Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

PHẬT THUYẾT KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO LƯỢC GIẢNG - TẬP BỐN - A

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT

THÙ THẮNG CHÍ NHẠO LƯỢC GIẢNG

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BỐN - A
 

8.6. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát ngủ nghê có hai mươi lỗi lầm lớn.

Tiếp theo đây là một đoạn Kinh nói ngủ nghê có hai mươi lỗi lầm lớn.

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vân hà danh vi thùy miên trung quá?

Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Thế nào gọi là lỗi lầm của ngủ nghê?

Ngủ nghê có những lỗi hại gì?

Chánh Kinh: Nhược quán sát thời, Bồ Tát ưng đương phát khởi tinh tấn, bất sanh nhiệt não. Nếu lúc Bồ Tát quán sát sẽ phát khởi tinh tấn, chẳng sanh nhiệt não.

Do đây biết rằng: Những lỗi lầm được nói ở đây đều khiến cho chúng sanh sanh nhiệt não, khởi ngu si. Bởi thế, trong đoạn này, Đức Phật và Bồ Tát một người hỏi, một người đáp, nhằm mục đích cho chúng ta nghe ké xong sẽ giác ngộ, thức tỉnh, xa lìa những lỗi lầm đó.

Tiếp theo là Kinh Văn: Chánh Kinh: Phật ngôn: Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát thùy miên quá thất, hữu nhị thập chủng, nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát phát khởi tinh tấn, ý lạc vô quyện.

Phật nói: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát hãy nên quán sát ngủ nghê có hai mươi lỗi, nếu lúc quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát phát khởi tinh tấn, thỏa ý không mệt mỏi.

Chúng ta hãy coi hai câu cuối Phật nói: Tinh tấn, thỏa ý không mệt mỏi. Đây đúng là điều người học Phật chúng ta hướng đến, mong đạt được.

Làm thế nào mới đạt được?

Phải bỏ lìa ngủ nghê mới có thể đạt được. Chúng ta xem tiếp theo đây là hai mươi lỗi của ngủ nghê.

Chánh Kinh: Di Lặc! Vân hà danh vi nhạo ư thùy miên, nhị thập chủng quá?

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi lỗi của ham thích ngủ nghỉ?

Người ham ngủ có hai mươi lầm lỗi.

Chánh Kinh: Nhất giả, giải đãi lãn nọa. Một là lười nhác, biếng trễ. Điều này là chuyện đương nhiên, ham ngủ ắt lười nhác, biếng trễ.

Chánh Kinh: Nhị giả, thân thể trầm trọng. Hai là thân thể nặng nề. Đây cũng là sự thật, nhưng chúng ta thường phớt lờ. Người ngủ nhiều thân thể hiển nhiên thô nặng, nói cách khác là động tác chẳng nhanh nhẹn, chẳng linh hoạt. Trong quá khứ chúng tôi đã từng gặp, trước kia có một vị đồng tu, hiện tại bà đã thay đổi nhiều.

Bà ta từng kể với tôi: Trong quá khứ, lúc chưa học Phật rất ham ngủ, mỗi ngày gần như phải ngủ từ mười mấy đến hai mươi tiếng. Gần như là hai mươi lỗi lầm bà ta đều có đủ cả, chẳng thiếu một điều nào. Đích xác là nhiều thứ bệnh tật đều do đây mà sanh.

Chánh Kinh: Tam giả, nhan sắc tiều tụy. Ba là vẻ mặt tiều tụy. Đích thị là khuôn mặt bệnh hoạn.

Chánh Kinh: Tứ giả, tăng chư bệnh tật. Bốn là, tăng thêm các bệnh tật. Lúc có bệnh, nhất định bệnh nặng thêm. Ngủ nhiều cũng gây ra lắm bệnh.

Chánh Kinh: Ngũ giả, hỏa giới luy nhược. Năm là hỏa giới suy kém. Hỏa giới tức là thân nhiệt. Thân nhiệt chẳng bình thường, so với người khác thân nhiệt sai biệt nhiều, cho thấy thân thể rất yếu.

Chánh Kinh: Lục giả, thực bất tiêu hóa. Sáu là ăn không tiêu. Lúc ngủ, do thân thể không cử động, nhu động sự co bóp của bao tử và ruột rất chậm chạp, quý vị ăn gì tiêu hóa cũng chẳng tốt. Nếu ăn nhiều, lại còn tham ăn thì phiền phức rất lớn.

Chánh Kinh: Thất giả, thể sanh sang pháo. Bảy là thân thể sanh ghẻ chốc. Nói như bây giờ là rất dễ bị bịnh ngoài da. Nếu chẳng thường tắm rửa, chẳng thường thay giặt chiếu mền, lúc quý vị ngủ nhiều, quả thật rất dễ bị bệnh ngoài da.

Chánh Kinh: Bát giả, bất cần tu tập. Tám là chẳng siêng tu tập. Phật dạy chúng ta tu học các pháp môn, nhưng nếu quý vị tham ngủ, ngủ hết sạch thời gian rồi, còn thời gian đâu để tu tập nữa cơ chứ.

Chánh Kinh: Cửu giả, tăng trưởng ngu si. Chín là tăng trưởng ngu si. Ngủ nghê là hôn trầm. Người hôn trầm là ngu si, chẳng có trí huệ.

Chánh Kinh: Thập giả, trí huệ luy liệt. Mười là trí huệ yếu hèn. Trí huệ kẻ ấy rất tệ, trí huệ rất kém.

Chánh Kinh: Thập nhất giả, bì phu ám trược. Mười một là da dẻ tối dơ.

Đây là như chúng ta thường nói: Màu da không tốt. Thoạt nhìn biết ngay kẻ ấy không khỏe, chẳng bình thường.

Chánh Kinh: Thập nhị giả, phi nhân bất kính. Mười hai là phi nhân chẳng kính. Phi nhân chỉ quỷ thần, Hộ pháp thần, đối với người ấy họ đều chẳng sanh lòng cung kính, họ chẳng hộ trì.

Chánh Kinh: Thập tam giả, vi hành ngu độn. Mười ba là hành động ngu độn. Hành có thể hiểu là hành động, mỗi một cử động của kẻ ấy đều rất trì độn, dù nhằm lúc tỉnh táo đi nữa, cũng tựa hồ như đang hôn trầm. Nay chúng ta thường nói là kẻ ấy tinh thần ủy mị, chẳng phấn chấn.

Chánh Kinh: Thập tứ giả, phiền não triền phược. Mười bốn là phiền não trói buộc. Lắm phiền não.

Chánh Kinh: Thập ngũ giả, tùy miên phú tâm. Mười lăm là tùy miên che lấp tâm. Tùy miên là thuật ngữ Phật Học, có nghĩa là chủng tử phiền não. Tập khí, chủng tử phiền não trong A lại da thức gây chướng ngại cho tâm thanh tịnh của quý vị, chướng ngại trí huệ phát sanh. Vì thế, chúng được gọi là tùy miên. Tùy miên là chủng tử của tập khí.

Chánh Kinh: Thập lục giả, bất nhạo thiện pháp. Mười sáu là chẳng ưa pháp lành. Đối với hết thảy pháp lành, chẳng sanh lòng hoan hỷ, mà cũng có thể nói là kẻ ấy chẳng có tinh thần, chẳng nghĩ đến việc làm những pháp lành ấy nữa.

Chánh Kinh: Thập thất giả, bạch pháp giảm tổn. Mười bảy là bạch pháp hao tổn. Bạch pháp là thiện pháp. Kẻ ấy điều thiện ngày một ít, làm ác ngày một nhiều.

Chánh Kinh: Thập bát giả, hành hạ liệt hạnh. Mười tám là làm hạnh hèn kém. Hạ liệt hạnh là điều ác kẻ ấy làm ngày càng chồng chất, điều thiện ngày càng giảm ít.

Chánh Kinh: Thập cửu giả, tắng hiềm tinh tấn. Mười chín là ghét hiềm người tinh tấn. Kẻ ấy vẫn có tâm ganh tỵ. Thấy người khác ít ngủ nghỉ, dụng công nhiều, rất tinh tấn, bèn ghen ghét, hiềm hận, giận dữ.

Chánh Kinh: Nhị thập giả, vị nhân khinh tiện. Hai mươi là bị người khác khinh rẻ. Đừng nói là người tu hành, ngay cả mọi người trong thế gian, ai nấy thấy hành vi kẻ ấy như thế thảy đều khinh rẻ, cũng chẳng nể nang kẻ ấy.

Chánh Kinh: Di Lặc! Thị vi Bồ Tát nhạo ư thùy miên nhị thập chủng quá.

Di Lặc! Đây là hai mươi lỗi của Bồ Tát ham thích ngủ nghỉ. Hai mươi lỗi này Đức Phật đã nói ra, chúng ta phải suy nghĩ kỹ. Phần lớn chúng ta đều có thể hiểu được, nhưng nhất định phải hiểu ngủ nghê là hôn trầm, hôn trầm tăng trưởng vô minh, nên nó là một phiền não rất nặng đấy nhé.

Những người khéo công phu trong thế gian đều chẳng cần ngủ nhiều. Ngủ là một trong năm dục vọng tài, sắc, danh, thực, thùy. Trong Tam Giới, chỉ Dục Giới mới có ngủ nghê. Nếu lên đến Trời Sắc Giới, năm thứ ấy đều chẳng còn nữa.

Người Cõi Trời Sắc Giới chẳng cần tài, chúng ta tham của cải. Nếu quý vị bỏ được tánh tham của cải, quý vị sẽ có tư cách lên được Trời Sắc Giới. Đoạn được Tài rồi, đoạn được sắc rồi, sắc tức là tình dục nam nữ, đoạn sạch rồi, không còn nữa. Danh, họ cũng chẳng cần.

Thực, ăn uống: Họ chẳng cần ăn thứ gì. Họ cũng chẳng cần ngủ nữa. Người Cõi Trời Sắc Giới chẳng có ăn uống, chẳng có ngủ nghê.

Quý vị nghĩ coi: Họ chẳng ăn uống thì cần dùng tiền để làm chi đây?

Bởi thế, họ chẳng tham tài.

Vậy họ duy trì sanh mạng bằng cách nào?

Lấy Thiền Duyệt làm thức ăn. Đây là điều phàm phu chúng ta không cách chi tưởng tượng được. Tự nhiên tinh thần họ no đủ, thọ mạng dài lâu, thanh xuân mãi mãi, chẳng già cả chi.

Người Cõi Trời Sắc Giới đắc thiền định, thiền định là tâm thanh tịnh. Do đây biết rằng, quý vị chưa lìa bỏ năm thứ dục ấy sẽ quyết định ở trong Dục Giới, chẳng thể ở Sắc Giới.

Do đó biết rằng, đừng nói gì là Phật, Bồ Tát, A La Hán bỏ sạch được những dục ấy, ngay cả phàm phu bậc cao trong thế gian, người Cõi Trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới cũng đều bỏ sạch được. Bởi thế, Đức Phật dạy người tu đạo chúng ta càng ít năm món dục ấy càng hay, biết chúng là phiền não, chẳng phải là những điều tốt. Phải ít ngủ, ít ăn.

Ăn ít thì thân thể quý vị mới khỏe mạnh đấy nhé. Ngàn vạn phần chớ nên mê hoặc, cứ tưởng nhất định phải ăn những đồ ngon, uống những thuốc bổ thì thân thể mới khỏe, gạt người cả đấy. Chẳng hề có đạo lý ấy đâu.

Quý vị giở sách lịch sử ra mà xem, những Đế vương, Đại thần, hào môn, nhà giàu có, quyền uy, quý tộc Trung Quốc thời cổ, ngày ngày đều dùng các đồ bổ tốt nhất trong thế gian, nhưng thọ mạng chẳng dài, chẳng phải là những thí dụ rõ rệt đấy ư?

Quý vị hãy quan sát kỹ, đừng có bị dối gạt nữa. Những điều Phật dạy chúng ta là thật, chẳng phải giả đâu. Chất dinh dưỡng tốt nhất là tâm thanh tịnh. Chất bổ tốt nhất là ít dục vọng, càng ít càng tốt.

Ăn uống, mỗi ngày quý vị có thể ăn một bữa là tốt nhất, quý vị nói xem có phải là bớt việc hay không?

Ăn một bữa được không?

Tuyệt đối là được.

Hiện tại vì sao quý vị chưa làm được?

Vì quý vị nghĩ là không được, nên không có cách chi làm được. Trong Phật Pháp thường nói hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh.

Trong tâm quý vị nghĩ: Mỗi ngày nhất định ta phải ăn ba bữa, một bữa không ăn sẽ bị đói.

Nếu quý vị nghĩ: Ta mỗi ngày chỉ ăn một bữa, chẳng cần phải ăn tới ba.

Ui cha! Quý vị ăn một bữa, hôm ấy chẳng đói. Đây là vấn đề quan niệm, chuyển được ý niệm sẽ đoạn được việc ấy.

Tôi thường giảng Kinh ở ngoại quốc, người ta trông thấy hỏi: Pháp Sư! Thật ra thầy dùng thuốc bổ gì vậy?

Tôi thấy thân thể ngài khỏe mạnh, dung mạo tươi tốt quá.

Tôi nói: Tôi thật sự có thuốc bổ là nước máy từ công ty nước máy của Đài Loan đấy. Nếu có ai pha trà, tôi uống trà, không ai pha trà, tôi chẳng tự mình nấu trà.

