Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI GIẢNG KÝ - TẬP SÁU - B

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ

YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP SÁU - B
 

Luận về khổ và lạc thì: Cõi này chẳng gặp Phật là khổ. Sau khi vãng sanh Tây Phương, hoa nở thấy Phật là vui. Cõi này nghe pháp rất khó. Tây Phương sáu trần đều thuyết pháp. Cõi này bị bạn ác lôi kéo, buộc ràng, chẳng thể thỏa lòng tu đạo. Tây Phương có các vị thượng thiện nhân tụ hội một chỗ.

Giải: Nhất vãng phân biệt, Đồng cư ngũ trược khinh, vô phần đoạn, bát khổ. Đản thọ bất bệnh, bất lão, tự tại du hành, thiên thực, thiên y, chư thiện tụ hội đẳng lạc. Phương tiện thể quán xảo, vô trầm không trệ tịch chi khổ.

Đản thọ du hý, thần thông đẳng lạc. Thật báo tâm quán viên, vô cách biệt bất dung chi khổ, đản thọ vô ngại bất tư nghị lạc. Tịch quang cứu cánh đẳng, vô pháp thân sấm lậu, chân thường lưu chú chi khổ, đản thọ xứng tánh viên mãn cứu cánh lạc.

Nhiên Đồng cư chúng sanh, dĩ trì danh thiện căn, phước đức đồng Phật cố, viên tịnh Tứ Độ, viên thọ chư lạc dã. Phục thứ, Cực Lạc tối thắng, bất tại thượng tam độ, nhi tại Đồng cư. Lương dĩ thượng chi, tắc Thập phương đồng cư tốn kỳ thù đặc. Hạ hựu khả dữ thử độ giảo lượng. Sở dĩ, phàm phu ưu nhập nhi thung dung, hoành siêu nhi độ việt. Phật thuyết khổ lạc, ý tại ư thử.

Giải: Phân biệt đại khái thì trong Cõi Đồng cư, ngũ trược nhẹ, không có phần đoạn sanh tử và tám khổ, chỉ hưởng những điều vui như chẳng bệnh, chẳng già, du hành tự tại, thức ăn Trời, áo Trời, các vị thượng thiện nhân tụ hội v.v... trong Cõi Phương tiện, khéo léo quán thể, không có nỗi khổ vướng mắc, trầm trệ vào không tịch, chỉ hưởng những sự vui như du hý, thần thông v.v...

Trong Cõi Thật báo, quán tâm viên mãn, không có sự khổ cách biệt, chẳng dung thông, chỉ hưởng sự vui không chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn.

Trong Cõi Tịch quang rốt ráo bình đẳng, không các nỗi khổ như pháp thân rò rỉ, chân thường tuôn chảy, chỉ hưởng sự vui viên mãn rốt ráo xứng tánh. Nhưng chúng sanh trong Cõi Đồng cư do thiện căn trì danh nên phước đức giống như Phật, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn vẹn các điều vui. Hơn nữa, Cực Lạc tối thắng chẳng ở trong ba cõi trên mà là trong Cõi Đồng cư.

Ấy là vì: Trên thì các Cõi Đồng cư trong mười phương phải nhường phần đặc biệt thù thắng. Dưới thì nếu so sánh với cõi này tức Ta Bà, Cõi Đồng cư của Thế Giới Cực Lạc vượt trỗi mọi mặt. Do vậy, phàm phu hễ được dự vào đó liền thong dong, vượt khỏi tam giới theo chiều ngang để được độ thoát. Đức Phật nói đến khổ và vui là nhằm ý này.

Nhất vãng chính là đại khái, nhất vãng phân biệt chính là nói đại khái tình trạng trong bốn cõi Tây Phương. Đồng cư ngũ trược khinh là lời so sánh giữa Tây Phương Thế Giới và Ta Bà. Người đới nghiệp vãng sanh tuy đã khuất phục, nhưng chưa đoạn được kiến tư, họ thật sự có ngũ trược từ đời quá khứ, nhưng nhẹ hơn. Mức độ ngũ trược nhẹ nhàng ấy, Nhân Thiên thừa chẳng thể sánh bằng.

Vô Phần Đoạn, bát khổ: Phần đoạn là giai đoạn, tức là chia thành từng phần lớn, mỗi đời là một giai đoạn, đời kế tiếp lại là một giai đoạn nữa. Chữ Phần Đoạn này chỉ sự luân hồi. Nếu chia nhỏ ra thì mỗi sát na là một giai đoạn, sanh diệt trong từng sát na, dời đổi không ngừng.

Thời cổ, hoàn cảnh đơn thuần, lòng người nồng hậu, giác ngộ dễ dàng. Đối với thiện, ác, nhân quả, báo ứng, tai đã quen nghe tường tận, khởi tâm động niệm đều rất chú ý.

Con người hiện thời cứ tưởng khoa học phát triển, những chuyện thiện ác, báo ứng đã nói từ trước đến giờ đều là mê tín, đến nỗi đạo đức chôn vùi, phong tục cõi đời ngày một đi xuống. Những chuyện này chẳng phải là hễ tin thì có, nếu chẳng tin bèn không còn nữa.

Tục ngữ có câu: Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, bất thị bất báo, thời khắc vị đáo thiện có thiện báo, ác có ác báo, chẳng phải không báo, chưa tới lúc thôi.

