Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA - TẬP NĂM MƯƠI TÁM

PHẬT THUYẾT KINH

A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP NĂM MƯƠI TÁM
 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi sáu:

Sớ: Như chư Thanh Văn, bất kiến Xá Na thần lực, bất dự Bồ Tát đại hội, dĩ bổn bất tán thuyết thập phương Phật sát thanh tịnh công đức cố.

Sớ: Như các Thanh Văn chẳng thấy thần lực của Lô Xá Na Phật, chẳng dự đại hội của Bồ Tát, vì họ vốn chẳng khen nói công đức thanh tịnh của mười phương Cõi Phật. Trong đoạn này, Đại Sư dẫn Kinh Hoa Nghiêm để nói.

Thuở Phật tại thế, hàng tiểu thừa hạn cuộc trong phạm vi nhỏ bé, nên Đức Phật rất ít khi bảo họ: Có mười phương thế giới, có mười phương Chư Phật, vì sao?

Họ chẳng thể tiếp nhận, cho nên Đức Phật chỉ nói với họ về Thế Giới Ta Bà. Mãi cho đến ngày nay, những quốc gia tiểu thừa như Thái Lan chỉ thừa nhận có một vị Phật là Thích Ca Mâu Ni Phật. Trừ Thích Ca Mâu Ni Phật ra, chẳng thừa nhận có Phật ở phương khác, càng chẳng thừa nhận con người có thể tu hành thành Phật. Họ cho rằng tu hành tối đa chỉ có thể thành A La Hán, chẳng thể thành Phật.

Thật ra, trong các Kinh đại thừa, Đức Phật đã nói rõ ràng: Đây là tập khí nhiều đời nhiều kiếp của họ, chứ không phải là ngẫu nhiên. Giống như người Trung Quốc, nói đến Chư Phật nơi phương khác, thế giới nơi phương khác, chúng ta đều có thể tiếp nhận, đấy cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Đúng như trong xã hội hiện tại, có rất nhiều người nói chuyện quỷ thần với họ thì có người tin tưởng, có kẻ nhất quyết không tin tưởng, về căn bản là chẳng thể nào làm cho họ tin tưởng được, điều này cũng có quan hệ mật thiết với nhân duyên trong quá khứ.

Hạng người tiểu thừa do nhiều đời nhiều kiếp chưa từng tiếp xúc Phật Pháp đại thừa, cũng chưa từng tham dự đại hội Bồ Tát nào tức là Pháp Hội đại thừa, vì sao?

Vì có những người từ bao kiếp lâu xa đến nay chưa hề tán thán Phật, Bồ Tát, họ chẳng có tí xíu ý nghĩ cung kính nào. Tuy Chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi đối với họ, nhưng vì căn tánh của họ chưa chín muồi, tạm thời để họ qua một bên, chẳng hỏi tới.

Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng dùng Pháp đại thừa để tiếp dẫn họ?

Quý vị phải hiểu: Họ gặp gỡ Pháp đại thừa, chẳng những không tán thán mà còn hủy báng, hủy báng là tạo tội nghiệp. Do đó, Chư Phật, Bồ Tát vẫn vì lòng đại từ đại bi, tránh cho họ khỏi tạo tác ác nghiệp. Do vậy, chẳng nói tới mười phương Phật, cũng chẳng nói Phật Pháp đại thừa với họ.

Có phải là Phật, Bồ Tát chẳng quan tâm đến họ hay không?

Chẳng phải vậy. Phật, Bồ Tát ứng hóa trước mặt bọn họ, nên dùng tiểu thừa để độ họ thì Phật, Bồ Tát bèn hiện thân tiểu thừa để độ thoát. Từ chỗ này mới thấy được lòng từ bi thật sự của Phật, Bồ Tát, lũ tầm thường chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được.

Chúng ta lại xem đoạn văn tiếp theo, đoạn văn ấy càng nói rõ hơn nữa.

Sớ: Cổ vị tiểu thừa vô tha Phật chi thuyết, đại giáo hữu sát hải chi đàm.

Sớ: cổ nhân nói: Tiểu thừa không nói đến vị Phật nào khác, giáo pháp đại thừa bàn đến sát hải. Đây cũng là dẫn lời Cổ đức để làm chứng.

Sớ: Tư danh độc thiện chi lưu, diệc hiệu độn A La Hán, thị dĩ giáo linh hồi đoạn diệt tâm, tu Tịnh Độ hạnh. Nãi tri Chư Phật, Bồ Tát, bi trí hạnh nguyện, như thị quảng đại, như thị vô tận, tâm bất ngại cảnh, cảnh bất ngại tâm, nhất thiết chư pháp, bổn tánh tự không, chung nhật độ sanh, chung nhật vô độ, nhi đơn tu thiền định, bất nguyện vãng sanh, thị vi đại thất hỹ.

Sớ: Hạng người này được gọi là hạng người chỉ biết tốt lành cho riêng mình, còn gọi là độn căn A La Hán, cho nên phải dạy cho họ xoay cái tâm đoạn diệt lại, tu Tịnh Độ hạnh.

Do vậy biết bi trí hạnh nguyện của Chư Phật, Bồ Tát rộng lớn như thế, vô tận như thế, tâm chẳng ngại cảnh, cảnh chẳng ngại tâm. Hết thảy các pháp, bổn tánh của chúng tự rỗng không, suốt ngày độ sanh mà suốt ngày chẳng độ. Chỉ tu thiền định, chẳng nguyện vãng sanh, sẽ bị mất mát to lớn vậy. Câu nào cũng là lời chân thật.

Diễn: Cổ vị hạ, dẫn cổ ngữ vi chứng.

Diễn: Từ chữ cổ nhân nói trở đi, dẫn lời người xưa để làm chứng. Từ câu cổ vị tiểu thừa vô tha Phật chi thuyết trở đi.

Diễn: Vô tha Phật chi thuyết giả, tiểu thừa đản tri hữu Thích Ca, bất tri Thập Phương Chư Phật, thử cú ảnh lược đại giáo hữu tha phương Chư Phật.

Diễn: Vô tha Phật chi thuyết: Tiểu thừa chỉ biết có Phật Thích Ca, chẳng biết đến mười phương Chư Phật.

Câu này nói đại lược: Theo giáo pháp đại thừa, có Chư Phật ở những phương khác. Nhất định có Chư Phật ở những phương khác thì về mặt giáo nghĩa mới có thể nói thông suốt được. Nhất là Phật Pháp được kiến lập trên quan niệm tuyệt đối bình đẳng.

Nếu không có Chư Phật ở những phương khác thì sẽ giống như các Tôn Giáo thông thường rồi: Chỉ có một Thượng Đế, không có vị Thượng Đế thứ hai. Nói như vậy sẽ chẳng thông.

Phật Pháp nhằm dạy con người tôn kính sự bình đẳng ấy: Hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật.

Huống chi trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật thẳng thừng bảo chúng ta: Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật. Kinh Viên Giác cũng có câu giống như thế, đấy mới thật sự là bình đẳng, là lời luận định rốt ráo.

Diễn: Hữu sát hải chi đàm giả.

Diễn: Có bàn đến sát hải là... đây là Phật Pháp đại thừa.

Diễn: Như Hoa Tạng thế giới phẩm.

Diễn: Như trong phẩm Hoa Tạng thế giới.

Đây là nói đến Kinh Hoa Nghiêm, trong Kinh ấy, Đức Phật dạy:

Diễn: Hữu thập bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới chủng.

Diễn: Có các thế giới chủng số lượng nhiều bằng số vi trần trong mười bất khả thuyết Cõi Phật.

Chủng là chủng tử, có chủng tử lại có thể biến hiện ra vô lượng vô biên thế giới, vì vậy, thế giới quả thật vô lượng vô biên.

