Ñeä Töû Quy laø tri thöùc cuûa ngöôøi xöa ñeå laïi.
Toå Tieân nhaân haäu giuùp ñôõ cho neân
Quoác Gia, xaõ hoäi, ñôøi soáng cuûa Quyù vò
khi thöïc haønh seõ ñöôïc keát quaû toát ñeïp

detuquy.edu.vn

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI - TẬP MƯỜI SÁU

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

GIẢNG GIẢI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI SÁU
 

Chúng ta giảng đến sự nhận thức đối với thiện ác, họa phước, lợi hại, điều này chúng ta đã nói qua mấy lần rồi. Thật ra đây là vấn đề lớn, quyết không phải dùng mấy câu là có thể nói rõ ràng, đặc biệt là đối với một số chúng sanh thời hiện đại, nếu nói không rõ ràng, không thấu triệt thì không dễ dàng lý giải.

Vào thời xưa, Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền giảng Kinh thuyết pháp dễ dàng, ngôn ngữ hàm súc, điểm đến là xong, người nghe hoát nhiên đại ngộ. Chúng sanh thời hiện đại, sự thông minh dường như là hơn hẳn người xưa, nhưng trí tuệ thì thua xa. Đạo lý ở trong đó, chúng ta cũng nên hiểu rõ.

Thứ tám là hành thiện, tích đức có khó, có dễ.

Sao gọi là khó dễ?

Tiên nho vị khắc kỷ, tu tùng nam khắc xứ, khắc tương khứ. Đây là giáo dục Nho Gia. Công phu mà Nhà Nho làm và tu hành mà nhà Phật nói là cùng một ý nghĩa.

Tu hành, hành là hành vi, đem hành vi sai lầm, cách nhìn sai lầm đối với vũ trụ nhân sinh, cách nghĩ sai lầm, cách nói, cách làm sai lầm chỉnh sửa trở lại thì gọi là tu hành.

Sao gọi là sai lầm?

Cái gì là chính đáng?

Chính đáng là thiện, sai lầm là ác. Đoạn ác, tu thiện phải hạ công phu tại chỗ này.

Tập khí ác, thói xấu ác của chúng ta quá nhiều, cải chính như thế nào vậy?

Cổ Thánh Tiên Hiền dạy người, phải bắt tay từ chỗ khó khắc phục nhất. Chỗ khó khắc phục nhất mà bạn có thể khắc phục được thì những cái khác sẽ dễ dàng thôi. Nho, Phật đều nắm vững nguyên tắc này.

Mỗi một người tập khí phiền não không giống nhau, tự mình phải biết, tự mình phải thường xuyên kiểm điểm, phải thường xuyên soi lại, cái nào là tật xấu nghiêm trọng nhất của ta, ta phải bắt tay làm từ chỗ này trước. Tật xấu tham tài thì trước tiên ta ra tay từ bố thí tài, tật xấu tham sắc thì ra tay xa lìa sắc.

Tóm lại, phải biết mình tật xấu ở chỗ nào. Biết được tật xấu của mình thì người này đã giác ngộ rồi. Đem tật xấu sửa đổi lại, đó là công phu thật sự, là công phu thực tiễn, đây là chân tu.

Cho nên tu hành, quý vị nhất thiết không được làm sai. Mỗi ngày đọc mấy quyển Kinh, niệm mấy câu Phật Hiệu, đó không gọi là tu hành, mà đó chỉ là hình thức, không phải thực chất. Phải ở trên thực chất mà hạ công phu.

Hình thức là làm mẫu cho người chưa có học Phật, người vẫn không biết tu hành thấy, đây là thuộc về độ tha. Công phu thực chất mới là tự lợi chân thật. Không có tự lợi thực chất, mà bạn làm ra hình mẫu cho người ta thấy, người ta vừa nhìn đã tỏ rồi, đây là đồ giả, không phải thật, không đáng một xu. Cái giả dạng này chỉ có thể lừa người ngu thế gian.

Thế gian này, người thật sự có kiến thức, có nhãn quan, có đức hạnh, bạn làm sao có thể lừa được họ?

Người ta thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng không nói với bạn mà thôi.

Tại sao không nói với bạn?