Tự tại du hành: Du hành trong thế giới này tuy không bị hạn chế bởi khu vực, nhưng phải xin giấy thông hành, mà cũng chỉ giới hạn trong địa cầu. Sau khi sanh về Tây Phương, có thể đi đến bất cứ cõi nước nào, sánh với thế gian giống như Trời với đất.

Thiên y, thiên thực: Cuộc sống vật chất nơi Tây Phương là hết thảy cơm áo, sự cung ứng đều thuận theo lòng muốn. Người trong cõi Tây Phương vốn chẳng cần ăn uống, do tập khí của chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, ăn uống đã trở thành thói quen. Do tập khí nên vẫn còn có ý niệm ăn uống.

Chư thiện tụ hội: Cổ đức nói, trong cuộc sống của người thế gian đáng sợ nhất là người đồng hành. Người đồng hành là oan gia, có quan hệ rất lợi hại, khó tránh khỏi bị đôi bên ganh ghét. Thiện nhân ở Tây Phương tụ hội, nhất tâm tu đạo, trọn không có các nỗi khổ, mà có niềm vui trong bốn cõi.

Phương tiện thể quán xảo: Người trong Cõi Phương tiện hữu dư đã đoạn kiến tư phiền não, công phu niệm Phật sâu xa, đắc sự nhất tâm bất loạn.

Thể Quán: Trí huệ càng cao, sức lãnh ngộ mạnh mẽ, biết vạn pháp đều là không, hết thảy pháp đều chẳng thể được. Trong Thế Giới Ta Bà, người tiểu thừa tu đến cảnh giới này thì được gọi là nhập Thiên Chân Niết Bàn.

Chân tướng của nhân sinh và vũ trụ phải được quán sát từ ba phương diện là thể, tướng và dụng. Thể là không, tuyệt đối chẳng đạt được. Tướng là có, để có thể hưởng thụ thì phải sử dụng trung. Cổ Thánh Tiên Hiền Trung Quốc đã biết sử dụng Trung, nhà Phật gọi đó là trung đạo, Nho Gia gọi là Trung Dung. Đức Phật nói phàm phu sử dụng hữu, vì thế, cảm nhận nhiều khổ não.

Bậc tiểu thừa dùng không, thường ở trong định, chẳng khởi tác dụng, do vậy chìm đắm, trì trệ trong không tịch. Bồ Tát biết sử dụng Trung, chẳng vướng mắc vào hai bên có và không, hết sức sống động, chỉ hưởng những niềm vui như du hý, thần thông v.v...

Thật Báo tâm quán viên: Trong Cõi Thật báo trang nghiêm sử dụng Trung. Trong phần trước, tôi đã nói đến Thứ Đệ Tam Quán lần lượt quán không, giả, trung theo thứ tự. Ba môn Không Quán, Giả Quán, Trung Quán có thứ lớp, có sai khác, cho nên có nỗi khổ cách biệt, chẳng dung thông, Đại thừa Bồ Tát chưa đạt đến Sơ Địa trong Viên giáo là như thế đó.

Nhất Tâm Tam Quán thì không có hiện tượng ấy, lấy bất cứ một pháp nào cũng đều là không, là giả, là trung, ba tầng viên dung, không có nỗi khổ cách biệt, chẳng dung thông. Đấy chính là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại như Kinh Hoa Nghiêm đã nói.

Bồ Tát cùng chúng ta hòa lẫn thành một khối, hòa quang đồng trần, nhưng thụ dụng hoàn toàn khác hẳn. Lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, nhưng Bồ Tát chẳng có, vì đã nhập cảnh giới không chướng ngại chẳng thể nghĩ bàn.

Tịch Quang cứu cánh đẳng, vô pháp thân sấm lậu, chân thường lưu chú chi khổ.

Trong Cõi Tịch quang rốt ráo bình đẳng, không các nỗi khổ như pháp thân rò rỉ, chân thường tuôn chảy: Cõi Tịch quang cao nhất trong bốn Cõi Tịnh Độ. Pháp thân sấm lậu tức là trong chân như bổn tánh vẫn còn chưa sạch hết phiền não. Phật Pháp nói đến chân và vọng, chân là sẵn có, vọng thì vốn không.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Một câu này của Phật đã nói toạc căn bệnh của bọn phàm phu chúng ta. Tu học trong Phật Pháp bất quá là trừ sạch vọng tưởng, chấp trước mà thôi.

Nhưng hãy cầu trừ vọng, chớ nên tìm chân. Chấp trước phát triển thành ngã chấp, phá ngã chấp liền chứng quả A La Hán. Nói cách khác, nếu có ngã chấp, sẽ chẳng thể thoát khỏi tam giới.

Nếu có pháp chấp, sẽ chẳng thể kiến tánh. Pháp môn đại tiểu thừa trong Phật Pháp đều có thể giúp con người thoát khỏi tam giới. Ngã chấp phát triển thành phiền não chướng, pháp chấp phát triển thành sở tri chướng.

Phật Pháp từ đầu đến cuối chỉ là phá hai chấp ấy mà thôi. Từ Cõi Phương tiện trở lên, không có ngã chấp, Cõi Đồng cư vẫn còn ngã chấp. Ngã chấp không còn, pháp chấp đã phá được phần lớn, nhưng vẫn còn có chút thừa sót, đó gọi là pháp thân sấm lậu, pháp thân rò rỉ.