Diễn: Nhất nhất thế giới chủng hữu nhị thập chủng vô tận thế giới.

Diễn: Mỗi một thế giới chủng có hai mươi thứ thế giới vô tận. Kinh Hoa Nghiêm nêu ra vũ trụ quan của đại thừa Phật Giáo, quả thật chẳng thể nghĩ bàn.

Diễn: Thử cú ảnh lược tiểu thừa duy tri hữu Ta Bà.

Diễn: Câu này nói đại lược: Tiểu thừa chỉ biết có Ta Bà. Người tiểu thừa chẳng biết có các thế giới nơi phương khác. vũ trụ quan và nhân sinh quan của đại thừa và tiểu thừa khác nhau, do vậy, tu hành và chứng quả khác nhau rất lớn. Tiếp theo đây, sách Diễn Nghĩa giải thích đoạn văn Chư Phật, Bồ Tát, bi trí hạnh nguyện như thị quảng đại, như thị vô tận.

Diễn: Chư Phật, Bồ Tát cụ tam duyên bi.

Diễn: Chư Phật, Bồ Tát có ba thứ duyên bi.

Tam duyên bi, bi là từ bi, chư vị phải nhớ: Đó là chúng sanh duyên, pháp duyên và vô duyên. Thông thường, trong Phật Pháp nói tới bốn thứ duyên, ở đây chỉ nói ba duyên. Chúng sanh luôn là ái duyên từ, nghĩa là tôi thích người nào đó, tôi đối xử rất từ bi đối với kẻ ấy.

Quý vị phải hiểu: Từ bi là ái, ái là từ bi.

Vì sao Đức Phật chẳng nói ái, mà nói từ bi?

Điểm xuất phát khác nhau, ái sanh từ lý tánh thì gọi là từ bi, sanh từ cảm tình thì gọi là ái. Vì thế, ái và từ bi là một chuyện. 

Bởi lẽ, ái bị biến thành ngũ dục, lục trần, bị ô nhiễm, còn từ bi chẳng ô nhiễm. Phàm là lý tánh, chắc chắn chẳng bị ô nhiễm. Phàm là cảm tình, nhất định bị ô nhiễm. Trong bốn thứ duyên này, duyên thứ nhất là ô nhiễm, Phật, Bồ Tát không có loại duyên này. Vì thế, không cần đến nó, chỉ nói ba thứ sau.

Nói thật ra, người thế gian cũng có chúng sanh duyên từ, ta thường nói là thôi kỷ cập nhân suy từ mình mà nghĩ đến người, không có lòng riêng tư, người thế gian còn gọi nó là lòng bác ái, Nho gia gọi là nhân ái. A La Hán có chúng sanh duyên từ, Bồ Tát có pháp duyên từ.

Pháp duyên từ: Vạn pháp do nhân duyên sanh, thân tâm của ta cũng là pháp được sanh bởi nhân duyên, hết thảy chúng sanh cũng là pháp được sanh bởi nhân duyên. Chúng ta là pháp được sanh bởi cùng một nhân duyên. Điều này tiến bộ hơn chúng sanh duyên từ rất nhiều. Sở dĩ Bồ Tát giúp đỡ hết thảy chúng sanh là vì các Ngài cảm thấy lẽ đương nhiên là phải như thế, phải nên giúp đỡ.

Bởi lẽ, giúp đỡ chúng sanh chính là giúp chính mình. Ta và người chẳng hai, ta và người có cùng một thể, đó là pháp duyên. Như Lai có vô duyên từ, duyên là điều kiện, vô duyên là không có điều kiện. Lòng yêu thương của Đức Phật đối với hết thảy chúng sanh là vô điều kiện, đồng thể đại bi, vô duyên đại từ.

Diễn: Tứ chủng trí.

Diễn: Bốn thứ trí.

Tứ chủng trí là tứ vô ngại biện tài. Quý vị muốn giúp đỡ chúng sanh, đặc biệt là trong Thế Giới Ta Bà, người trong Thế Giới Ta Bà nhĩ căn lanh lợi nhất. Do vậy, phải thuyết pháp cho họ. Vì họ thuyết pháp thì cần phải trọn đủ biện tài.

Trong Kinh, Đức Phật đã dạy: Phật, Bồ Tát có bốn thứ vô ngại biện tài, còn gọi là tứ vô ngại trí, ở đây gọi là tứ chủng trí.

1. Thứ nhất là nghĩa vô ngại trí, nghĩa là nghĩa lý. Người ấy có thể thấu hiểu cùng tận những nghĩa lý của vũ trụ và nhân sinh, chẳng bị chướng ngại về mặt nghĩa lý, đó là căn bản của vô ngại biện tài. Nói cách khác, hoàn toàn thông đạt lý luận, không bị chướng ngại. Đây là điều kiện trọng yếu nhất.

2. Thứ hai là pháp vô ngại trí, pháp là phương pháp, vận dụng phương pháp hết sức xảo diệu, mà cũng vô chướng ngại.

3. Thứ ba là từ vô ngại trí. Tuy thông đạt lý luận, phương pháp thiện xảo, nhưng nếu ngôn từ chẳng thông suốt, cũng chẳng làm gì được. Vì thế, Phật, Bồ Tát ngôn từ vô ngại, ngôn ngữ không bị trở ngại.

4. Thứ tư là nhạo thuyết vô ngại trí. Người ấy thích nói, rất vui thích chỉ dạy người khác, vì đại chúng diễn thuyết. Nếu có đủ cả ba điều kiện trên nhưng người ấy không thích nói thì cũng chẳng có cách nào, vẫn chẳng thể giúp đỡ chúng sanh. Người tiểu thừa chẳng có tứ vô ngại trí, chỉ có Phật và Đại Bồ Tát mới có.

Diễn: Niết Bàn ngũ hạnh.

Diễn: Năm hạnh trong Kinh Niết Bàn.

Chữ Niết Bàn chỉ Kinh Niết Bàn.

Theo Kinh Niết Bàn, Đức Phật và các Bồ Tát có năm thứ hạnh môn: Thứ nhất là Thánh Hạnh, thứ hai là Phạm Hạnh, thứ ba là Thiên Hạnh, thứ tư là Bệnh Hạnh, thứ năm là Anh Nhi Hạnh. Đấy là năm phương thức tu hành khác nhau của Phật, Bồ Tát.

Đối với năm phương thức khác nhau này, khi tiếp xúc với chúng sanh, không nhất định vận dụng một thứ nào, hễ thứ nào thích đáng các Ngài liền vận dụng thứ ấy. Do vậy, vận dụng hết sức sống động, hết sức tự tại, trọn chẳng phải là chuyên học một thứ.

1. Loại thứ nhất là Thánh Hạnh. Thánh Hạnh là hoàn toàn nương vào lý thể do Đức Phật đã tự chứng để hành. Nói cách khác, đây là cảnh giới do Phật tự chứng, mà cũng là diện mục sẵn có của Phật. Chúng ta gọi nó là Thánh Hạnh giống như chúng ta đã thấy trong hết thảy các bộ Đại Kinh, Đại Luận.

2. Loại thứ hai là phạm hạnh. Phạm hạnh là những điều nên ứng dụng trong giai đoạn tu hành. Thánh Hạnh là tự thụ dụng của Chư Phật Bồ Tát, chẳng liên quan gì đến người khác, còn bốn thứ kia là phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh.

Trong phương tiện thiện xảo, loại thứ nhất là phạm hạnh. Kinh dạy chúng ta, phạm hạnh là tu mười một thứ không, sau đó, ở nơi đâu cũng chẳng bị nhiễm, có thể hòa quang đồng trần với hết thảy chúng sanh mà chẳng ô nhiễm.

