương lai, lại tiến hơn nữa, người máy có thể nói chuyện, thấy chúng ta buông lung cũng có thể đưa ra lời cảnh cáo.

Nhân gian và Cõi Trời còn có thể làm được, huống gì Thế Giới Hoa Tạng và Thế Giới Cực Lạc?

Đây là suy luận theo lý, lại còn tìm được căn cứ trong Kinh Văn, xác thực là như vậy.

Sao: Lôi âm bảo lâm, thuyết vô sanh chi diệu kệ.

Sao: Rừng báu chốn lôi âm nói bài kệ vô sanh mầu nhiệm. Lôi Âm là cõi Phật, bảo lâm là nói tới cây cối trong Cõi Phật, giống như cây nơi Đạo tràng đều có thể thuyết pháp.

Sao Hựu Đại Bát Nhã vân: Tịnh Độ thụ lâm đẳng nội ngoại vật trung, thường hữu vi phong xung kích, phát vi Diệu Âm, thuyết nhất thiết pháp giai vô tự tánh đẳng, đồng thử nghĩa dã.

Sao: Kinh Đại Bát Nhã lại nói: Các vật trong ngoài rừng cây nơi Tịnh Độ, thường có gió nhẹ thổi lay động, phát ra tiếng vi diệu, nói hết thảy các pháp đều chẳng có tự tánh v.v…, có cùng ý nghĩa này. Điều này được nói trong Kinh Đại Bát Nhã.

Do vậy, có thể biết: Vô tình thuyết pháp không chỉ được nói trong ba Kinh Tịnh Độ, mà các Kinh như Hoa Nghiêm, Bát Nhã cũng đều có nói. Chúng ta có thể tin tưởng chuyện này.

Sớ: Thiện hội chi giả, thử độ hữu tình, vô tình, diệc giai thuyết pháp, như văn oanh kích trúc đẳng, huống phục Tịnh Độ.

Sớ: Đối với người khéo hiểu thì hữu tình lẫn vô tình trong cõi này cũng đều thuyết pháp, như nghe tiếng chim oanh hót, tiếng trúc khua v.v… huống hồ Tịnh Độ. Hội là thấu hiểu, hiểu ý.

Thiền Tông thường nói hội ma?

Nghĩa là quý vị có hiểu hay không?

Mang ý nghĩa ấy, quý vị có thể ngay lập tức thấu hiểu ý của người ấy hay không?

Lục trần trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thuyết pháp, có bao giờ lục trần trong thế gian này chẳng thường thuyết pháp?

Tâm của người trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thanh tịnh, nên họ có thể hiểu diệu pháp do lục trần tuyên thuyết. Tâm người trong thế gian này quá thô Tháp, hời hợt, hờ hững, nên lục trần thuyết pháp mà chẳng biết.

Nói với quý vị mỗi ngày, quý vị vẫn chẳng giác ngộ, vẫn mê hoặc, điên đảo. Nếu chúng ta dùng tâm thanh tịnh đối với lục trần, xác thực cũng chẳng kém Tây Phương.

Đã là nói như vậy, vì sao chúng ta vẫn mong sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới?

Nói theo lý luận, hoàn toàn chẳng sai, có thể chẳng cần đến Tây Phương, nhưng quý vị tu hành trong Thế giới này, đối với hoàn cảnh chung quanh, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, quý vị có bị chúng ảnh hưởng hay không?

Tuy tâm quý vị thanh tịnh, nhưng thanh tịnh chưa đầy mấy phút lại bị kẻ khác nhiễu loạn, chuyện này phiền phức to lớn. Đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, tâm ai nấy đều thanh tịnh, chỗ tốt đẹp là đây.