Vì sao vậy?

Phiền phức quá! Một chén nước sôi giải khát được rồi, ít phiền, bớt việc. Có nhiều người cứ tưởng tôi rất sành trà, thật ra, tôi chẳng sành trà. Trà dở, trà ngon, tôi chẳng phân biệt được. Bởi thế, quý vị cúng dường tôi thứ ngon lành gì rất uổng. Thật ra, tôi chẳng biết.

Lơ mơ thôi. Chẳng qua, tôi chỉ biết trà người ta tặng tôi đều là trà ngon cả, tôi đem quà ấy tặng cho người khác. Bởi thế, chỉ cần tâm quý vị thanh tịnh, chẳng phân biệt, chẳng nhiễm trước, ắt sẽ mạnh khỏe, sống lâu. Ăn uống càng đơn giản càng tốt.

Trước kia, Thầy Lý thường dặn tôi: Đừng vào quán ăn thứ gì, hàng quán thiếu vệ sinh, anh chưa vô nhà bếp coi họ làm, vô đó coi anh sẽ hiểu họ làm như thế nào. Bởi thế, có ai mời tôi ra tiệm ăn thứ gì, về nhà tôi phải uống thuốc giải độc. Tốt nhất là đừng ăn ở ngoài, càng đơn giản càng khỏe mạnh, càng đơn giản càng sống lâu.

Trùng tụng: Tiếp theo đây, chúng ta thấy có hai mươi bài kệ tụng.

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:

Thân trọng, vô nghi kiểm,

Giải đãi, thiểu kham nhậm,

Nhan sắc vô quang trạch,

Thị nhạo thùy miên quá.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Thân nặng, thiếu oai nghi,

Biếng nhác, thiếu năng lực,

Dung mạo chẳng tươi tắn,

Là lỗi thích ngủ nghê.

Ham thích ngủ thân thể nặng nề. Nghi là oai nghi, đương nhiên chẳng có oai nghi, chẳng cần phải nói nữa. Kiểm là tự mình kiểm điểm, kẻ ấy cũng chẳng kiểm điểm, cho nên biếng nhác, thiếu oai nghi.

Kham nhiệm là năng lực đảm nhiệm công tác, họ mất hết, chẳng có năng lực làm nổi việc gì, đương nhiên kể cả việc tu đạo, chẳng có năng lực tu đạo. Câu dung mạo chẳng tươi tắn nói đến thể chất người đó.

Chánh Kinh: Bỉ nhân thường bệnh não. Kẻ ấy thường bệnh khổ. Lắm bệnh, lắm phiền não.

Chánh Kinh: Phong hoàng đa tích tập. Phong hoàng chất chứa nhiều. Có nghĩa là thân thể chẳng mạnh khỏe.

Chánh Kinh: Tứ Đại hỗ vi phản. Tứ Đại trái nghịch nhau. Tứ Đại là Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Tứ Đại chẳng điều hòa sẽ thường sanh bệnh, đây đều là do ngủ nhiều gây ra.

Chánh Kinh:

Ẩm thực bất tiêu hóa,

Thân thể vô quang nhuận,

Thanh tê, bất thanh triệt,

Thị nhạo thùy miên quá.

Ăn uống chẳng tiêu hóa,

Thân thể chẳng tươi nhuận,

Tiếng rè, chẳng rõ ràng,

Là lỗi thích ngủ nhiều.

Thanh tê là âm thanh rè đục, nói năng chẳng rõ ràng. Đấy là lỗi hại của việc ngủ nhiều.

Chánh Kinh:

Kỳ thân sanh sang pháo,

Trú dạ thường hôn thùy,

Chư trùng sanh cơ quan,

Thị nhạo thùy miên quá.

Thân mình sanh ghẻ chốc,

Ngày đêm thường mê mờ,

Trùng lắm dịp sanh trưởng,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Trùng bây giờ ta thường gọi là vi sinh vật và ký sinh trùng. Xác thực là người ngủ nhiều, trong nội tạng có nhiều ký sinh trùng, có những ký sinh trùng chẳng hại gì đến thân thể, nhưng cũng có ký sinh trùng có hại. Những loại thông thường này ai cũng có. Cơ quan nói theo cách bây giờ là cơ hội, ham ngủ nghỉ tạo nhiều cơ hội cho ký sinh trùng sanh trưởng.

Chánh Kinh:

Thoái thất ư tinh tấn,

Phạp thiểu chư tài bảo,

Đa mộng, vô giác ngộ,

Thị nhạo thùy miên quá.

tinh tấn bị lui sụt,

Thiếu thốn các của báu,

Lắm mộng, không giác ngộ,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Người ngủ nhiều đương nhiên tinh tấn chẳng cần bàn đến nữa. Ưa ngủ nghê, năng lực công tác kém người khác, cơ hội kiếm tiền cũng chẳng nhiều. Đó là nguyên nhân thiếu thốn các của báu. Người hôn trầm nhiều là đa mộng, đa mộng bèn chẳng giác ngộ. Bởi thế người ngủ ngon, người tâm địa thanh tịnh, rất ít mộng.

Những mộng cảnh, cảnh trong mộng mà người phàm mộng thấy, nếu quý vị lưu ý sẽ có thể dùng những mộng cảnh ấy để khảo nghiệm công phu của chính mình: Ta học Phật nhiều năm như vậy có tiến bộ hay không?

Nói chung, trước khi học Phật thường gặp ác mộng, cảnh trong mộng hết sức hỗn loạn. Sau khi học Phật, vọng niệm ít đi, tâm dần dần thanh tịnh, dù có nằm mộng, ác mộng ít hẳn. Thậm chí không còn ác mộng nữa, ấy là công phu của quý vị đã tiến lên một nấc.

Nếu từ mộng ít, tiến đến không mộng, công phu của quý vị bèn lại tăng thêm một nấc nữa. Đến lúc chẳng có mộng cảnh, sẽ như Đức Phật đã nói ngủ bốn giờ, tinh thần quý vị nhất định khôi phục rất sung mãn.

Thường nằm mộng là giấc ngủ chẳng ổn, thân thể dù nghỉ ngơi, tinh thần chẳng ngơi nghỉ, nên lúc quý vị thức dậy, vẫn cảm thấy rất thiếu ngủ, rất mệt mỏi, đạo lý ở chỗ này. Mọi người chúng ta ngủ không sâu, ngủ không ngon, là do mộng nhiều quá.

Chánh Kinh: Si võng thường tăng trưởng. Lưới si thường tăng trưởng. Võng tỷ dụ rất nhiều, rất phức tạp. Ngu si tăng trưởng.

Chánh Kinh: Nhạo trước ư chư kiến. Vui chấp vào các kiến. Kiến nói theo cách bây giờ là cách nghĩ, cách nhìn rất nhiều. Toàn là suy bậy nghĩ bạ.

Chánh Kinh: Xí thịnh nan liệu trị. Lừng lẫy khó chữa trị. Quý vị vọng tưởng, chấp trước rất nhiều, thật chẳng dễ đối trị.

Vì sao chẳng dễ đối trị?

Quý vị ngủ nhiều quá.

Chánh Kinh:

Tổn giảm ư trí huệ,

Tăng trưởng ư ngu si,

Trí huệ bị tổn giảm,

Ngu si càng tăng trưởng.

Trí huệ giảm ít, ngu si tăng trưởng.

Chánh Kinh:

Chí ý thường hạ liệt,

Thị nhạo thùy miên quá.

Chí ý thường kém hèn,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Người ấy chẳng có chí hướng cao thượng.

Chánh Kinh:

Bỉ trụ A Lan Nhã,

Thường hoài giải đãi tâm,

Phi nhân đắc kỳ tiện,

Thị nhạo thùy miên quá.

Kẻ ấy trụ Lan Nhã,

Thường ôm lòng giải đãi,

Phi nhân thừa dịp hại,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Người tham ngủ, biếng nhác, lười trễ như thế nếu ở nơi A Lan Mã lại càng thuận tiện: Không ai quấy nhiễu, ngủ càng lâu.

Có chuyện đó hay không?

Có hạng người như thế đấy!

Tôi từng gặp hai vị bế quan, bế quan làm gì?

Bế quan để ngủ. Sau khi bế quan ra, các tín đồ tôn trọng, cúng dường, thật phi thường, bế quan mà. Nhưng là bế cái quan nào đâu ai biết. Bế quan để ngủ, trong quan phòng ngủ đẫy giấc.

Tuổi vị Pháp Sư ấy không chênh lệch tuổi tôi nhiều lắm, đã qua đời lâu rồi. Lúc ông ta bế quan, hỏi mượn tôi Kinh Sách, tôi thu thập rất nhiều bản Kinh Sách hay, ông ta hỏi mượn để dụng công trong quan phòng, tôi cũng rất hoan hỷ.

Ông ta mượn tôi bộ Trung Quán Luận Sớ, in mộc bản, sách đóng gáy bằng chỉ khâu, gồm mười hai quyển. Đến năm thứ hai ông ta bế quan đã được một năm rồi tôi đến thăm ông.

Ông kể cho tôi nghe những chuyện trong giới Phật Giáo: Tình hình của vị Pháp Sư Chùa này nọ, kể lể rất tường tận, tôi chẳng biết gì cả. Ông ta ở trong quan phòng mà chuyện gì cũng biết, tôi hằng ngày ở ngoài mà chẳng biết chi cả.

Tôi lại hỏi ông ta: Thầy xem bộ Trung Quán Luận Sớ xong chưa?

Ông ta bảo tôi: Mười hai cuốn mới xem được nửa cuốn, cuốn thứ nhất vẫn chưa xem xong.

Chẳng phải là bế quan để ngủ tít mù hay sao?

Chẳng những là ngủ tít mù, nói chung là hằng ngày thường gặp gỡ người khác, lại còn săn tin, cho nên chuyện gì bên ngoài cũng biết cả. Thế là ý nghĩa bế quan đã mất rồi. Bế quan là tìm một nơi thanh tịnh để chân chánh dụng công. Dũng mãnh tinh tấn, lìa bỏ hết thảy những sự việc tạp nhạp của thế gian.

Tôi từng gặp hai người như vậy. Đó là Trụ a lan nhã, thường ôm lòng giải đãi, phi nhân thừa dịp hại. Phi nhân thừa dịp hại là dễ bị ma dựa. Yêu ma quỷ quái thấy biết tâm tư, ý niệm, hành vi của kẻ ấy nên dễ dàng thao túng, khống chế, ta gọi là ma dựa. Sau khi bị ma dựa, kẻ ấy bị ma lợi dụng. Đó là lỗi của ngủ nghê.

Chánh Kinh: Mông hội thất chánh niệm. Mờ mịt mất chánh niệm. Mông hội nói theo cách bây giờ là hồ đồ, ngu si, hồ đồ đánh mất chánh niệm.

Chánh Kinh: Phúng tụng bất thông lợi. đọc tụng chẳng trôi chảy. Nghĩa là đọc Kinh nhưng chẳng hiểu ý nghĩa Kinh, thường quên mất Kinh Văn.

Chánh Kinh:

Thuyết Pháp đa phế vong,

Thị nhạo thùy miên quá.

Thuyết pháp thường quên mất,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Lúc giảng Kinh thuyết pháp, cũng thường hiểu lầm ý Phật, hiểu lệch lạc, quên mất nghĩa chân thật.

Chánh Kinh:

Do si khởi mê hoặc,

Trụ ư phiền não trung,

Kỳ tâm bất an lạc,

Thị nhạo thùy miên quá.

Do si khởi mê hoặc,

Trụ ở trong phiền não,

Trong lòng chẳng yên vui,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Đó là hiện tượng tất nhiên do ngu si. Vì ngu si ngu si nên khởi mê hoặc, đối với thế pháp lẫn Phật Pháp đều chẳng thông đạt, hiểu rõ. Chẳng thông đạt hiểu rõ thì nhất định nghi hoặc trùng trùng, đương nhiên là sanh phiền não, chẳng thể được khinh an. Tâm được yên vui là lợi ích đầu tiên mà người học Phật chúng ta phải đạt được.

Học Phật có gì hay?

Cái hay đầu tiên là thân tâm yên vui. Nếu chẳng đạt được điều này, quý vị phải nghiêm túc kiểm điểm, phản tỉnh, nhất định quý vị đã học Phật sai lệch, lầm lạc. Nếu không, nhất định phải đạt được lợi ích này.

Đây chỉ là công phu nông cạn, chưa phải là công phu rất sâu. Phải đạt được công phu nông cạn nhất, phải đạt lợi ích nhỏ nhất này. Do vậy, chưa học Phật ít phiền não, càng học càng nhiều phiền não, càng học áp lực càng nặng, thì lầm mất rồi, quý vị đi vào ma đạo mất rồi.

Ma là gì?

Là vùi dập quý vị. Quý vị chịu sức ép, bị đau khổ là quý vị học ma chứ phải đâu là học Phật. Học Phật nhất định phải được hai thứ yên và vui. Kẻ này chẳng đạt được an lạc là do đã phạm phải lỗi lầm tham ngủ nghê đó mà.

Chánh Kinh:

Công đức giai tổn giảm,

Thường sanh ưu hối tâm,

Tăng trưởng chư phiền não,

Thị nhạo thùy miên quá.