Thiền Gia thường bảo bản lãnh này là Bách hoa tùng trung quá, phiến diệp bất triêm thân xuyên qua rừng trăm hoa, mẩu lá chẳng dính thân. Người ấy có bản lãnh này. Kinh Niết Bàn nói mười một thứ không, còn Đại Trí Độ Luận nói mười tám thứ không. Trong Kinh Nhân Vương, Đức Phật cũng giảng nghĩa không.

Trong mười một thứ không, thứ nhất là nội không, nội là trong thân, tức là bên trong thân thể chúng ta. Tuy có cái thân tướng này, nhưng thân tướng này là pháp sanh bởi nhân duyên. Hễ là pháp sanh bởi nhân duyên thì bản thể của nó chính là không, chẳng có bản thể, chẳng có tự thể, tìm tự thể chẳng được. Đấy là nội không.

Thứ hai là ngoại không, ngoại là cảnh giới. Cảnh giới cũng là pháp sanh bởi nhân duyên.

Thứ ba là nội ngoại không, thứ tư là hữu vi không, thứ năm là vô vi không. Hữu vi và vô vi là tạo tác. Không riêng gì hữu vi là không, mà vô vi cũng là không. Do điều này, chớ nên chấp trước cả hữu vi lẫn vô vi.

Nếu quý vị chấp trước thì sai mất rồi. Pháp hữu vi là pháp sanh diệt, pháp vô vi và pháp hữu vi là kiến lập tương đối. Trong bách pháp, chín mươi bốn pháp trước thuộc về pháp hữu vi, sáu pháp sau thuộc về pháp vô vi.

Trong các pháp vô vi, chỉ có chân như vô vi là vô vi thật sự, năm thứ kia là tương tự vô vi. Đối với vô vi không được nói đến ở đây, chẳng những bao gồm toàn bộ năm thứ tương tự vô vi trước đó là không, mà ngay cả chân như vô vi cũng chớ nên chấp trước.

Hễ quý vị chấp trước là phạm sai lầm rồi, là mắc lầm lỗi rồi. Kế đó là vô thỉ không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không và đại không. Mười một thứ không này đại đồng tiểu dị với mười tám thứ không trong Đại Trí Độ Luận.

Kinh dạy chúng ta: Nếu Bồ Tát chứng đắc cảnh giới này, sẽ trụ trong không bình đẳng tam muội. Vì thế, nghĩa không khá sâu, đừng nên hiểu không là Nếu hiểu không là cái gì cũng chẳng có, ý nghĩa này ai mà chẳng hiểu, đứa trẻ ba tuổi cũng biết.

Trong Phật Pháp, không chẳng phải là như vậy. Không là không trong không hữu bất nhị, ý nghĩa này rất khó hiểu. Rành rành là có, Phật bảo là không, rõ ràng là không, Phật bảo là có.

Không và hữu như một, không và hữu chẳng hai. Đấy mới là tinh hoa của nghĩa không, một bộ Kinh Đại Bát Nhã chủ yếu giảng giải đạo lý này.

Đây là nói về phạm hạnh, vì Phật, Bồ Tát biết hết thảy các pháp trong và ngoài thân tâm đều là pháp sanh bởi nhân duyên, không có tự tánh, trọn chẳng thể được.

Vì thế, thứ gì các Ngài cũng đều chẳng chấp trước. Bản thân các Ngài chẳng phân biệt, chẳng chấp trước điều gì. Trong hết thảy các cảnh giới, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm. Vì thế, đương nhiên trong hết thảy cảnh giới, các Ngài chẳng nhiễm.

Các Ngài biết tướng chân thật của hết thảy các pháp, Kinh Kim Cang gọi tướng ấy là thật tướng của các pháp chư pháp thật tướng, các Ngài hoàn toàn hiểu rõ, cho nên chẳng nhiễm trước, chẳng chấp trước mảy may. Nhằm dạy người học đại thừa, Đức Phật thường dùng phương pháp này để chỉ dạy.

3. Loại thứ ba là Thiên Hạnh, Thiên được nói ở đây chính là đệ nhất nghĩa thiên. Trong Kinh, Đức Phật nói có năm loại trời, Thiên có nghĩa là cao, cao ngất ở trên thì chúng ta gọi là Thiên.

Trong năm loại Thiên, loại thứ nhất là Thế Gian Thiên, tức là Vua trong loài người, giả gọi là Thiên, như các Hoàng Đế Trung Hoa xưng là Thiên Tử con của Trời.

Loại thứ hai là sanh Thiên, tức là người thật sự ở trên Cõi Trời Chư Thiên, có thể sanh vào Thiên Đạo trong lục đạo.

Thứ ba là tịnh thiên, tịnh là thanh tịnh, thanh tịnh cũng mang ý nghĩa chỗ cao cả.

Thứ tư là nghĩa thiên, tức vị Trời về mặt nghĩa lý.

Thứ năm là đệ nhất nghĩa thiên, tức là bậc nhất trong các vị Trời về nghĩa lý. Chúng ta gọi Phật là Thiên Trung Thiên vị Trời của các vị Trời, hoặc gọi Ngài là đệ nhất nghĩa thiên.

Ở đây, mang ý nghĩa: Danh xưng dựa trên nghĩa lý mà lập ra. Nghĩa lý tối cao vô thượng nên gọi là Thiên. Giáo nghĩa đại thừa thuộc loại này, chúng ta thường gọi nó là đệ nhất nghĩa đế.

4. Loại thứ tư là bệnh hạnh, tức là thị hiện có các thứ phiền não và bệnh khổ giống như chúng sanh.

Chư Phật, Bồ Tát đã đạt đến lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, làm sao các Ngài còn có chướng ngại hay còn có phiền não cho được?

Đó là biến hiện, nhằm răn nhắc chúng ta. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài cũng bị nhức đầu, đó là thị hiện nghiệp báo.

Phước báo của Đức Phật quá lớn, mà còn mắc quả báo ăn lúa mạch dành cho ngựa suốt ba tháng: Đi khất thực không có ai cúng dường, người ta bèn đem những thứ dành để nuôi ngựa cúng dường Ngài, Ngài cũng ăn. Khổng Lão Phu Tử bị tuyệt lương ở đất Trần, Thánh Nhân đấy nhé. Phật là đấng phước huệ nhị túc tôn, phước báo viên mãn, đi khất thực không được, chẳng có gì ăn.

Đấy là thị hiện bệnh hạnh nhằm khải thị chúng ta: Tốt nhất là đừng tạo ác nghiệp. quý vị đã tạo ác nghiệp, khi thành Phật vẫn phải chịu quả báo. Nếu nói thành Phật vẫn phải chịu quả báo thì nói như vậy cũng thông.

Vì sao?

Có bốn loại Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà thị hiện loại Phật thấp nhất trong bốn loại Phật, tức là Tạng Giáo Phật. Tám tướng thành đạo là Tạng Giáo Phật. Ngài thật sự là đấng phước huệ vẹn toàn, viên mãn, là Viên Giáo Phật. Tạng Giáo Phật còn chưa kiến tánh, thuộc địa vị Thập tín Bồ Tát.

Thông giáo Phật và Biệt Giáo Phật là chánh đẳng chánh giác, thuộc địa vị Thập trụ Bồ Tát hay Thập hạnh Bồ Tát, còn chưa đạt đến Thập hồi hướng, đối với Thập địa càng chẳng phải bàn tới nữa.

Thành Phật, Tạng, Thông, Biệt, Viên, Ngài thuộc loại Phật nào, chúng ta phải hiểu rõ. Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn dưới thân phận Tạng Giáo Phật. Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa này.

Ngài thị hiện, quý vị biết Phật, Bồ Tát thị hiện bệnh hạnh nhằm cảnh tỉnh, sách tấn chúng ta thiện có thiện báo, ác có ác báo. Nếu quý vị tạo ác nghiệp, nhất là định nghiệp, thì khi thành Phật, hay thành Bồ Tát vẫn phải chịu quả báo. Vì thế, nhất định chớ nên tạo ác nghiệp. Do vậy, có lúc Phật, Bồ Tát thị hiện tạo tác ác nghiệp, thị hiện hứng chịu ác báo cho chúng ta thấy, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này.

