Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI GIẢNG KÝ - TẬP BỐN - A

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ  

YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BỐN - A
 

3.5. MINH GIÁO TƯỚNG

GIẢNG VỀ GIÁO TƯỚNG
 

Giải đệ ngũ, giáo tướng. Thử Đại Thừa Bồ Tát Tạng nhiếp. Hựu thị vô vấn tự thuyết, triệt để đại từ chi sở gia trì, năng linh mạt pháp đa chướng hữu tình, y tư kính đăng bất thoái. Cố đương lai Kinh Pháp diệt tận, đặc lưu thử Kinh trụ thế bách niên, quảng độ hàm thức.

A Già Đà dược, vạn bệnh tổng trì, tuyệt đãi viên dung, bất khả tư nghị. Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy, nhất thiết Chư Phật chi tâm yếu, Bồ Tát vạn hạnh chi tư nam, giai bất xuất ư thử hỹ. Dục quảng thán thuật, cùng kiếp mạc tận. Trí giả tự đương tri chi.

Giải: Thứ năm là giáo tướng. Kinh này thuộc về Đại Thừa Bồ Tát Tạng. Lại là Kinh không ai hỏi mà Phật tự nói, được lòng đại từ triệt để gia trì, có thể khiến cho hữu tình lắm chướng trong đời mạt pháp nương vào Kinh này sẽ mau chóng chứng bất thoái.

Vì thế, trong tương lai khi Kinh Pháp diệt sạch, riêng lưu lại Kinh này một trăm năm trong cõi đời để rộng độ hàm thức. Thuốc A Già Đà trị chung muôn bệnh, dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn.

Tạng sâu mầu của Kinh Hoa Nghiêm, cốt tủy bí mật của Pháp Hoa, tâm yếu của hết thảy Chư Phật, là kim chỉ nam cho vạn hạnh của Bồ Tát, đều chẳng ra ngoài Kinh này. Muốn khen ngợi, nêu bày rộng rãi thì dẫu hết cả kiếp cũng chẳng thể nói trọn, người trí hãy nên tự biết lấy.

Phần này nêu rõ đối tượng của sự dạy học. Trong thế gian có những người chưa thâm nhập, nghiên cứu Kinh này, tưởng niệm Phật là tiểu thừa, là chỉ lo tự giải thoát cho riêng mình. Thật ra, pháp môn này là pháp môn thành Phật viên mãn ngay trong một đời.

Luận theo phương diện giáo tướng Kinh thuộc thể loại giáo pháp nào, so trong các Kinh đại thừa và tiểu thừa thì Kinh này thuộc về đại thừa, trong ngũ thừa thuộc về Bồ Tát thừa, trong mười hai phần giáo, thuộc loại vô vấn tự thuyết. Phương pháp tu trì thích hợp trọn khắp ba căn, mà cũng khế hợp căn cơ nhất đối với kẻ lắm phiền não, nghiệp chướng nặng nề.

Do một đại sự nhân duyên mà Đức Phật xuất hiện trong cõi đời, điều này cũng thuộc về pháp sanh diệt. Pháp vận của Đức Phật là một vạn hai ngàn năm, hiện thời nhằm đúng thời kỳ mạt pháp, vẫn còn hơn tám ngàn năm nữa. Mai sau, Phật Pháp sẽ suy vi dần dần, cuối cùng bị tiêu diệt hẳn.

Có người hoài nghi, hiện thời kỹ thuật ấn loát tiến bộ, phần lớn Kinh Sách đã được tàng trữ trong các thư viện lớn, có thể bảo tồn lâu dài, làm sao bị tiêu diệt cho được?

Hãy nên biết rằng: Kinh Điển tuy chẳng bị tiêu mất, nhưng không ai tin tưởng, đọc tụng, thọ trì thì cũng giống như đã bị tiêu diệt.

Trong Kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật có nói: Trong tương lai, đến cuối thời kỳ mạt pháp, bộ Kinh đầu tiên bị tiêu diệt là Kinh Lăng Nghiêm. Đến khi Phật Pháp diệt tận, do sức oai thần của Đức Phật ban ơn cho chúng sanh nên đặc biệt lưu lại Kinh A Di Đà tồn tại trong cõi đời thêm một trăm năm nữa. Đến khi Kinh Giáo hoàn toàn tiêu mất rồi, vẫn còn có một câu Nam Mô A Di Đà Phật, hễ ai niệm câu này thì vẫn có hiệu quả.