Công đức đều tổn giảm,

Thường sanh lòng buồn hối,

Các phiền não tăng trưởng,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Đây cũng là lỗi lầm do ham ngủ. Công đức khác với phước đức, quý vị phải nhớ cho rõ ràng, rành rẽ. Công là công phu, một phần công phu đạt một phần thâu hoạch, điều ấy gọi là đức ví như trì giới hữu công, thiền định là đức. Tu định hữu công, khai trí huệ là đức.

Nếu quý vị trì giới chẳng đắc định thì giới là phước đức, chẳng phải là công đức, bởi lẽ rốt ráo chẳng có đức. Trì giới phải đắc định. Có nhiều người trì giới rất giỏi, giới luật rất tinh nghiêm, nhưng chẳng đắc định.

Vì sao chẳng thể đắc định?

Tâm kẻ ấy tán loạn, tự mình trì giới giỏi hơn người khác, trông thấy người khác liền cảm thấy đáng nên kiêu ngạo, kiêu ngạo như thế sẽ chẳng đắc định, vì lầm lẫn rồi. Bởi vậy, trong Kinh này, câu đầu tiên Phật dạy chúng ta là chẳng cầu lỗi người khác, chẳng nêu tội người khác rất có đạo lý đó nghe.

Lục Tổ từng nói: Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian. Quý vị trì giới rất giỏi, chẳng thấy lỗi người khác, quý vị bèn đắc định, tâm thanh tịnh hiện tiền.

Tự mình giới luật rất tinh nghiêm, thấy người này chẳng trì giới, thấy người khác phá giới, kẻ nọ phạm tội, là xong rồi, làm sao quý vị đắc định cơ chứ?

Dù trì giới rất giỏi, vẫn chỉ là một chút si phước trong lục đạo đó thôi, làm sao gọi là công đức cho được?

Chẳng có công đức gì. Người tham ngủ chẳng thể thành tựu công đức đâu à. Thường sanh lòng buồn hối, tăng trưởng các phiền não.

Chánh Kinh:

Viễn ly chư thiện hữu,

Diệc bất cầu chánh pháp,

Thường hành phi pháp trung,

Thị nhạo thùy miên quá.

Xa lìa các bạn lành,

Cũng chẳng cầu chánh pháp,

Thường làm chuyện phi pháp,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Thiện hữu quá nửa là người tinh tấn, dũng mãnh, quý vị tham ngủ làm sao hợp với họ cho được?

Chẳng phải là đồng loại mà. Bạn lành tự nhiên xa lánh quý vị, quý vị tự xa lánh bạn lành, quý vị cũng khó cầu chánh pháp. Hành động như thế tất nhiên trái nghịch lời Phật răn dạy, nên gọi là phi pháp.

Chánh Kinh:

Bất hân cầu pháp lạc,

Tổn giảm chư công đức.

Viễn ly ư bạch pháp,

Thị nhạo thùy miên quá.

Chẳng vui cầu pháp lạc,

Tổn giảm các công đức,

Xa lìa các pháp lành,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Chẳng thể vui thích học Phật, chẳng thể vui thích cầu pháp, nên pháp lạc, pháp hỷ cũng chẳng thể đạt được. Bởi đó, hết thảy những điều kẻ ấy tu học đều chẳng có công đức.

Nói theo cách bây giờ, không có công đức là chẳng có hiệu quả, chẳng có thành tích. Công đức nói theo cách bây giờ là hiệu quả, là thành tích. Dù tu học nhưng chẳng gây được thành tích, quý vị học mà chẳng đạt được mục tiêu dự định.

Ví như công đức của người niệm Phật chúng ta là gì?

Chẳng phải nói mỗi ngày tôi niệm mười vạn câu Phật hiệu, mỗi ngày tôi tụng mười bộ Kinh Vô Lượng Thọ là có công đức đâu nhé.

Chẳng phải vậy, mà là quý vị ra sức công phu rồi cuối cùng có đạt được gì hay không?

Nếu có đạt được thì quý vị tu mới có công đức, công đức là sau khi dụng công đạt được đấy mà.

Đạt được cái gì?

Mức thấp nhất là công phu thành phiến.

Thế nào là công phu thành phiến?

Quý vị công phu sao cho dẹp yên hết vọng tưởng, tạp niệm, phiền não, chẳng cho chúng khởi tác dụng, thì gọi là công phu thành phiến.

Ta niệm Phật để làm gì?

Dùng Phật để chèn ép tâm tham chẳng cho nó khởi tác dụng. Gặp chuyện chẳng vừa ý, tâm phiền não khởi lên, A Di Đà Phật bèn đè phiền não xuống, thật sự đè nén được, thật sự chẳng khởi tác dụng. Niệm danh hiệu Phật là Công, đè nén được gọi là đức. Chẳng thể nói một mặt niệm Phật, một mặt khởi phiền não. Như vậy là chẳng có tác dụng chi hết.

Niệm Phật như thế chẳng gọi là công đức. So ra chỉ tốt hơn nói bậy bạ, chửi người khác một chút thôi, chẳng có công đức. Công phu sâu hơn nữa là sự nhất tâm bất loạn, công phu cao hơn nữa là lý nhất tâm bất loạn, đó gọi là công đức. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải minh bạch điều này.

Kẻ kia chẳng có tâm chân chánh vui thích cầu pháp, nên đương nhiên chẳng có thành tích, đương nhiên chẳng có hiệu quả?

Xa lìa các bạch pháp: Hết thảy thiện pháp đều chẳng sanh.

Chánh Kinh:

Bỉ nhân tâm khiếp nhược,

Hằng thiểu ư hoan hỷ,

Chi phần đa luy sấu,

Thị nhạo thùy miên quá.

Kẻ ấy tâm khiếp nhược,

Luôn luôn ít vui mừng,

Chi phần hay yếu gầy,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Bài kệ này ý nói kẻ ngủ nhiều thân tâm chẳng khỏe mạnh. Tâm khiếp nhược là trong tâm chẳng khang kiện, lắm nỗi ưu tư, ít vui vẻ. Câu chi phần… ý nói tứ chi, tay chân trên thân đều rất gầy yếu. Đó là thân thể chẳng khang kiện.

Chánh Kinh:

Tự tri thân giải đãi,

Tật đố tinh tấn giả,

Nhạo thuyết kỳ quá ác,

Thị nhạo thùy miên quá.

Tự biết mình giải đãi,

Ganh ghét người tinh tấn,

Thích nói lỗi kẻ ấy,

Là lỗi thích ngủ nghỉ.

Bản thân kẻ ấy chẳng tinh tấn, giải đãi, tham ngủ, kẻ ấy cũng tự biết, nhưng đối với người tinh tấn dụng công vẫn cứ ghen ghét, vẫn kể tật xấu của người ấy, vẫn kể lỗi lầm của người ấy. Tạo nghiệp đấy. Đấy thật là tội chồng thêm tội.

Chánh Kinh:

Trí giả liễu kỳ quá,

Thường ly ư thùy miên.

Kẻ trí rõ lỗi ấy,

Thường rời thói ngủ nghỉ.

Phật dùng hai câu này cảnh tỉnh chúng ta, người có trí huệ biết rõ lỗi hại của ngủ nghê, cho nên thường rời thói ngủ nghỉ, rời thói ngủ nghỉ là như Đức Phật dạy ta ngủ vào lúc trung dạ.

Sơ dạ là từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm, hậu dạ là cuối đêm, nói theo bây giờ là từ hai giờ sáng đến sáu giờ sáng. Phật dạy chúng ta thời gian ngủ là bốn tiếng đồng hồ, mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy.

Thật sự, hiện tại chúng ta làm không được, chúng ta nghiệp chướng rất nặng, ngủ bốn tiếng quả thật thể lực không khôi phục được, bởi thế phải ngủ sáu tiếng. Ngủ sáu tiếng thì nếu như mười giờ đêm đi ngủ, bốn giờ sáng thức dậy. Nói chung, mọi Đạo tràng hiện tại của chúng ta đều như vậy. Bốn giờ sáng thức dậy tụng khóa sáng, đó là đã trừ hao rồi.

Chánh Kinh: Ngu nhân tăng kiến võng. Kẻ ngu tăng lưới kiến. Tăng là tăng trưởng, kiến là tà tri tà kiến.

Chánh Kinh:

Vô lợi, tổn công đức,

Trí giả thường tinh tấn,

Cần tu thanh tịnh đạo.

Không lợi, tổn công đức,

Bậc trí thường tinh tấn,

Siêng tu đạo thanh tịnh.

Một đằng là người ngu si, một đằng là người trí huệ giác ngộ, hành vi chẳng giống nhau.

Chánh Kinh:

Ly khổ đắc an lạc,

Chư Phật sở xưng thán.

Lìa khổ được yên vui,

Được Chư Phật khen ngợi.

Ngủ nghỉ là khổ, chẳng phải là chuyện vui, huống gì là tham ngủ. Bởi lẽ, nó có nhiều điều lỗi hại như vừa thuật ở trên.

Chánh Kinh:

Thế gian chư kỹ nghệ,

Cập xuất thế công xảo,

Giai do tinh tấn lực,

Trí giả ưng tu tập.

Các kỹ nghệ thế gian,

Cùng tài khéo xuất thế,

Đều do sức tinh tấn,

Bậc trí nên tu tập.

Các thứ kỹ thuật, kỹ năng thế gian cho đến các tài khéo xuất thế gian đều sanh từ tinh tấn, tuyệt đối chẳng phải là kẻ biếng nhác có thể đạt được. Hiện tại trong thế giới này, do giao thông thuận tiện, nhanh chóng, thông tin phát triển, người ngoại quốc đã nhìn người Trung Quốc chúng ta bằng con mắt khác.

Trong quá khứ họ xem thường người Trung Quốc, chẳng tiếp xúc với người Trung Quốc, chỉ nghe nói mà thôi: Người Trung Quốc rất ngu si, rất vụng về, cho nên họ xem thường. Khi xưa, người Tàu ra ngoại quốc, chẳng hạn như Mỹ Quốc đều làm cu ly coolie, chẳng phải là nghề nghiệp cao quý gì.

Hiện Tại Giao thông thuận tiện, nhanh chóng, thông tin phát đại, chúng ta đi ra ngoài nhiều, người ngoại quốc hiểu rồi, họ nói theo lương tâm: Nếu đem so từng người một trên thế giới với nhau, người Trung Quốc hạng nhất. Trí huệ, tài nghệ người Trung Quốc không ai sánh bằng, họ hết sức bội phục. So sánh từng hai người một, người Do Thái bậc nhất. So sánh từng ba người một, người Nhật Bản bậc nhất.

Điều này cho thấy người Trung Quốc tuy hết sức ưu tú, thông minh, nhưng chẳng đoàn kết chi cả. Mạnh ai nấy làm, không hợp tác. Tôi đến Nữu Ước hoằng pháp lần thứ nhất vào năm 1983, gặp người ngoại quốc nói với tôi như thế. Rốt cục, vẫn là chẳng coi trọng, vẫn là xem nhẹ người Trung Quốc, vẫn coi thường.

Nói với tôi điều ấy xong, cuối cùng, ông ta hỏi tôi: Người Trung Quốc các ông vì sao không đoàn kết?

Câu hỏi này thật hay.

Tôi thấy người ngoại quốc toàn là giáo đồ Cơ Đốc Christian, bèn bảo người ấy: Đấy là do Thượng đế an bài.

Ông ta kinh ngạc, nói: Vì sao do Thượng đế an bài?

Tôi nói: Nếu người Trung Quốc đoàn kết lại, các ông chẳng còn cơm ăn đâu. Mọi người cười cho qua chuyện. Người Trung Quốc đoàn kết, người trên thế giới không có cơm ăn đâu, toàn thế giới này là người Tàu hết.

May là người Trung Quốc không đoàn kết, nên bọn họ vẫn có cơm ăn. Nay trong cách nhìn của người ngoại quốc, chẳng dám xem thường người Hoa nữa. Bởi thế, bất cứ dân tộc, quốc gia nào trên toàn thế giới đều sợ Trung Quốc đoàn kết, đấy là điều họ hoảng sợ nhất. Hiện tại chúng ta nói chuyện thống nhất, chuyện đoàn kết, họ sợ chết khiếp, tôi nói thật đấy.

Chánh Kinh:

Nhược nhân thú bồ đề,

Liễu tri thùy miên quá,

An trụ tinh tấn lực,

Giác ngộ sanh tàm quý,

Thị cố chư trí giả,

Thường sanh tinh tấn tâm,

Xả ly ư thùy miên,

Thủ hộ bồ đề chủng.

Nếu ai hướng bồ đề,

Biết rõ lỗi ngủ nghỉ,

An trụ sức tinh tấn,

Giác ngộ sanh hổ thẹn,

Vì thế, những bậc trí,

Thường sanh lòng tinh tấn,

Bỏ lìa thói ngủ nghỉ,

Thủ hộ giống bồ đề.

Hai bài kệ cuối cùng là Đức Thế Tôn phó chúc chúng ta: Nếu chúng ta có chí hướng liễu sanh tử, xuất tam giới, nhất là niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật, tức là hướng đến đại bồ đề, thì nhất định phải biết những lỗi lầm của ngủ nghê, phải biết bớt ngủ, phải nỗ lực tinh tấn, chúng ta mới hòng thành tựu.