Tăng thượng duyên có hai loại: Có thuận duyên và có nghịch duyên. Hết thảy những thứ hợp tình hợp lý là thuận tăng thượng duyên. Hết thảy phiền não xấu hèn là nghịch tăng thượng duyên. Hai loại này đều vận dụng, quý vị sẽ thuận buồm xuôi gió trên Bồ Tát đạo. Trong hai loại này, nếu chỉ sử dụng một loại, quý vị nhất định gặp chướng ngại.

Chẳng hạn như chúng tôi nêu lên một thí dụ rất nông cạn, dễ thấy, quý vị đều biết: Trong lịch sử có một vị đại trung thần, yêu nước nhất là Nhạc Phi, nhắc đến ông ta, không ai chẳng biết. Tại Trung Quốc, gần như mỗi địa phương đều có Nhạc Vương Miếu miếu thờ Nhạc Phi. Văn Miếu của Trung Quốc thờ Khổng lão Phu Tử, Võ Miếu thờ Quan Công và Nhạc Phi.

Ông được Đại Chúng dân tộc tôn kính. Chúng ta thấy tượng Nhạc Phi, nghe nói đến Nhạc Phi bèn nghĩ phải tận trung báo quốc, đó là thuận tăng thượng duyênThấy tượng Tần Cối, Tần Cối cũng chẳng tầm thường, cũng là anh hùng dân tộc.

Tôi nói lời này chắc quý vị chẳng vui lắm. Ông ta giáo huấn chúng ta rất lớn, vì trông thấy ông ta, chúng ta sẽ nghĩ chẳng thể làm Hán gian được. Một đằng là chánh diện dạy chúng ta, một đằng là phản diện dạy chúng ta. Công đức của hai người to như nhau.

Trước kia có người hỏi tôi: Tần Cối có đọa trong địa ngục a tỳ hay không?

Tôi nói: Tần Cối đã sớm sanh lên trời rồi. Tượng hắn ta quỳ bên mộ Nhạc Vương tại Tây Hồ, người ta vừa thấy, mỗi người chửi hắn một tiếng, tội của hắn đã tiêu hết rồi.

Hắn lại còn răn nhắc mọi người: Làm Hán gian sẽ giống như thế đó, chúng ta nhất quyết chẳng dám làm Hán gian. Có ý nghĩa giáo dục không gì lớn hơn ở trong đó. Một người là chánh diện dạy chúng ta, một người là phản diện dạy chúng ta.

Hai người đều là thiện tri thức của chúng ta. Nếu quý vị biết dùng thuận duyên và nghịch duyên, sẽ giống như Thiện Tài Đồng Tử, chẳng có ai không phải là thiện tri thức, chẳng có ai không phải là Phật, Bồ Tát, chẳng có ai không phải là người tạo đại lợi ích cho chúng ta.

Nói chung, hai bên thuận và nghịch đều khéo vận dụng, quý vị sẽ chẳng có một chút chướng ngại nào. 

5. Loại thứ năm là anh nhi hạnh, trẻ thơ thiên chân vô tà.

Bất luận đối với ai, đối với thiện nhân, đối với ác nhân, đối với người mình ưa thích, đối với người mình chán ghét, trẻ thơ không nói lời giả dối, không có vọng tâm. Do vậy, Phật, Bồ Tát đối đãi hết thảy mọi người đều dùng cái tâm chân thành. Hết thảy thiện hạnh và trực hạnh đều gọi là Anh Nhi Hạnh.

Diễn: Vô tác tứ hoằng.

Diễn: Bốn hoằng thệ nguyện vô tác.

Tứ Hoằng là bốn hoằng thệ nguyện: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Tứ hoằng thệ nguyện cũng chia thành đẳng cấp.

Tạng giáo là sanh diệt tứ hoằng, Thông giáo là vô sanh tứ hoằng, Biệt giáo là vô lượng tứ hoằng, Viên giáo là vô tác tứ hoằng, làm mà không làm, không làm mà làm. Chư Phật, Bồ Tát trọn đủ ba thứ duyên từ, tứ vô ngại trí, năm hạnh Niết Bàn, tứ hoằng thệ nguyện vô tác.

Diễn: Cố vi quảng đại vô tận.

Diễn: Cho nên là rộng lớn vô tận.

Trong câu này, do tất cả đều là danh từ, bao hàm rất nhiều ý nghĩa, nhằm giải thích câu Bồ Tát bi trí hạnh nguyện, như thị quảng đại bi trí hạnh nguyện rộng lớn như thế. Tiếp theo đây là giải thích câu n thị vô tận, tâm bất ngại cảnh, cảnh bất ngại tâm vô tận như thế, tâm chẳng trở ngại cảnh, cảnh chẳng trở ngại tâm.

Diễn: Tâm tức cảnh, cố bất ngại cảnh. Cảnh tức tâm, cố bất ngại tâm.

Diễn: Tâm chính là cảnh, nên chẳng ngại cảnh. Cảnh chính là tâm, nên chẳng ngại tâm. Đây chính là ý nghĩa trong Kinh Hoa Nghiêm, tâm và cảnh là một thể. Duy Thức gọi tâm là kiến phần, gọi cảnh là tướng phần. Hai phần kiến và tướng đều từ tự chứng phần biến hiện ra.

Tự Chứng Phần là bản thể, hai phần kiến và tướng là bản thể khởi tác dụng, từ thể khởi dụng, cho nên kiến và tướng có cùng nguồn, kiến và tướng có cùng một thể. Do điều này, kiến phần và tướng phần chẳng có chướng ngại, đấy là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, là pháp giới vô chướng ngại. Kinh Lăng Nghiêm cũng nói như thế, dưới đây nêu ra một thí dụ trong Kinh Lăng Nghiêm.

Diễn: Lăng Nghiêm vân: Kiến dữ kiến duyên, tịnh sở tưởng tướng, như hư không hoa, bổn vô sở hữu. Cố vân bổn tánh tự không. Nhất thiết chư pháp, bất xuất sắc, tâm nhị chủng. Kim chúng sanh, thị sắc pháp, độ sanh, thị tâm pháp. Ký nhất thiết tự không, khởi phi chung nhật độ sanh, chung nhật vô độ.

Diễn: Kinh Lăng Nghiêm nói: Kiến và kiến duyên đều là tướng được tưởng, giống như hoa đốm trên hư không, vốn vô sở hữu, nên nói bổn tánh tự không. Hết thảy các pháp chẳng ngoài hai thứ sắc và tâm, nay chúng sanh là sắc pháp, độ sanh là tâm pháp.

Hết thảy đã là tự không, há chẳng phải là suốt ngày độ sanh mà suốt ngày chẳng độ?

Đây là tổng hợp Hoa Nghiêm và Lăng Nghiêm, ý nghĩa hết sức rõ ràng. Kinh Lăng Nghiêm nói kiến, chính là như Hoa Nghiêm nói đến tâm. Kiến duyên là cái được duyên bởi kiến. Đó là tướng phần.

Tịnh sở tưởng tướng đều là tướng được tưởng: Tưởng tướng vẫn là tướng phần. Ví như hết thảy sắc pháp trước mắt chúng ta, đó là tướng phần. Trong tâm chúng ta khởi lên một ý niệm, nay chúng ta tưởng tượng trạm xe lửa đang được sửa chữa thì ngay lập tức tướng phần của trạm xe lửa bèn nổi lên trong đầu óc của chúng ta.

Đó cũng là tướng phần cái tướng phần ấy được gọi là tưởng tướng, vì nó là đối tượng được hình thành do sự suy tưởng của ta. Chúng ta hiểu rõ thứ Tướng Phần này, người khác không thấy.