Nếu trong thế gian này, người và sự quanh ta thứ gì cũng đều thanh tịnh, chúng ta sẽ chẳng bắt buộc phải đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

 So sánh giữa đôi bên, hoàn cảnh bên kia tốt đẹp hơn bên này, ở bên ấy Đức Phật thọ vô lượng, Phật thuyết pháp, Bồ Tát thuyết pháp, vô tình thuyết pháp vĩnh viễn chẳng gián đoạn, còn trong thế gian này, chúng ta chẳng có những chuyện ấy.

Sao Thiện hội giả, vị bất dĩ cảnh vi cảnh, nhi hội cảnh tức tâm.

Sao: Khéo hiểu nghĩa là chẳng chấp cảnh là cảnh, mà hiểu cảnh chính là tâm.

Chuyện này thật sự chẳng dễ dàng, cảnh giới ấy quá cao.

Trong ấy có đạo lý, tận hư không khắp pháp giới, nói theo Phật Pháp, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có?

Do tự tâm biến hiện.

Kinh Hoa Nghiêm đã nói rất hay: Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm và thức đều là chân như bản tánh, nói cách khác, tình và vô tình đều do chân như bản tánh của chính mình biến ra.

Đã là những thứ do chân như bản tánh biến ra, có gì chẳng phải là chân như bản tánh?

Cổ Nhân nói: Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim, nghĩa là dùng vàng làm đồ vật, có món nào chẳng phải là vàng?

Nói theo pháp, tình và vô tình có gì chẳng phải là chân như bản tánh?

Khi ấy, sẽ chẳng gọi là cảnh, mà toàn là tánh.

Nếu đối với ý nghĩa này, chúng ta vẫn còn chưa dễ lãnh hội cho lắm, chúng tôi dùng mộng làm tỷ dụ, rất nhiều cảnh giới trong mộng do đâu mà có?

Do tâm của chính mình biến hiện.

Nếu quý vị giác ngộ một thoáng, giác ngộ là quý vị đã hiểu, khéo thấu hiểu: Toàn thể mộng chính là tâm.

Ngay trong khi ta nằm mộng, toàn thể tâm biến thành mộng cảnh, tâm giống như thế nào?

Cảnh giới ấy chính là hình tướng của tâm. Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm. Tâm và cảnh bất nhị, tánh và tướng như một, đến chỗ này chính là cảnh giới của Biệt giáo Sơ địa Bồ Tát trở lên đến Bát địa mới viên dung tự tại, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Vì thế, có cảnh hay không?

Chẳng có, toàn là tự tánh.

Đến khi ấy: Sao Tắc vật vật đầu đầu, giai Tổ Sư ý.

Sao: Mọi vật mọi sự đều là ý Tổ Sư.

Tổ Sư ý là gì?

Minh tâm kiến tánh. Sao Kim cô cử nhị sự dã.

Sao: Nay chỉ nêu ra hai chuyện. Nay nêu lên hai ví dụ, đây là hai công án trong Thiền Tông. Công án thứ nhất là…

Sao Văn oanh giả.

Sao: Nghe tiếng chim oanh… oanh là chim hoàng oanh.

Hoàng oanh kêu trên cành liễu khiến cho người ấy khai ngộ, há chẳng phải là hoàng oanh đang thuyết pháp ư?

Lần này người ấy nghe hiểu. Trong quá khứ, mỗi ngày nghe chim oanh thuyết pháp, nhưng chẳng nghe hiểu. Lần này nghe đã hiểu, bèn khai ngộ. Đó là hữu tình thuyết pháp. Sao Nhất tăng nhân nghi Pháp Hoa vân.

Sao: Một vị Tăng do nghi một câu được nói trong Kinh Pháp Hoa. Đối với một câu Kinh Văn của Kinh Pháp Hoa, vị ấy có nghi tình. Nghi tình tức là vị ấy chẳng liễu giải, chứ chẳng phải là hoài nghi. Hoài nghi là không tin tưởng, đó là hoài nghi, là tham, sân, si, mạn nghi, là phiền não, chẳng có tác dụng gì hết.

Còn nghi tình là gì?