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn: Hy hữu Thế Tôn! Nhạo trước thùy miên nãi hữu như thị vô lượng quá thất. Nhược hữu văn giả, bất sanh ưu hối, yếm ly chi tâm, phát khởi tinh tấn, đương tri thị nhân, thậm đại ngu si.

Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng: Hy hữu thay Đức Thế Tôn! Tham đắm ngủ nghỉ bèn có vô lượng lỗi lầm như thế. Nếu kẻ nào nghe thấy, chẳng sanh tâm buồn hối, chán lìa, phát khởi tinh tấn, nên biết kẻ ấy hết sức ngu si.

Đoạn cuối cùng là Di Lặc Bồ Tát từ bi vô cùng, Ngài nghe Đức Phật răn dạy xong, bèn vì chúng ta tổng kết. Mỗi chữ, mỗi câu trong đoạn này đều là lời khuyến khích, cảnh tỉnh chúng ta, chúng ta phải thấu hiểu.

Đúng như Đức Thế Tôn vừa nói, tham chấp ngủ nghỉ lỗi hại hết sức nhiều, Phật nói có hai mươi thứ, chẳng qua là nói đại lược đó thôi, trên thực tế là nói không cùng tận. Chúng ta nghe Đức Phật răn dạy xong, phải nên hối lỗi, phải nên sám hối.

Sám hối như thế nào?

Nhất định phải vận dụng tinh thần khắc phục con ma ngủ, phát khởi tinh tấn mới là chân chánh sám hối.

Nếu chẳng làm được như vậy thì đúng như Bồ Tát Di Lặc nói: Con người như thế hết sức ngu si. Kẻ ấy nghe Phật dạy rồi vẫn chẳng đổi lỗi, hồi đầu.

Chánh Kinh: Nhược hữu Bồ Tát vị dục chí cầu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề giả, văn thuyết như thị chân thật cú nghĩa, công đức lợi ích, ư chư thiện pháp, nhi sanh giải đãi, bất khởi tinh tấn, trụ bồ đề phần, vô hữu Thị xứ.

Nếu có Bồ Tát có chí mong cầu vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, nghe nói cú nghĩa chân thật, công đức lợi ích như thế mà đối với các thiện pháp bèn sanh giải đãi, chẳng khởi tinh tấn, trụ bồ đề phần, thì chẳng có lẽ ấy.

Lời tổng kết của Di Lặc Bồ Tát gồm hai đoạn, đoạn trước nói tất cả những ai nghe lời Phật dạy đều phải nên giác ngộ, sám hối, sửa lỗi. Còn nếu là Bồ Tát thì khác với những người bình thường, chí hướng của Bồ Tát là thành Phật.

Học Phật nhằm mục đích gì?

Học Phật nhất định là phải để thành Phật. Hiện thời, các đồng tu học Phật rất đông, nhưng những người có chí khí như thế chẳng có mấy ai. Tôi học Phật đã hơn bốn mươi năm rồi, trước giờ chưa thấy có một vị nào, hoặc nghe nói có một vị đồng tu nào nói mình mong thành Phật cả.

Quý vị mới thấy là những người ấy đều chưa đủ tư cách làm Bồ Tát. Đã là Bồ Tát thì mục đích phải là thành Phật. Lúc trẻ, tôi đọc Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ, đọc đến những câu đối đáp khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ, tôi bội phục, năm vóc gieo xuống đất.

Ngũ Tổ hỏi: Huệ Năng! Ngươi đến đây rốt cuộc là vì lẽ gì?

Lục Tổ đáp rất hay: Con đến làm Phật.

Thật là tuyệt vời! Đủ thấy chí hướng của Ngài bất phàm. Làm Phật là cầu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, từ ngữ này là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là vô thượng, chánh đẳng, chánh giác, tức là cầu làm Phật.

Người chân chánh mong thành Phật, nghe đến lời Phật khai thị, mỗi chữ mỗi câu đều là cú nghĩa chân thật, lời răn dạy chân thật, để đạt được công đức lợi ích, mà đối với các thiện pháp vẫn sanh lòng giải đãi, vẫn chẳng tinh tấn, tâm chẳng an trụ nơi đạo mà được chăng?

Bồ Đề tức là đạo, cũng là thanh tịnh tâm, giác tâm.

Do đây biết rằng: Chúng ta nghe xong chẳng chú ý lắm, nghe giảng ở giảng đường xong, nếu có chuyện gì đó bận tâm, vừa xuống khỏi lầu bèn quên sạch sành sanh, như thế chẳng phải là Bồ Tát. Bồ Tát chẳng giống như thế, Bồ Tát nghe xong liền có tác dụng.

Hãy tự kiểm điểm xem chúng ta có khởi tác dụng hay là không?

8.7. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát rộng lo các việc có hai mươi lỗi lớn.

8.7.a. Trường hàng

Đoạn Kinh Văn tiếp theo đây nói đến những lỗi lầm người hiện thời chúng ta thường phạm. Dù phạm lỗi, vẫn chẳng tự biết lỗi mình, cứ tưởng mình công đức rất lớn. Thật ra, trong sanh hoạt tu trì thường nhật, phàm phu phạm đủ thứ lỗi, nhưng luôn tưởng là công đức, luôn tưởng mình ghê gớm lắm. Chẳng hạn như chuyện tham ngủ.

Cổ Đức nói:

Cơ lai ngật phạn, khổn lai miên.

Đói thì ăn cơm, mệt bèn ngủ.

Ngủ như thế chẳng bình thường đâu à!

Phải là bậc đại tu hành.

Quý vị tu học bằng công phu nào?

Người ta nói: Đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ là cách dụng công của họ, quý vị học theo cách dụng công đó thì vô lượng lầm lỗi đã nói ở phần trên, quý vị sẽ có đủ cả.

Nhưng cách dụng công của bậc đại tu hành do Tổ Sư vừa nói đó có lầm lạc, lỗi hại hay là không?

Chẳng có! Các Ngài bụng đói bèn ăn, mệt bèn ngủ thì được, chúng ta không được.

Vì sao vậy?

Các vị ấy sanh tử đã xong. Nói cách khác, các Ngài đã đoạn phiền não, đã liễu sanh tử, không còn lo liệu chuyện gì nữa.

Chúng ta chưa đoạn phiền não, vọng niệm rất nhiều, đại sự sanh tử chưa hoàn thành, làm sao an tâm ngủ cho được?

Bởi thế, lời Phật, Bồ Tát, Tổ Sư nói, nhất định chớ nên hiểu lầm, Ngài nói câu ấy với hạng người nào, nói trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải hiểu rõ. Có câu chúng ta học theo được, có câu chẳng thể học. Học theo là hỏng, vì chẳng phải là cảnh giới của chúng ta.

Trong phần trước, tôi có nói sơ nghiệp Bồ Tát và huệ hạnh Bồ Tát cách thức tu hành không giống nhau. Huệ hạnh Bồ Tát là pháp thân Đại Sĩ, kiến tư phiền não, trần sa phiền não đoạn xong rồi, tối thiểu là phá được mấy phẩm vô minh, cho nên cách thức tu hành của các Ngài chẳng giống với hàng sơ học chúng ta.

Bọn sơ học chúng ta phải theo quy củ, bởi lẽ, cảnh giới của các Ngài chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu, tiểu thừa, Quyền Giáo Bồ Tát, cho nên ta chẳng học theo được. Trong đoạn này cũng vậy, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu.

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vân hà danh vi chúng vụ trung quá, nhược quán sát thời, linh Chư Bồ Tát bất doanh chúng vụ, cần tu Phật đạo?

Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi của các việc, nếu lúc quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, chăm tu Phật đạo?

Đây là câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát.

Thế nào là chúng vụ trung quá?

Chúng là rất nhiều, vụ là sự vụ. Rất nhiều sự vụ. Doanh là kinh doanh, tạo tác. Quý vị kinh doanh, tạo tác rất nhiều sự vụ, gây trở ngại rất lớn cho sự tu hành, ở đây cũng gồm hai mươi lầm lỗi.

Trong câu nếu lúc quán sát, quán sát nghĩa là quý vị hiểu rõ, giác ngộ, biết rõ các sự việc là chướng đạo, là điều người tu hành chẳng nên làm, khiến cho các Bồ Tát chẳng lo liệu các việc:

Chẳng còn kinh doanh tạo tác những việc ấy nữa. Những sự việc ấy chẳng mảy may liên quan chi đến liễu sanh tử, xuất tam giới. Bởi thế, Phật dạy chúng ta phải siêng tu Phật đạo. Phật đạo là đạo chánh giác, đại giác, giác ngộ triệt để rốt ráo vũ trụ nhân sanh nên gọi là Phật đạo.

Chẳng những Di Lặc Bồ Tát vì chúng ta khải thỉnh, mà Ngài còn nói rõ mục đích khải thỉnh: Khiến cho các Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, siêng tu Phật đạo. Tiếp theo đây là lời Đức Thế Tôn khai thị.

Chánh Kinh: Phật ngôn: Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát nhạo doanh chúng vụ nhị thập chủng quá.

Phật nói: Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát hai mươi lỗi lầm của chuyện thích lo liệu các việc. Quý vị xem những câu Đức Thế Tôn đáp lời, câu thứ nhất nói rõ sơ nghiệp Bồ Tát. Sơ nghiệp Bồ Tát là bọn chúng ta, phiền não chưa đoạn, sanh tử chưa liễu, đã thọ Bồ Tát giới, đã là Bồ Tát, Bồ Tát được nói ở đây là sơ nghiệp Bồ Tát, là phàm phu Bồ Tát. Câu này rất trọng yếu.

Bởi lẽ, nếu quý vị đồng tu chú tâm đọc tụng các Kinh Điển nhà Phật, các trước thuật của các Tổ sư đại đức thời cổ, quý vị sẽ thấy rõ: Xưa kia, trong các Tự Viện, từ Trụ Trì, đương gia cho đến những người làm các sự vụ, tạp vụ trong các Tự Viện đều chẳng phải là phàm phu đâu nghe. Họ toàn là Chư Phật, Bồ Tát tái lai. Phật, Bồ Tát đại từ đại bi thấy quý vị chân chánh phát tâm, muốn dụng công tu học, các ngài hóa thân đến làm những sự việc để hộ trì quý vị.

Chúng tôi đọc Cao Tăng Truyện, thấy vào những năm đầu đời Đường, Trí Giả Đại Sư ở núi Thiên Thai lúc vãng sanh, đồ đệ hỏi phẩm vị vãng sanh của Ngài.

Lão Nhân gia nói: Nhân vì làm Trụ Trì, phải quản sự, quản chúng, chuyện gì cũng phải trông coi, đương nhiên sự tu hành của bản thân bị ảnh hưởng, chướng ngại, nên Ngài chỉ vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm.

Địa vị Ngũ Phẩm là đới nghiệp vãng sanh Phàm Thánh đồng cư độ, địa vị này rất thấp, chẳng cao. Nếu Ngài chẳng phải lãnh chúng, chẳng quản trị đồ chúng, chẳng trông nom sự vụ, ắt phẩm vị sẽ cao.

Chuyện này cho thấy Ngài hy sinh phẩm vị để giúp hàng sơ học, nhưng sự hy sinh ấy có giới hạn, giới hạn gì?

Quyết định vãng sanh. Ta vãng sanh trong hạ phẩm là được rồi, cốt sao được vãng sanh, giới hạn là đó. Nếu vì phục vụ đại chúng mà tự mình chẳng thể vãng sanh, đời sau vẫn phải luân hồi trong lục đạo, thậm chí đọa tam ác đạo, là lầm lạc quá rồi, đấy tuyệt đối chẳng phải là ý của Phật, Bồ Tát.

Địa Tạng Bồ Tát nói:

Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục?

Chúng ta có vào địa ngục được không?

Chúng ta vào địa ngục chẳng được đâu!

Các vị phải đạt địa vị như Địa Tạng Bồ Tát mới có thể nói: Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục?

Phải biết Địa Tạng Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng phải là Bồ Tát bình phàm. Nếu nói theo khái niệm sơ học Bồ Tát và huệ hạnh Bồ Tát trong Kinh này thì Địa Tạng Bồ Tát là huệ hạnh Bồ Tát, chúng ta là sơ học Bồ Tát chẳng thể học đòi Ngài được.

Sơ học Bồ Tát cứ thật thà niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới gặp Đức Phật A Di Đà, trí huệ, thần thông, đạo lực của quý vị đều được khôi phục, chẳng khác với Đức Phật cho mấy, quý vị mới học theo huệ hạnh Bồ Tát được, quý vị lo liệu các việc chẳng sợ, chẳng chướng ngại. Đấy là nói về Phật, Bồ Tát.

Chúng ta biết Trí Giả Đại Sư là Thích Ca Mâu Ni Phật hóa thân, Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư là A Di Đà Phật hóa thân, hóa thân lần này mang thân phận làm Trụ Trì lãnh chúng.

Còn có vị làm những tạp vụ, việc gì các Ngài cũng làm, đủ thấy cái tâm bình đẳng, chẳng hề chọn lựa, phân biệt. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù, Phổ Hiền, hai vị làm tạp vụ trong nhà bếp, ở trong bếp lo nổi lửa, gánh nước. Lại còn có Hòa Thượng Phong Can làm tạp vụ, giã gạo trong nhà bếp, hầu hạ đại chúng.

Phong Can là A Di Đà Phật. Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền làm tạp vụ để cúng dường đại chúng đó nghe.