Cõi Tịch quang đoạn sạch pháp chấp, chân như bổn tánh hiển hiện viên mãn, sự thụ dụng của người trong cảnh giới ấy là xứng tánh viên mãn cứu cánh lạc, sự vui xứng tánh viên mãn rốt ráo.

Đại Thừa Bồ Tát trong Cõi Thật báo đạt lý nhất tâm bất loạn, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân. Sơ trụ Bồ Tát trong Viên giáo và Chư Phật đều có thể gọi là xứng tánh. Tuy một đằng đã viên mãn, một đằng chưa viên mãn, nhưng đều là xứng tánh. Đại khái sự khổ và vui trong bốn cõi là như vậy.

Nhiên Đồng cư chúng sanh, dĩ trì danh thiện căn, phước đức đồng Phật cố, viên tịnh Tứ Độ, viên thọ chư lạc dã.

Nhưng chúng sanh trong Cõi Đồng cư, do thiện căn trì danh nên phước đức giống như Phật, thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn vẹn các niềm vui. Mấy câu chú giải này phải nhớ kỹ trong lòng, hết thảy các Kinh Luận, pháp môn khác không có điều này.

Kinh này được xưng tụng là bậc nhất trong hết thảy Kinh Phật chính là do đạo lý này. Chúng ta là đới nghiệp vãng sanh, nghiệp ấy chính là ngã chấp và pháp chấp, phương pháp được sử dụng là tín, nguyện, trì danh.

Tin tưởng tuyệt đối A Di Đà Phật và Tây Phương Thế Giới, đấy là tín. Nhất tâm nhất ý hướng về Tây Phương, mong thấy A Di Đà Phật, đó là nguyện. Trọn đủ tín và nguyện như thế, niệm một câu Phật hiệu, đó là trì.

Thiện căn, phước đức của người trì danh niệm Phật giống như A Di Đà Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật. Mười phương ba đời hết thảy Chư Phật tu hành cho đến cuối cùng thành Phật đều là do niệm Phật mà thành Phật.

Viên tịnh Tứ độ: Viên là viên mãn, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào. Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, chẳng thể gọi là viên mãn, nhưng chúng ta đới nghiệp vãng sanh liền có thể thanh tịnh trọn vẹn bốn cõi, hưởng trọn các niềm vui.

Ngẫu Ích Đại Sư nói những lời này có quá lố hay không?

Xin quý vị đọc bốn mươi tám lời nguyện trong chương sáu của Kinh Vô Lượng Thọ sẽ thấy là đúng hay là sai. Đại Sư dựa theo Kinh Điển để nói. Ngày nay chúng ta gặp được bộ Kinh này đúng là cơ hội khó gặp trong ngàn năm mà ta nay may mắn gặp được.

Cực Lạc tối thắng, bất tại thượng tam độ, nhi tại Đồng cư.

Cực Lạc tối thắng không do ba cõi trên, mà là do Cõi Đồng cư.

Vì sao Đức Phật nói Cực Lạc là tối thắng?

Chán khổ, cầu vui là chuyện thường tình của con người. Tục ngữ có câu nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định.

Một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng phải đã định sẵn. Phú quý, cùng quẫn, hanh thông cho đến sanh tử đều có số mạng sẵn. Cầu là vọng tưởng, cầu Thần Thánh ban ơn, cầu Thượng đế giáng phước, đều là mê tín, không giúp được gì. Đức Phật dạy chúng ta, muốn cầu quả báo tốt, chỉ có tu phước, tích đức.

Tu nhân sẽ đắc quả: Tài thí đắc của cải, pháp thí đắc thông minh, trí huệ, vô úy thí đắc khỏe mạnh, trường thọ. Chớ nên tiếc của, mà cũng đừng tham của.

Đấy là tiểu nhân tiểu quả thế gian. Niệm Phật là đại phước đức tối thượng khôn sánh, trực tiếp dùng thiện nhân, thiện quả do A Di Đà Phật đã tu hành trong vô lượng kiếp để chính mình tu nhân trong hiện tại. Quả báo của niệm Phật là có thể vượt thoát luân hồi lục đạo.

Sanh về Tây Phương sẽ có thể thành Phật ngay trong thân này. Hết thảy các Cõi Phật trong mười phương đều có bốn Cõi Tịnh Độ, nhưng các Cõi Phàm Thánh Đồng cư trong đó đều thua Cõi Đồng cư của Tây Phương một bậc. Phàm phu trong Thế Giới Ta Bà muốn vượt thoát lục đạo là chuyện hết sức khó khăn, đoạn hết phiền não thì mới có thể vượt thoát.

Tứ Thiền, Bát Định mới có thể khống chế phiền não chẳng cho nó khởi tác dụng. Tầng Trời cao nhất trong Tứ Không Thiên là Phi Tưởng phi phi tưởng thiên có thể khống chế phiền não trong tám vạn đại kiếp, thuộc về thiền định thế gian. Đạt đến Cửu Thứ Đệ Định, thành A La Hán mới thoát khỏi tam giới, thật chẳng dễ dàng.