Có nói cũng vô dụng, chỉ tạo khẩu nghiệp.

Nói mà bạn không chịu nghe, bạn cũng không chịu sửa thì nói để làm gì?

Bạn thật sự có thể tiếp nhận, có thể hối cải thì những người này sẽ giúp đỡ bạn, sẽ nói cho bạn biết. Bạn không biết hối cải, Phật Bồ Tát nhìn thấy bạn cũng không nói một câu nào, vì không muốn kết oán thù với bạn.

Ở trong đây nêu ra một số công án rất đáng để chúng ta phản tỉnh. Có thể sửa đổi là bước công phu đầu tiên của đoạn ác tu thiện. Tiến thêm một bước nữa, phải có thể nhẫn thì công phu của bạn mới có thể gìn giữ, không bị mất đi. Cho nên, trong Lục độ của Bồ Tát, bố thí có thể tu phước, nhẫn nhục có thể tích đức. Tu phước mà không thể nhẫn được thì chỉ có phước đức, không có công đức. Mọi người chúng ta đều biết, phước đức không thể giải quyết vấn đề.

Sinh tử là việc lớn, đường luân hồi thì hiểm trở, bạn không có công đức chân thật thì làm thế nào đây?

Nhất là hiện nay, trong đời loạn này, mọi lúc mọi nơi, không biết lúc nào chúng ta sẽ gặp tai họa và bị cướp đi mạng sống.

Sau khi mất mạng rồi sẽ đi về đâu?

Đây là vấn đề lớn. Người có sinh thì chắc chắn có tử. Chúng ta không nên kiêng kỵ tử, không nên sợ tử, phải dùng trí tuệ cao độ đối diện với hiện thực, tự cầu phước nhiều. Người chân thật thông đạt Phật Pháp biết được trong Phật Pháp không có sinh tử, mà trong Phật Pháp gọi là chuyển biến.

Đây mới là chân tướng sự thật chân thật. Sinh tử là một sự chuyển biến, dùng cách nói của nhà khoa học hiện nay để nói, đây là sự chuyển biến của không gian và thời gian khác nhau.

Từ cõi người chuyển đến Cõi Trời, thời gian và không gian khác nhau. Chúng ta sống ở không gian ba chiều, Thiên Nhân sống ở không gian bốn chiều, không gian năm chiều.

Tần số không gian càng cao thì càng thay đổi. Không gian của ba đường ác khổ hơn so với nhân gian chúng ta. Nhà Phật không chỉ nói sáu cõi mà còn nói mười pháp giới.

Chúng ta có được thân người, nghe được Phật Pháp, cái duyên này không dễ gì gặp được nên phải biết quý trọng, cố gắng nỗ lực làm một cuộc chuyển biến tốt.

Sự chuyển biến thù thắng nhất, Phật ở trong Kinh Luận nói với chúng ta rất tường tận, thù thắng đứng đầu không gì bằng niệm Phật, niệm Phật vãng sanh bất thoái làm Phật. Đây là sự chuyển biến thù thắng vô song, chúng ta phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.

Không những buông xả triệt để thế duyên, mà Phật Pháp cũng phải buông xả. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn thảy đều buông xả. Dùng tâm chân thành, thanh tịnh vô song tín nguyện niệm Phật, thì chúng ta đời này mới chắc chắn thành tựu.

Niệm Phật mà không thể vãng sanh, nguyên nhân do đâu vậy?

Nguyên nhân là do bạn không buông xả, trong tâm vẫn còn những việc lo lắng bồn chồn, ngoại duyên vẫn bị đủ thứ cám dỗ. Trong ngoài đều không thanh tịnh thì niệm Phật không thể vãng sanh. Cho nên, người tu đạo sống càng đơn giản càng tốt.

Hôm kia cư sĩ Lý nói với tôi, chúng ta thuê được tầng thứ hai của từ đường tộc Đỗ đối diện rồi, chuẩn bị tổ chức lớp bồi dưỡng khóa thứ năm. Địa điểm hội trường ở đây của chúng ta quá nhỏ, nên đã thuê một chỗ khác.