Vì sao vậy?

Là để lo liệu các việc.

Quý vị nghĩ xem: Thời cổ, trong các Đạo tràng ấy có người chân chánh tu hành nên Phật, Bồ Tát đến hầu hạ, chăm sóc. Bởi thế, với bất cứ hạng người nào trong cửa Phật, chúng ta đều phải đối đãi bằng tâm cung kính nhất, bởi chẳng hiểu thân phận họ như thế nào.

Quý vị chẳng được nói vì kẻ ấy lo quét dọn, sắp chén trà, tiếp đãi khách bèn coi thường, biết đâu kẻ ấy là A Di Đà Phật thì sao?

Quý vị là phàm phu mắt thịt nhìn chẳng ra đâu. Đây chính là nhằm dạy chúng ta phải dùng tâm bình đẳng, tâm chân thành để đối đãi hết thảy mọi người.

Vậy thì phải tu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng ở nơi đâu?

Cửa Phật là chỗ tu học tốt nhất. Bởi lẽ, chúng ta biết trên dưới đều có Chư Phật, Bồ Tát, A La Hán hỗn tạp trong ấy, quý vị chẳng nhận biết, cũng chẳng hiểu họ là thân phận gì. Cho nên, tốt nhất là cứ nhất loạt bình đẳng cung kính mới khỏi sai lầm, mới là thật sự tu phước. Nếu quý vị có tâm phân biệt, chẳng những công đức quý vị chẳng tu được mà phước đức cũng chẳng tu được luôn.

Bởi thế, mới nói rõ sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quán sát: Kẻ ưa thích, nhạo là yêu mến, ưa thích làm đủ mọi việc tạp nhạp, sẽ có hai mươi lỗi lầm. Nội dung bốn chữ nhạo doanh chúng vụ có phạm vi vô cùng rộng.

Chánh Kinh: Nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát bất doanh chúng vụ, cần tu Phật đạo. Nếu lúc quán sát có thể khiến cho Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, siêng tu Phật đạo. Đây là lời đáp chính cho câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát.

Mục đích câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát là đây: Nếu những kẻ ấy quán sát, hiểu rõ lầm lỗi của các việc, họ sẽ tự nhiên lìa bỏ, chuyên tâm tu đạo.

Chánh Kinh: Di Lặc! Vân hà danh vi nhị thập chủng quá?

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi thứ lỗi?

Chúng ta hãy nên chú tâm suy nghĩ, chú tâm thấu hiểu đoạn Kinh Văn này thì mới hiểu được ý Phật ở đâu.

Lại phải nên tự lắng lòng phản tỉnh, ta có những bệnh ấy hay chăng?

Có những tập khí ấy chăng?

Điều này vô cùng trọng yếu.

Chánh Kinh: Nhất giả, đam trước thế gian hạ liệt chi nghiệp. Một là đắm chấp nghiệp hèn kém thế gian. Nghiệp là sự nghiệp, sự nghiệp thế gian. Sự nghiệp thế gian rất nhiều, rất rộng. Chẳng riêng gì Bồ Tát tại gia đắm chấp sự nghiệp thế gian, xuất gia Bồ Tát cũng thường bị phiền não tập khí che đậy, nên cũng tham nhiễm sự nghiệp thế gian.

Trước hết, phải hiểu rõ thế gian là gì?

Thế gian là lục đạo. Quý vị kinh doanh, tạo tác các sự nghiệp chẳng thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thì những sự nghiệp ấy là sự nghiệp thế gian. Quý vị tu thiện, tích đức, tu phước để đời sau sẽ làm Đại Phạm Thiên Vương, là người mà bất cứ Vua chúa nào trong thế giới này đều chẳng sánh bằng thì sai quá xá rồi.

Dù quý vị làm Đại Phạm Thiên Vương thì vẫn là sự nghiệp thế gian. Quý vị mới hiểu phạm vi của sự nghiệp thế gian rất rộng. Sự nghiệp hèn kém là sự nghiệp chẳng tốt lành.

Hèn kém là gì?

Là tam ác đạo trong lục đạo.

Quý vị kinh doanh, tạo tác những sự gì?

Là sự nghiệp ngạ quỷ đạo, là sự nghiệp súc sanh đạo, là sự nghiệp địa ngục đạo. Đó gọi là nghiệp hèn kém.

Nghĩa là sao?

Trong Kinh này nói rất nhiều, mọi người phải chú tâm thấu hiểu.

Ở đây có một tổng cương lãnh, nguyên tắc, nguyên lý chung: Phàm những sự nghiệp nào tăng trưởng tham, sân, si, mạn, ghen ghét thì chúng đều là nghiệp hèn kém. Phàm những sự nghiệp nào giảm thiểu tham, sân, si, mạn thì chúng đều là Phật Sự.

Quý vị phải nhớ kỹ: Phật sự nhất định giúp con người đoạn phiền não, mở mang trí huệ, được thanh lương tự tại. Nếu tương phản những điều ấy, nó sẽ chẳng phải là sự nghiệp Phật mà đúng là sự nghiệp hèn kém. Bởi thế, đây là một điều chúng ta phải lắng lòng phản tỉnh.

Chánh Kinh: Nhị giả, vị chư độc tụng tu hành Tỳ Kheo chi sở khinh tiện. Hai là bị các Tỳ Kheo đọc tụng, tu hành khinh rẻ.

Khinh rẻ: Đại khái, những ai chân chánh tu đạo, chân chánh dụng công, họ chẳng làm phiền quý vị, chẳng kể tội quý vị.

Vậy thì khinh rẻ ra sao?

Họ kiềng mặt quý vị. Đó là khinh rẻ đấy.

Trong Giới Kinh, Đức Phật dạy đệ tử: Mặc tẫn. Mặc tẫn nói như Cổ Nhân Trung Quốc là kính nhi viễn chi. Tôi rất tôn kính ngài, nhưng tôi tránh xa ngài, khinh rẻ nghĩa là như thế đấy.

Chánh Kinh: Tam giả, diệc vị cần tu thiền định Tỳ Kheo chi sở ha trách. Ba là cũng bị Tỳ Kheo siêng tu thiền định quở trách. Quở trách cũng là kính nhi viễn chi, mặc tẫn, trọn chẳng phải là họ đến gặp quý vị, giáo huấn một chập, chửi cho một trận, chẳng hề có đạo lý ấy đâu nhé.

Tỳ Kheo siêng tu thiền định là người tu hành công phu sâu hơn hạng trước, người nói trong đoạn trên là sơ học, thật sự có y giáo tu hành. Người nói trong phần này là người có công phu kha khá, cũng là người đã đắc thiền định, còn người ở phần trên chưa đắc thiền định.

Nếu nói theo người niệm Phật chúng ta, thì người đọc tụng tu hành trong điều thứ hai là người công phu thành phiến, người siêng tu thiền định trong điều thứ ba là người đạt nhất tâm bất loạn,công phu ấy rất sâu. Bọn họ đối với quý vị đều kính nhi viễn chi.

Chánh Kinh: Tứ giả, tâm thường phát khởi vô thỉ sanh tử, lưu chuyển chi nghiệp. Bốn là tâm thường phát khởi nghiệp lưu chuyển sanh tử vô thỉ.

Đây là điều nhất định chẳng thể tránh khỏi. Trong tâm kẻ ấy thường nghĩ đến những chuyện mình đang kinh doanh, những sự nghiệp ấy toàn là sự nghiệp luân hồi lục đạo, cho nên nói tâm họ thường phát khởi, tức là sanh khởi, vô thỉ sanh tử tức là tập khí.

Trong có tập khí, ngoài có hoàn cảnh, lại chẳng phải là hoàn cảnh tốt đẹp mà là ác cảnh, là cảnh giới chướng đạo. Bởi thế, vẫn y như cũ tạo tác sự nghiệp lưu chuyển sanh tử, luân hồi lục đạo chẳng dứt.

Chánh Kinh: Ngũ giả, hư thực cư sĩ cập Bà La Môn tịnh tâm tín thí. Năm là luống ăn đồ tín thí của tịnh tâm cư sĩ và Bà La Môn.

Đây là nói về cái nạn của người xuất gia. Xuất gia buông bỏ hết thảy sự nghiệp kiếm sống của thế gian. Người thế gian vì cần phải nuôi gia đình, nuôi chính mình nên phải làm những việc kiếm lời, gọi là sự nghiệp mưu sinh. xuất gia rồi, buông bỏ hết thảy những sự nghiệp ấy, quý vị chẳng cần phải mưu sinh, tiếp nhận tín đồ cúng dường.

Họ cung kính, cúng dường quý vị nhằm mục đích gì?

Là vì người xuất gia là phước điền, họ đến gieo phước nơi đấy.

Chúng ta phải tự hỏi: Mình có phải là phước điền hay chăng?

Nếu chẳng phải là phước điền, những người ấy đến gieo phước, tương lai dài lâu mà chẳng có kết quả thì sẽ như thế nào đây?

Vấn đề rất nghiêm trọng.

Bởi thế, nhà Phật thường nói:

Thí chủ nhất lạp mễ,

Đại như Tu Di Sơn,

Kim sanh bất liễu đạo,

Phi mao đới giác hoàn

Một hạt gạo thí chủ,

To như núi Tu Di,

Đời này chẳng liễu đạo,

Mang lông đội sừng đền.

Phải làm sao thì thí chủ mới được phước?

Quý vị phải tự tu hành chứng quả, họ mới được phước. Nếu quý vị tu hành chẳng thể chứng quả, đời sau vẫn luân hồi lục đạo thì là chẳng xứng với họ rồi.

Tương lai phải trả nợ. Người cúng dường quý vị trong hiện thời toàn là chủ nợ, tương lai đời đời kiếp kiếp quý vị phải đền bồi. Quý vị nhận cúng dường càng nhiều, thời gian trả nợ càng dài, thật đấy, chẳng phải giả đâu. Tổ Sư Đại Đức chẳng dọa chúng ta đâu, câu nào cũng là lời thật. Bởi thế, chúng ta phải tự hiểu rõ, cẩn thận.

Đồ cúng dường của thí chủ, xưa kia gọi là tứ sự: Thức ăn, quần áo, đồ nằm, thuốc men lúc bệnh tật, phải giảm mức vật chất sanh hoạt xuống đến mức thấp nhất thì chúng ta mới có thể tiếp nhận, ngõ hầu nhất tâm tu đạo, quyết định chẳng để dư nhiều. Có dư nhiều là tội lỗi. Có dư nhiều dễ tăng trưởng tâm tham, đạo nghiệp chẳng thành tựu.

Hiện thời chúng ta nói mình tu đạo dễ hành thì phải thật sự được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nếu không vãng sanh vẫn là mang lông đội sừng đền.

Chúng ta đã hiểu rõ chân tướng sự thật, đã có tâm cảnh giác thì bạn đồng tu cúng dường mình, cơm áo vừa đủ là được rồi, những thứ dư ra mình đem in Kinh, làm băng video, làm băng cassette, CD, tặng cho các đồng tu học Phật tại các Đạo tràng trên thế giới để kết duyên cùng họ, dù cho chúng ta chẳng liễu đạo, những người ấy cũng phải thay ta đền nợ.

Trước hết, phải hiểu rõ điều này: Bởi lẽ, quý vị ai cũng có phần, của cúng dường đều chia cho quý vị, trong tương lai, lúc phải tính sổ, quý vị phải thay tôi bồi hoàn.

Cố nhiên mình phải dụng công, nhưng phải nghĩ: Vạn nhất lỡ mình chẳng được vãng sanh thì sao?

Phải tính trước đường sau cho vẹn toàn chứ. Ắt phải làm chuyện thật sự lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, phá mê khai ngộ, đó là lợi ích chân thật. Bởi thế, ý nghĩa của điều lỗi thứ năm luống ăn đồ tín thí của tịnh tâm cư sĩ và Bà La Môn này rất sâu, tín thí là cúng dường đấy.

Chánh Kinh: Lục giả, ư chư tài vật, tâm hoài thủ trước. Sáu là đối với các tài vật, ôm lòng chấp lấy.

Hiện tại chúng ta còn có tập khí này chăng?

Đối với tài vật, tâm đã bất động hay chưa?

Còn có tâm tham hay không?

Phải đoạn trừ đi. Những thứ ấy đều là giả, đều chẳng phải là chân thật, quyết định có hại. Thật sự là trăm điều chẳng có lấy một điều lợi nào cả.

Quý vị cần những thứ ấy để làm gì?

Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Tùy duyên nhưng chẳng phan duyên, hễ có ý niệm ấy bèn là tâm phan duyên, sao không chướng đạo cho được.

Đạo là gì?

Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, quyết định bị chướng ngại. Quý vị nhất định phải hiểu, điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là tâm thanh tịnh, chứ chẳng phải là niệm Phật bao nhiêu thì mới có thể vãng sanh, chẳng có chuyện đó đâu.

Cổ Đức thường nói: Mỗi ngày quý vị niệm Phật mười vạn tiếng, rách toạc cuống họng cũng uổng công.

Là vì sao?

Chẳng thể vãng sanh.

Niệm Phật là cách thức, là phương pháp, mục đích nhắm vào đâu?