Ta không liễu giải, nhưng ta tin tưởng, tin tưởng lời Phật dạy quyết định là chân thật, nhưng ta không hiểu, đó gọi là nghi tình.

Thiền Tông nói: Đại nghi bèn đại ngộ, tiểu nghi bèn tiểu ngộ, chẳng nghi ngờ sẽ không thể ngộ. Ở đây nói tới nghi tình, tuyệt đối chẳng phải là hoài nghi. Hoài nghi thì không được rồi, hoài nghi là phiền não.

Kinh Pháp Hoa có hai câu như sau: Sao chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng.

Sao: Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt. Chư pháp là hết thảy các pháp. Hết thảy các pháp trước nay đều là thanh tịnh, tịch diệt.

Kinh Văn còn có hai câu kế đó: Chư pháp trụ pháp vị, thế gian tướng bất hoại các pháp trụ pháp vị, tướng thế gian chẳng hoại. Đó đều là những câu rất khó hiểu trong Kinh Pháp Hoa. Tướng Thế giới chẳng hoại, tức là bất sanh bất diệt. Đó cũng là bất sanh bất diệt.

Hai câu ấy đều nhằm nói: Hết thảy các pháp bất sanh bất diệt. Nếu quý vị thật sự hiểu hai câu ấy, sẽ chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, chẳng phải là Bồ Tát bình phàm. Nói theo Tịnh Độ Tông, quý vị chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn.

Nếu chúng ta nới rộng khuôn khổ, lý nhất tâm bất loạn Bồ Tát sẽ là Viên giáo Sơ trụ. Nếu nói nghiêm ngặt, lý nhất tâm bất loạn là từ Thất địa trở lên, tối thiểu cũng là Đăng địa Bồ Tát, đó là Viên giáo.

Kinh Nhân Vương nói vô sanh pháp nhẫn là Thất địa, Bát địa, Cửu địa. Thất địa là hạ phẩm vô sanh nhẫn. Bát địa là trung phẩm vô sanh nhẫn. Cửu địa là thượng phẩm vô sanh nhẫn, địa vị của quý vị cao lắm.

Sao: Cửu tham vị ngộ.

Sao: Tham đã lâu nhưng chưa ngộ. Vấn đề này ghim trong lòng rất lâu, chẳng hiểu rõ hai câu ấy có nghĩa là gì. Có một ngày, đây cũng là vì tham cứu lâu ngày, tâm đã tịnh.

Vì vấn đề này thường chẳng thể giải quyết, dẫu chẳng thể giải quyết cũng chớ nên suy tưởng, hễ suy tưởng tức là quý vị nghiên cứu, trật mất rồi.

Chỉ có thể khởi lên nghi tình, thường có nghi tình ấy, chứ vọng tưởng gì cũng đều chẳng có. Thiền Tông dùng phương pháp ấy để xóa sạch vọng tưởng, chấp trước. Thời gian càng lâu, tâm càng thanh tịnh, nói không chừng sẽ gặp một cơ hội nào đó, hễ gặp được sẽ thông suốt.

Đối với vị xuất gia ấy, hoàng oanh hót tại đó mỗi ngày, vị ấy nghe hót mỗi ngày, vẫn chẳng khai ngộ. Hôm ấy, nước chảy thành khe, tâm địa thanh tịnh mới đạt đến độ thuần thục, vừa gặp gỡ liền khai ngộ. Sao Hốt văn oanh thanh, toại đắc đại triệt.

Sao: Chợt nghe tiếng chim oanh hót bèn được đại triệt.

Nghe hoàng oanh vừa hót, bèn đại triệt đại ngộ.

Ngài bèn nói một bài kệ: Sao chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng, xuân đáo bách hoa hương, hoàng oanh đề liễu thượng.

Sao: Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt, xuân đến trăm hoa ngát, oanh hót trên cành liễu. Đây là hai câu trong Kinh Pháp Hoa, đã tham lâu chẳng ngộ, nay bỗng dưng khai ngộ. Xuân đã tới, trăm hoa tự nhiên nở ngát hương, chim hoàng oanh hót trên cây liễu.