Nhưng quý vị phải hiểu: Người khác nếu là phàm phu sẽ không trông thấy, nhưng nếu người ấy có công phu định lực khá sâu sẽ thấy được. Nếu quý vị chẳng động tâm, người ấy chẳng thể thấy quý vị. Quý vị khởi lên ý niệm, ngay lập tức người ấy sẽ thấy.

Vì sao?

Khởi niệm bèn có tướng, người ấy sẽ tìm được quý vị.

Trước kia, Thiền Tông có một công án: Thiền sư Kim Bích Phong có công phu định lực rất cao, chính Ngài biết thọ mạng đã tới, Vua Diêm La phái tiểu quỷ đến bắt Ngài, Ngài làm sao?

Nhập định. Vì Ngài đã nhập định, chẳng hiện tướng. Tiểu quỷ rất nóng ruột, nhưng không có cách nào, chẳng bắt được người sẽ chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ. Nó nghe nói cái bát của Thiền Sư Kim Bích Phong là bát báu, là vật được Ngài yêu quý nhất.

Có người bảo với nó: Ngươi gõ cái bát đó một tiếng, Sư sẽ lập tức xuất định, vì sao?

Sư rất yêu thích nó, sợ bị mất. Tiểu quỷ gõ cái bát đó, vừa gõ, Sư bèn xuất định, ngay lập tức bị bắt. Bị bắt rồi Sư mới biết bị lừa.

Kết quả, trong lòng Sư bèn nghĩ: Chớ nên cần cái bát ấy, còn có thứ gì chẳng bỏ sạch thì tâm chẳng thanh tịnh.

A. Ngươi có bắt ta cũng chẳng sợ. Ngài vừa bị xiềng, lại nhập định, kết quả tiểu quỷ lại không bắt được, lại gõ bát, nhưng Ngài chẳng xuất định, chẳng hiện hình, bắt chẳng được.

Chỉ cần trong tâm khởi ý niệm bèn hiện tướng. Quý vị hiện tướng, quỷ thần bèn tìm được quý vị. Người có công phu định lực cũng có thể thấy quý vị, chỉ có phàm phu mắt thịt là không biết.

Do vậy, quý vị chẳng thể lừa gạt quỷ thần, chẳng thể gạt gẫm người thiền định rất sâu. Thường là người có công phu định lực sâu, quý vị và người ấy hai người ngồi đối diện nhau, trong tâm quý vị khởi tâm động niệm, người ấy đều biết ngay, thấy rất rõ ràng. Nói cách khác, ban đêm quý vị ngủ nằm mộng, người ấy cũng thấy rất rõ ràng.

Vì sao?

Có tướng. Không có tướng, người ấy sẽ chẳng thấy được.

Tịnh sở tưởng tướng toàn là tướng được tưởng: Điều này cũng thuộc vào sắc pháp, gọi là vô biểu sắc. Trong sắc pháp bao gồm rất nhiều loại, có thô, có tế, sắc pháp dẫu cực vi tế vẫn thuộc về sắc pháp. Sắc pháp thô hay tế đều là chẳng có thật. Cái có này là huyễn hữu, mà cũng gọi là diệu hữu.

Như hư không hoa: Kinh Lăng Nghiêm thường dùng chuyện này làm tỷ dụ. Trong hư không có hoa đốm, hư không đâu có hoa. Nếu con mắt bị bệnh, sẽ thấy trên hư không có hoa đốm. Con mắt hết bệnh, trên hư không chẳng còn hoa đốm nữa. Tròng mắt bị bệnh, quý vị nhìn vào đèn, sẽ thấy đèn có quầng tròn, trong hư không có hoa đốm.

Đấy là do quý vị bị bệnh nên mới thấy. Đức Phật dùng tỷ dụ này để tỷ dụ chân như bổn tánh của chúng ta có bệnh nên mới xuất hiện kiến phần, tướng phần, sắc pháp và tâm pháp. Nếu chân như bổn tánh không có bệnh, những thứ ấy hoàn toàn chẳng có.

Trong Chứng Đạo Ca, Vĩnh Gia Đại sư đã bảo: Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên. Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang nhằm thuyết minh chân tướng sự thật này.

Bổn vô sở hữu: Hư không, thế giới, hết thảy muôn hình tượng vốn vô sở hữu. Hiện tại tuy là có, có những tướng ấy tồn tại, nhưng giống như chúng ta nằm mộng, đó là mộng cảnh. Chẳng thể nói là mộng không có, có chứ.

Nhưng chẳng thể nói là có thật. Tuy có mà không, vì thế, không và hữu bất nhị. Nếu chúng ta coi thế giới hiện thực là mộng cảnh, cái tâm được mất ở trong ấy sẽ chẳng còn nữa. Cái tâm được mất đã chẳng còn thì phiền não sẽ đoạn.

Tất cả những phiền não của chúng ta do đâu mà có?

Lo được, lo mất. Nếu quý vị biết đều là không, vô sở hữu, chắc chắn là vô sở hữu, vô sở đắc thì chính là thật sự đạt được.

Tâm Kinh nói vô trí, diệc vô đắc, trí là trí huệ bát nhã, bát nhã năng chứng, đắc là bồ đề Niết Bàn, nói đến cảnh giới tối cao: Không có trí huệ bát nhã thì cũng chẳng có bồ đề Niết Bàn. Không có thì gọi là chân hữu. Nếu quý vị nghĩ là có, sẽ bị rắc rối liền. Hễ thấy có bát nhã, quý vị chẳng đạt được bát nhã. Có bồ đề, sẽ chẳng thể chứng đắc bồ đề. Có Niết Bàn sẽ chẳng thể đạt đến Niết Bàn. Đó là giả danh.

Do bất đắc dĩ mà Đức Phật nói với chúng ta những danh từ ấy. Nếu quý vị chấp trước nơi giả danh, quý vị sẽ chẳng đạt được thực tại.

Ví như quý vị muốn đến thành phố Đài Bắc, thấy ở chỗ giáp ranh thành phố Đài Bắc ghi Đài Bắc bèn cho tấm bảng ấy là Đài Bắc, lầm mất rồi.

Đó là giả danh, lìa giả danh sẽ thật sự đạt được. Chấp giả danh là thật thì lầm rồi, lại mê hoặc mất rồi. Bát Nhã Tâm Kinh nói về bát nhã chân chánh, hết thảy các pháp đều bỏ, bỏ sạch sành sanh, đó là Bát Nhã hiện tiền.

Bổn tánh tự không: Bổn tánh là chân như bổn tánh, là con người thật sự của chúng ta, tánh là thể tánh, Thiền Gia gọi nó là phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra. Đó là bổn tánh.

Bổn tánh là không, không chẳng phải là vô. Không có thể hiện tướng, có thể biến hiện hết thảy tướng cảnh giới. Do bản thể của nó là không, nên những cảnh giới được biến hiện bởi nó cũng là không. Hết thảy các pháp đều do tự tánh biến hiện, là tướng phần của tự tánh.

Kim chúng sanh, thị sắc pháp, độ sanh, thị tâm pháp nay chúng sanh là sắc pháp, độ sanh là tâm pháp: Phật, Bồ Tát phát tâm độ hết thảy chúng sanh, ý niệm độ hết thảy chúng sanh là tâm pháp. sắc pháp đã là không thì tâm pháp cũng là không. Bởi thế, Chư Phật, Bồ Tát chung nhật độ sanh, chung nhật vô độ suốt ngày độ sanh, suốt ngày chẳng độ.