Tâm thanh tịnh. Hễ vọng niệm khởi lên, một câu A Di Đà Phật đè vọng niệm xuống. Dùng phương pháp ấy để tâm mình được thanh tịnh, tâm tịnh thời quốc độ tịnh. Bởi thế, nếu quý vị có mảy may ý niệm chấp trước, tham keo nào, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Chẳng thể không biết điều này. Người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh chẳng nhiều. Vấn đề là ở chỗ này.

Chánh Kinh: Thất giả, thường nhạo quảng doanh thế gian sự vụ.

Bảy là thường thích rộng làm sự vụ thế gian. Ưa thích làm các việc, ngày ngày động cân não, vẫn mong khuếch đại sự nghiệp, người thế gian có ý niệm như thế đã lầm rất to, nếu người xuất gia có ý niệm ấy càng lầm hơn nữa. Chẳng hạn như lập Đạo tràng.

Cổ Nhân dựng Đạo tràng là dựa trên nhu cầu thực tế, có bao nhiêu người thì cần phải dựng Đạo tràng to theo bấy nhiêu, cách kiến lập là như thế. Chẳng phải là dựng sẵn một Đạo tràng lớn rồi mới đi kiếm người, chẳng có việc như thế đâu.

Quý vị xem, các tùng lâm, Tự Viện được tạo dựng trước kia, xem trong sơn chí, xem trong lịch sử, thoạt đầu, vị Tổ Sư khai sơn dựng một cái chòi tranh để tu đạo, Ngài có đạo hạnh, rất nhiều ngưỡng mộ, theo Ngài tu học, người dần dần càng đông, đông hơn nên phải che thêm một gian bên cạnh, đông hơn nữa lại phải che thêm một gian.

Bởi thế, tùng lâm phải qua mấy chục năm, một hai trăm năm mới hình thành, do nhu cầu mới dựng. Như vậy mới là đúng. Chẳng phải là cất cho thật to rồi mới đi các nơi kiếm người, kiếm người chẳng thích hợp, hằng ngày cự lộn, gấu ó là lầm mất rồi.

Hiện thời các việc trong nhà phật chẳng giống với khi trước, quý vị phải lắng lòng chú tâm quán sát. Trước kia như pháp, nay xuất hiện những chuyện chẳng như pháp, đó là điều chúng ta phải phản tỉnh. Đặc biệt là hiện thời khoa học kỹ thuật phát đạt, chẳng cần phải dựng Đạo tràng to, thời đại Đạo tràng to sẽ bị đào thải theo năm tháng, không còn có tác dụng nữa.

Đạo Tràng ngày nay là gì?

Mạng lưới quốc tế là Đạo tràng hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần một nơi rất lớn thì căn nhà này đã rất lớn rồi, chúng tôi giảng Kinh ở đây, thâu hình ở đây, thâu hình xong gởi lên mạng lưới quốc tế, toàn thế giới chỉ cần có computer nối vào mạng là hình ảnh xuất hiện liền.

Tôi tin là mười năm sau, laptop chỉ lớn bằng một cuốn sách, mỗi cá nhân đều cầm theo, ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần tiếp nhận được tín hiệu, thì nơi đó hoạt động giảng Kinh sẽ ở ngay trước mặt, đâu cần phải chạy đến đây nghe Kinh, chen chúc, khắp thân mướt mồ hôi nữa.

Chọn nơi phong cảnh đẹp đẽ, mở computer lên, hưởng thụ tiêu dao tự tại. Bởi thế, Phật Pháp phải vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng đầu, chẳng cần phải tốn nhiều công sức, tiêu tiền oan uổng như trước nữa.

Tiền xây cất Đạo tràng đó là gì?

Là chôn xuống đất, biến thành tiền chết, chẳng cử động được.

Có ích cho mấy chúng sanh?

Người học Phật hiện thời phải hiểu điều này vậy.

Chánh Kinh: Bát giả, niệm kỳ gia nghiệp, thường hoài ưu thán. Tám là nghĩ đến gia nghiệp, thường ôm lòng lo lắng, than thở.

Ưa thích kinh doanh sự nghiệp, thường phải lo nghĩ làm cách nào để khuếch trương sự nghiệp. Nói thật ra, bọn họ tiền dùng cả đời chẳng hết, vẫn cứ muốn kiếm tiền. Ý niệm ấy rất lầm, đó là tăng trưởng tham, sân, si, mạn.

Chánh Kinh: Cửu giả, kỳ tánh lang lệ, phát ngôn thô quánh. Chín là tánh tình hung tàn, nói năng thô ác. Người địa vị cao, nghĩa là người phú quý, do họ có tiền của, có địa vị trong xã hội hiện thời bèn cảm thấy đáng nên kiêu ngạo.

Có mấy ai thân phận, địa vị tương đương với mình đâu. Kẻ chẳng ngang vai vế, họ chẳng buồn để mắt tới. Đãi người tiếp vật thường khinh mạn. Ở đây, Kinh nói ngôn từ, hành vi, thái độ của họ là hung tàn, thô ác, chính họ cũng chẳng biết.

Chánh Kinh: Thập giả, tâm thường hoài niệm cần tu gia nghiệp. Mười là tâm luôn mong tưởng siêng lo gia nghiệp. Tâm họ luôn nghĩ đến gia nghiệp, chẳng hề nghĩ đến đạo, chẳng hề nghĩ đến chúng sanh, chỉ nghĩ đến gia nghiệp của chính mình, tiểu đoàn thể của chính mình. Đó là tăng trưởng chấp ngã, tăng trưởng chấp pháp. Phật Pháp phá hai chấp, họ lại ngày càng tăng trưởng hai thứ chấp.

Chánh Kinh: Thập nhất giả, ái trước chư vị, tăng trưởng tham dục. Mười một là yêu chấp các vị, tăng trưởng tham dục. Chữ vị ở đây chẳng phải chỉ mùi vị thức ăn. Nói theo nghĩa rộng, vị chính là sự hưởng thụ vật chất, hưởng thụ tinh thần trong hiện tại, hết thảy mọi hưởng thụ đều gồm trong hai chữ chư vị.

Tăng trưởng tham dục: Tăng trưởng tham tâm, tăng trưởng dục vọng hưởng thụ.

Chánh Kinh: Thập nhị giả, vô lợi dưỡng xứ, bất sanh hoan hỷ. Mười hai là, đối với chỗ không lợi dưỡng chẳng sanh hoan hỷ. Những chỗ nào chẳng có lợi cho họ, những nơi nào họ chẳng đạt được danh văn, lợi dưỡng, họ chẳng có hứng thú, họ chẳng sanh tâm hoan hỷ đâu nhé. Họ ở chỗ nào, chỗ đó nhất định phải có thể đạt được danh văn, lợi dưỡng.

Chánh Kinh: Thập tam giả, đa sanh phiền não, chướng ngại chi nghiệp. Mười ba là hay sanh nghiệp phiền não, chướng ngại. Chướng ngại là chướng đạo, chướng ngại quý vị tu đạo. Họ sanh nhiều phiền não, đương nhiên chướng ngại tu đạo.

Chánh Kinh: Thập tứ giả, thường nhạo thân cận chư Ưu Bà Tắc cập Ưu Bà Di. Mười bốn là thường thích thân cận Cận Sự Nam và Cận Sự Nữ.

Đây là nói về Bồ Tát xuất gia, thích kinh doanh các việc nên bèn thích thân cận tín đồ tại gia. Thường thân cận tín đồ tại gia, có giữ mối quan hệ thân thiết với họ thì danh lợi mới hòng đạt được đấy mà.

Nói theo cách bây giờ là dốc sạch tâm trí để lôi kéo tín đồ, đó là hạng Bồ Tát ngu si. Hiện thời trong cửa Phật, hiện tượng này rất phổ biến, trong xã hội xưa kia chẳng hề có, chúng ta chưa hề thấy.

Một vị Pháp Sư già cả từng bảo tôi: Chỉ sau khi đến Đài Loan họ mới biến đổi như thế.

Lúc tôi thọ giới, Hòa Thượng truyền giới là lão Pháp Sư Đạo Nguyên, Ngài bảo tôi: Lúc nhỏ, Ngài xuất gia ở một Tự Viện miền Bắc Trường Giang. Do Chùa Miếu nào thời đó cũng có tài sản, có đất cát, có núi non cho nông phu cấy rẽ, Tự Viện chỉ thu tô nên có lương thực cố định. Bởi thế, Chùa Viện rất thanh tịnh, chẳng cần đến tín đồ. 

Tín đồ đến Chùa dâng hương, người xuất gia trong Chùa đúng là mắt nhìn xuống mũi, mũi cúi xuống ngực, khác nào chẳng thấy gì hết, chẳng cần phải tiếp đãi.

Ai sẽ tiếp đãi những tín đồ ấy?

Chính là Tri Khách Sư. vị Tri Khách có trách nhiệm tiếp đón tín đồ, người chẳng giữ chức vụ ấy trông thấy tín đồ thì một câu cũng chẳng nói. Quý vị xem Đạo tràng ấy rất thanh tịnh, rất trang nghiêm như thế đó. Chẳng giống như bây giờ, một vị khách bên ngoài đến, từ Hòa Thượng Trụ Trì cho đến chúng thường trụ đều xoay mòng mòng.

Vì sao?

Chỉ sợ đắc tội với tín đồ! Ấy là vì Đạo tràng hiện thời chẳng có thâu nhập, chẳng có hằng sản, tài sản cố định, hoàn cảnh kinh doanh khác hẳn thời xưa. Xưa kia, Tự Viện tự có lương thực, tiền của, có thâu nhập, chẳng bận tâm tới tín đồ. Bây giờ tín đồ biến thành y thực phụ mẫu, phải phụ thuộc họ, tình thế như vậy, đâu dám đắc tội.

Nhưng thường qua lại với họ, sẽ chẳng có đạo nghiệp, đúng như lời Đức Phật dạy ở đây: Đắm chấp nghiệp thế gian hèn kém. Sự tình này rất phiền, bởi thế, lẽ được mất, lợi hại chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ để biết nên làm như thế nào.

Chánh Kinh: Thập ngũ giả, đản niệm y thực, nhi độ trú dạ. Mười lăm là chỉ nghĩ cơm áo cho qua ngày đêm. Suốt ngày bôn ba vì cơm áo, tạo phiền não, đủ thấy là việc tu đạo bị sự tình này đoạt mất, chỉ làm qua quít, chứ chẳng tích cực thực hiện.

Chánh Kinh: Thập lục giả, sổ vấn thế gian sở tác sự nghiệp. Mười sáu là thường hỏi những việc làm thế gian. Mở miệng nói năng, những chuyện thường bàn luận đều là chuyện thế gian.

Chánh Kinh: Thập thất giả, thường nhạo phát khởi phi pháp ngữ ngôn. Mười bảy là thường thích thốt ra những lời phi pháp. Phi pháp là những ngôn luận trái nghịch chánh pháp. Tiếp xúc, trò chuyện với họ, mười câu thì gần như hết chín câu là ngôn luận thế gian.

Chánh Kinh: Thập bát giả, thị doanh chúng vụ, nhi khởi kiêu mạn. Mười tám là do cậy lo các việc, bèn khởi kiêu mạn. Thị là cậy vào. Cậy mình lo liệu rất nhiều việc, mình có sự nghiệp thành công hơn người khác bèn sanh tâm ngạo mạn, tỏ thái độ ngạo mạn, coi thường người khác.

Chánh Kinh: Thập cửu giả, đản cầu nhân quá, bất tự quán sát. Mười chín là chỉ tìm lỗi người, chẳng tự xét mình. Tìm bới lỗi người, chuyên môn thấy lỗi người khác, chẳng biết đến lỗi mình.

Chánh Kinh: Nhị thập giả, ư thuyết pháp giả, tâm hoài khinh tiện. Hai mươi là đối với người thuyết pháp, ôm lòng khinh rẻ.

Đối với người chân chánh thuyết pháp tu hành, họ xem thường, cho là chẳng có thành tựu gì lớn lao, cậy mình kinh doanh sự nghiệp đúng cách. Đức Phật vì chúng ta nói ra hai mươi lỗi, chứ thật ra, ta phải hiểu đó chỉ là hai mươi loại lỗi lớn, trong mỗi một lỗi lại chẳng biết là có bao nhiêu lầm lỗi.

Chánh Kinh: Di Lặc! Thị vi Bồ Tát nhạo doanh chúng vụ nhị thập chủng quá.

Di Lặc! Đấy là hai mươi lỗi của Bồ Tát thích kinh doanh các việc.

8.7.b. Trùng tụng

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ nhắc lại. Đoạn Kinh Văn này là lời khai thị rất trọng yếu, đối với người học Phật chúng ta hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia, đều là thuốc đặc hiệu cứu mạng đấy nhé.

Bởi thế, sau mỗi phần trường hàng Phật đều có phần kệ tụng, ngoài việc lập lại ý nghĩa của phần trường hàng, kệ tụng còn có phần bổ sung ý nghĩa. Chúng ta chẳng thể đọc thuộc Kinh thì kệ tụng rất tiện để đọc thuộc, thời thời khắc khắc đề khởi công phu quán chiếu sẽ biết mình khởi tâm động niệm, việc làm, hành vi có đúng pháp hay không.

Như trong Kinh Pháp Tượng, Đức Phật dạy chúng ta nên làm điều gì, chẳng nên làm điều gì. Phật dạy chúng ta nên làm điều gì, ta nên tích cực nỗ lực thực hiện. Phật dạy chúng ta không nên làm điều gì, ta chẳng làm, đó là như pháp. Phật dạy chúng ta đừng làm điều gì, ta cứ khăng khăng làm, dạy ta nên làm điều gì, ta cứ lười nhác, biếng trễ chẳng chịu làm, thế là chẳng như pháp.