Chúng ta cần phải bố trí lại một chút, chuẩn bị đồ đạc. Hội trưởng Lý dặn dò lại, tất cả phải đơn giản hóa, tủ quần áo, giá sách của mỗi một đồng tu càng đơn giản càng tốt, đồ đạc càng ít càng tốt, đó là chính xác.

Vào thời xưa, người tu hành tuy chưa thể làm được ba y một bát, nhưng đồ dùng cũng không đến nổi quá nhiều. Tôi nhớ, lúc còn trẻ đi xa nhà, đến trường đi học, ở lại trong trường học, vẻn vẹn một cái chăn đệm, một tay nải.

Trong tay nải ấy là mấy bộ quần áo thay đổi, mấy cuốn sách học. Tôi còn nhớ rất rõ ràng, mẹ tôi chuẩn bị cho tôi một cái chăn đệm nặng ba cân, dùng tấm thảm màu xám tro lót ở phía dưới. Lúc đó bản thân còn mang theo cái mùng, vô cùng đơn giản, đâu có phiền phức giống như hiện nay.

Chúng tôi sống chung với nhau, mọi nhu cầu, tư liệu tham khảo thì có phòng thư viện. Trong thư viện, tất cả tư liệu cung cấp cho đại chúng sử dụng, không cần tự trang bị.

Đồ đạc mỗi cái đều tự trang bị, bạn nghĩ thử, việc này có nhọc người hay không?

Tăng thêm gánh nặng thân tâm, trở ngại sự thanh tịnh, bình đẳng, giác của tâm địa. Điều mà chúng ta mong cầu là thanh tịnh, bình đẳng, giác, nhưng trong đời sống thực tế chúng ta đã tạo ra biết bao nhiêu chướng ngại, vậy thì sai rồi.

Sáng sớm hôm nay, tôi còn dặn dò Pháp Sư Ngộ Nhẫn, tôi ở lầu năm, có không ít cư sĩ cúng dường một ít thức ăn cho tôi. Đồ tặng, đồ cúng dường, một cái tủ lạnh chứa không hết, phải chứa hai tủ lạnh, chứa đầy hết cả.

Tôi nói với thầy ấy: Đây là tội lỗi! Chúng ta không ăn hết thì hãy mau đem xuống lầu ba để cúng dường đại chúng, không nên để trong tủ lạnh.

Bản thân không ăn hết, mọi người cũng không ăn được, để trong tủ lạnh sẽ bị thối hết, đó không phải là tạo tội nghiệp sao?

Chúng tôi trên lầu năm chỉ có ba người, tại đây dùng hai cái tủ lạnh là quá dư thừa, hơn nữa đem đồ chất đầy nghẹt trong tủ lạnh, người ta đến nhìn thấy, đây đâu phải người tu hành?

Đây là đang tạo tội nghiệp, quả báo đều ở địa ngục. Cúng dường đại chúng là phước báo. Chúng ta cần thức ăn thì đến lầu ba mà lấy, họ cũng được thoải mái, cũng được tự tại.

Đại Đức xưa dạy chúng ta: Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì. Điều quan trọng nhất là thân tâm thanh tịnh, vì tâm tịnh thì Phật độ Tịnh. Vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, đây là điều kiện quan trọng.

Mục đích của tín nguyện hạnh là cầu nhất tâm bất loạn, cầu tâm địa thanh tịnh. Tín nguyện hạnh mà không đạt được mục tiêu này, không đạt đến nhất tâm bất loạn thì tín nguyện hạnh tan vỡ rồi. Đạo lý này chúng ta phải biết, phải hiểu rõ.

Chân thật học Phật, thật sự muốn vãng sanh thì phải buông xả triệt để, tuyệt đối không có lưu luyến. Niệm niệm nghĩ vì người khác, niệm niệm nghĩ vì chúng sanh, thì mới có thể tương ưng với tâm nguyện của Phật Bồ Tát.

Niệm niệm nghĩ vì bản thân thì sai rồi. Người tại gia nghĩ về gia đình, người xuất gia nghĩ đến cái Đạo tràng nhỏ, đoàn thể nhỏ của họ thì cũng sai rồi. Cho nên, tu đạo mà không thể thành tựu, không biết nguyên nhân nằm ở chỗ nào.