Đối với bài kệ sau khi khai ngộ của Ngài, chúng ta đọc có thể khai ngộ hay không?

Sao: Kích trúc giả.

Sao: Đụng vào trúc là…

Đây là vô tình thuyết pháp. Trong phần trước là hữu tình, phần này là vô tình.

Có thể thấy hữu tình lẫn vô tình đều thuyết pháp ở đó, chúng ta có hiểu hay không?

Đây là nói tới Tôn Giả Hương Nham, cũng là một vị đại đức trong Thiền Tông. Sao Hương Nham dĩ bất hội phụ mẫu vị tiền sanh cú, phát phẫn trụ sơn.

Sao: Ngài Hương Nham do chẳng hiểu câu diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra, nên phát phẫn trụ trong núi. Sách Diễn Nghĩa nói Hương Nham tại Bách Trượng hội trung, cơ phong mẫn tiệp. Ngài Hương Nham ở trong hội của ngài Bách Trượng, cơ phong nhanh lẹ.

Ngài là học trò của tổ Bách Trượng, sống vào đời Đường. vị này hết sức thông minh, trí huệ rất cao, trong Thiền Đường đối đáp như nước chảy. Hậu tham Quy Sơn sau đến tham phỏng ngài Quy Sơn, đến chỗ Tổ Sư Quy Sơn xin tham học.

Sơn vấn viết: Nhữ tại Bách Trượng, năng vấn nhất đáp thập, vấn thập đáp bách, thị phủ?

Ngài Quy Sơn hỏi: Ông ở chỗ ngài Bách Trượng có thể hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đúng không? 

Đúng hay không?

Rất thông minh, có thể thấy thuở ấy ngài Hương Nham rất nổi danh. Thiền Sư Quy Sơn biết bản lãnh của Ngài. Hương Nham vân thị Hương Nham thưa phải, chẳng sai, quả thật là như vậy.

Sơn vân: Ngã bất yếu nhữ đáp thập, đáp bách, đản tương phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục đạo nhất cú lai Ngài Quy Sơn nói.

Ta không cần ông đáp mười, đáp trăm, chỉ đem một câu diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra nói ra đi. Ông nói câu diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra cho ta nghe thử xem, ta không cần ông đáp trăm, đáp mười chi cả.

Nham bất năng đáp Ngài Hương Nham chẳng thể đáp, lần này đúng là bị bắt bí mất rồi, cơ duyên của Ngài không ở chỗ ngài Bách Trượng, mà ở nơi Pháp Sư Quy Sơn. Cầu Quy Sơn vị thuyết.

Sơn vân: Ngã nhược vị nhữ thuyết phá, nhữ hậu lai mạ ngã, thả khứ, bất vị nhữ thuyết. Sư cầu ngài Quy Sơn giảng cho.

Ngài Quy Sơn nói: Nếu ta nói toạc ra với ông, sau này ông sẽ chửi ta. Hãy đi đi, ta chẳng nói cho ông biết.

Thật vậy, vì sao chẳng thể nói?

Sau khi nói ra, quý vị sẽ chẳng khai ngộ.

Giống như người nghe tiếng chim oanh khai ngộ trên đây, nếu vị ấy nói ra, quý vị có hiểu hay không?

Người ta ngộ, nếu vị ấy nói ra, quý vị sẽ chẳng khai ngộ, chuyện này nhất định là chuyện của chính mình. Chính quý vị sau khi đã ngộ nhập, sẽ tìm vị ấy xin ấn chứng, vị ấy sẽ bảo cho quý vị biết. Nếu quý vị chẳng khai ngộ, vị ấy quyết định chẳng nói cho quý vị biết.

Nói cho quý vị biết, sẽ ngăn lấp ngộ môn của quý vị, trong tương lai, lẽ nào quý vị chẳng hận vị ấy?