Xin hãy xem đoạn Kinh Văn dưới đây: 

Chánh Kinh:

An trụ hạ liệt nghiệp.

An trụ nghiệp kém hèn.

Tâm quý vị an trụ trong thế pháp, chẳng những là sự nghiệp thế gian mà còn là sự nghiệp thế gian hèn kém. Đó là những sự nghiệp tăng trưởng tham, sân, si, mạn, ghen ghét.

Chánh Kinh:

Viễn ly thù thắng hạnh.

Xa lìa hạnh thù thắng.

Hạnh thù thắng: Có thể nói hết thảy Phật Pháp đại thừa đều là hạnh thù thắng, nhưng bản Kinh này tối hậu quy kết Tịnh Độ, bởi bản Kinh này hiển nhiên quy kết Tịnh Độ nên ta có thể hiểu hạnh thù thắng là tu Tịnh Độ, cũng có thể hiểu là nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Kẻ kia xem thường, xa lìa việc này, thật đáng tiếc thay.

Chánh Kinh: Thoái thất đại lợi ích. Lui sụt, đánh mất lợi ích lớn. Đại lợi ích là vãng sanh bất thoái thành Phật đấy. Đấy là đại lợi ích chân thật, hết thảy lợi ích thế gian hay xuất thế gian đều chẳng sánh bằng được, đủ thấy đắm trước các việc tạo lầm lỗi nghiêm trọng đến thế.

Chánh Kinh:

Nhạo độc tụng Tỳ Kheo,

Cập tu thiền định giả,

Nhất thiết giai ha trách,

Thị danh chúng vụ quá.

Tỳ Kheo thích đọc tụng,

Và người tu thiền định,

Hết thảy đều quở trách,

Đó gọi lỗi các việc.

Câu đầu chỉ những người đã hiểu trọn lời răn dạy, chữ tu thiền định chỉ những người y giáo thật sự tu hành. Chữ thiền định ở đây không nhất định chỉ là người tu Thiền, mà là nói về những người chân chánh tu hành, phải hiểu theo nghĩa rộng, đừng hiểu nghĩa hẹp.

Tu trì Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, trong tứ hoằng thệ nguyện chúng ta thường nói là vô lượng pháp môn. Dẫu vô lượng hay tám vạn bốn ngàn pháp môn thì cũng chỉ là phương pháp, cách thức chẳng giống nhau.

Tu điều gì?

Tất cả đều là tu giới, định, huệ. Nhưng trong tam học giới định huệ, định là mấu chốt, giới là biện pháp với mục đích nhằm đắc định, đắc định sẽ tự nhiên khai trí huệ. Bởi thế, tám vạn bốn ngàn pháp môn là các biện pháp, phương pháp bất đồng, ngõ hầu tu cho đắc định. Thiền định ở đây được dùng với nghĩa rộng, chẳng phải theo nghĩa hẹp. Chúng ta niệm Phật cũng là tu thiền định.

Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật nói rất rõ ràng: Niệm Phật là vô thượng thâm diệu Thiền. Chúng ta dùng phương pháp niệm Phật này niệm đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là thiền định.

Bởi thế câu này nghĩa là: Người chân chánh y giáo tu hành, bọn họ đối với quý vị là những người ham lo liệu việc đời sẽ kính nhi viễn chi.

Chánh Kinh:

Thường hành sanh tử nghiệp,

Xả ly giải thoát nhân,

Hư thọ ư tín thí,

Thị danh chúng vụ quá.

Thường hành nghiệp sanh tử,

Bỏ lìa nhân giải thoát,

Luống nhận của tín thí,

Đó gọi lỗi các việc.

Thường hành: Quý vị thường làm những điều gì?

Nghiệp sanh tử tức là sự nghiệp luân hồi lục đạo.

Thế nào là sự nghiệp sanh tử, luân hồi?

tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Trong Duy Thức Học, chúng là sáu căn bản phiền não, hết thảy sự nghiệp nào tương ứng với sáu căn bản phiền não ấy thì đều là sự nghiệp luân hồi sanh tử. Quý vị làm những sự nghiệp ấy, đương nhiên đánh mất cái nhân giải thoát, bỏ lìa nhân giải thoát. Nhân giải thoát là giới, định, huệ.

Luống nhận của tín thí, quý vị tiếp nhận những đồ cúng dường, tương lai phải trả nợ, bởi quý vị chẳng phải là phước điền chân chánh mà.

Chánh Kinh:

Nhạo thọ chư tài bảo,

Bất đắc sanh ưu não,

Trụ ư hạ liệt hạnh,

Thị danh chúng vụ quá.

Thích nhận các của cải,

Chẳng được, sanh buồn khổ,

Trụ trong hạnh kém hèn,

Đó gọi lỗi các việc.

Tham ái của cải thế gian, lúc được bèn hoan hỷ, kiêu ngạo. Lúc không đưọc, bèn nổi nóng, ưu não. Thứ tâm lý, tư tưởng, hành vi ấy đều là hạnh kém hèn. Hạnh kém hèn ấy là nghiệp sanh tử, là hạnh tam đồ lục đạo.

Chánh Kinh:

Thị nhân đa ái nhiễm,

Vãng lai dâm nữ gia,

Như điểu nhập phiền lung,

Thị danh chúng vụ quá.

Người ấy nhiều ái nhiễm,

Tới lui nhà gái dâm,

Như chim vào lồng rọ,

Đó gọi lỗi các việc.

Bài kệ này nêu tỷ dụ.

Câu thứ nhất ý nói người ấy nhiều ái nhiễm, người ấy bị tham ái ô nhiễm tâm tánh, tức là: Trong tâm có phiền não tham, sân, si, mạn, những phiền não bên trong rất nặng. Câu tới lui nhà gái dâm ý nói bên ngoài những sự quyến rũ, mê hoặc.

Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao chẳng đọa lạc cho được?

Khác nào chim bị nhốt trong lồng. Như chim vào lồng rọ là tỷ dụ đọa ác đạo, là bị lôi vào trong ba ác đạo.

Chánh Kinh:

Thường ưu thán gia nghiệp,

Hằng hoài nhiệt não tâm,

Xuất ngôn nhân bất tín,

Thị danh chúng vụ quá.

Thường buồn than gia nghiệp,

Luôn ôm lòng nhiệt não,

Nói ra, chẳng ai tin,

Đó gọi lỗi các việc.

Chuyện họ thường âu lo là gia nghiệp. Thế pháp, xuất thế pháp đều là gia nghiệp, nhất là trong các Đạo tràng hiện tại. Thời xưa, có không ít Đạo tràng được gọi là thập phương Đạo tràng, chẳng thuộc về một ai hết. Chỉ cần là người xuất gia đúng quy củ, đều có thể quải đơn đều có thể cùng ở lại tu chung. Trong những Đạo tràng hiện thời, người xuất gia đều có bằng khoán chủ quyền, đều biến thành gia nghiệp.

Đã là người xuất gia rồi thì trong tay chẳng có bằng khoán chủ quyền nào, vì xuất gia rồi, không còn nhà nữa. Người có một tờ bằng khoán sẽ trở thành nhập gia, chẳng thể không nhận biết điều này. Thật ra, quý vị không đọc Kinh sẽ chẳng hiểu ra tầm nghiêm trọng của vấn đề này, chẳng biết trong tương lai họa hại thảm khốc đâu nhé.

Trong Kinh, Đức Phật chẳng lừa dối chúng ta. Tôi đã bảy mươi tuổi, sẽ chết rất lẹ, bởi thế tôi toàn nói lời thật cùng quý vị, tôi thời thời khắc khắc đều chuẩn bị ra đi. Bởi thế, tôi chẳng phải là người thuộc thế gian này nữa. Tôi thấy thế gian này khá rõ ràng, vì là người ngoài cuộc mà.

Thế gian này đối với tôi chẳng có lợi hay hại gì, đúng như câu nói: Bàng quán giả thanh, đương cục giả mê. Người ngoài thì sáng, người trong thì quáng. Học Phật phải siêu xuất, vượt thoát thế giới này, thế giới này chẳng liên quan gì đến tôi, chẳng còn việc gì nữa, rõ ràng là cách nhìn của tôi khác với cách nhìn của quý vị.

Ở đây, Kinh nói: Người trong tâm thường có phiền não thì nói ra điều gì cũng chẳng ai tin.

Chánh Kinh:

Bất thọ Tôn Giả giáo,

Vi củ, nhi khinh tiện,

Hủy phạm thanh tịnh giới,

Thị danh chúng vụ quá.

Chẳng nghe tôn trưởng răn,

Trái phép tắc, khinh rẻ,

Hủy phạm giới thanh tịnh,

Đó gọi lỗi các việc.

Thiện tri thức, Bồ Tát dạy răn chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể y giáo phụng hành. Vi củ là phạm quy củ, hủy phạm là phạm giới. Đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế đều nghĩ cách luồn lách chiếm lợi thế, tránh né, chẳng tuân thủ, đều là lầm lạc cả, đều là các lầm lỗi do ham thích lo liệu các việc phát sanh.

Chánh Kinh:

Kỳ tâm đa ức tưởng,

Cần doanh ư thế nghiệp,

Bất năng tu trí đoạn,

Thị danh chúng vụ quá.

Tâm họ lắm nhớ tưởng,

Siêng lo việc thế gian,

Chẳng thể tu trí đoạn,

Đó gọi lỗi các việc.

Tâm kẻ ấy vọng tưởng quá nhiều, luôn nghĩ đến những lợi hại được mất trong sự nghiệp kinh doanh. Bởi thế, kẻ ấy chẳng thể tu trí đoạn. Trí là trí huệ, phá được vô minh. Đoạn là tu định, đoạn được phiền não. Tức là nói bất luận tu học một pháp môn nào, công phu cũng chẳng đắc lực, chẳng thể thành tựu.

Chánh Kinh: Tham tâm hằng xí thạnh. Tâm tham luôn hừng hực. Hằng là thường hằng. Tâm tham ngày càng tăng trưởng.

Chánh Kinh: Nhạo trước ư chư vị. Ưa chấp nơi các vị. Hưởng thụ ngũ dục, lục trần thế gian, kẻ ấy thường tham đắm những vị ấy.

Chánh Kinh: Tằng vô tri túc tâm. Tâm chưa hề biết đủ. Vĩnh viễn chẳng chán đủ, quý vị mới thấy con người như vậy sống khổ sở quá đỗi. Nhọc nhằn, bươn bả đến lúc chết, chẳng đem theo được gì, đúng là muôn thứ đều bỏ sạch, chỉ có nghiệp tùy thân.

Chánh Kinh:

Đắc lợi sanh hoan hỷ,

Vô lợi tiện ưu não,

Tham lận vô nhân tâm,

Thị danh chúng vụ quá.

Được lợi, lòng vui mừng,

Chẳng lợi, bèn sầu khổ,

Tham keo, thiếu lòng nhân,

Đó gọi lỗi các việc.

Nhân là nhân từ, tức là tâm từ bi.

Chẳng có tâm từ bi!

Chánh Kinh: Não hại vô từ mẫn. Não hại chẳng xót thương. Đối với hết thảy chúng sanh, kẻ ấy chỉ tham keo, đoạt lấy lợi ích của hết thảy mọi người để tự mình hưởng thụ, nào có từ bi, thương xót chúng sanh chi đâu.

Chánh Kinh:

Tăng trưởng chư ác nghiệp,

Ái mạn tương triền phược,

Thị danh chúng vụ quá.

Tăng trưởng các nghiệp ác,

Bị dây ái buộc ràng,

Đó gọi lỗi các việc.

Ái là tham ái, tức là phiền não. Tham, sân, si, mạn buộc ràng kẻ ấy.

Chánh Kinh:

Viễn ly ư Sư Trưởng,

Thân cận ác tri thức,

Tẫn xích trì giới nhân,

Thị danh chúng vụ quá.

Xa lìa bậc Sư trưởng,

Thân cận ác tri thức,

Đuổi, chê người trì giới,

Đó gọi lỗi các việc.

Kẻ ấy xa lìa thiện tri thức, thầy tốt, là vì sao?

Chí thú chẳng phù hợp.

Họ thích thân cận ác tri thức vì lẽ gì?

Ác tri thức dạy họ làm sao đạt được danh văn, lợi dưỡng, làm sao tạo tham, sân, si, những kẻ đó chí đồng đạo hợp với họ. Người trì giới chẳng xứng hợp với chuyện kẻ ấy tu, kẻ ấy học. Lẽ đương nhiên bị kẻ ấy bài xích.

Chánh Kinh:

Trú dạ vô dư tưởng,

Duy niệm cầu y thực,

Bất nhạo chư công đức,

Thị danh chúng vụ quá.

Ngày đêm chẳng nghĩ khác,

Chỉ mong được cơm áo,

Chẳng ưa các công đức,

Đó gọi lỗi các việc.

Bài kệ này ý nghĩa dễ hiểu.

Chánh Kinh:

Thường vấn thế gian trí,

Bất nhạo xuất thế ngôn,

Đam ái ư tà thuyết,

Thị danh chúng vụ quá.