Tôi thường nói ái dục, thị dục, thị là ham thích, ham thích dục vọng, tham ái dục vọng, đây là căn bản phiền não.

Cái thứ này mà không đoạn thì bạn còn có thành tựu gì được?

Phải nhổ sạch cả rễ!

Rễ là gì vậy?

Là ý nghĩ. Trong đời sống thường ngày, ngay cả ý nghĩ cũng không còn sinh khởi nữa thì rễ này mới nhổ sạch. Đây là một bước ngoặc rất khó khắc phục.

Chúng ta từ chỗ khó khắc phục mà khắc phục được, đủ thứ tham ái, đủ thứ ham thích đều đem nó xả cho thật sạch sẽ, thì chúng ta mới có thể được tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải tùy thuận theo giáo huấn chân thật của Phật Bồ Tát, không nên tùy thuận theo tình cảm tầm thường thế gian. Tùy thuận theo thế gian thì vĩnh viễn không thể thoát khỏi luân hồi, tùy thuận giáo huấn Thánh Hiền chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Nếu bạn nhận thức không rõ ràng, không minh bạch thì bạn sẽ không biết lấy bỏ như thế nào.

Chúng ta thử xem, hiện tại thế gian này Đạo tràng nhiều, người tu hành nhiều, bất kể tại gia hay xuất gia, tuy truyền thông phát triển, khoa học kỹ thuật tiện lợi nhưng sự tu hành tại sao không thể thành tựu vậy?

Quý vị thử nghĩ xem, vẫn chẳng qua là hai loại tật xấu này, ái dục, thị dục không buông xả. Hai cái này là gốc bệnh, vô lượng vô biên những triệu chứng đều là từ cái gốc bệnh này sinh ra. Chúng ta có thể từ trong gốc bệnh nhổ bỏ thì sẽ được tự tại.

Đây là nói đến khắc phục tập khí tật xấu của mình, phải bắt tay làm từ chỗ khó nhất. Khó mà làm được mới đáng quý, chỗ dễ dàng thì dễ làm rồi. Việc tích lũy công đức, trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói đến tùy duyên tế chúng. Câu nói này nếu dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói, chính là vì chúng sanh phục vụ. Việc vì chúng sanh phục vụ là quá nhiều, quá nhiều, cho nên ông nói, loại ấy rất nhiều.

Nếu như không xa lìa ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, trong Kinh Kim Cang gọi là bốn tướng: Tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, nhiệt thành vì chúng sanh phục vụ, đây là Thánh Nhân của thế gian. 

Nếu như đem bốn tướng đoạn rồi, thật sự làm được không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả, vì tất cả chúng sanh trong pháp giới phục vụ, đây chính là Phật Bồ Tát, Đại Thánh của xuất thế gian. Thánh Nhân thế, xuất thế gian khác biệt là ở chỗ này, đây là điều chúng ta cần phải hiểu rõ.

Vì chúng sanh phục vụ, ở chỗ này ông Liễu Phàm đã đưa ra mười hạng mục, cũng chính là mười cương lĩnh, đã khái quát tất cả những việc phục vụ.

Thứ nhất là làm thiện với người. Khởi tâm động niệm, biết lấy thiện tâm đối xử với người, dùng thiện tâm để xử thế. Thánh Nhân thế xuất thế gian đều giữ vững nguyên tắc này.

Cho dù đối xử với người ác cũng dùng thiện tâm, thiện ngôn, thiện hạnh. Đối xử với thù địch vẫn là thiện tâm, thiện ngôn, thiện hạnh, vậy mới có thể xưng là thánh.

Tại sao vậy?

Bởi vì tánh người vốn dĩ là thiện, trong Tam Tự Kinh dạy trẻ thơ, câu đầu tiên là nói: Nhân chi sơ, tánh bổn thiện.

Tại sao họ đi làm ác vậy?

Tại sao lại làm oan gia với chúng ta?

Đây là do mê hoặc, là do hiểu lầm, là bất giác. Họ tự mình không biết, còn chúng ta hiểu rõ. Họ dùng tâm ác, hạnh ác đối xử ta, nhưng ta không được phép dùng tâm ác, hạnh ác đối xử họ. Đạo lý ở trong đây họ không sáng tỏ, nhưng chúng ta sáng tỏ.