Pháp Môn này giống như thuốc A Già Đà, trị chung muôn bệnh, bất luận căn tánh nào cũng đều thích hợp. Trong hết thảy Kinh, các vị Đại Đức trong ngoài nước xưa nay đều công nhận Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đại diện cho Phật Pháp, nhất là Kinh Hoa Nghiêm, được các tông phái cùng xưng tụng là căn bản, những Kinh khác là cành lá của Kinh Hoa Nghiêm. Đại Sư xưng tụng Kinh này là áo tạng, kho uyên áo, kho sâu mầu của Kinh Hoa Nghiêm.

Pháp môn niệm Phật này có thể khiến cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới mau chóng, bình đẳng thành Phật ngay trong một đời. Bồ Tát trên cầu Phật Đạo, dưới hóa độ chúng sanh, giúp hết thảy chúng sanh mau chóng thành Phật cũng dùng pháp môn này, đều chẳng ra ngoài pháp trì danh niệm Phật của Kinh này.

Trong lời tựa cho bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giải chú giải Kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, tôi có viết một câu như sau: Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà hoàn toàn tương đồng, chẳng qua là đại bổn và tiểu bổn mà thôi, đây là Kinh bậc nhất để mười phương hết thảy Chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật Đạo. Đấy chính là điều chúng tôi cảm niệm sau nhiều năm tu học.

Trong quá khứ đã có người hỏi tôi: Nếu trong Đại Tạng Kinh chỉ lấy một bộ thì thầy sẽ lấy bộ nào?

Tôi nói: Tôi lấy Kinh A Di Đà, lợi ích của Kinh này đối với chúng sanh nếu nói cặn kẽ thì hết cả kiếp vẫn chẳng thể nói trọn.
 

IV. GIẢI THÍCH CHÁNH KINH
 

Giải Nhập văn phân tam: Sơ Tự Phần, nhị Chánh Tông Phần, tam Lưu Thông Phần. Thử tam danh Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Tự như thủ, ngũ quan cụ tồn. Chánh Tông như thân, phủ tạng vô khuyết. Lưu Thông như thủ túc, vận hành bất trệ. Cố, Trí Giả thích Pháp Hoa, sơ nhất phẩm giai vi t, hậu thập nhất phẩm bán, giai vi Lưu Thông.

Hựu nhất thời Tích Bổn nhị môn, các phân tam đoạn, tắc Pháp Sư đẳng ngũ phẩm, giai vi Tích Môn lưu thông. Cái Tự tất đề nhất Kinh chi cương, Lưu Thông tắc pháp thí bất ủng, quan hệ phi tiểu.

Hậu nhân bất đạt, kiến Kinh Văn sảo thiệp nghĩa lý, tiện phán nhập Chánh Tông, trí Tự cập Lưu Thông cẩn tồn cố sáo, an sở xưng sơ ngữ diệc thiện, hậu ngữ diệc thiện dã tai?

Giải: Bước vào phần Kinh Văn, chia thành ba phần: Một là Tự Phần, hai là Chánh Tông Phần, ba là Lưu Thông Phần. Ba phần này gọi là Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Tự giống như đầu, ngũ quan đầy đủ. Chánh Tông như thân, tạng phủ chẳng thiếu. Lưu Thông như chân tay, đi lại không trở ngại. Vì thế, Ngài Trí Giả chú giải Kinh Pháp Hoa, coi một phẩm đầu là Tự Phần, mười một phẩm rưỡi trong phần cuối đều thuộc Lưu Thông Phần.

Lại trong một thời, chia thành hai môn Tích và Bổn, đối với mỗi môn đều chia thành ba đoạn, tức là năm phẩm như phẩm Pháp Sư v.v... đều thuộc Lưu Thông Phần của Tích Môn. Bởi lẽ, Tự Phần ắt phải nêu lên cương lãnh của một bộ Kinh, Lưu Thông Phần chính là pháp thí không úng tắc. Quan hệ chẳng nhỏ.

Người đời sau chẳng thông hiểu, hễ thấy phần Kinh Văn nào dính dáng đôi chút nghĩa lý bèn phán định thuộc phần Chánh Tông, đến nỗi Tự Phần và Lưu Thông Phần chỉ còn là khuôn sáo cũ kỹ, đâu đáng được gọi là những câu nói trong phần đầu cũng tốt lành, những lời nói cuối cùng cũng tốt lành đó ư?