Thường hỏi trí thế gian,

Chẳng ưa lời xuất thế,

Yêu đắm các tà thuyết,

Đó gọi lỗi các việc.

Những ngôn luận thường ngày đều là chuyện thế gian, chẳng mảy may dính dáng gì đến liễu sanh tử, xuất tam giới. Họ ưa thích những tà thuyết.

Chánh Kinh:

Tự thị tri chúng vụ,

Khinh mạn chư Tỳ Kheo,

Do như cuồng túy nhân,

Thị danh chúng vụ quá.

Tự ỷ biết các việc,

Khinh mạn các Tỳ Kheo,

Khác nào kẻ say cuồng,

Đó gọi lỗi các việc.

Cậy vào kỹ năng, năng lực làm việc của chính mình, nói như bây giờ là năng lực làm việc rất cao. Trên phương diện sự nghiệp, người ấy đích thực có thành tựu hơn người, họ cậy vào đó, nẩy sanh lòng kiêu mạn, coi thường những người tu hành. Câu tiếp đó là tỷ dụ giống như người say cuồng.

Chánh Kinh:

Thường ty cầu tha đoản,

Bất tự kiến kỳ quá,

Khinh hủy hữu đức nhân,

Thị danh chúng vụ quá.

Thường bới tìm lỗi người,

Chẳng tự thấy lỗi mình,

Khinh hủy người có đức,

Đó gọi lỗi các việc.

Chẳng tự thấy: Chẳng tự thấy lỗi mình, chuyên môn vạch tìm lỗi người khác.

Chánh Kinh:

Như thị ngu si giả,

Vô hữu thiện phương tiện,

Khinh mạn thuyết pháp giả,

Thị danh chúng vụ quá.

Kẻ ngu si như thế,

Chẳng có phương tiện khéo,

Khinh mạn người thuyết pháp,

Đó gọi lỗi các việc.

Khinh thị người tu hành, coi rẻ người thuyết pháp.

Ngay trong phần mở đầu Kinh này, Đức Phật đã nói: Hạng Bồ Tát ngu si, khinh mạn, phỉ báng hai vị Tỳ Kheo thuyết pháp, kết quả là vướng tội nghiệp đọa trong địa ngục A tỳ, địa ngục Đẳng hoạt, địa ngục Thiêu nhiệt, tính theo thời gian trong cõi người là một ngàn tám trăm vạn năm. Bởi thế, tạo tác tội nghiệp rất dễ dàng, phỉ báng chỉ mấy ngày, mấy giờ, nhưng trong tương lai, thời gian phải chịu khổ trong địa ngục dài như thế đó.

Quý vị phải hiểu: Trong Kinh Đức Phật nói một ngàn tám trăm vạn năm là thời gian trong cõi người chúng ta, nhưng người thọ tội trong địa ngục cảm thấy như là vô lượng kiếp vậy.

Trong ngạn ngữ cũng thường nói: Ngày dài như cả năm. Xem ra, thời gian tựa hồ chẳng dài lắm, một ngàn tám trăm vạn năm, nhưng kẻ ấy cảm nhận giống như vô lượng kiếp. Bởi thế, đừng có tạo tội nghiệp. Cũng đừng có nghĩ là chẳng qua Đức Phật dọa dẫm chúng ta, mong chúng ta đừng tạo tội. Chẳng có chuyện như vậy đâu.

Lầm rồi đấy. Tương lai, quý vị đọa lạc, đúng là tự mình làm, tự mình chịu.

Đức Phật thật sự từ bi, nói ra chân tướng sự thật cho chúng ta biết, quý vị vẫn chẳng tin, vẫn muốn tạo tác, còn trách ai nữa đây?

Đọa địa ngục A tỳ thì Phật cũng chẳng thể cứu nổi đâu nghe.

Chánh Kinh:

Như thị hạ liệt nghiệp,

Cụ túc chư quá thất,

Hà hữu trí huệ nhân,

Ái nhạo nhi tu tập?

Nghiệp kém hèn như thế,

Đầy đủ các lầm lỗi,

Có người trí huệ nào,

Lại ưa thích tu tập?

Hai câu đầu tổng kết những điều đã nói, nói chung đều là nghiệp hèn kém, đều là vô lượng vô biên tội lỗi.

Có người trí huệ nào lại ưa thích những việc ấy, chịu làm những việc ấy chăng?

Chánh Kinh:

Thanh tịnh thù thắng nghiệp,

Cụ Túc chư công đức.

Nghiệp thanh tịnh thù thắng,

Đầy đủ các công đức.

Thanh tịnh thù thắng: Nếu quý vị chẳng chú tâm thấu hiểu, quý vị sẽ chẳng đạt được. Nếu quý vị tu hành đúng pháp, quý vị sẽ đạt được. Hai ngày trước có một vị đồng tu ở Hương Cảng trong những năm đầu, tôi giảng Kinh ở Hương Cảng, bà ta là một trong số thính chúng, hôm trước đến đây gặp Quán Trưởng, chúng tôi vừa nhìn đã biết bà ta tu hành khá lắm, tướng mạo bà biến chuyển rất tốt, tu hành thật sự có chút thành tích.

Thành tích là gì?

Thành tích nơi dáng vẻ. Thể chất khỏe mạnh, tướng mạo chuyển biến, dung mạo tươi sáng, đó là biểu hiện tu hạnh bên ngoài của quý vị, người ta thoạt trông biết liền, người như thế rất khó có.

Khi đó, tôi giảng Kinh, đề xướng người thật sự tu hành phải tu tâm thanh tịnh. Muốn thật sự tu tâm thanh tịnh, tốt nhất là báo chí, tạp chí, truyền hình, radio đều tránh xa. Bà ta thật sự nghe theo, gần mười một, mười hai năm chưa từng xem qua báo chí, truyền hình, bà ta rất là vui sướng.

Bả nói: Cái gì tôi cũng không biết, mỗi một ngày thiên hạ thái bình, vui vẻ, sung sướng, cái gì cũng chẳng biết.

Bả nói: Hương Cảng xảy ra chuyện gì đến hỏi tôi, tôi chẳng biết gì. Bả chỉ biết mỗi một việc niệm A Di Đà Phật, mỗi một ngày sống rất sung sướng, chuyện gì cũng chẳng có, do đó, tâm bà ta được thanh tịnh. Bởi vậy, báo chí, tạp chí, truyền hình hại chết người đó nghe.

Mỗi ngày quý vị xem chuyện này, chuyện nọ, tâm quý vị thanh tịnh sao nổi?

Tránh sao khỏi suy nghĩ lung tung?

Bởi thế, nếu thật sự nghĩ muốn cầu thanh tịnh thù thắng, thù thắng là niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật quý vị phải hạ tâm quyết định: Trong một đời này ta nhất định phải thành tựu. Quý vị phải y giáo phụng hành đó nghe. Thời cổ, Tự Viện, Am Đường, Đạo tràng đều dựng trong núi sâu, ở những nơi giao thông rất bất tiện hòng tránh khỏi những chướng ngại. Hiện tại, không thể được. Hiện thời, dù ở trên núi cao, máy truyền hình vẫn có thể nhận sóng.

Thật phiền toái quá. Con người ngày càng khổ sở, càng ngày càng đáng thương. Hiện tại, hạnh phúc tuổi thơ đã mất rồi, trẻ nhỏ hằng ngày xem Ti vi, mới sanh ra đã xem Ti vi.

Bởi thế, trẻ nhỏ mới bảy, tám tháng tuổi đã biết quan sát vẻ mặt, biết lấy lòng người lớn, tâm hài đồng mất tiêu, thiên chân mất tiêu, thật là đáng tiếc. Như vậy thì con người làm sao tái lai cho được.

Chẳng thể tái lai, khổ quá đi. Trong xã hội nông nghiệp trước kia, thời kỳ đồng niên thiên chân tánh hồn nhiên của trẻ thơ đại khái giữ được đến mười lăm, mười sáu tuổi, giữ được đến mười hai, mười ba tuổi rất thường. Mười hai, mười ba tuổi chẳng hiểu gì nhân tình thế sự.

Đúng là một tấm lòng thành son sắt, một phiến thiên chân vậy. Trong xã hội hiện thời, chúng ta chẳng thể thấy tình trạng như xưa nữa. Xưa kia, đi học rất vui sướng. Hiện thời học hành rất khổ sở. Bởi thế, tôi thấy học sinh đi học đeo một cái cặp táp to, nghĩ chẳng muốn làm người nữa.

Làm người, ôi chao. Phải đi học khổ quá, quyết định chẳng muốn tái lai. Trở lại thế gian này, nhất định phải thành Phật, thành Bồ Tát nương theo bổn nguyện tái sanh, chứ tái sanh vì nghiệp lực tái lai thì chẳng được rồi, đời người khổ quá chừng.

Chánh Kinh:

Thị cố hữu trí nhân,

Ái nhạo thường tu tập.

Vì thế, người có trí,

Yêu thích thường tu tập.

Người thật sự có trí huệ, nhất định chọn niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật, quyết định chọn tu tâm thanh tịnh. Điều trọng yếu là thấy thấu suốt, buông xuống. Thật sự thấy thấu suốt và buông xuống, quý vị sẽ được đại tự tại, quý vị mới đạt được hạnh phúc chân chánh. Bởi thế, chẳng buông xuống được là ngu si.

Chánh Kinh:

Nhược nhạo hạ liệt nghiệp,

Trí giả đương ha trách,

Như nhân xả đa tài,

Tham cầu ư thiểu phần,

Thị cố minh trí nhân,

Đương xả hạ liệt nghiệp,

Ưng cầu thắng thượng pháp,

Chư Phật thường xưng thán.

Nếu thích nghiệp kém hèn,

Bậc trí sẽ quở trách,

Như người bỏ nhiều của,

Tham cầu lấy chút phần,

Vì thế, người trí sáng,

Nên bỏ nghiệp hèn kém,

Nên cầu pháp thắng thượng,

Chư Phật thường khen ngợi.

Hai bài kệ này, nửa trước bài kệ dễ hiểu, nửa sau bài kệ là tỷ dụ. Đổ hết tâm cơ kinh doanh sự nghiệp thế gian, được chẳng bù mất. Trong hiện tại ngay cả Phật Pháp cũng bị đem vào sự nghiệp kinh doanh thế gian, đấy là hiện tượng rất phổ biến hiện thời. Dùng Phật Pháp để kinh doanh sự nghiệp thế gian, hại chẳng bù nổi lợi. 

Bởi lẽ, được lợi một tí ti, tổn thất nói bất tận tổn thất là tương lai gánh lấy quả báo.

Có đáng hay không?

Bởi vậy người hiểu rõ, người có trí huệ nhất định buông bỏ, ưng xả hạ liệt: Xả là buông xuống, quyết định chẳng làm những chuyện ấy.

Bách Trượng và Mã Tổ là những vị khai sáng tùng lâm Trung Quốc: Mã Tổ dựng tùng lâm, Bách Trượng lập thanh quy. Điều trọng yếu bậc nhất trong Thanh Quy là tùng lâm coi vô sự là hưng thịnh, câu nói này của Ngài hợp với đạo.

Xuất gia tu hành là tu cái gì?

Tu tâm thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, hoàn cảnh thanh tịnh, đó mới là hưng thịnh. Cũng có nghĩa là Đạo tràng này tương lai sẽ có bao nhiêu người khai ngộ, bao nhiêu người vãng sanh, bao nhiêu người chứng quả, đó mới là hưng thịnh, chứ chẳng phải do tín đồ đông đảo, hương đèn rộn rịp. 

Tín đồ càng đông, nhang đèn càng nhiều, nhưng chẳng có ai vãng sanh hết, ai nấy đều vào tam đồ, có kể là hưng thịnh được hay chăng?

Quý vị phải hiểu điều này. Bởi thế, Đạo tràng trọng chất, không trọng lượng, điều khẩn yếu là thật sự có người thành tựu. Hiện thời, Đạo tràng nào có một, hai người thành tựu, thì Đạo tràng ấy thật sự có công đức, thật sự là phước điền chân thật cho tín đồ. Nếu Đạo tràng nào trong tương lai chẳng có một ai vãng sanh thì không được rồi, quả báo tương lai sẽ như Đức Phật đã nói trong Kinh này. Lại coi tiếp Kinh Văn.

Chánh Kinh: Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn: Hy hữu Thế Tôn! Bỉ Chư Bồ Tát xả ly thù thắng tinh tấn chi nghiệp, nhi nãi phát khởi hạ liệt chi sự, đương tri thị nhân, thậm vi thiểu trí, giác huệ vi thiển.

Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng: Đức Thế Tôn hy hữu! Các Bồ Tát ấy bỏ lìa nghiệp tinh tấn thù thắng, bèn phát khởi những sự hèn kém, phải biết là người ấy rất là ít trí, giác huệ ít cạn. Đây là Di Lặc Bồ Tát nghe Đức Phật khai thị xong, Lão nhân gia bèn nêu cảm tưởng.

Ngài nói: Những Bồ Tát sơ nghiệp ngu si ấy, bỏ lỡ pháp môn tối thù thắng bậc nhất do Chư Phật Như Lai truyền dạy, chẳng chịu tu học, lại đi làm những việc thế gian hèn kém, người như vậy đúng là thiếu trí huệ, đúng là giác huệ ít cạn, kẻ ấy chưa từng giác ngộ. Đến đây là hết đoạn tám.

***