Đương nhiên sẽ hận thấu xương. Người hiện thời chẳng hiểu như vậy.

Người hiện thời nếu gặp một vị thầy cao minh mà thầy chẳng nói, sẽ chê trách: Vị thầy này tiếc pháp, chẳng nói cho chúng ta biết. Lần ấy, Ngài Hương Nham đúng là đã gặp một cửa ải khó vượt. Hòa Thượng chẳng bảo ban, cũng chẳng nói với Ngài.

Hương Nham phẫn vân: Ngã bạn nhất sanh, tố cá thường hành chúc phạn tăng, quyết yếu tham phá.

Hương Nham phát phẫn, nói: Ta sống cả một đời, thường làm một ông Tăng chỉ biết ăn cơm, húp cháo, quyết phải tham thấu triệt chuyện này.

Ngài phát phẫn, chẳng còn mỗi ngày biện luận đấu cơ phong với người khác, mà thật thà tu hành, mới hiểu điều gì?

Thông minh như trước đó, chẳng có một tí tác dụng gì cả, bị người ta giáng cho một câu liền bí rị. Ngài tu khổ hạnh trong chốn thường trụ. Hậu nhân trị địa về sau do vỡ đất, trị địa là trồng trọt.

Bách Trượng Đại Sư đề xướng: Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực một ngày không làm thì ngày đó chẳng ăn, Phật Môn hiện thời nói là xuất pha ra sườn núi. Xuất Pha do Bách Trượng Đại Sư đề xướng, tức là đề xướng người xuất gia tự trồng lương thực, rau cỏ, chớ nên cầu từ nơi người khác.

Trong quá khứ, Tự Viện có rất nhiều ruộng đất, núi rừng, đều do tín đồ quyên tặng, họ dựa vào thâu nhập đó để có lương thực. Ruộng đất hơn phân nửa cho nông dân cấy rẽ, chính mình thu tô, cũng có một phần do chính mình trồng trọt. Điều này chẳng phù hợp giới luật.

Thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật chắc chắn chẳng cho phép, vì người xuất gia sống theo quy chế khất thực. Nhưng Phật Pháp truyền đến Trung Hoa, chẳng thể tuân theo quy chế khất thực. Vì người Hoa coi thường người khất thực, cho khất thực là ăn mày. Tại Ấn Độ, người xuất gia khất thực được mọi người hết sức tôn trọng cúng dường.

Phật Pháp truyền đến Trung Hoa thoạt đầu được quốc gia cúng dường, vì đều do Hoàng Đế phái đặc sứ nghênh thỉnh Pháp Sư từ ngoại quốc đến làm khách của cả nước, tiếp nhận sự cúng dường của Triều Đình. Về sau, Phật Pháp phổ biến, tiếp nhận các quan lại, trưởng giả, cư sĩ tại địa phương cúng dường, nên tại Trung Hoa chẳng có quy chế khất thực.

Do vậy, Bách Trượng Đại Sư đề xướng trồng trọt. Trong giới luật, trồng trọt được gọi là hạ khẩu thực, là tà mạng. Bách Trượng Đại Sư đề xướng là có đạo lý, Đức Phật chế định giới luật nhằm phù hợp xã hội thuở đó.

Chúng ta phải hiểu rõ, tuân thủ tinh thần giới luật, chẳng thể biến đổi, nhưng phương thức mỗi thời đại mỗi khác. Cách sống đã khác, khu vực khác nhau, thảy đều phải tu chỉnh. Cách làm như thế nào phải tùy thời, tùy chỗ để tu chỉnh, hòng thích hợp tình hình sinh hoạt của đại chúng thì Phật Pháp mới có thể phổ biến, hoằng dương, mới có thể được người ta hoan hỷ tiếp nhận.