Phật chẳng độ chúng sanh, nói theo lý, quả thật là như thế. Nói theo sự, Phật hằng ngày độ chúng sanh. Chẳng có ngày nào ngưng làm chuyện độ sanh, nhưng độ sanh xét theo lý rốt ráo là không. Vì thế, Chư Phật, Bồ Tát hằng ngày độ chúng sanh, tâm địa của các Ngài thanh tịnh, chẳng chấp ngã tướng, chẳng chấp chúng sanh tướng, cũng chẳng chấp tướng công đức do độ chúng sanh.

Vì thế, các Ngài thanh tịnh. Đó là sự tự thụ dụng của chính các Ngài, tức là chính các Ngài hưởng thụ sự thanh tịnh khôn sánh. Trong sự hưởng thụ của chính mình, lại có thể lợi ích hết thảy chúng sanh, đó gọi là đại từ đại bi, là tha thụ dụng.

Đại từ đại bi chẳng trở ngại sự thanh tịnh của chính mình, mà sự thanh tịnh của chính mình chẳng trở ngại việc độ hết thảy chúng sanh, không bị trở ngại. Người tiểu thừa chẳng liễu giải chân tướng này, cho nên họ bị chướng ngại.

Họ nói: Hết thảy mọi chuyện ta đều chẳng làm, ta sẽ thanh tịnh. Ta độ chúng sanh, giúp đỡ người khác sẽ bị phiền não, chẳng thanh tịnh. Họ đối lập hai chuyện này thành hai cảnh giới khác nhau, do vậy, người tiểu thừa chẳng chịu phát tâm giúp đỡ người khác.

Đại thừa Bồ Tát biết tự tha bất nhị, do vậy, độ chính là chẳng độ, chẳng độ chính là độ. Chẳng độ là nói về chính mình, còn độ là nói tới chuyện giúp đỡ người khác. Các vị ấy biết hai chuyện ấy là một, chẳng hai, do vậy, chúng ta chớ nên hiểu lầm ý nghĩa của hai câu này.

Nghe nói độ mà chẳng độ, chẳng độ mà độ bèn tưởng là ta chẳng độ, vì ta chẳng độ chính là độ.

Nếu dựa theo cách lập luận máy móc ấy, quý vị mỗi ngày ăn cơm, ăn chính là không ăn, không ăn chính là ăn, vậy thì quý vị không ăn, coi thử quý vị có chịu được hay không?

Không được. Chưa đạt đến cảnh giới ấy.

Diễn: Nãi tri nhị tự.

Diễn: Hai chữ bèn biết. Hai chữ nãi tri ở trong câu nãi tri Chư Phật bèn biết Chư Phật. Ý nghĩa của đoạn này rất sâu, vì thế, Đại Sư hết sức từ bi, nói rõ cặn kẽ với chúng ta. Hai chữ ấy nghĩa là...

Diễn: Trực quán chí chung nhật vô độ, trung hữu lưỡng tiết, Chư Phật Bồ Tát tứ cú, ứng thượng văn Tịnh Độ hóa sanh, tâm bất hỷ nhạo. Tâm bất ngại cảnh lục cú, ứng thượng văn chấp cảnh vi hữu, duy dục tỵ cảnh xu tịch.

Diễn: Xuyên suốt cho đến câu suốt ngày chẳng độ, trong phần này có hai tiểu đoạn. Bốn câu Chư Phật, Bồ Tát... tương ứng với đoạn Tịnh Độ hóa sanh, tâm chẳng vui thích trong phần trên. Sáu câu như tâm chẳng ngại cảnh v.v... tương ứng với đoạn chấp cảnh là có, chỉ muốn tránh cảnh, hướng về vắng lặng trong phần trên tức phần Huyền Nghĩa.

Đại Thừa và tiểu thừa có khái niệm khác nhau, hình thái ý thức không giống nhau. Người tiểu thừa tâm lượng hẹp hòi, không có lòng dạ rộng rãi như người đại thừa. Đây là hai thứ căn tánh hoàn toàn chẳng giống nhau.

Diễn: Đại suất tiểu thừa bệnh căn, chỉ tại đản ngộ uẩn trung vô ngã.

Diễn: Nói chung, gốc bệnh của tiểu thừa là chỉ ngộ rằng uẩn vô ngãUẩn là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn quả thật tìm chẳng được ngã.

Diễn: Bất tri uẩn diệc thị không lưỡng cú.

Diễn: Chẳng biết đến hai câu uẩn cũng là không...

Đây là cái gốc bệnh của hàng tiểu thừa, chẳng biết ngũ uẩn cũng là không. Nếu biết ngũ uẩn cũng là không, sẽ chứng đắc pháp không. Đại thừa Bồ Tát thông minh hơn họ, biết nhân ngã không,pháp ngã vẫn là không. Chẳng thể chấp trước ngã, mà cũng chẳng thể chấp pháp.

Kinh Kim Cang nói rất hay: Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp pháp còn nên xả, huống là phi pháp. Pháp ở đây là Phật Pháp.

Vì sao Phật Pháp mà phải bỏ?

Thật ra, có pháp nào là Phật Pháp?

Bởi lẽ đó, Đức Phật nói: Suốt đời Ngài, trong bốn mươi chín năm, Ngài chưa hề nói một câu pháp nào là có lý lắm chứ.

Vì sao chưa hề thuyết pháp?

Vì những lời Phật nói đều do chúng sanh hỏi.

Chúng sanh có nghi vấn gì, hỏi Ngài, Đức Phật liền giải đáp, giống như chúng sanh có bệnh, Phật Pháp là thuốc, thuốc do đâu mà có?

Thuốc do bệnh mà có.

Nếu chẳng có bệnh, quý vị hãy nghĩ xem, thuốc từ chỗ nào mà có được?

Gọi là thuốc là do bệnh mà lập ra. Bệnh đã hết, thuốc cũng chẳng còn. Vì chúng sanh đang mê, nên Đức Phật mới thuyết pháp nhằm khai ngộ họ. Hễ ngộ rồi, Phật Pháp cũng chẳng còn nữa. Nếu ngộ rồi mà vẫn chấp trước vào pháp, thì lại là mê, mê nơi pháp. Vì thế, chúng sanh rất khó khai ngộ, luôn chấp trước.

Đức Phật bảo quý vị: Pháp thế gian là pháp sanh tử trong lục đạo luân hồi, bảo quý vị phải bỏ nó, bỏ rồi thì như thế nào?

Chấp trước Phật Pháp.

Thật chẳng biết chấp trước Phật Pháp vẫn là pháp sanh tử, vì sao?

Đức Phật bảo quý vị phá chấp trước, chứ chẳng bảo quý vị đổi sang chấp trước thứ khác.

Thay đổi đối tượng thì có ích gì đâu?

Chẳng hạn như Đức Phật nói tham là phiền não, bảo quý vị đừng tham ái ngũ dục lục trần của thế gian, được rồi, quý vị không tham nữa, kết quả ra sao?

Tham Phật Pháp. Tâm tham chẳng biến đổi, chỉ là thay đổi đối tượng mà thôi. Tâm tham là nghiệp nhân của ngạ quỷ đạo trong lục đạo. Quý vị tham ái Phật Pháp, tương lai vẫn đọa làm ngạ quỷ. Đọa ngạ quỷ đạo trọn chẳng phải vì quý vị tham ái đối tượng mà bị đọa, mà do cái tâm tham của quý vị nặng nề nên bị đọa, chẳng cần biết quý vị tham đối tượng nào.

Quý vị tham ác pháp, trong ngạ quỷ đạo sẽ làm vô tài quỷ rất khổ. Quý vị tham Phật Pháp, Phật Pháp là thiện pháp, quý vị sẽ làm đa tài quỷ trong ngạ quỷ đạo, đa tài hay vô tài vẫn là quỷ. Phật Pháp dạy quý vị đoạn tâm tham, chẳng bảo quý vị thay đổi đối tượng của lòng tham, quý vị phải hiểu rõ đạo lý này.