Như nay chỉ cần đầy đủ tín nguyện hạnh, thật thà niệm Phật, liền có thể vượt thoát tam giới theo chiều ngang, chẳng cần phải trải qua Tứ Thiền bát định, muôn người tu, muôn người vãng sanh. Dẫu tạo tội ngũ nghịch, thập ác mà nếu quả báo còn chưa hiện tiền thì vẫn có thể thong dong tiến nhập Tây Phương Thế Giới.

Kinh: Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc Quốc Độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, giai thị tứ bảo, châu táp vi nhiễu. Thị cố Bỉ Quốc, danh vi Cực Lạc.

Chánh Kinh: Lại này, Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc bảy tầng lan can, bảy tầng lưới giăng, bảy tầng hàng cây, đều bằng bảy báu vây quanh trọn khắp. Vì thế, cõi ấy tên là Cực Lạc.

Đoạn Kinh này nói rõ sự vui thuộc về địa lợi trong Tây Phương Thế Giới, cũng chính là hoàn cảnh cư trú. Nếu các vị có thời gian rảnh rỗi, có thể sang thăm Hoàng Cung tại Bắc Kinh bên Đại Lục, kiến trúc của nó từng hàng lan can. Lan thuẫn chính là lan can, lan là những thanh chắn đặt nằm theo chiều ngang, thuẫn là những thanh chắn dựng theo chiều dọc. Tôi chưa được thấy la võng lưới mành tại Trung Quốc, nhưng ở Nhật Bản thì vẫn còn.

Phật Giáo Nhật Bản cũng rất hưng thịnh, gìn giữ Chùa Miếu hết sức tốt đẹp. Khi tôi sang thăm Nhật Bản, chẳng thể nào không bội phục dân tộc ấy. Họ toàn tâm toàn lực hấp thụ văn minh khoa học kỹ thuật của Tây Phương, nhưng bảo vệ, giữ gìn những kiến trúc cổ cố hữu của chính mình hết sức hoàn chỉnh.

Chùa Miếu của họ đều là kiến trúc từ thời Đường, thời Tống, kết cấu kiến trúc theo mô thức thời Hán, thời Đường, điện vũ rất lớn mà chẳng dính một hạt bụi nào. Những vật liệu được dùng để xây cất nếu bị tổn hoại thì khi trùng tu vẫn dùng những vật liệu giống hệt như vậy để khôi phục nguyên trạng. Điện vũ rộng rãi, đồ sộ, ngăn nắp, sạch sẽ, chẳng thể nào không khiến cho người khác kính phục.

Chúng tôi thấy rồi bèn sanh tâm hổ thẹn, nhất là vì phong tục theo cổ lễ Trung Quốc thì ngay tại Trung Quốc đã chẳng còn thấy nữa, nhưng phương thức sinh hoạt giống như sách Lễ Ký đã chép vẫn còn được bảo tồn tại Nhật Bản. Y phục của người Nhật mặc được gọi là hòa phục Wafuku, còn gọi là Ngô phục Gofuku, tức là y phục theo cách thức của xứ Ngô Việt vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, một mực bảo tồn đến tận bây giờ.

Cách phục sức ấy tại Trung Quốc đã tuyệt tích, lòng yêu mến và bảo tồn cổ tích của họ quả thật là hạng nhất trên Thế giới. Trong những ngôi Chùa Miếu lớn ở Nhật Bản, chúng tôi trông thấy la võng bện bằng những sợi đồng để bảo vệ kèo cột. Kèo cột đều là những tác phẩm nghệ thuật cao cấp, ngoài ra, la võng lại còn có thể ngăn chim sẻ làm tổ.

Thất trùng hàng thụ, hàng thụ là cây cối. Chữ thất chỉ bốn phương, trên, dưới và chính giữa, tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, hoàn toàn chẳng phải là con số. Ngẫu Ích Đại Sư nói thất biểu thị thất khoa đạo phẩm. Tứ bảo biểu thị thường, lạc, ngã, tịnh, đều nhằm biểu thị pháp, nhưng sự biểu thị chẳng phải chỉ có vậy. Những nghĩa trên đây đều được giảng tường tận trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Giải: Thất trùng biểu thất khoa đạo phẩm, tứ bảo biểu thường, lạc, ngã, tịnh tứ đức. Châu táp nhiễu giả, Phật, Bồ Tát đẳng vô lượng trụ xứ dã, giai tứ bảo, tắc tự công đức thâm. Châu táp vi nhiễu tắc tha Hiền Thánh biến, thử Cực Lạc chân nhân duyên dã.

Giải: Thất trùng biểu thị bảy khoa đạo phẩm, tứ bảo biểu thị bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh.

Châu táp nhiễu: Vô lượng trụ xứ của Phật, Bồ Tát v.v... đều bằng bốn báu, ấy là công đức của chính mình sâu xa, châu táp vi nhiễu nghĩa là những vị Hiền Thánh khác đều trọn khắp, đấy chính là nhân duyên thật sự của Cõi Cực Lạc vậy.

Đây là nói tổng quát về sự thù thắng của Tây Phương Thế Giới, sự thù thắng ấy do đâu mà có?