 Nếu như thường giữ thiện tâm như vậy thì tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh, không có chuyện không thể sống chung.

Người ta không thể chung sống với ta, ta không nên đi quở trách người khác, mà phải xoay trở lại, soi lại chính mình, nếu như bản thân không có lỗi lầm thì sao lại không thể chung sống với người khác được?

Có một số người không rõ tột lý, cứ luôn đem lỗi lầm đẩy cho người khác, cho nên bản thân họ cho dù chăm chỉ tu học, tinh tấn, không biếng nhác cũng không thể chứng quả, thậm chí cũng không thể khai ngộ.

Nguyên nhân là không thể tiêu trừ nghiệp chướng của mình, không biết lỗi lầm của mình ở chỗ nào. Phần trước đã nói, nếu muốn tích lũy công đức thì cần phải ra tay làm từ chỗ khó khắc phục nhất.

Dùng thiện tâm, thiện hạnh đối xử với người ác, đối xử oan gia, đây là một việc rất khó làm, phải bắt tay làm từ chỗ này. Phải bắt đầu làm từ chỗ này thì chúng ta mới thật sự quay đầu, thật sự giác ngộ.

Thứ hai là ái kính tồn tâm. Đặc biệt là chủng tộc khác nhau, Tôn giáo khác nhau, thường xuyên xảy ra hiểu lầm ngăn cách, tạo thành biết bao nhiêu chuyện bất như ý. Nguyên nhân là do đối xử Tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau, tâm kính yêu đã không còn nữa.

Họ không biết hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một thể, là chính mình. Không kính yêu người khác chính là không kính yêu chính mình. Nhà Phật gọi là pháp thân, pháp thân chính là tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới.

Bạn học Phật, bạn phát nguyện muốn thành Phật, thành Phật nhất định phải chứng được pháp thân thanh tịnh.

Bạn đối với chủng tộc khác nhau, Tôn giáo khác nhau, nếu có phân biệt, có chấp trước thì bạn vĩnh viễn không thể chứng được pháp thân, hay nói cách khác, bạn vĩnh viễn không thể viên thành Phật đạo, vậy chẳng phải hại chính mình sao?

Tu hành, trước tiên là phải giác ngộ.

Cổ Đức dạy chúng ta: Tín giải hành chứng. Bạn không có tín giải thì sự hành của bạn là luyện mò, tu mù.

Mình luyện mò tu mù, tự mình có biết hay không?

Không biết! Tự mình cho rằng tu hành rất giỏi, còn muốn dạy người khác. Cho nên, Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết một cách minh bạch, dạy chúng ta không nên tin vào ý của mình, cũng chính là nói không nên tin vào kiến giải của mình, không nên tin vào tư tưởng của mình. Lời Phật nói là lời chân thật.

Đến khi nào bạn được phép tin vào tư tưởng, kiến giải của mình vậy?

Sau khi chứng được A La Hán thì có thể tin vào cách nghĩ, cách nhìn của mình là không sai.

A La Hán là cảnh giới gì vậy?

Kiến tư phiền não của họ đoạn rồi. Chúng ta xem thấy ở trong Kinh Kim Cang, tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả họ đều không còn nữa. 

Không những Tứ Quả A La Hán không còn tứ tướng, mà trong Kinh Kim Cang cũng nói rõ ràng với chúng ta là Sơ Quả Tu Đà Hoàn đã không còn. Hay nói cách khác, bạn vẫn còn bốn tướng này thì Tu Đà Hoàn cũng không chứng được.

Cách nghĩ, cách nhìn của bạn không phải chính xác, là sai lầm. Đem sai lầm cho là chính xác thì chính xác vĩnh viễn lìa xa bạn rồi, vĩnh viễn không thể chứng được.

Cho nên, người mới học Phật Pháp, mới học chính là chỉ trước khi chưa chứng được quả A La Hán, thì không được xa rời Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát giống như bảo mẫu vậy, xa rời họ sẽ xảy ra vấn đề, sẽ xảy ra nguy hiểm, thậm chí là mất cả sinh mạng, trong Phật Pháp gọi là mất huệ mạng.