Nếu phương thức đã hình thành bèn bất biến thì Phật Pháp chắc chắn bị tiêu diệt. Chư vị phải hiểu, đặc biệt là đại thừa Phật Pháp, nhấn mạnh trung đạo, Nho Gia nói là Trung, giống như con sông cong cong quẹo quẹo, nó vĩnh viễn ở giữa, chẳng lệch sang đôi bờ. Phật Pháp cũng là như thế, bất luận trong thời đại nào, bất luận ở chỗ nào, đều hành theo trung đạo.

Vì thế, giới luật quyết định chẳng thể chấp chết cứng nơi giới điều, hễ chấp chết cứng thì trật rồi. Kinh Giáo cũng chớ nên chấp chết cứng nơi văn tự. Cùng một bộ Kinh, từ xưa tới nay có nhiều chú giải, mỗi cá nhân có cách giảng khác nhau.

Cách giảng ấy mang tánh chất thời đại. Kinh Văn chẳng biến đổi, thời cổ cũng dùng bản ấy, hiện thời cũng dùng bản ấy, nhưng thời cổ có cách giảng của thời cổ, hiện tại có cách giảng của hiện tại, do nhu cầu của đại chúng trong mỗi thời mỗi khác, phải biết chuyện này.

Hiểu nguyên tắc này, chúng ta đọc chú giải của cổ nhân. Ví như chúng ta xem chú giải của người đời Đường, qua bản chú giải ấy, từ cách giảng của vị ấy, chúng ta có thể suy đoán hình thái ý thức và cách sống trong thời Đường có những điểm khó khăn nào, cách giải thích ấy nhằm giải quyết những vướng mắc của họ, giống như chúng ta nhìn vào toa thuốc liền biết người ta mắc những bệnh gì.

Vì vậy, đọc chú giải mà chẳng hiểu những nguyên lý và nguyên tắc này, cũng chấp chết cứng nơi câu văn của cổ nhân, những gì quý vị học toàn là chết cứng. Vì thế, nhấn mạnh thôi trần xuất tân.

Tiếp thu những điều cũ có chọn lọc, tức là gạn lọc, phát huy những điều tinh hoa đạt tới một mức độ cao hơn, trừ khử những điều hạn chế, sai lạc, thiên kiến trong cách nhìn của cổ nhân, chúng ta phải có cách nhìn sống động.

Nhìn sống động thì mới hiểu chúng ta ở trong thời đại này, thời đại này rất khác quá khứ, chúng ta phải biết giảng bộ Kinh này theo cách nào thì mới có thể đối trị căn bệnh của người hiện thời, cũng tức là đối trị cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai lầm như thế nào?

Cứu chữa như thế nào?

Phật Pháp như vậy thì mới phù hợp. Vị này cũng đã nêu gương. Từ đấy trở đi, Ngài hoàn toàn buông xuống tiếng tăm, lợi dưỡng, và thói ham cao, chuộng xa. Người có tài hoa bèn ngạo mạn, Ngài có chỗ đáng để kiêu ngạo mà.

Ngài Hương Nham ở chỗ tổ Bách Trượng có cái đáng để kiêu ngạo, đi tới chỗ Ngài Quy Sơn, đụng phải vấn đề khó nuốt, chẳng dám kiêu ngạo nữa, thật thà làm lụng cực nhọc.

Câu Diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra luôn ghim trong lòng. Do ghim đã lâu, nên chẳng có vọng niệm, hằng ngày tưởng diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra, nên vọng tưởng, chấp trước đều chẳng có.

Có một hôm, cũng rất ngẫu nhiên, trong khi trồng trọt, cuốc phải một cục đá, Ngài liền tùy tiện nhặt lên, quăng đi. Cạnh đó là rừng trúc, nhằm lúc cục đá đập vào thân trúc, vừa nghe âm thanh ấy, Ngài khai ngộ.