Một là do công đức của chính mình sâu nặng, hai là do các vị Hiền Thánh khác hiện diện trọn khắp. Chúng ta phát nguyện vãng sanh Tây Phương, vì trong Thế Giới Ta Bà này đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức hết sức khó khăn, vì hoàn cảnh tu học có rất nhiều chướng ngại, đâu đâu cũng bị ngăn trở, quấy nhiễu.

Người sanh về Tây Phương được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, lại được ở cùng một chỗ với các vị thượng thiện nhân cõi Tây Phương. Tây Phương Thế Giới không có ai mang ác niệm, được tôn là bậc nhất trong hết thảy Cõi Phật.

Trong đoạn văn này, trong bảy thứ biểu thị pháp, Đại Sư chỉ nêu đại lược một thứ, tức là Thất Khoa Đạo Phẩm.

Thất Khoa Đạo Phẩm chính là ba mươi bảy đạo phẩm, chia thành bảy khoa gồm tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

Tứ bảo là tánh đức, tức thường, lạc, ngã, tịnh. Nói thông thường thì ba thứ pháp thân, bát nhã, giải thoát, mỗi thứ đều có thường, lạc, ngã, tịnh, có thể nói là bốn đức ấy bao gồm trọn khắp hết thảy pháp, nhưng chỉ người kiến tánh mới có. Phàm phu đang mê, đối với bốn chữ này chỉ là hữu danh vô thực. Chúng ta cảm thấy Thế giới này vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

Nếu chính mình không có công đức chân thật, sẽ chẳng thể nào cảm nhận thường, lạc, ngã, tịnh. Mọi sự, mọi vật trong Thế giới ấy đều có bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng chúng ta nhìn không ra mà nghĩ cũng không nổi.

Từ mười phương Thế giới, những người vãng sanh Tây Phương vô lượng vô biên, một mình A Di Đà Phật làm sao có thể chỉ dạy chúng sanh đông đảo như thế?

Đúng là chẳng biết hóa thân của A Di Đà Phật là vô lượng vô biên, hóa thân và chân thân chẳng hai, chẳng khác. Do vậy, mỗi một người vãng sanh đều có thể thấy A Di Đà Phật bất cứ lúc nào. Kinh nói trong Cõi Tây Phương các cây báu rất nhiều, dưới mỗi cội cây báu đều có Tây Phương Tam Thánh thuyết pháp.

Châu táp vi nhiễu là vô lượng hóa Phật, Bồ Tát, Đại Sư gọi là tha Hiền Thánh biến, các vị Hiền Thánh khác trọn khắp. Thông thường, hiền chỉ Tam hiền, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thánh chỉ bậc Bồ Tát đăng địa, từ Sơ địa trở lên. Ở đây, hiền chỉ các Bồ Tát, Thánh chỉ A Di Đà Phật.

Giải: Thử đẳng trang nghiêm, Đồng cư độ thị tăng thượng thiện nghiệp sở cảm, diệc Viên Ngũ Phẩm Quán sở cảm. Dĩ duyên sanh thắng diệu ngũ trần vi thể.

Giải: Có những sự trang nghiêm như thế là vì Cõi Đồng cư do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành, mà cũng do Ngũ Phẩm Quán trong Viên giáo cảm thành, Cõi Đồng cư lấy ngũ trần thù thắng nhiệm mầu do duyên sanh làm thể. Đại Sư lại giải thích nhân duyên của sự trang nghiêm trong bốn cõi.

Nhân duyên thứ nhất: Cõi Đồng cư là do thiện nghiệp tăng thượng cảm thành. Tăng thượng thiện chính là chỉ ư chí thiện, đạt đến chí thiện, thứ thiện nghiệp này cảm thành Cõi Đồng cư. Phàm phu chẳng thể tu tăng thượng thiện.

Ở đây, lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, thật thà niệm Phật chính là tăng thượng thiện nghiệp. Điều thiện thế gian hay xuất thế gian nào cũng chẳng thể sánh với điều thiện này. Điều thiện này có thể làm cho con người thoát khỏi tam giới theo chiều ngang, vãng sanh Tịnh Độ, bất thoái thành Phật.

Huống chi, trong Kinh này, Đức Phật dạy tín nguyện trì danh, thật thà niệm Phật chính là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, lắm nhân duyên. Phàm phu thấy người niệm Phật chẳng có gì đáng nể, nhưng Chư Phật, Bồ Tát thấy người niệm Phật đương nhiên sẽ kính trọng. Bởi lẽ, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Người ấy có thể lập tức thành Phật, long thiên, quỷ thần cùng ủng hộ.

Nhân duyên thứ hai là Cõi Đồng cư tịnh độ do Ngũ Phẩm Quán trong Viên giáo cảm thành. Thiên Thai Trí Giả Đại Sư nương theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh để tu hành, tức là tu các pháp quán tưởng, quán tượng.

Lúc lâm chung, đồ chúng hỏi Ngài sanh về Tây Phương sẽ đạt quả vị nào. Ngài nói địa vị của Ngài chỉ là Ngũ Phẩm trong Viên giáo. Ngũ Phẩm trong Viên giáo chính là Cõi Phàm Thánh đồng cư. Ngài nói cả đời Ngài hoằng pháp lợi sanh, hoàn toàn chẳng chuyên tu.

Ý nằm ngoài lời: Nếu Ngài chuyên tu, phẩm vị ắt cao.