Chúng ta xem thấy trong Cao Tăng Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Cư Sĩ Truyện, vào thời xưa, người tu hành tại gia hay xuất gia đều không lìa xa thiện tri thức, có người gần gũi thiện tri thức cả đời. Đến khi thiện tri thức vãng sanh rồi thì họ mới xa lìa, mới đi giáo hóa một phương. Ý nghĩa này rất sâu, rất lớn, chúng ta cần thể hội thật kỹ.

Thứ ba là thành nhân chi mỹ. Chúng ta cần phải biết, ta người không hai. Chúng sanh có tâm phân biệt, có tâm chấp trước, Phật Bồ Tát không có, người giác ngộ không có. Chúng ta ở Singapore giao thiệp với các Tôn giáo khác, chúng ta giúp đỡ họ một cách nhiệt thành. Họ làm việc tốt, chúng ta giúp họ thành tựu.

Có rất nhiều người hỏi tôi: Phật Giáo đồ chúng ta nhận số tiền quyên góp cúng dường là để làm việc cho Phật Giáo.

Pháp Sư! Tại sao thầy đi giúp đỡ Tôn giáo khác?

Tôi bảo: Tôi không hề giúp đỡ Tôn giáo khác.

Họ nói: Thầy giúp đỡ nào là Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc Giáo, v.v…

Tôi bảo: Đó đều là Phật Giáo.

Bạn có nghe, ở trong pháp đại thừa có một câu nói là có pháp nào không phải Phật Pháp hay không?

Họ gật đầu, có nghe nói. Những Cơ Đốc Giáo đó cũng là Phật Pháp, Thiên Chúa Giáo cũng là Phật Pháp, Hồi Giáo cũng là Phật Pháp, không có pháp nào không phải Phật Pháp. Tôi không hề giúp ngoại đạo làm việc, tôi giúp Phật Giáo làm việc. Bạn có cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm này là bạn không hiểu về Kinh đại thừa.

Phật dạy chúng ta xả bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn vẫn đang giữ vững kiên cố vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đến ngày nào bạn mới trở thành đệ tử Phật?

Tâm lượng của Phật là tâm bao thái hư, lượng chu sa giới, các bạn đều biết, thường xuyên niệm, niệm luôn bên miệng, nhưng mà tâm lượng của mình vẫn là có chút xíu, vẫn là không thể bao dung người. Chúng ta không có tuân thủ lời giáo huấn của Phật đà.

Các bạn biết yêu thương động vật, yêu thương súc sanh, lẽ nào chủng tộc khác nhau, Tôn giáo khác nhau, bạn liền đối lập với họ sao?

Chúng sanh động vật cũng là chủng tộc khác nhau, tại sao đối với nó thì yêu thương, còn đối với người thì không yêu thương?

Phật Học đi về đâu rồi?

Kinh niệm đi về đâu rồi?

Hồ đồ đến mức không hiểu vì sao. Cần phải giác ngộ. Mở quyển Kinh ra, từng câu từng chữ suy nghĩ thật nhiều, phải nghĩ rõ ràng, nghĩ sáng tỏ.

Thành nhân chi mỹ, nhân ở chỗ này là nghĩa rộng, mười pháp giới, tất cả chúng sanh đều bao gồm ở trong đó. Chỉ cần người ta làm việc tốt, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy rồi, nhất định không được đố kỵ, nhất định không được làm tổn hại, nên phát tâm tùy hỷ công đức, tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Tác thành cho họ chính là tác thành cho chính mình, tác thành cho đức hạnh của mình, tác thành cho tánh đức của mình.

Thứ tư là khuyên người làm thiện. Không những khuyên bằng miệng, mà còn phải khuyên bằng thân. Khuyên bằng miệng là ngôn ngữ, viết thành sách, làm thành văn, cũng được xem là khuyên bằng miệng. Nhất định phải tự thân nỗ lực, phải làm nên tấm gương tốt, đây là khuyên bằng thân.

Phật ở trong Kinh Điển thường hay dạy chúng ta: thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói. Diễn là biểu diễn, biểu diễn là khuyên bằng thân, phải làm nên tấm gương tốt cho người ta thấy, làm mẫu mực cho người, gợi cho người ý nguyện học tập.