Do vậy, chúng ta phải xả pháp thế gian, mà Phật Pháp cũng phải xả. Pháp thế gian chớ nên tham ái, mà Phật Pháp cũng đừng nên tham ái, tâm chúng ta mới thanh tịnh, chúng ta niệm Phật mới có thể đạt được nhất tâm bất loạn. 

Hễ có tơ hào tham lam, nhất tâm sẽ bị chướng ngại, quý vị niệm Phật muốn đạt đến nhất tâm chẳng dễ dàng. Thậm chí mong đạt công phu thành phiến cũng rất khó.

Tôi thường nói với quý vị: Trong quá trình chúng tôi tu học nhiều năm như thế, tự mình thể nghiệm sâu xa, công phu chẳng thể thành thục là do chưa trừ sạch những chướng ngại. Do vậy, trong vô lượng pháp môn, chỉ nên chọn lấy một môn. Nếu chọn quá nhiều, quý vị tham nhiều quá, chẳng dễ bỏ được.

Chúng ta chỉ lấy một thứ, sẽ bỏ dễ dàng hơn. Quá nhiều sẽ bỏ cái này, vương vấn cái kia, bỏ cái kia lại vương vấn cái này, rắc rối to. Vì thế, chỉ có thể tu một pháp môn, đối với những pháp môn khác, chúng ta tán thán, quyết chẳng hủy báng.

Giống như Thiện Tài Đồng Tử, đối với năm mươi ba vị thiện tri thức, tự mình khiêm hư, tôi chỉ học một pháp môn này. Người ta nói pháp môn kia hay, nhưng tôi đã chọn pháp môn này, tôi vẫn đi theo con đường này đến cùng, tuyệt đối chẳng thay lòng đổi dạ.

Pháp Môn kia hay, tôi tán thán. Quý vị học theo pháp môn ấy, tôi cung kính, tôi kính ngưỡng, nhưng tôi vẫn học môn này của tôi, quyết định chẳng thay đổi. Trong một đời này, quý vị nhất định thành công.

Phàm thấy lạ, nghĩ khác đều là bệnh nặng, tới khi nào mới có thể công phu thành phiến?

Nhất tâm bất loạn càng chẳng thể nào đạt được. Chuyên tinh nơi một môn, tâm người ấy định. Kẻ thấy lạ, nghĩ khác tâm bất định. Tâm bất định bèn là sanh tử phàm phu. Nếu tâm định, sẽ có ngày nở mày, nở mặt.

Diễn: Cố duy tri sở chứng vi cực, bất phục tri hữu đại thừa diệu dụng.

Diễn: Vì thế, hàng tiểu thừa chỉ biết sở chứng của chính mình là tột cùng, chẳng biết còn có diệu dụng trong đại thừa. Đây là nói về kiến giải của hàng tiểu thừa.

Diễn: Văn Tịnh Độ hóa sanh, tự tâm bất hỷ nhạo dã. Kim nhật hồi tâm, nãi tri đại thừa diệu dụng như thị quảng đại, như thị vô tận nhĩ. Dĩ bất tri uẩn diệc thị không, cố bất tri nhất thiết phù trần huyễn hóa, đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận.

Diễn: Nghe chuyện hóa sanh trong Cõi Tịnh Độ, tự tâm chẳng vui thích. Ngày nay hồi tâm mới biết diệu dụng của đại thừa rộng lớn như thế, vô tận như thế. Do chẳng biết uẩn cũng là không, nên chẳng biết hết thảy phù trần huyễn hóa xuất sanh ở nơi đâu, sẽ diệt tận ở nơi đó.

Ba câu này cũng là một đoạn Kinh Văn quan trọng trong Kinh Lăng Nghiêm. Nhất thiết phù trần huyễn hóa hết thảy phù trần huyễn hóa bao gồm hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, nay chúng ta gọi chúng là động vật, thực vật, khoáng vật cho đến hiện tượng tự nhiên, toàn bộ đều bao gồm trong ấy.

Phù là không thật, trần là chẳng thanh tịnh. Ở đây, hai chữ này đều là tỷ dụ. Huyễn hóa là nói đến chân tướng của các pháp ấy, chúng chẳng phải là thật sự có, chẳng có thật, mà là huyễn có.

Huyễn có là giả có, chẳng phải có thật. Vì thế, người thông minh biết bản thể chính là không, chẳng cần phải phân tích từ từ rồi mới biết nó là không.

Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận: Đây là nói về chân tướng của hết thảy các pháp. Nếu quý vị thật sự tham cứu thấu triệt câu này, dùng pháp môn niệm Phật để nói, thì trong hiện tại, quý vị chứng đắc lý nhất tâm bất loạn. Trong Thiền Tông nói minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ là nói về cảnh giới này.

Trong bài Kệ Hồi Hướng có câu hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, ngộ cảnh giới nào vậy?

Chính là cảnh giới này. Hết thảy vạn pháp xuất sanh từ chỗ nào, sẽ diệt tận ở nơi đó. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, mới biết chẳng đến, chẳng đi, không có đến, đi.

Đây là chân tướng sự thật, nhưng chúng ta không có cách nào nhận biết chân tướng ấy. Chúng ta thấy hết thảy pháp diễn biến dần dần, dường như tiến triển dần dần, thật ra, chúng ta đã thấy lầm.

Sự thật chắc chắn không hề như thế, mà là như thường nói: Sanh diệt trong từng sát na, cũng có thể nói là sanh diệt đồng thời. Do vậy, không có sanh diệt.

Trong Kinh, Đức Phật đã ban cho chúng ta một khái niệm, có phải là chân tướng sự thật hay chăng rất khó nói, nhưng nói chung, chúng ta có thể nói là điều ấy nhất định hết sức gần với sự thật, bởi lẽ, sự thật đích xác chân thật sẽ không thể nói ra được.

Đức Phật dạy: Trong một khảy ngón tay có sáu mươi sát na, ai khảy ngón tay?

Chẳng phải là như chúng ta thong thả khảy ngón tay, Kinh nói đến người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ có sức khảy, khảy rất nhanh. Một phần sáu mươi của thời gian khảy ngón tay gọi là sát na. Trong một sát na có chín trăm lần sanh diệt. Người tầm thường như chúng ta khảy ngón tay, một giây có thể khảy bốn lần, bốn nhân sáu mươi nhân với chín trăm thì một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt.

Cái gì sanh diệt?

Thân thể của chúng ta, toàn thể vũ trụ là tướng cảnh giới, vì thế, tướng này là giả, chẳng thật. Trước kia, người ta có thể lý giải chân tướng của nhân sinh và vũ trụ theo như lời Phật dạy, chúng ta ngày nay chẳng thể không bội phục họ, quả thật rất khó hiểu.

Hiện thời, chúng ta nhờ vào công cụ khoa học mà dễ dàng thấu hiểu hơn nhiều. Ví như chúng ta xem phim ảnh, nhìn vào màn bạc, chúng ta thấy những hình tượng giống hệt như thật. Thật ra, chúng có cùng một nguyên lý sanh diệt trong từng sát na như Đức Phật đã giảng. Trong một giây, ống kính đóng mở, thay đổi tấm phim hai mươi bốn lần.

Ống kính vừa mở liền chiếu ra một tấm phim, lại đóng lại để đổi sang tấm phim khác, rồi lại mở ra để chiếu tấm phim ấy cho quý vị xem. Trong một giây, ống kính đóng mở hai mươi bốn lần, tức là hai mươi bốn lần sanh diệt. Chúng ta thấy hình ảnh trong phim dường như là thật.

Đức Phật bảo: Vũ trụ và nhân sinh này là một tấm màn bạc lớn để chiếu phim, tốc độ nhanh như thế nào?

Trong một giây, đóng mở hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần, vì thế, quý vị tưởng nó là thật.