Tông Thiên Thai nói đến Ngũ Phẩm thì: Thứ nhất là tùy hỷ, thứ hai là đọc tụng, thứ ba là giải nói, giảng Kinh, thuyết pháp, thứ bốn là kiêm tu Lục độ, thứ năm là chánh tu Lục độ.

Đây chính là nghiệp nhân của Cõi Phàm Thánh Đồng cư, bao gồm hết thảy pháp môn tu học trong đại thừa, như Kinh Vô Lượng Thọ có nói ba bậc vãng sanh. Nhất tâm Tam bối như Pháp Sư Từ Châu đã giảng là do Ngũ Phẩm Quán trong Viên giáo thành tựu. Dùng sự thành tựu ấy để hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì cũng được vãng sanh.

Cõi Đồng cư dùng ngũ trần thù thắng nhiệm mầu do duyên sanh để làm thể. Duyên chính là nhân duyên sanh pháp, các pháp sanh bởi nhân duyên.

Thế giới này của chúng ta cũng là duyên sanh, nhưng chỗ sai biệt là: Trong Cõi Tây Phương, ngũ trần thù thắng nhiệm mầu, còn ngũ trần của chúng ta chẳng thù thắng mà cũng chẳng nhiệm mầu.

Vì đâu mà có sai biệt?

Hai câu trên đây đã nói rất rõ ràng. Điều kiện tối thiểu để một người sanh về Tây Phương Thế Giới là thiện nghiệp tăng thượng. Chúng ta tạo nghiệp thiện, nghiệp ác, là nhiễm nghiệp, chứ không phải là Tịnh nghiệp. Do vậy, Ta Bà được gọi là uế độ, ô nhiễm nghiêm trọng. Trước hết là tâm địa ô nhiễm, nên biến hiện ra Thế giới toàn là lục trần ô nhiễm.

Giải: Phương tiện tịnh độ, thị tức không quán trí sở cảm, diệc tương tự Tam Quán sở cảm. Dĩ diệu Chân đế, vô lậu ngũ trần vi thể.

Giải: Phương tiện tịnh độ chính là do không quán trí cảm thành, mà cũng do tương tự Tam Quán cảm thành. Dùng vô lậu ngũ trần trong Chân đế mầu nhiệm để làm thể.

Người sanh về Cõi Phương tiện hữu dư đã đoạn kiến tư phiền não, nhưng chưa đoạn trần sa và vô minh. Nghiệp nhân của cõi ấy là không quán trí và tương tự Tam quán. Chúng đều là giáo nghĩa trong Viên giáo.

Tam quán là không, giả, trung. Tương tự Tam quán chính là địa vị tương tự trong Viên giáo, trên thực tế, phương pháp dụng công là nhất tâm Tam quán, tức là trong một niệm viên mãn trọn đủ không, giả, trung.

Đấy là nghiệp nhân của Cõi Phương tiện hữu dư. Tịnh Độ được cảm bởi cái nhân ấy là Chân đế mầu nhiệm, mà cũng là Chân đế chẳng thể nghĩ bàn được nói trong Viên giáo. Vô lậu ngũ trần vi thể.

Ngũ trần vô lậu làm thể: Thế giới này của chúng ta là hữu lậu, còn Tịnh Độ là vô lậu. Lậu là tên gọi khác của phiền não. Có phiền não và vọng tưởng thì là hữu lậu, giống như chén trà có vết nứt, rót nước vào sẽ rịn ra, tỷ dụ trong chân như bổn tánh xuất hiện vấn đề, công đức nơi chân tánh bị rò rỉ mất.

Căn bệnh là do có phiền não, nên bát nhã, trí huệ, vô lượng công đức bị rỉ mất, bị phiền não gây chướng ngại, chẳng thể khởi tác dụng. Dẫu có khởi tác dụng thì cũng như không.

Người trong Cõi Phàm Thánh Đồng cư chưa đoạn phiền não, nhưng sự hưởng thụ là do công đức của A Di Đà Phật biến hiện, nên ngũ trần trong Cõi Đồng cư được gọi là thắng diệu ngũ trần. Bản thân Cõi Phương tiện hữu dư đã có một phần công đức, đồng thời lại được A Di Đà Phật gia bị nên ngũ trần trong Cõi Phương tiện hữu dư gọi là vô lậu ngũ trần.

Giải: Thật Báo tịnh độ, thị diệu giả quán trí sở cảm, diệc phần chứng Tam quán sở cảm. Dĩ diệu Tục đế, vô tận ngũ trần vi thể.

Giải: Thật Báo tịnh độ do giả quán trí mầu nhiệm cảm thành, mà cũng do phần chứng Tam quán cảm thành, lấy vô tận ngũ trần trong Tục đế mầu nhiệm làm thể.

Cõi Phương tiện thiên trọng tu hành cho chính mình, do trí huệ, đức năng của chính mình còn chưa đủ, tuy có lợi tha, nhưng trên thực tế là tự lợi. Cõi Thật báo không giống như vậy, năng lực của chính mình kiện toàn, trí huệ hiển lộ, nên thiên trọng lợi tha. Để lợi tha thì phải nhập giả, nhập Tục đế, đến mười phương Thế Giới giúp Phật giáo hóa. Chúng sanh có cảm, Bồ Tát liền có ứng.