Thứ năm là cứu người nguy cấp. Mỗi một điều ở trong đây nói, ý nghĩa đều sâu rộng vô tận. Cứu người nguy cấp là phải biết phòng họa khi chưa xảy ra, tai nạn hiện tiền rồi thì cứu giúp đã không kịp.

Nguy cấp sinh ra từ chỗ nào vậy?

Đều là từ tạo tác ác nghiệp sinh ra. Cứu người nguy cấp thật sự là việc quan trọng, tức là phải dạy họ đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ thì nguy cấp mới có thể thật sự tiêu trừ.

Nhưng bạn thử nghĩ xem, dạy người đoạn ác tu thiện, nếu bản thân không thể đoạn ác tu thiện thì làm sao người ta tin được?

Khuyên người khác chuyển mê thành ngộ, mà mình vẫn mê hoặc điên đảo thì người ta làm sao giác ngộ được?

Cho nên, Chư Phật Bồ Tát tất cả đều bắt đầu làm từ bản thân. Các Ngài dạy chúng ta buông xả danh vọng lợi dưỡng, bản thân các Ngài thật sự làm được rồi, ba y một bát, du hóa nhân gian, thật sự làm được sáu căn thanh tịnh, không nhiễm bụi trần.

Chúng ta nhìn thấy hình ảnh này sẽ cảm tưởng như thế nào?

Có giác ngộ ra từ trên hình tượng, hình ảnh này hay không?

Thật sự giác ngộ ra được thì nhất định sẽ rất hoan hỷ noi theo học tập, vậy là giác ngộ rồi. Nếu như vẫn không làm được là chưa giác ngộ, không những không làm được, mà ý niệm vẫn chưa chuyển được. Việc đầu tiên là chuyển đổi ý niệm, sau đó ở trên sự tướng sẽ không khó làm được. Có một số đồng tu rất muốn học Bồ Tát hạnh, rất muốn tu Bồ Tát Đạo, nhưng mà học thế nào cũng học không giống.

Nguyên nhân do đâu vậy?

Ý niệm chưa chuyển được, vẫn là một cái tâm phàm, vẫn là một cái tâm mê, vẫn sống trong tình chấp như xưa, chưa giác ngộ, cho nên học theo vô cùng vất vả, vô cùng khó khăn, dễ dàng thoái chuyển, đạo lý là ở chỗ này.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà Chư Phật Bồ Tát thị hiện, luôn lấy giảng Kinh thuyết pháp làm hình tượng hàng đầu. Mục đích của giảng Kinh thuyết pháp chính là giúp chúng ta phá mê khai ngộ, sau khi ngộ rồi thì việc gì cũng dễ làm.

Chưa ngộ thì khó, quá khó, quá khó. Cho nên Phật Pháp, không những là Thiền Tông, mà Giáo Hạ cũng như vậy, sau khi ngộ mới khởi tu.

Chưa ngộ thì tu cái gì?

Chỉ riêng Tịnh Tông là đặc thù. Tịnh Tông là giải hành đồng thời cùng tiến. Trong những pháp môn khác đều là sau khi ngộ thì mới khởi tu, không ngộ là không có chỗ hạ thủ. Sự thù thắng của Tịnh Tông chính là không ngộ, một câu A Di Đà Phật thành thật niệm.

Một mặt niệm Phật, một mặt cầu giác ngộ, đồng thời tiến hành một lúc. Trong vô lượng pháp môn chỉ có một pháp môn này, cho nên gọi là giáo ngoại biệt chìm.

Không phải nói người niệm Phật thì không cần cầu giác ngộ, đặc biệt là người muốn phát tâm hoằng pháp, không giác ngộ thì lấy gì hoằng pháp, lấy gì để dạy người?

Cho nên giác ngộ là vô cùng quan trọng. Thật sự giác ngộ thì nguy cấp mới có thể xa lìa, bạn cũng có năng lực cứu người nguy cấp. Mười câu này chúng ta đã giảng qua một nửa.

Thời gian đã hết rồi, hôm nay chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

***