Nói thật ra, Ngài đã làm quăng như vậy không biết bao nhiêu lần, cũng không biết đã nghe tiếng đá văng vào trúc bao nhiêu lượt, nhưng đều chẳng khai ngộ, lần này bèn khai ngộ. Tức là giống như người nghe chim hoàng oanh hót, cũng chẳng biết là đã nghe mấy trăm lượt, mấy ngàn lượt, đều chẳng khai ngộ, lần này vừa đụng tới, cơ duyên đã chín muồi, bèn khai ngộ.

Nãi hướng Quy Sơn tác lễ viết: Nhược Quy Sơn tảo vị ngã thuyết, yên đắc hữu kim nhật sự, nhất kích vong sở tri.

Bèn hướng về Quy Sơn làm lễ, nói: Nếu ngài Quy Sơn đã sớm nói cho con biết, há có chuyện ngày hôm nay, vừa đụng liền quên bẵng những gì đã biết. Nếu trước kia lão Hòa Thượng đã nói cho Ngài biết, Ngài sẽ chẳng có cảnh giới hôm nay, chẳng đạt được. Vì đó là của người khác, chẳng phải là của chính mình, phải do chính mình ngộ nhập, đó là minh tâm kiến tánh.

Một người minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, chứng đắc lý nhất tâm bất loạn, không nhất định do cơ duyên nào, chẳng có cách nào dự đoán được. Nhưng quyết định chớ nên giữ ý niệm ấy. Hễ giữ ý niệm ấy, chắc chắn quý vị chẳng khai ngộ.

Ví như chúng ta niệm Phật, mong đắc nhất tâm bất loạn, hằng ngày nghĩ ngợi: Cớ sao ta vẫn chưa đắc nhất tâm bất loạn?

Quý vị vĩnh viễn chẳng thể nào đạt được nhất tâm, chẳng đạt được. Chỉ có người thật thà niệm câu A Di Đà Phật, điều gì cũng quên hết, giống như Tham Thiền, nhưng trong Tham Thiền, có người tham suốt đời cũng chẳng khai ngộ, nhiều lắm, quá ư là nhiều.

Người Tham Thiền, trong một vạn người, có thể khai ngộ trong một đời, thưa cùng chư vị, chỉ là dăm ba vị mà thôi. Do vậy, pháp môn ấy chẳng bằng niệm Phật. Niệm Phật, chẳng ngộ cũng chẳng sao, vẫn vãng sanh như thường, người ấy đới nghiệp vãng sanh.

Tham Thiền mà tham đến mức công phu thành phiến, vô dụng. Tham đến mức sự nhất tâm bất loạn vẫn vô dụng. Sự nhất tâm bất loạn là đắc định. Công phu thành phiến là tương tự định, công phu định lực ấy có thể khuất phục phiền não, nhưng trọn chẳng đoạn phiền não, vô dụng.

Dẫu cho đã đoạn hết phiền não, vẫn chẳng có tác dụng, nhất định phải là minh tâm kiến tánh. Khi chưa đạt tới cảnh giới ấy, công phu suốt một đời đều thành lãng phí.

Vì thế, chẳng bằng niệm Phật, niệm Phật chỉ cần công phu thành phiến, quyết định vãng sanh. Do đó, mười phương ba đời hết thảy Chư Phật tôn sùng pháp môn này. Pháp môn này được gọi là đạo dễ hành vì ai nấy đều có phần.

Thiện Đạo Đại Sư bảo: Trăm người tu, trăm người vãng sanh. Ngàn người tu, ngàn người vãng sanh, chẳng sót một ai. Thiền chẳng dễ dàng như thế, Mật cũng chẳng dễ dàng dường ấy. Đây là một pháp môn dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, và cũng là ổn thỏa, thích đáng nhất trong hết thảy các pháp môn. Sao nhất nhật trị địa thứ.

Sao: Một hôm, trong khi cày cuốc đất. Nhằm hôm Ngài đang trồng trọt ở nơi ấy.