Biết nguyên lý này sẽ chẳng cảm thấy lạ lùng nữa. Pháp thân trọn khắp hết thảy chỗ. Giống như làn sóng vô tuyến điện trọn khắp hết thảy chỗ, chỉ cần bắt đúng băng tần là nghe được.

Bồ Tát hóa thân cũng giống như vậy. Chúng sanh có tâm cảm, còn Phật, Bồ Tát vô tâm mà ứng. Phương thức ứng hiện là tùy loại hóa thân. Trước kia, lý này rất khó hiểu, hiện thời có thể nhờ vào khoa học, kỹ thuật để chứng minh nhiều chuyện chẳng thể nghĩ bàn trong Phật Học.

Tam quán gồm chân, giả, trung: Chân là còn gọi là không quán, tức là quán bản thể của hết thảy các pháp. Giả là quán tướng của hết thảy các pháp.

Diệu Giả Quán Trí tức là biết có chính là không, không chính là có như Tâm Kinh đã dạy: Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Đó gọi là diệu, mà cũng có thể gọi là Phần chứng tam quán.

Tam quán của Viên giáo chẳng thể nghĩ bàn. Ở đây, từ ngữ Diệu giả quán trí chỉ quán trí của những vị Phần chứng Bồ Tát trong Viên giáo, tức bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ. Trong Tịnh Tông, Diệu giả quán trí được gọi là lý nhất tâm bất loạn.

Do Diệu giả quán trí cảm được Cõi Tịnh Độ là diệu Tục đế, nó cũng là Tục đế chẳng thể nghĩ bàntrong Viên giáo, vừa là chân, vừa là giả, vừa là trung.

Quán trí trong một niệm có thể giác quán không, giả, trung. Sắc tướng bên ngoài đích thực là không, giả, trung, đó là Tam đế, Chân đế, Tục đế, Trung đế chẳng thể nghĩ bàn, không một pháp nào chẳng phải là Tam đế mầu nhiệm. Vô tận ngũ trần vi thể.

Vô tận ngũ trần làm thể của Cõi Thật báo giống như Kinh Hoa Nghiêm đã nói: Thế giới vô lượng vô biên. Nơi hết thảy phàm phu sanh tử luân hồi cũng chính là nơi Chư Phật, Bồ Tát tiếp dẫn, độ thoát chúng sanh. Chúng sanh vô lượng, Thế giới vô biên, Chư Phật, Bồ Tát cũng vô lượng vô biên. Vô tận ngũ trần làm thể hiển thị Phật Pháp rộng lớn vô biên.

Giải: Thường tịch quang độ, thị tức Trung quán trí sở cảm, diệc cứu cánh Tam quán sở cảm, dĩ diệu Trung đế, xứng tánh ngũ trần vi thể.

Giải: Cõi Thường tịch quang do trung quán trí cảm nên, mà cũng do cứu cánh Tam quán cảm nên, dùng ngũ trần xứng tánh trong Trung đế mầu nhiệm làm thể.

Đến chỗ này, quả vị Phật siêu việt bốn mươi mốt địa vị Bồ Tát. Khi ấy, vô minh phiền não hoàn toàn đoạn sạch, công đức nơi tự tánh viên mãn, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào, chân tướng của nhân sinh và vũ trụ mới hiện tiền. Trung quán trí được nói ở đây chính là cứu cánh Tam quán, tức là đã đạt đến cảnh giới viên mãn rốt ráo trong sự tu học của đại thừa.

Thiên Thai Đại Sư nói Tam chỉ, Tam quán, nội dung của pháp ấy xuyên suốt Tông Môn, Giáo Hạ. Tuy Tịnh Tông chuyên niệm một câu Phật hiệu, công phu niệm Phật hiệu có sâu hay cạn khác nhau, nhưng xét trên cảnh giới thì cũng chẳng trái nghịch nguyên tắc Tam quán.

Chẳng hạn như Tịnh Tông thường nói tới sự nhất tâm bất loạn và lý nhất tâm bất loạn. Còn như công phu thành phiến cũng được gộp trong sự nhất tâm bất loạn là vì thành phiến chính là công phu ở mức độ cạn nhất của sự nhất tâm bất loạn.

Có thể khống chế kiến tư phiền não chẳng cho chúng nó hiện hành thì gọi là thành phiến. Nếu đoạn được kiến tư, thì là viên mãn chứng được sự nhất tâm, đoạn được bốn mươi mốt phẩm vô minh chính là viên mãn chứng được lý nhất tâm.

Nếu một câu Phật hiệu cũng trải qua những cảnh giới này, tương ứng với nội hàm của phép chỉ quán như Thiên Thai Đại Sư đã giảng, Cõi Tịnh Độ cảm được sẽ là Diệu Trung đế. Xứng tánh ngũ trần làm thể, đến lúc ấy, ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hoàn toàn là tự tánh, do tánh đức hiện ra, là lý thể của Cõi Thường tịch quang.

Đoạn văn giải thích này chứa đựng ý nghĩa rất sâu, cảnh giới rất cao, người tu hành đã lâu ít nhiều gì cũng thấu hiểu được mấy phần, đến đây mới là đạt đến rốt ráo viên mãn. Tuy Tây Phương có bốn cõi, nhưng khác với bốn cõi của mười phương Thế giới.