Đã thế, phim ảnh lại còn là phim lập thể 3D, quý vị chẳng có cách nào cảm nhận nó là giả. Thật ra, chân tướng là như thế, đâu có sanh diệt. Không có sanh diệt, không có đến đi.

Quý vị nói từ nhà đến đây, có chuyện đó hay chăng?

Không có chuyện ấy. Đó gọi là không, là không nghĩa. Biết tướng chân thật của hết thảy các pháp, quý vị mới hiểu hết thảy các pháp chắc chắn là bình đẳng, chắc chắn là không tịch. Chẳng chỉ là không, mà còn thanh tịnh tịch diệt.

Vậy thì trong hết thảy các pháp, quý vị quyết định chớ khởi tâm động niệm, đừng phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ nhập cảnh giới này, quý vị mới thật sự đạt được tự tánh pháp giới do tự tâm biến hiện, thụ dụng toàn thể, đắc đại tự tại. Giống như nằm mộng, chợt biết chính mình đang nằm mộng, biết chính mình đang nằm mộng rất tốt. Đang nằm mơ một giấc mộng lớn, ngỡ mọi việc là thật, hóa ra chính là mộng.

Trong mộng có thể tận tình hưởng thụ, người ấy cũng chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, vì sao?

Biết nó là cảnh trong mộng, sự thụ dụng của Chư Phật, Bồ Tát gọi là du hý thần thông, vì sao du hý vui chơi?

Các Ngài biết chúng đều là giả, không có một pháp nào chân thật.

Hết thảy muôn hình tượng, thân tâm của chúng ta cũng giống như thế: Sanh ra ở nơi đâu, diệt tận ngay nơi đó. Đã biết là ở ngay nơi đó thì sẽ không có đến, đi. Đã biết nó sanh ra ngay một nơi, diệt tận cũng cùng một nơi, cho nên không có sanh diệt, bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, bất cấu, bất tịnh. Đây là nói về chân tướng của nhân sinh và vũ trụ.

Đức Phật chứng đắc chân tướng này, Ngài thấy chân tướng sự thật này, vì sao nay chúng ta không thấy?

Tâm chúng ta quá thô, thô đến nỗi ngay cả hình ảnh trong phim sanh diệt hai mươi bốn lần mà chúng ta còn bị lừa, chẳng thấy nó là bất sanh bất diệt.

Huống chi trong một giây, đúng là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt, làm sao chúng ta có thể nhận biết được?

Tâm quá thô. Thiền định càng rất sâu, tâm càng vi tế.

Trong Kinh Đức Phật dạy: Đến khi nào sẽ thấy được cảnh giới ấy?

Bát địa Bồ Tát. Bát địa Bồ Tát gọi là Bất Động Địa, đó là cảnh giới của bậc từ Bát địa trở lên. Một câu Kinh Văn Lăng Nghiêm này là nói về ba tướng tế của A lại da thức.

Đức Phật chẳng dối gạt người khác, mỗi một cá nhân trong tương lai đạt đến Bát địa sẽ thấy xác thực. Nếu chứng đến Bát địa mà chẳng thể thấy tình hình này thì Đức Phật đã nói dối, Đức Phật đã gạt người.

Đức Phật chẳng hề gạt người. Chính quý vị đạt đến trình độ ấy, sẽ thấy được chân tướng sự thật, hiểu rõ ràng chân tướng. Vì thế, hết thảy cảnh giới được nói trong Kinh Phật đều là cảnh giới hiện lượng, tức là cảnh giới do chính Đức Phật đích thân chứng, chẳng phải do suy tưởng, chẳng phải là suy diễn từ căn cứ lý luận và toán học, mà là đích thân thấy, ngũ nhãn viên minh, đích thân thấy tướng cảnh giới ấy.

Đối với người niệm Phật, cảnh giới ấy là lý nhất tâm bất loạn, nhưng người mới chứng lý nhất tâm bất loạn vẫn chưa thể thấy. Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo là lý nhất tâm, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng cho đến Bát địa đều là lý nhất tâm. Quý vị hãy nghĩ xem, trong lý nhất tâm có mức độ sâu cạn khác nhau. Lý nhất tâm bất loạn rất sâu thì mới có thể thấy cảnh giới này.

Hàng tiểu thừa đã nhập cửu thứ đệ định mà còn chưa thấy, huống gì chúng ta?

Người tiểu thừa...

Diễn: Toại chấp cảnh vi hữu.

Diễn: Bèn chấp cảnh là có.

Họ có thể phá ngã chấp, nhưng pháp chấp chẳng dễ phá, đạo lý là ở chỗ này. Cảnh giới là nói về pháp, họ người tiểu thừa nghĩ cảnh là có thật.

Diễn: Duy dục tỵ cảnh xu tịch dã.

Diễn: Chỉ muốn tránh né cảnh, hướng đến vắng lặng. Nay chúng ta nói là họ trốn tránh hiện thực, họ muốn tìm một nơi thanh tịnh tịch diệt để tu hành, tránh né những khó khăn, quấy nhiễu bên ngoài.

Diễn: Kim nhật hồi tâm, nãi tri bổn bất tương ngại, đương thể toàn không, độ nhi vô độ nhĩ.

Diễn: Nay hồi tâm mới biết tâm và cảnh vốn chẳng trở ngại lẫn nhau, bản thể của chúng hoàn toàn là không, nên độ chúng sanh mà chẳng độ.

Nếu người ấy biết chân tướng sự thật, nhất định phát đại tâm, chẳng còn bàn cãi gì nữa, người ấy cũng phỏng theo Chư Phật, Bồ Tát, chẳng đành lòng làm kẻ tiểu thừa, nhất định là như vậy, vì sao?

Từ bi là tánh đức, là đức năng trong bổn tánh tự nhiên khởi tác dụng, tánh đức nhất định hiện tiền.

Do vậy, sự hiểu lầm này gọi là sở tri chướng: Người nhị thừa đoạn phiền não chướng, chưa phá sở tri chướng, phá ngã chấp, nhưng chưa phá pháp chấp. Có pháp chấp, có sở tri chướng, tánh đức trong tự tánh của người ấy chẳng thể hiện tiền. Đạo lý là ở chỗ này.

Sớ: Nhi đơn tu thiền định, bất nguyện vãng sanh, thị vi đại thất hỹ.

Sớ: Chỉ tu thiền định, chẳng nguyện vãng sanh, là sự mất mát lớn lao. Đây là nói về người tiểu thừa, người tiểu thừa chuyên tu thiền định, công phu thiền định rất sâu, đạt đến đệ cửu định, chẳng muốn vãng sanh, tổn thất này quá lớn.

Nếu một mai người ấy khai ngộ, Bồ Tát sẽ chỉ dạy người ấy, người ấy nghe xong sẽ hiểu rõ, tin tưởng, tiếp nhận, hễ quay đầu, hồi tiểu hướng đi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Với loại công phu này, người ấy chỉ cần quay đầu, sẽ sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư.

Bởi lẽ, định của người ấy chính là sự nhất tâm bất loạn của người niệm Phật. Vì sự nhất tâm là đoạn kiến tư phiền não, phá ngã chấp. Người tiểu thừa dùng công phu thiền định rất sâu để phá ngã chấp, đoạn phiền não chướng.

Vì thế, họ hồi tiểu hướng đại sẽ chẳng sanh vào Cõi Phàm Thánh đồng cư, mà sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư, cao hơn những kẻ đới nghiệp vãng sanh chúng ta quá nhiều.

Kinh này cũng vì lòng đại từ đại bi nhằm giáo hóa, hướng dẫn hàng nhị thừa mà nói. Vì thế, trong Tự Phần, chúng ta thấy có mười sáu vị Tôn Giả, đều là đại diện của hàng tiểu thừa, ý nghĩa này hết sức rõ ràng.

Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này.

A Di Đà Phật!

***