Sao Phao thạch kích trúc, khanh nhiên hữu thanh, hốt nhi đại ngộ, tác tụng: Hữu nhất kích vong sở tri, cánh bất giả tu trì, động dung dương cổ lộ, bất đọa tiễu nhiên cơ.

Sao: Quăng đá trúng cây trúc, vang thành tiếng lạch cạch, bỗng đại ngộ, làm bài tụng như sau: Vừa đụng bèn quên sạch sở tri, chẳng còn nhọc sức phải tu trì, hành vi, vẻ mặt phô đường cũ, chẳng đọa vào trong nẻo tịch vi. Khi ngài ngộ, đã làm bài kệ ấy. Sao đẳng ngữ, như thị, tắc diêm tiền thước táo.

Sao: Đẳng là còn nhiều trường hợp giống như vậy, như chim khách kêu dưới mái hiên. Thước là hỷ thước chim khách, chim khách kêu dưới mái hiên trước nhà. Sao dã ngoại tùng thanh.

Sao: Tiếng tùng reo ngoài đồng.

Nơi rừng tùng ngoài đồng hoang, ta có thể thấy tùng lượn sóng. Gió lùa qua cội tùng, tùng uốn lượn rập rờn như sóng trên mặt biển, âm thanh ấy cũng êm tai lắm, đó là tiếng tùng reo.

Sao Nhất văn, nhất dăng.

Sao: Một con muỗi, một con ruồi. Nghe tiếng muỗi, ruồi vo ve.

Sao Nhất thảo, nhất diệp, mạc bất diễn dương diệu pháp, cổ phát đạo tâm, huống thanh tịnh Phật độ hồ?

Diễn Nhất kích vong sở tri. Sở tri tức sở tri chướng.

Sao: Một nhánh cỏ, một chiếc lá, không gì chẳng diễn bày, tuyên dương diệu pháp, cổ vũ phát khởi đạo tâm, huống hồ Cõi Phật thanh tịnh ư?

Diễn: Vừa đụng bèn quên sạch sở tri: Sở tri chính là sở tri chướng.

Đã phá sở tri chướng. Chẳng phá sở tri chướng, chẳng thể khai ngộ.

Vì sao chớ nên nghiên cứu, chớ nên suy tưởng Kinh Giáo?

Quý vị nghiên cứu là tăng trưởng sở tri chướng. Do đó, đối với Kinh Giáo, quý vị nghe, tiếp xúc, nếu hiểu thì hiểu, không hiểu thì chẳng sao, đừng quan tâm, đó là đúng. Một nguyên tắc là từ đầu tới cuối giữ gìn cái tâm thanh tịnh.

Hiểu thì hiểu, không hiểu là không hiểu, đúng như Khổng Lão Phu Tử đã nói: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã biết thì nói là biết, không biết bèn nói không biết, đó là biết vậy, đó là phương pháp cầu trí huệ thật sự.

Trí huệ của Khổng Lão Phu Tử cũng cầu từ trong định, cũng chẳng rớt vào tâm ý thức. Đó là đã phá sở tri chướng, bèn khai ngộ. Diễn tức cừ vấn nhất đáp thập xứ, đáo thử hốt nhiên hồn hóa, cố vân vong.

Diễn: Tức là khả năng hỏi một đáp mười của Ngài đến lúc ấy bỗng nhiên mất tăm mất tích, nên nói là quên bẵng.

Trong quá khứ, ngài Hương Nham nghe một biết mười, nghe mười đáp trăm, toàn là thế trí biện thông, chẳng phải là trí huệ chân thật.

Khi ấy đã khai ngộ, trí huệ chân thật hiện tiền, các thứ phân biệt, vọng tưởng trước kia tới lúc đó đều hoàn toàn tiêu trừ, toàn bộ đều chẳng có, tâm địa thanh tịnh, bỗng nhiên sáng ngời, pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng biết, đó là trí huệ hiện tiền.

Hôm nay đã hết thời gian rồi.

A Di Đà Phật!

***