Đoạn văn giảng giải trong phần này nhằm nêu rõ cách phân chia Kinh Văn thành từng khoa. Tại Trung Quốc, dưới thời Đông Tấn, Pháp Sư Đạo An đã chia mỗi bộ Kinh thành ba đoạn lớn, trước đó không hề có lệ này. Thuở ấy, có người chẳng tán đồng làm như vậy là đúng.

Về sau, bộ Phật Địa Luận, tức bản chú giải phẩm Thập Địa của Kinh Hoa Nghiêm của Pháp Sư Thân Quang tại Ấn Độ được truyền đến Trung Quốc, sau khi được dịch ra thì người đọc mới thấy Ngài Thân Quang cũng chia Kinh Văn thành ba phần Tự, Chánh Tông và Lưu Thông. Từ đấy về sau, hết thảy Kinh Văn đều tuân theo cách phân đoạn này.

Cách phân khoa Kinh A Di Đà của Ngẫu Ích Đại Sư có chỗ khác biệt với Cổ Đức nên Ngài đặc biệt nêu lên cách Thiên Thai Trí Giả Đại Sư giảng Kinh Pháp Hoa, gồm Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện, tức là cả ba phần đều tốt lành. Tự Phần giống như đầu, Chánh Tông Phần giống như thân, Lưu Thông Phần như chân tay, cả ba phần đều tốt lành, chẳng phân chia cao thấp.

Trí Giả Đại Sư là một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, nếu quý vị muốn biết cặn kẽ, xin hãy đọc Trí Giả Đại Sư Truyện.

Kinh Pháp Hoa gồm hai mươi tám phẩm, chia thành hai phần trước và sau. Nửa phần trước gọi là Tích Môn, nửa phần sau gọi là Bổn Môn. Tích là nói về sự tướng hoàn toàn hiển lộ trước mặt chúng ta.

Bổn là nói về quả vị đã chứng đắc trong quá khứ. Giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, luận về Tích thì Ngài dùng thân phận Bồ Tát vào thế gian hóa độ chúng sanh. Luận theo bổn, Ngài đã thành Phật từ lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, thả chiếc bè từ, dùng thân phận Bồ Tát giáng thế độ sanh.

Lại như đại đệ tử của Đức Thế Tôn là Ngài Xá Lợi Phất, mang thân phận là tiểu thừa Tứ Quả A La Hán, nhưng Ngài Xá Lợi Phất cũng là Cổ Phật tái lai.

Trong phần Tích Môn của Kinh Pháp Hoa cũng có ba phần Tự, Chánh Tông và Lưu Thông. Phẩm thứ nhất là Tự Phần, từ phẩm thứ hai đến phẩm mười bảy, tức phẩm Phân Biệt Công Đức, là Chánh Tông Phần.

Nửa phần còn lại cho đến phẩm cuối cùng, tức phẩm hai mươi tám, thuộc Lưu Thông Phần. Vì thế, được gọi là Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Đại Sư lại đem hai mươi tám phẩm ấy chia thành hai phần là Bổn Môn và Tích Môn, Tích Môn gồm mười bốn phẩm đầu.

Phẩm thứ mười lăm là Tự Phần của Bổn Môn, từ đó cho tới phẩm thứ mười bảy là Chánh Tông Phần của Bổn Môn, từ phẩm mười tám đến phẩm hai mươi tám đều thuộc về Lưu Thông Phần của Bổn Môn. Do đây, có thể thấy rõ là Kinh Điển từ đầu đến cuối đều tốt lành, như người ăn mật, nếm ở giữa hay chung quanh đều ngọt.

Từ Tự Phần có thể thấy được cương yếu của toàn bộ Kinh, do Lưu Thông Phần nên Kinh có thể lưu truyền mười phương ba đời không bị chướng ngại, quan hệ chẳng nhỏ.

Người đời sau chẳng biết tánh chất trọng yếu của hai phần này, hễ thấy Kinh Văn dính dáng đôi chút nghĩa lý bèn phán định đoạn ấy thuộc vào Chánh Tông Phần, đến nỗi Tự Phần và Lưu Thông Phần chỉ còn là hình thức. Cách phân chia ba phần như vậy là do người đời sau đặt ra, chứ trong lúc giảng Kinh Thế Tôn không phân chia như vậy.

***