Trong mười phương, bốn Cõi Tịnh Độ khác biệt, trong Cõi Đồng cư chẳng thể thấy được Bồ Tát, La Hán trong Cõi Thật báo hoặc Cõi Phương tiện. Bốn Cõi Tịnh Độ của Tây Phương là Hiền Thánh ở cùng một chỗ. Hễ ai sanh về đó đều có thể thấy được. Các Kinh Điển đại thừa khác chưa hề nói tới chỗ thù thắng này.

Giải: Dục linh dị giải, tác thử phân biệt. Thật Tứ độ trang nghiêm, vô phi nhân duyên sở sanh pháp, vô bất tức không, giả, trung. Sở dĩ Cực Lạc Đồng cư tịnh cảnh, chân, tục viên dung, bất khả hạn lượng, hạ giai phỏng thử.

Giải: Muốn cho người đọc dễ hiểu, nên phân biệt như vậy. Thật ra, sự trang nghiêm trong bốn cõi không gì chẳng phải là pháp do nhân duyên sanh, không gì chẳng chính là không, giả, trung.

Do vậy, tịnh cảnh trong Cõi Đồng cư của Cực Lạc là chân và tục viên dung chẳng thể hạn lượng. Những lời giải thích trong những phần dưới đều phỏng theo cách luận định ở đây.

Trạng huống chân thật trong Tây Phương Thế Giới là bốn cõi viên dung, nhưng Phật hoàn toàn sử dụng những kiến thức thông thường, so đo của phàm phu để giới thiệu cõi Tây Phương cho chúng ta. Nói cõi Tây Phương có các đẳng cấp Thanh Văn, Bồ Tát thì chính là Đức Phật đã nói một cách phương tiện cho chúng ta dễ hiểu.

Chứ thật ra, trạng huống của A Di Đà Phật và Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là: Trên thực tế, tuy có bốn cõi, nhưng viên dung, không hề cách biệt. Nói người, Trời nhằm biểu thị pháp sanh bởi nhân duyên, nói La Hán nhằm biểu thị các pháp do nhân duyên sanh ấy chính là không, nói Bồ Tát nhằm biểu chúng chính là giả, nói Phật nhằm biểu thị chúng chính là trung. Bốn cõi đều là trung.

Ở đây là nói phương tiện, chứ trên thực tế, tịnh cảnh trong Cõi Đồng cư của Cực Lạc là chân và tục viên dung, vừa là không, vừa là giả, vừa là trung chẳng thể hạn lượng.

Giải: Vấn: Tịch quang duy lý tánh, hà đắc hữu thử trang nghiêm?

Đáp: Nhất nhất trang nghiêm, toàn thể lý tánh. Nhất nhất lý tánh, Cụ túc trang nghiêm, phương thị Chư Phật cứu cánh y quả.

Nhược Tịch Quang bất cụ thắng diệu ngũ trần, hà dị Thiên chân pháp tánh?

Giải: Hỏi: Tịch Quang chỉ là lý tánh, sao lại có những thứ trang nghiêm ấy?

Đáp: Trong mỗi một thứ trang nghiêm, toàn bộ cái thể của nó là lý tánh. Mỗi một lý tánh có đầy đủ sự trang nghiêm thì mới là y báo rốt ráo nơi quả vị của Chư Phật.

Nếu Cõi Tịch quang chẳng trọn đủ ngũ trần thù thắng nhiệm mầu thì có khác gì thiên chân pháp tánh?

Hành giả do nghiên cứu Kinh Luận tràn lan quá mức liền nêu ra nghi vấn, cho rằng ba cõi trước trong bốn Cõi Tịnh Độ là sự, còn Cõi Tịch quang là lý.

Sự thì có tướng, chứ lý làm sao có tướng được?

Sao lại nói đến sự trang nghiêm trong Cõi Tịch quang?

Người ấy thật chẳng biết sự và lý là một, chẳng phải hai. Xét theo sự thì có thể nói tới sự trang nghiêm, nhưng xét theo lý, đương nhiên cũng có thể nói tới sự trang nghiêm. Nói theo mặt sự, Cõi Phương tiện, Cõi Thật báo, toàn thể đều do lý thể biến hiện ra.

Do vậy, nói: Mỗi một trang nghiêm, toàn bộ cái thể của nó là lý tánh. Chẳng riêng gì A Di Đà Phật là như thế, mà y báo của hết thảy Chư Phật đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Chỉ là do Bồ Tát và phàm phu nhìn thấy, cảm nhận khác nhau.

Phật là giác chứ không mê, phàm phu là mê chứ chẳng giác, sai biệt ở chỗ này. Nếu luận về lý và sự thì phàm và Thánh giống hệt như nhau.

Nếu Cõi Tịch quang chẳng trọn đủ ngũ trần thù thắng nhiệm mầu thì có khác gì La Hán trong tiểu thừa?

Tiểu thừa La Hán khôi thân diệt trí, nhập Thiên Chân Niết Bàn, thứ gì cũng chẳng có, vạn pháp đều là không, giống như Tứ Không Thiên, nhưng Phật thì có ngũ trần thù thắng mầu nhiệm để lợi lạc khắp các chúng sanh.

A Di Đà Phật!

***